08/02/2020 15:41 GMT+7

Hãy bình tĩnh như hệ miễn dịch

T.L. lược dịch (theo Aeon)
T.L. lược dịch (theo Aeon)

TTO - Đã đến lúc cần 'giải oan' và 'giải giáp' cho hệ miễn dịch. Cơ thể ta không phải một chiến trường, với các tế bào miễn dịch luôn phải đằng đằng sát khí nơi tiền tuyến…

Hãy bình tĩnh như hệ miễn dịch - Ảnh 1.

Hệ miễn dịch trong cơ thể người không chỉ là một cỗ máy chiến đấu, mà còn là một nhà ngoại giao và một người thương thuyết - Ảnh: Spectrum

Jon Turney là một cây bút người Anh chuyên về khoa học. Ông tự hào có hệ miễn dịch mạnh khỏe, bằng chứng là xung quanh người người la liệt cúm, ông thì không. 

Thế nhưng, Jon Turney cũng tự nhận mình là người luôn sống trong mâu thuẫn: ông băn khoăn khi thấy đời sống sức khỏe của mình nhìn ngoài có vẻ phẳng lặng bình yên, nhưng bên trong cơ thể, theo những gì được giáo dục từ nhỏ, ông biết đó là cả một cuộc chiến sôi sục ngày đêm, của một hệ miễn dịch giương vi giương vẩy chống lại các mầm đe dọa từ ngoài vào.

Turney kể lại Tập đoàn dược Immitec của Na Uy vài năm trước có đăng một video trên YouTube, trong đó có một tế bào sống rất to, nhìn qua kính hiển vi, đang lừ lừ tiến tới những đốm nhỏ đen đen và nuốt trọn. "Người hùng" to béo ấy là bạch cầu đang làm nhiệm vụ. Lời thuyết minh cho biết nó "săn tìm và giết vi khuẩn".

Mang khuôn mặt "ác" quá lâu

Rất, rất nhiều video như vậy, tuy không sai nhưng cho người ta một cái nhìn "nhất trí" rằng để sống được trên đời này, trong lòng ta là cả một cuộc chiến sinh tử; trong mạch máu, trong các mô cơ thể dày đặc các chiến binh săn lùng và tiêu diệt, và hệ miễn dịch là phòng tuyến đầu tiên - đội cảm tử quân chỉ có giết và giết. Turney nói có cả một cuốn sách cho trẻ con hồi những năm 1990 nói về chuyện này, tên sách là Cell Wars (Những trận chiến tế bào).

Turney không phủ nhận công lao của các nhà khoa học, như Edward Jenner là người nghĩ ra việc tiêm chủng đậu mùa vào năm 1796, cứu được bao nhiêu người. Hay như Louis Pasteur, mà nhiều người ở nước ta phải cảm ơn vì đã bị chó làng cắn nhiều lần nhưng nhờ văcxin bệnh dại của ông mà thoát chết. 

Hệ miễn dịch tự mình thôi không chống được các bệnh nguy hiểm kia, phải có văcxin đưa vào "làm mồi", và phần còn lại (nhân lên, tăng cường, chiến đấu và chiến thắng) là của hệ miễn dịch. Đúng là có phần như vậy, nhưng rồi theo đà ấy, vai trò của hệ miễn dịch trong mắt người ta ngày càng có vẻ hiếu chiến. Nghĩ tới hệ miễn dịch là nghĩ tới chiến thắng một quân thù.

Hệ miễn dịch càng mang dáng vẻ của một chiến binh khi nhà khoa học Nga Élie Metchnikoff đoạt giải Nobel năm 1908 vì phát hiện thực bào - với các tế bào dũng cảm chuyên nuốt các vi khuẩn nhỏ hơn hoặc các phần tử có độc khi chúng dám chui vào máu ta.

Thế rồi nửa đầu của thế kỷ 20, Turney nhắc lại, các nhà khoa học vùi đầu vào nghiên cứu các đáp ứng miễn dịch trước vi khuẩn, tế bào lạ. Họ quan sát bằng kính hiển vi xem cái gì bám vào cái gì, cái gì ăn cái gì, cái gì chết, cái gì tái sinh. 

Họ làm ra một loạt văcxin mới. Họ nghĩ ra bao nhiêu tên gọi cho các phân tử "chiến binh" thấy trong máu, mỗi kẻ một công dụng: antitoxin chuyên kháng chất độc của vi khuẩn, precipitin đu lấy "kẻ thù" làm chúng kết tủa, bacteriolysin làm vỏ của vi khuẩn bị rữa ra, agglutinin làm kẻ thù đông thành rau câu, opsonin chỉ điểm để vi khuẩn dễ bị ăn thịt… 

Hệ miễn dịch nhiều vũ khí đến nỗi nhà khoa học Anh John Maynard Smith từng thốt lên với Turney rằng: "Vấn đề với sinh học ngày nay là có quá nhiều thứ quái quỷ!".

Và rồi, may mắn thay, "những thứ quái quỷ" ấy cũng được quy về một mối, là "kháng thể", như nhà khoa học Đức Paul Ehrlich từng đoạt Nobel mấy chục năm trước đã gọi tên. Cũng có vài người thắc mắc nếu anh hùng được sinh ra là do có quân thù, tức kháng thể được sinh ra nhờ phản ứng với vật lạ xâm nhập; mà quân thù thì đông lắm, làm sao anh hùng sinh ra kịp? Phải có cơ chế nào khác để giữ được trạng thái yên bình căn bản của cơ thể con người chứ? 

Nhưng câu hỏi đó không có lời đáp. Đã bảo rồi, miễn dịch tức là chống trả và tiêu diệt - là một cuộc chiến.

Hãy bình tĩnh như hệ miễn dịch - Ảnh 2.

Ông Vương, bệnh nhân 91 tuổi bị nhiễm corona ở Trung Quốc, xuất viện ngày 7-2 cùng lời khuyên: "Muốn trị bệnh này, thứ nhất phải tin vào bác sĩ và tích cực hợp tác chữa trị. Thứ hai là phải ăn uống thật tốt, điều này rất quan trọng" - Ảnh chụp màn hình Chinanews.com

Hẳn phải có một phương sách khác?

Nhưng đánh nhau mãi cũng phải mỏi chứ? Và để sống được trong đời, giữa tỉ tỉ vi khuẩn luôn luôn thay đổi cũng như môi trường ngày càng tệ đi vì hóa chất, liệu hệ miễn dịch mà hung hăng như thế thì có hợp lý không? Turney không tin vào lý thuyết "chỉ chiến và chiến" ấy.

Ta cứ tưởng tượng gia đình ta xưa mua được nhà trong một xóm giang hồ. Nhà ta sống được vui vẻ ở đó suốt 60 năm. Rõ ràng nếu suốt ngày cầm mã tấu, thủ gạch trong tay thì không thể ở đó lâu chừng ấy. Rõ ràng phải có một cơ chế khác để "chung sống". Có lẽ đó là cách vận hành "ẩn", là thực chất của hệ miễn dịch, bên cạnh những lần "hạ thủ" chỉ khi thực sự không còn cách nào khác.

Theo Turney, các phát hiện đua nhau ra đời, khoa học tìm ra thêm nhiều cơ chế bảo vệ/tuần tra/tiêu diệt của hệ miễn dịch, tinh vi hơn. Nhưng càng phát hiện, người ta càng thấy hệ miễn dịch không phải là một hệ tách biệt, mà là một hệ bao trùm, "len lỏi trong dân", rằng trong cơ thể ta hình như mọi thứ đều có liên hệ với nhau cả. Và hệ miễn dịch không nằm ở một chỗ nhất định, mà đa dạng, đa diện, lan tỏa. Ở đâu cũng có đại diện của hệ ấy, trong máu, trong mồ hôi và trong cả nước mắt.

Thế rồi, trong một bài báo in trên tờ Science hồi năm 2002, Polly Matzinger, nhà nghiên cứu tại Viện Sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ, đã đề xuất một lý thuyết: miễn dịch "được kiểm soát bằng một sự đối thoại nội bộ giữa các mô cơ thể với các tế bào của hệ miễn dịch". 

Đại loại, theo Matzinger, thay vì coi hệ miễn dịch là một "Bộ quốc phòng", ta nên coi đó là một "Bộ an sinh" với hàng loạt khả năng đáp ứng trước mọi loại thương tổn đến với cơ thể. Quan điểm này của Matzinger chỉ ra một hướng nhìn khác, bớt đối đầu hơn, bớt phân biệt ta và địch, có tính hợp tác hơn, "hiểu nhau" hơn.

Trong nhiều năm qua, khoa học đã ngả nhiều theo hướng này. Cuộc "đối thoại" ấy được tìm hiểu sâu hơn. Người ta lại thấy cuộc đối thoại ấy không chỉ diễn ra giữa các tế bào của cơ thể, mà "chúng ta thường trực trò chuyện với các tế bào vi khuẩn sống trong chúng ta, trên chúng ta, đặc biệt là hàng tỉ tỉ vi khuẩn trong ruột ta".

Nobel Hòa bình cho hệ miễn dịch

Từ thế kỷ 19, người ta đã biết trong đường ruột mỗi người là cả một vũ trụ vi sinh vật. Nhưng sự đa dạng của chúng, tác dụng của chúng thì mãi đến khi có kỹ thuật phân tích DNA người ta mới biết. Hóa ra nhiều vi khuẩn trong số đó không hề là kẻ thù. Chúng là bạn, giúp ta chẻ nhỏ thức ăn mà tiêu hóa, giúp ta làm ra các vitamin, sống hài hòa nhịp nhàng với ta, mà chỉ… bụng ta mới hiểu.

Sự thân ái đó khiến ta phải nhìn lại vai trò của hệ miễn dịch, có đúng là chỉ để chống lại "kẻ lạ" không? Turney ví von bộ ruột như một sân tennis xù xì, chứa đầy các tế bào miễn dịch. Mỗi ngày ruột tiếp xúc đủ loại thực phẩm từ các nguồn đa dạng, các tế bào miễn dịch tại đó cũng phải "nếm" đủ các món lạ, "điểm danh" các vị khách lạ khác nhau, nếu là một trận chiến tống khứ kẻ lạ, hệ miễn dịch có làm nổi không? Không, có lẽ hệ miễn dịch đã không dại dột mà đánh nhau liên tục như thế.

Năm 2007, nhà động vật học Mỹ Margaret McFall-Ngai trên Nature đã cho rằng vai trò của hệ miễn dịch không phải là "tìm diệt", mà chính là tìm ra cái gì để không diệt. Quả vậy, hệ miễn dịch không những để cả một rừng khuẩn sống yên ổn trong ruột, nó thậm chí còn khuyến khích những con nào có lợi sinh sôi nhiều hơn. Ví dụ, người ta thấy trong hệ miễn dịch có globulin A chuyên giúp các vi khuẩn tốt bám vào được thành ruột, tạo thành một màng sinh học chắc chắn để bảo vệ ruột.

Như cách ví von của McFall-Ngai, hệ miễn dịch có phần nào giống như các chú bảo vệ quán bar, "nâng sợi thừng nhung lên cho các khuẩn tốt đi qua và tỏ thái độ với những kẻ không được tốt". Hệ miễn dịch giữ cho cơ thể với hệ vi khuẩn được thăng bằng. Và đúng bản chất của một cuộc đối thoại, cũng có lúc này lúc kia, lúc nào cũng có hoạt động và phản ứng, nhưng là để giữ cho hòa bình. Giải Nobel hòa bình có lẽ một lúc nào đó nên trao cho hệ miễn dịch!

Cuối bài viết của mình, Turney kết luận rằng đây hoàn toàn không phải là vẽ lại bức tranh về hệ miễn dịch. Trên thực tế, nhiều tế bào của hệ này quả thực là các chiến binh cảm tử, chỉ đợi xuất quân. Cả một hệ thống phòng thủ và chiến đấu vẫn sẵn sàng. Nhưng cũng có cả một hệ thống kiểm soát và cân bằng rất tinh vi, ngăn không để động thủ bừa bãi, hệt như cách xử sự ở đời thường. 

Quan trọng nhất, hệ miễn dịch giờ đã được nhìn nhận đúng mực hơn, là một hệ đối thoại, đàm phán, hợp tác, thậm chí ngoại giao, với vi khuẩn, tác nhân bên ngoài, làm sao cho cái có lợi nảy nở, cái có hại teo dần.

Biết toàn cơ thể mình luôn cảnh giác nhưng vẫn sống ôn hòa như thế, trước mỗi dịch bệnh, ta sẽ tự nhủ cần phải bình tĩnh hơn để yên lòng hơn. Sự lo lắng thái quá của mỗi người sẽ là thứ làm rối trí hệ miễn dịch. Tin vào bản thân, tin vào tự nhiên, và thế là biết tin vào khoa học.

Hãy bình tĩnh, mọi việc rồi sẽ ổn! Hãy bình tĩnh, mọi việc rồi sẽ ổn!

TTO - Nhiều bạn đọc có ý kiến phản hồi về thực tế mọi người đôn đáo tìm mua khẩu trang y tế ở các nhà thuốc tây. Tuổi Trẻ trân trọng giới thiệu ý kiến của ông Võ Quốc Thắng (chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group) về sự chia sẻ cần thiết, sáng suốt và văn minh

T.L. lược dịch (theo Aeon)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên