12/11/2020 15:08 GMT+7

Hình thành công viên khoa học, TP.HCM cần những gì?

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Từ bài học kinh nghiệm ở nhiều nước tiên tiến, các chuyên gia đã đưa ra nhiều đóng góp cho việc xây dựng và phát triển công viên khoa học ở TP.HCM trong thời gian tới.

Hình thành công viên khoa học, TP.HCM cần những gì? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Anh Thi - trưởng ban Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM - phát biểu tại hội thảo sáng 12-11 - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Sáng 12-11, hội thảo chủ đề "Công viên khoa học - Trung tâm đổi mới sáng tạo của Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông TP.HCM" đã được Khu công nghệ cao TP.HCM tổ chức.

Công viên rộng hơn 160ha

Ông Nguyễn Anh Thi - trưởng ban Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM - cho biết công viên khoa học tạo hệ sinh thái hỗ trợ và phát triển các doanh nghiệp khoa học công nghệ. Công viên kết nối các doanh nghiệp, tạo "cửa ngõ" trao đổi tri thức, sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ công nghệ cao. Công viên còn cung cấp nguồn lực công nghệ cao, tạo động lực sản xuất mới. Đây cũng là nơi ươm tạo các start-up đến khi đủ mạnh.

Theo ông Thi, phát triển công viên khoa học là xu hướng của các quốc gia mạnh về khoa học, kỹ thuật. Trong khoảng 20 năm nay, các nước tiên tiến như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc… không ngừng đầu tư vào công viên khoa học. Tùy mục tiêu phát triển kinh tế, các nước sẽ vận hành từng mô hình công viên khoa học khác nhau.

Ở Việt Nam, vừa qua Thủ tướng Chính phủ có quyết định 430 cho phép TP.HCM thay đổi định hướng quy hoạch khu đất du lịch nghỉ dưỡng phát triển mới ở phường Long Phước (quận 9) để bổ sung chức năng khu công nghệ cao (công viên khoa học) rộng hơn 166ha.

Công viên này dự kiến sẽ liên kết và bổ sung cho các khu chức năng cho Khu công nghệ cao hiện hữu, và sẽ là động lực quan trọng cho Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông TP.HCM. Theo ông Thi, vấn đề là cần đưa ra mô hình phát triển công viên khoa học phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng.

Người làm công viên khoa học như… thông dịch viên

Hình thành công viên khoa học, TP.HCM cần những gì? - Ảnh 2.

Khu đất dành cho công viên khoa học trong tương lai ở quận 9, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tại hội thảo, ông Kim Wan Jin - giám đốc điều hành Công ty Mekonglink, đại diện Hiệp hội Công viên công nghệ Hàn Quốc tại tiểu vùng sông Mekong - cho biết Hàn Quốc hiện có 19 công viên khoa học - công nghệ.

Những năm 1998-2002, Hàn Quốc xây dựng 6 công viên khoa học đầu tiên. Lúc đầu góc nhìn của các nhà quản lý còn hạn chế, thậm chí chưa xác định rõ đường đi trong suốt 10 năm trước khi chính thức có định hướng.

Ông Kim Wan Jin chia sẻ người làm công viên khoa học giống như các… thông dịch viên. Họ sẽ gặp gỡ các trường đại học, doanh nghiệp, trung tâm ươm tạo, các cơ quan quản lý nhà nước để lắng nghe vấn đề và nhu cầu của từng bên, truyền thông điệp cho các bên hiểu nhau hơn.

Khi đã ngồi lại với nhau, các bên sẽ tiếp tục bàn câu chuyện hợp tác phát triển. Theo thời gian, từng cấu phần như doanh nghiệp, start-up, vườn ươm… sẽ tự đến công viên khoa học tìm kết nối.

Mục đích cuối cùng là thông qua công viên có thể phát triển mạng lưới công ty công nghệ mạnh mẽ. Cái khó ở buổi ban đầu là thuyết phục được họ nhìn thấy những hiệu quả trong tương lai để cùng tham gia.

"Để hiệu quả thực chất, định hướng của công viên sẽ bám theo tầm nhìn và kế hoạch phát triển của từng địa phương. Hiện tại 19 công viên khoa học ở Hàn Quốc đều có những điểm nhấn riêng gắn với thế mạnh từng vùng" - ông Kim Wan Jin nói.

Hình thành công viên khoa học, TP.HCM cần những gì? - Ảnh 3.

Ông Kim Wan Jin trình bày tham luận sáng 12-11 - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Ông Nguyễn Hoa Cương - viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - cho rằng một công viên khoa học thành công cần hài hòa 5 yếu tố: phải là nơi đáng sống (cơ sở hạ tầng thuận lợi, môi trường phát triển bền vững…), có hệ sinh thái hoàn chỉnh (đầy đủ các tổ chức đầu tư, hỗ trợ không gian, dịch vụ, tư vấn…), có nguồn nhân lực chất lượng cao (kết nối được nhiều viện nghiên cứu, trường đại học…), thu hút khu vực tư nhân (có sự tham gia của các tập đoàn lớn và các start-up), nhận được hỗ trợ của nhà nước (được định hướng, hỗ trợ về chính sách…).

PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân - chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á tại TP.HCM - góp ý, trong quá trình tăng cường kết nối các thành tố khi hình thành công viên khoa học, không được bỏ quên cộng đồng cư dân xung quanh. Bà nhấn mạnh nguồn lực tài chính đủ mạnh và chính sách đủ hấp dẫn sẽ là một trong những tiêu chí quyết định đến chất lượng của một công viên khoa học.

Theo ông Nguyễn Anh Thi, công viên khoa học đang ở giai đoạn lập quy hoạch 1/2.000 trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Sau khi hoàn thành sẽ bắt đầu vào giai đoạn thu hồi đất và bố trí vốn đầu tư công triển khai một số công trình hạ tầng kết nối.

Ông nói thêm để tranh thủ thời gian và nguồn lực, Khu công nghệ cao TP.HCM đang xây dựng lộ trình thu hút đầu tư, xác định rõ những cột mốc phát triển. Ngoài ra, khu cũng cho thí điểm các không gian khoa học công nghệ. Khi công viên khoa học được thành lập, những không gian này sẽ hòa nhập vào mạng lưới chung, giúp giảm bớt thời gian và tạo tính liên tục.

TP.HCM muốn xây công viên khoa học và công nghệ TP.HCM muốn xây công viên khoa học và công nghệ

TTO - Công viên khoa học và công nghệ nằm trên địa bàn phường Long Phước, quận 9, TP.HCM sẽ là khu vực dành cho các doanh nghiệp kỹ thuật cao triển khai các thành tựu khoa học công nghệ mới nhất.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên