16/10/2021 09:56 GMT+7

Hậu COVID-19, nhiều nước 'khát' lao động

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Từ các kho hàng ở Mỹ đến nhà máy giết mổ ở Anh, từ các nhà máy ở Đức đến các công ty bán lẻ ở Nhật đều đang 'khát' lao động để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế đang ở giai đoạn hồi phục.

Hậu COVID-19, nhiều nước khát lao động - Ảnh 1.

Nhu cầu tuyển dụng lao động làm việc tại các kho hàng ở Mỹ đang rất lớn - Ảnh: Reuters

David, một công nhân từng làm việc trong kho hàng của Amazon ở bang Washington (Mỹ), cho biết đã bỏ việc ngay từ ngày đầu tiên vì không thể đứng liên tục 10 tiếng mỗi ngày.

Sáng tạo để tuyển người

Theo tường thuật của báo Washington Post, việc thuê nhân công cho các kho hàng lớn ở Mỹ hiện gần như bế tắc, các khoản ưu đãi cũng không đủ hấp dẫn để thu hút họ.

Sabrina Wnorowski, phó chủ tịch Công ty cung ứng nhân sự Radial ở Mỹ, cho biết để tuyển 27.000 nhân viên kho hàng trong năm nay cho các công ty đối tác, công ty của cô đã phải nghĩ ra các sáng kiến thu hút người lao động đến hội chợ việc làm thông qua treo giải xổ số với phần thưởng là máy chơi game PlayStations, tiệc pizza.

Thông báo tuyển người trong ngành kho hàng và vận tải đạt mức cao kỷ lục trong tháng 7-2021 ở Mỹ để chuẩn bị cho mùa bán hàng cao điểm cuối năm. Điều này buộc các nhà bán lẻ phải sáng tạo hơn trong cách thu hút những người lao động như hứa hẹn các ưu đãi tài chính, giảm yêu cầu đầu vào. Tuy nhiên, công việc này vẫn rất khó tuyển người.

Điều tra của báo New York Times đầu mùa hè năm nay cho biết rất nhiều người chỉ làm việc tại các kho hàng của Amazon trong vài ngày hoặc vài tuần. Tỉ lệ nghỉ việc cao hoặc không gắn bó lâu dài tại các kho hàng liên quan điều kiện làm việc không hấp dẫn, lương thấp và không có triển vọng phát triển.

Hơn thế, người Mỹ đang nghỉ việc nhiều nhất trong 20 năm qua. Theo Đài CNN, khảo sát về việc làm lao động công bố ngày 12-10 ở Mỹ cho thấy một số lượng kỷ lục là 4,3 triệu người Mỹ đã bỏ việc trong tháng 8-2021 (khoảng 2,9%). Tỉ lệ của tháng 7-2021 là 2,7%. Số người bỏ việc tăng cao trong dịch vụ lưu trú và ăn uống, bán sỉ và giáo dục.

Joe Brusuelas, nhà kinh tế trưởng tại RSM - mạng lưới các công ty kiểm toán, thuế và tư vấn độc lập ở Mỹ, cho biết nhiều người lao động muốn thương lượng về mức lương, điều kiện, hình thức làm việc và sẵn sàng từ bỏ công việc mình không thích, tìm kiếm những công việc mới. Quyết định này không chỉ do vấn đề kinh tế đơn thuần mà là sự đánh giá lại rộng hơn về chất lượng và mục đích sống.

Đại dịch COVID-19 đã thay đổi nhiều thứ và các điều kiện về "phúc lợi" của người lao động nay bao gồm cho phép họ làm việc tại nhà. Hiện tượng này "là những gì xảy ra sau các cuộc chiến tranh quy mô lớn hoặc suy thoái và sẽ mất một thời gian để giải quyết", ông Brusuelas cho biết.

Linh động chính sách

Ngày 14-10, Vương quốc Anh cho biết sẽ cấp visa (thị thực) khẩn cấp cho 800 thợ giết mổ gia súc người nước ngoài để tránh phải tiêu hủy những con heo sắp đến kỳ xuất chuồng vì nhiều lao động phổ thông trong ngành thịt heo và công nghiệp thực phẩm đã về quê nhà trong đại dịch và không quay trở lại.

Thông báo của chính quyền nhằm đáp lại lời kêu cứu của ngành chăn nuôi do ngành thịt heo đang tồn khoảng 120.000 con heo tại các chuồng trại không có người giết mổ, theo Hiệp hội Heo quốc gia Anh.

Tháng trước, Anh thông báo kế hoạch cấp visa tạm thời cho 5.000 tài xế xe tải và 5.500 công nhân chăn nuôi gia cầm. Quy định áp dụng với tài xế nước ngoài đã được nới lỏng để họ có thể thực hiện bao nhiêu chuyến xe tùy ý trong khoảng thời gian hai tuần.

Mặc dù chính phủ vẫn muốn các doanh nghiệp đầu tư vào lực lượng lao động Anh hơn là dựa vào lao động di cư nước ngoài giá rẻ, nhưng theo các bộ trưởng Anh, tình hình rất phức tạp trong đó có yếu tố người bản địa không làm những công việc này nên có thuê cũng không ra người. Một số công ty giết mổ ở Anh có tỉ lệ lao động nhập cư từ 62 - 85%.

Tại Đức, theo truyền hình DW, do dân số già vì tỉ lệ sinh thấp, nền kinh tế lớn nhất của Liên minh châu Âu cho biết cần ít nhất 400.000 lao động nước ngoài có kỹ năng, từ y tá, chuyên gia về khí hậu, xuất nhập khẩu, giáo dục... mỗi năm trong năm nay và các năm tới.

Johannes Vogel, người phát ngôn về chính sách lao động của Đảng Dân chủ tự do ở Đức, kêu gọi Đức cần hiện đại hóa quy định về nhập cư và nên có thang điểm di cư như cách Canada và New Zealand đã làm từ lâu để thu hút những người di cư có kỹ năng mà nền kinh tế cần. Thái độ bài ngoại, phân biệt đối xử với lao động di cư sẽ phải thay đổi.

Nhật thu hút lao động lớn tuổi

Theo Nikkei Asia, nhiều công ty bán lẻ ở Nhật đã bỏ giới hạn độ tuổi của nhân viên do tình trạng thiếu lao động trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang phục hồi sau đại dịch COVID-19. Bắt đầu từ tháng 10 năm nay, chuỗi cửa hàng thiết bị điện tử Nojima bỏ quy định giới hạn độ tuổi nhân viên là 80 tuổi và sẽ tuyển dụng thêm người hơn 80 tuổi làm việc.

Công ty sản xuất dây kéo YKK cho phép người đến tuổi nghỉ hưu tiếp tục làm việc với đầy đủ quyền lợi về lương bao lâu tùy ý nếu người quản lý đánh giá cao.

Lượng lớn lao động trẻ Bình Dương Lượng lớn lao động trẻ Bình Dương 'khát' nhà ở giá rẻ

Thừa hưởng nhiều lợi thế của vùng cùng với chiến lược phát triển dài hạn, trong những năm qua Bình Dương đã khẳng định là trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên