26/10/2020 15:09 GMT+7

Hai thứ trưởng Bộ Tài chính ký nhiều văn bản liên quan vụ Út 'trọc'

THÂN HOÀNG - TUYẾT MAI
THÂN HOÀNG - TUYẾT MAI

TTO - Liên quan vụ án bị can Đinh Ngọc Hệ (Út 'trọc') chiếm đoạt tiền thu phí hơn 720 tỉ đồng, cơ quan điều tra cũng đề nghị xử lý kỷ luật về Đảng và chính quyền đối với những cá nhân liên quan thuộc Bộ Tài chính.

Hai thứ trưởng Bộ Tài chính ký nhiều văn bản liên quan vụ Út trọc - Ảnh 1.

Bị can Đinh Ngọc Hệ bị xác định chiếm đoạt hơn 725 tỉ đồng của Nhà nước - Ảnh: NAM TRẦN

Ngày 26-10, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành cáo trạng vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh, Tổng công ty Cửu Long và các đơn vị liên quan trong việc đấu thầu và thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Viện kiểm sát đã truy tố các bị can Đinh La Thăng, cựu bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Nguyễn Hồng Trường, cựu thứ trưởng bộ này; Đinh Ngọc Hệ, cựu chủ tịch hội đồng quản trị, cựu tổng giám đốc Công ty Thái Sơn cùng 17 bị can khác.

Trong vụ án này, Viện kiểm sát xác định từ chỉ đạo của cựu bộ trưởng Đinh La Thăng, cựu thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, công ty của bị can Đinh Ngọc Hệ (Út "trọc") đã trúng đấu giá quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương, từ đó chiếm đoạt tiền thu phí hơn 725 tỉ đồng.

Về trách nhiệm Bộ Tài chính, theo cáo trạng, quá trình xây dựng đề án bán quyền thu phí, bộ này có 3 văn bản tham gia ý kiến gửi Bộ Giao thông vận tải.

Cụ thể, ngày 15-4-2013, bà Nguyễn Thị Minh, thứ trưởng Bộ Tài chính, ký văn bản có nội dung: "Đồng ý, thống nhất với Bộ Giao thông vận tải chuyển giao quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương trong 5 năm".

Tiếp đó, ngày 29-7-2013, ông Nguyễn Hữu Chí, thứ trưởng Bộ Tài chính, ký văn bản có nội dung: "Đề nghị Bộ Giao thông vận tải quyết định mức giá khởi điểm bán đấu giá quyền thu phí; thành lập hội đồng bán đấu giá hoặc thuê tổ chức có chức năng bán đấu giá quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương theo quy định".

Ông Chí cũng ký văn bản khác có nội dung: "Do đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương là tài sản đường bộ có tính chất chuyên ngành, nên trường hợp Bộ Giao thông vận tải thành lập hội đồng bán đấu giá, Bộ Tài chính đề nghị lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải làm chủ tịch hội đồng. Trong trường hợp đã hết thời hạn đăng ký tham gia đấu giá mà có ít hơn 2 người tham gia đủ điều kiện tham dự đấu giá thì xử lý như sau: Trường hợp chỉ có một người đăng lý mua tài sản và có văn bản trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm, hội đồng xem xét quyết định việc bán chỉ định...".

Viện kiểm sát kết luận việc Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông vận tải làm chủ tịch hội đồng bán đấu giá, và hướng dẫn Bộ Giao thông vận tải áp dụng nghị định 52 năm 2009 của Chính phủ để bán chỉ định đối với tài sản Nhà nước, trong trường hợp chỉ có một người tham gia đấu giá là chưa phù hợp theo một số nghị định khác của Chính phủ.

Tuy nhiên, do quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương là tài sản đặc thù có tính chuyên ngành, vì vậy Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông vận tải làm chủ tịch hội đồng bán đấu giá.

Về việc bán chỉ định, Bộ Tài chính hướng dẫn áp dụng trong trường hợp khi hết thời hạn đăng ký tham giá đấu giá chỉ có một người đăng ký. Trong vụ án này, khi hết thời hạn vẫn có 2 đơn vị đăng ký, nhưng bị can Dương Minh Tuấn chỉ ký giấy mời một đơn vị là Công ty Yên Khánh, và tổ chức bán đấu giá theo hình thức chỉ định, không báo cáo xin ý kiến Bộ Tài chính.

Vì vậy, Viện kiểm sát cho rằng cơ quan điều tra không xem xét xử lý hình sự, mà kiến nghị xử lý kỷ luật về Đảng và chính quyền đối với những cá nhân có liên quan thuộc Bộ Tài chính là phù hợp.

Cũng theo cáo trạng, các thành viên Hội đồng bán đấu giá tài sản, gồm ông La Văn Thịnh, phó cục trưởng Cục Quản lý công sản Bộ Tài chính; ông Hồ Hữu Hòa, phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Giao thông vận tải; ông Nguyễn Văn Bốn, cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Bộ Tư pháp; ông Nguyễn Xuân Cường, phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Kết quả điều tra xác định các cá nhân trên không nhận được báo cáo của tổ thường trực giúp việc về việc báo cáo kết quả đánh giá hồ sơ năng lực của Công ty Yên Khánh và Công ty Khánh An; không được chủ tịch Hội đồng bán đấu giá mời họp để đánh giá hồ sơ tham gia đấu giá quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương của Công ty Yên Khánh và Công ty Khánh An.

Ông La Văn Thịnh và ông Hồ Hữu Hòa tham gia, ký vào biên bản bán đấu giá ngày 15-11-2013. Tuy nhiên, Cơ quan điều tra cho rằng do quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương là tài sản đường bộ mang tính chất chuyên ngành, đặc thù, theo đó Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chủ trì trong quá trình thực hiện chuyển giao quyền thu phí theo chủ trương của Chính phủ.

Theo Cơ quan điều tra, việc ông La Văn Thịnh và ông Hồ Hữu Hòa ký vào biên bản bán đấu giá chỉ mang tính chất thủ tục theo quy chế bán đấu giá quyền thu phí đã được phê duyệt.

Viện kiểm sát cho rằng Cơ quan điều tra không xử lý hình sự đối với ông La Văn Thịnh, Hồ Hữu Hòa là phù hợp, nhưng cơ quan chủ quản cần phải xử lý hành chính nghiêm khắc.

Truy tố cựu bộ trưởng Đinh La Thăng và cựu thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường Truy tố cựu bộ trưởng Đinh La Thăng và cựu thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường

TTO - Cựu thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường, ông Đinh La Thăng và đồng phạm bị truy tố vì có những vi phạm pháp luật nghiêm trọng để bị can Đinh Ngọc Hệ (Út 'trọc') lừa đảo chiếm đoạt tiền thu phí hơn 725 tỉ đồng.

THÂN HOÀNG - TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên