11/05/2022 09:08 GMT+7

Hàng công nghệ đứng vững trong khi nhiều ngành hàng lao đao vì Trung Quốc phong tỏa

ĐỨC THIỆN
ĐỨC THIỆN

TTO - Nhờ chuẩn bị trước và kết hợp giải pháp mới, nhiều doanh nghiệp bán lẻ cũng như sản xuất hàng công nghệ tại Việt Nam ít bị ảnh hưởng bởi tình trạng đóng cửa nhiều thành phố lớn của Trung Quốc.

Hàng công nghệ đứng vững trong khi nhiều ngành hàng lao đao vì Trung Quốc phong tỏa - Ảnh 1.

Nhiều mặt hàng công nghệ "về hàng đều" do đa dạng hóa nguồn cung - Ảnh: ĐỨC THIỆN

Nhiều lĩnh vực khác lao đao, nhưng đa số nhà bán lẻ công nghệ cũng như công ty sản xuất mảng này tại Việt Nam vẫn đủ hàng.

"Hàng vẫn về đều…"

Ngày 9-5, hệ thống bán lẻ FPT Shop & F.Studio công bố chính thức mở bán điện thoại iPhone SE (phiên bản 2022) chính hãng với giá chỉ từ 11,99 triệu đồng, trở thành chuỗi bán lẻ đầu tiên tại Việt Nam lên kệ sản phẩm chính hãng mới nhất của Apple.

Khách mua đã đặt hàng có thể đến nhận máy trong ngày mở bán. Cuối tháng 4 vừa qua, hệ thống này cũng vừa khai trương cửa hàng bán đồ gia dụng thứ 100 tại Việt Nam với nguồn cung phong phú từ các đối tác trong ngành hàng gia dụng như Kangaroo, Hafele, Coway, Robotics, Sunhouse…

Trái với một số thông tin lo ngại tình trạng khan hàng các sản phẩm công nghệ, đặc biệt là smartphone, có thể xảy ra ở Việt Nam do tác động từ tình hình ở Trung Quốc, các hệ thống bán lẻ đều tỏ ra "dư sức" đáp ứng nhu cầu, kể cả một số mặt hàng điện máy và điện gia dụng.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, bà Ánh Hồng, đại diện hệ thống bán lẻ 24hStore, tỏ vẻ phấn khởi: "Hàng chất đầy kho, chỉ lo thiếu khách".

Không chỉ hệ thống bán lẻ, nhiều nhà sản xuất sản phẩm điện tử, công nghệ cũng tự tin khẳng định sẽ đảm bảo nguồn cung… nhờ đã có sự chuẩn bị từ trước.

Ông Phan Doãn Thái Bình, đại diện kinh doanh nhãn hàng điện tử JBL tại Việt Nam, cho biết tình hình tại Trung Quốc "không ảnh hưởng đáng kể tới hàng hóa và kế hoạch tăng trưởng". Theo ông Bình, hãng không duy trì cố định một số điểm cung ứng hàng hóa và luôn có phương án dự phòng.

Cũng có nhiều doanh nghiệp tỏ ra thận trọng. Đại diện hãng máy tính Dell trả lời Tuổi Trẻ "đang đánh giá tình hình và sẽ tiếp tục tận dụng sự linh hoạt về quy mô hiện có, cũng như khả năng mở rộng của chuỗi cung ứng".

Hay như chia sẻ của bà Nguyễn Thu Huyền, giám đốc marketing thương hiệu điện thoại Vivo tại Việt Nam: "Chúng tôi hiện vẫn duy trì được tình hình nguồn hàng cũng như nỗ lực để giảm tối thiểu những nguy cơ có thể xảy ra".

Tất nhiên, tình hình đóng cửa nhiều trung tâm kinh tế tại Trung Quốc có tác động, đặc biệt với hàng xách tay. Theo một nhà phân phối lớn tại Việt Nam, iPhone xách tay từ Thâm Quyến (Trung Quốc) chiếm 50% nên iPhone xách tay sẽ tăng giá trong thời gian tới.

Chúng tôi xem đây là cơ hội để hàng chính hãng vươn lên chiến thắng hàng xách tay.

Bà Ánh Hồng (đại diện hệ thống bán lẻ 24hStore)

Phải chuẩn bị phương án lâu dài

Theo chia sẻ từ nhiều hệ thống bán lẻ sản phẩm công nghệ tại Việt Nam, dù trước mắt chưa chịu tác động từ việc Trung Quốc phong tỏa một số trung tâm kinh tế, nhưng nếu tình trạng diễn ra dài sẽ ảnh hưởng đến tốc độ và chủng loại hàng phục vụ thị trường. Do đó, nhiều doanh nghiệp đã "kích hoạt" các kế hoạch dự phòng.

Ông Nguyễn Thế Kha, giám đốc khối viễn thông di động FPT Shop, cho hay đã chuẩn bị nguồn cung từ nhiều nước khác nhau và sản xuất dư lượng hàng hóa khi tình hình vẫn tốt.

Còn tại hệ thống Di Động Việt, tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Đạt khẳng định nhờ đã có kế hoạch từ quý 4 năm trước nên hiện các mặt hàng thiết bị di động, phụ kiện tại hãng sẽ không bị ảnh hưởng nhiều đến hết quý 3 năm nay.

Ông Ng Tian-Chong, giám đốc điều hành Hãng HP tại khu vực Đông Nam Á và các thị trường mở rộng như Hàn Quốc, Nhật Bản…, cho hay dù có ảnh hưởng ít nhiều nhưng HP đang cố gắng phi tập trung hóa chuỗi cung ứng của mình để tạo sự cân bằng với bên ngoài Trung Quốc.

"Chúng tôi sẽ đưa nhà máy sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc vào Đông Nam Á, châu Âu và châu Mỹ. Tiến trình này đã và đang diễn ra đúng kế hoạch", ông Ng Tian-Chong nói.

Mỹ, Nhật muốn ASEAN tham gia chuỗi cung ứng để giảm lệ thuộc Trung Quốc Mỹ, Nhật muốn ASEAN tham gia chuỗi cung ứng để giảm lệ thuộc Trung Quốc

TTO - Trong nỗ lực tìm giải pháp giảm lệ thuộc vào Trung Quốc, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden mong muốn có được sự hợp tác về chuỗi cung ứng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

ĐỨC THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên