16/04/2019 14:46 GMT+7

Hệ lụy từ 'giang hồ mạng': Lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực

QUỐC LINH thực hiện
QUỐC LINH thực hiện

TTO - Hệ lụy từ câu chuyện thần tượng “giang hồ mạng” bỗng dưng bùng phát gần đây trong giới trẻ một lần nữa đặt ra nhiều câu hỏi với xã hội, với tổ chức Đoàn trong vai trò đồng hành cùng người trẻ.

Hệ lụy từ giang hồ mạng: Lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực - Ảnh 1.

Sinh viên tình nguyện hướng dẫn một số thế võ giúp các em nhỏ tự vệ và rèn luyện sức khỏe - Ảnh: Q.L.

Với chia sẻ của anh NGUYỄN NGỌC LƯƠNG - bí thư, trưởng Ban tuyên giáo Trung ương Đoàn, diễn đàn này xin tạm khép lại nhưng cũng mở ra nhiều vấn đề cần tiếp tục suy nghĩ. Anh Lương bày tỏ:

- Ở mỗi thời kỳ lịch sử có những đặc điểm, tính chất khác nhau nên những "nhân vật" là "hình mẫu" để giới trẻ thần tượng và noi theo cũng khác nhau. 

Qua các giải thưởng, chương trình, Đoàn và các tổ chức của thanh thiếu nhi đã tuyên dương nhiều điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt, tiếp thêm động lực để các bạn trẻ vươn lên và tỏa sáng trong lĩnh vực của mình, tạo cảm hứng, lan tỏa, thúc đẩy tinh thần, khát vọng chinh phục đỉnh cao mới tới các bạn trẻ khác và cộng đồng xã hội.

Và hằng ngày, hằng giờ quanh chúng ta có biết bao tấm gương giàu nghị lực vươn lên, có hành động đẹp, đóng góp tích cực cho đất nước, cộng đồng mà tôi nghĩ đó chính là những tấm gương, hình mẫu để mỗi bạn trẻ hướng tới, thần tượng và noi theo.

Các bạn trẻ đã tìm tòi, lan tỏa để nhân lên các giá trị tốt đẹp khi thực hiện cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” thay vì chỉ quan tâm, chia sẻ các thông tin không thực sự hữu ích trên mạng xã hội.

Chỉ là hiện tượng nhất thời

* Hiện tượng "thần tượng giang hồ mạng" xuất hiện như một trào lưu nhưng đáng lo ngại khi có thể dẫn dắt khá đông người trẻ?

- Tôi nghĩ không hẳn là trào lưu mà chỉ là hiện tượng nhất thời, không phải đa số mà chỉ có một bộ phận giới trẻ quan tâm, tiếp cận và chia sẻ thông tin thông qua mạng xã hội. Bộ phận này chủ yếu ở lứa tuổi học sinh cấp THCS, THPT, chưa nhận thức được đầy đủ tính chất của vấn đề, vì tính hiếu kỳ, tâm lý lứa tuổi nên tò mò, quan tâm tới một chủ thể nhất định có những hành động khác lạ, phá cách.

Một trào lưu, xu hướng muốn bền vững, dẫn dắt được số đông phải có tính đại chúng, tạo được sự đồng thuận, phù hợp với các giá trị, chuẩn mực, lợi ích chung của cộng đồng, có tính tích cực, đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Nhưng rõ ràng câu chuyện "thần tượng giang hồ mạng" của giới trẻ gần đây rất đáng suy ngẫm và lo ngại.

* Có ý kiến đặt vấn đề về vai trò của tổ chức Đoàn trong câu chuyện "thần tượng giang hồ mạng" của giới trẻ. Anh nói gì trước điều ấy?

- Tôi nghĩ mỗi bạn trẻ đều có đam mê, sở thích, thần tượng của riêng mình, đó là quyền của mỗi người. Điều quan trọng là niềm đam mê, sở thích và thần tượng đó không đi ngược lại lợi ích, chuẩn mực, giá trị chung của xã hội, cộng đồng, không vi phạm pháp luật. 

Mạng xã hội bây giờ không chỉ gần gũi và phổ biến mà thậm chí trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống của người trẻ. Tuy nhiên, nếu không đủ kiến thức, kỹ năng, việc sử dụng mạng xã hội sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới nhận thức, thái độ, hành vi, lối sống, quan niệm "thần tượng" của mỗi bạn trẻ.

Với vai trò của mình, tổ chức Đoàn luôn nỗ lực, cố gắng thực hiện giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi và đạt được những kết quả tích cực. 

Câu chuyện này đặt ra trách nhiệm của nhiều lực lượng từ Nhà nước tới gia đình, nhà trường, xã hội, trong đó có tổ chức Đoàn, đòi hỏi Đoàn phải kiên trì và thường xuyên hơn việc định hướng giá trị sống cho thanh thiếu nhi cũng như chia sẻ với các bạn về văn hóa sử dụng mạng.

Cẩm nang sử dụng mạng xã hội

* Theo anh, tổ chức Đoàn có cần phải biết tạo trào lưu trong giới trẻ không?

- Trên thực tế, Đoàn đã tạo ra nhiều trào lưu, xu hướng tích cực trong giới trẻ. Trong lịch sử, Đoàn đã hiệu triệu, tập hợp hàng triệu thanh niên đi theo Đảng, làm cách mạng, đóng góp xứng đáng vào công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hay từ những hoạt động tình nguyện cụ thể, Đoàn đã nhân lên thành phong trào "Thanh niên tình nguyện" rộng lớn, cuốn hút đông đảo thanh niên tham gia, đóng góp tích cực cho cộng đồng, xã hội.

Đoàn cũng khởi phát nhiều chương trình, hoạt động rất có ý nghĩa, thu hút các bạn trẻ tham gia một cách tự nguyện, tự giác, tiêu biểu như: lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ, hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa - uống nước nhớ nguồn", "Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương", hay các hoạt động bảo vệ môi trường, khởi nghiệp, sáng tạo hiện nay...

* Tổ chức Đoàn sẽ làm gì với không gian mạng "không ảo chút nào" từ góc nhìn của nhiều bạn trẻ hiện nay?

- Mặt tích cực, tiện ích của mạng xã hội là điều không thể phủ nhận, trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống hiện đại. Nhưng nếu không đủ kiến thức, kỹ năng, việc dùng mạng xã hội có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nhận thức, thái độ, hành vi, lối sống của con người.

Tổ chức Đoàn xác định phải ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong hoạt động thông qua xây dựng các bộ công cụ, sản phẩm truyền thông trên Internet, ứng dụng trên mạng xã hội và thiết bị di động thông minh. 

Các cơ sở Đoàn - Hội - Đội chủ động xây dựng, điều hành các trang thông tin điện tử, kênh thông tin trên mạng theo các đối tượng thanh thiếu niên và thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội để định hướng dư luận trong thanh niên.

Chúng tôi thường xuyên chia sẻ những thông tin tích cực, câu chuyện đẹp hằng ngày, lấy cái tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy tấm gương tốt góp phần làm cho xã hội, môi trường mạng lành mạnh hơn, triển khai cuộc vận động "Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp". 

Thời gian tới chúng tôi sẽ hướng dẫn, xây dựng cẩm nang sử dụng mạng xã hội tích cực, tuyên truyền, vận động thanh thiếu niên ứng xử văn hóa, có trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội.

Bà BÙI THỊ DIỄM THU (phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM): Giáo dục học sinh "nói không với cái xấu"

bui thi diem thu

Sở GD-ĐT TP.HCM vừa phối hợp với UNICEF tập huấn cho giáo viên tin học trên địa bàn TP việc giáo dục học sinh kỹ năng sử dụng Internet an toàn, giúp giáo viên dạy cho học sinh của mình một cách bài bản và hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, tôi cho rằng giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh không thể nói suông và cũng không thể ngày một ngày hai là có kết quả.

Cùng với học, sở chỉ đạo các trường thành lập những câu lạc bộ phù hợp sở thích, năng khiếu cho học sinh hoạt động như: học thuật, kỹ năng... để các em vừa học vừa chơi, sinh hoạt, giải trí lành mạnh, bổ ích.

Khi có hoạt động phong phú, đa dạng, lành mạnh, đủ sức hấp dẫn tôi tin chắc rằng các em sẽ không bị cuốn hút bởi những clip kiểu như Khá Bảnh. Nhưng việc giáo dục học sinh biết nói không với cái xấu, tẩy chay những clip bẩn, nhận biết đâu là tấm gương tốt cần học hỏi, đâu là "giang hồ mạng"... cần được nhắc nhở thường xuyên.

Vai trò của các trợ lý thanh niên, tổng phụ trách Đội trong nhà trường cực kỳ quan trọng. Hơn ai hết, chính lực lượng này phải nắm được tình hình thực tế, những vấn đề liên quan đến học sinh một cách nhanh nhạy nhất.

Trên cơ sở đó sẽ đề xuất với ban giám hiệu thực hiện những báo cáo chuyên đề, khóa học kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm giúp định hướng lối sống cho học sinh.

Nên những năm gần đây, sở đã thường xuyên có lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, giao ban định kỳ với các trợ lý thanh niên nhằm hỗ trợ họ thực hiện tốt hơn nhiệm vụ.

Ngoài ra, chúng tôi đã đề nghị các trường tăng cường giới thiệu trong tiết chào cờ đầu tuần, ở các buổi sinh hoạt tập thể về những tấm gương học sinh học tốt, hoạt động cộng đồng năng nổ, sáng tạo. Những tấm gương này sẽ tác động mạnh mẽ nhất đến nhận thức của học sinh, giúp các em biết phân biệt đúng - sai để có hành động đúng đắn.

H.HG. ghi

Còn người xem, Còn người xem, 'giang hồ mạng' còn đất sống

TTO - Thử hỏi nếu bạn là một người bình thường mà cuộc sống bỗng chốc thành một hiện tượng, tháng nào cũng kiếm được dăm ba trăm triệu từ clip tự sản xuất, liệu bạn có tiếp tục làm không.

QUỐC LINH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên