Hộ chiếu mà thiếu nơi sinh…

ĐẶNG THÁI 05/08/2022 07:45 GMT+7

TTCT - Nhân việc Đại sứ quán Đức tại Hà Nội bất ngờ công bố thông tin sẽ không tiếp nhận hộ chiếu Việt Nam mẫu mới màu xanh tím than để cấp thị thực vì hộ chiếu mới không có mục "nơi sinh", ta cần quay lại những câu hỏi cơ bản:

Vậy, hộ chiếu có cần phải in mục nơi sinh? Và thông lệ quốc tế về nơi sinh in trên hộ chiếu thế nào?

Hộ chiếu mà thiếu nơi sinh… - Ảnh 1.

Trang thông tin mẫu của hộ chiếu đọc được bằng máy theo tiêu chuẩn ICAO. Ảnh: ICAO

Tất cả hộ chiếu trên thế giới hiện nay đều thuộc loại đọc được bằng máy (machine readable) tức là ở dưới cùng của trang thông tin cá nhân có hai dòng mã vạch để máy quét có thể đọc được thông tin trên hộ chiếu. 

Tiêu chuẩn sản xuất của hộ chiếu và quy cách in dòng mã này được quy định bởi Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), nhằm đảm bảo an ninh và giúp làm thủ tục thuận tiện cho hành khách đi máy bay. 

Tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ dưới gầm trời này đều sản xuất giấy tờ đi lại quốc tế theo tiêu chuẩn ICAO.

KHÔNG BẮT BUỘC NHƯNG...

Điều đáng chú ý ở đây là trong hai dòng mã này không có chỗ để điền thông tin về nơi sinh. Địa danh nơi sinh chỉ có thể in ở phần trên của trang thông tin, dưới mục Nơi sinh. 

Tiêu chuẩn ICAO quy định rõ: "Việc cung cấp thông tin về nơi sinh là không bắt buộc. Nếu nơi sinh được in trên hộ chiếu thì đó có thể là tên của thị trấn, thành phố, đơn vị hành chính cấp cơ sở và/hoặc tên quốc gia". 

Như vậy, hộ chiếu mẫu mới xanh tím than của Việt Nam tuy không in nơi sinh nhưng vẫn đúng với tiêu chuẩn quốc tế của ICAO và hoàn toàn hợp lệ để sử dụng trong việc đi lại quốc tế.

Tuy nhiên, khi xem xét hàng trăm mẫu hộ chiếu khác nhau từ châu Phi đến châu Mỹ, từ châu Á, châu Úc sang châu Âu, bao gồm cả hộ chiếu Việt Nam mẫu cũ xanh lá cây, ta dễ dàng thấy trang thông tin cá nhân đều có mục Nơi sinh. Như vậy, Nơi sinh tuy không bắt buộc phải có nhưng lại là một yếu tố được sử dụng trong hộ chiếu như một thông lệ quốc tế.

Năm 1977, Mỹ tiến hành một cuộc khảo sát với 135 quốc gia có quan hệ ngoại giao với nước này về việc nếu hộ chiếu Mỹ bỏ mục nơi sinh thì các nước có chấp nhận hộ chiếu Mỹ nữa hay không. Chỉ có 21 quốc gia trả lời là sẽ chấp nhận, còn lại 39 nước yêu cầu phải mang thêm giấy tờ chứng minh nơi sinh, 27 nước không chấp nhận và 48 nước không phản hồi. Trong 87 nước trả lời thì có đến 59 nước trả lời theo đường không chính thức. Vì vậy, nước Mỹ quyết định giữ mục nơi sinh trong hộ chiếu đến tận ngày nay.

Rất nhiều các quốc gia sử dụng Nơi sinh làm một yếu tố xác định nhân thân và kiểm tra an ninh khi xử lý các thủ tục hành chính, đặc biệt trong việc cấp thị thực bởi nơi sinh của một người thì không thể thay đổi như tên họ, giới tính hay nhân dạng. 

Công hàm của Đại sứ quán Đức gửi Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng nêu rằng do công dân Việt Nam có nhiều người trùng họ nên cần thêm nơi sinh để xác định rõ ràng người mang hộ chiếu. 

Như vậy liệu có hộ chiếu nước nào trên thế giới cũng không có mục Nơi sinh hay không?

Năm 2010, St. Kitts và Nevis, một đảo quốc nhỏ thuộc vùng biển Caribê, bỏ mục Nơi sinh trong hộ chiếu cấp cho công dân nước này. Tháng 11-2014, Canada bãi bỏ quyền miễn thị thực nhập cảnh vào Canada của công dân St. Kitts và Nevis do quan ngại về chương trình đầu tư lấy quốc tịch của quốc đảo này và những hộ chiếu không có nơi sinh đe dọa an ninh quốc gia của Canada.

St. Kitts và Nevis cho phép người nước ngoài đầu tư vào nước này để đổi lấy quốc tịch hay còn gọi là "mua" quốc tịch với quyển hộ chiếu được miễn thị thực nhập cảnh vào hàng trăm nước trên thế giới bao gồm các nước phát triển ở châu Âu và Bắc Mỹ. 

Tháng 12-2014, Bộ An ninh quốc gia St. Kitts và Nevis ra thông báo thu hồi những hộ chiếu không có nơi sinh để cấp lại miễn phí với mẫu mới bao gồm nơi sinh và tên cũ của người mang hộ chiếu trước khi nhập quốc tịch. Từ tháng 5-2017, hộ chiếu không có nơi sinh đã bị tuyên bố vô hiệu.

Hộ chiếu mà thiếu nơi sinh… - Ảnh 2.

Phần Quê quán trên hộ chiếu Thuỵ Sĩ cấp năm 1968. Ảnh tư liệu: ĐẶNG THÁI

Lâu hơn về trước, năm 1986, chính Canada là nước đi tiên phong về việc bỏ nơi sinh trong hộ chiếu do có lo ngại rằng công dân sinh ra ở ngoài Canada có thể trở thành đối tượng bị khủng bố dựa trên nơi sinh. Việc bỏ nơi sinh là quyền tự chọn của công dân, và nếu lựa chọn như vậy sẽ phải ký xác nhận vào văn bản thông tin rõ hộ chiếu không có nơi sinh sẽ gặp nhiều khó khăn và có thể là không được nhập cảnh ở nước ngoài. Thực tế có rất ít người lựa chọn việc này và hộ chiếu Canada phổ thông vẫn có mục nơi sinh.

 NƠI SINH MÀ KHÔNG PHẢI NƠI SINH

Hai ví dụ trên cho thấy việc không có nơi sinh trong hộ chiếu chỉ là thiểu số. Như vậy có hộ chiếu nào mà không có nơi sinh trên cả hệ thống không? Ta cùng xem hộ chiếu Thụy Sĩ.

Hộ chiếu cũng như giấy tờ hành chính ở Thụy Sĩ có một mục gọi là Quê quán (Bürgerort hay Lieu d'origine). Quê quán của đứa trẻ sinh ra được lấy theo quê quán của người mà nó mang họ. Tuy nhiên một người có thể có nhiều quê quán nếu như họ sinh sống ở một địa phương sau một khoảng thời gian nhất định và nộp phí để "nhận quê mới". 

Vì vậy mục Quê quán này không phải Nơi sinh dù rằng với đa số người Thụy Sĩ thì Quê quán chính là Nơi sinh. Điều này gây nhầm lẫn với cơ quan nước ngoài và có gây bất tiện với người Thụy Sĩ khi làm thủ tục hành chính ở nước ngoài.

Hộ chiếu mà thiếu nơi sinh… - Ảnh 3.

Mục Bản tịch trên hộ chiếu Nhật Bản cấp năm 1974. Ảnh tư liệu: ĐẶNG THÁI

Hộ chiếu mà thiếu nơi sinh… - Ảnh 4.

Mục số đăng ký cá nhân trên hộ chiếu Hàn Quốc mẫu cũ cấp năm 2015, không có mục nơi sinh. Ảnh tư liệu: ĐẶNG THÁI

Hộ chiếu mà thiếu nơi sinh… - Ảnh 5.

Trang bị chú của hộ chiếu Hàn Quốc mẫu mới với nhãn dán ghi nơi sinh theo yêu cầu. Ảnh: Namuwiki

Hộ chiếu Nhật Bản cũng không có nơi sinh, nhưng lại có mục Bản/bổn tịch (本籍/Domicile). Bản tịch tạm hiểu là nơi đăng ký hộ khẩu. Bản tịch của trẻ sinh ra được xác định theo nơi đăng ký hộ khẩu của gia đình và nơi này thường là quê quán nhiều đời. 

Thế nhưng khi một người trưởng thành, tách khẩu thì có thể đăng ký bản tịch ở bất kỳ nơi nào được phép trên nước Nhật, bao gồm cả Hoàng cung Tokyo hay hải đảo! Vì thế tuy đa số Bản tịch là Nơi sinh nhưng nó cũng không thực sự là nơi sinh.

Hai trường hợp của Thụy Sĩ và Nhật Bản tuy không có nơi sinh nhưng trong hộ chiếu vẫn có một mục mang địa danh như một trường thông tin để xác định về một cá nhân cụ thể. Thế còn nước nào dứt khoát không có nơi sinh?

Hộ chiếu Hàn Quốc hoàn toàn không có nơi sinh vì chính quyền nước này không coi trọng nơi sinh trong thủ tục hành chính. Trường hợp này rất giống với hộ chiếu Việt Nam mới, vì tỉnh thành nơi sinh có thể xác định được thông qua hai chữ số thứ 2 và thứ 3 trong một phần dãy số đăng ký cư trú

(민등록번호) của công dân Hàn Quốc gồm 7 chữ số in trên hộ chiếu. Tuy nhiên từ năm 2020, phần mã số nơi sinh này đã bị bỏ và thay bằng số ngẫu nhiên. Câu hỏi đặt ra là: thế người mang hộ chiếu Hàn Quốc có bị gây khó khăn ở Đức? Câu trả lời là có.

Hộ chiếu không có nơi sinh (kể cả trong chip điện tử) gây khó khăn cho người Hàn Quốc sống ở nước ngoài nói chung trong mọi việc từ đăng ký tạm trú, xin visa thường trú, làm bằng lái xe, mở tài khoản ngân hàng điện tử và đặc biệt khó khăn ở Đức.

Lập luận của phía Đức tương tự như với hộ chiếu Việt Nam, đặc biệt trong các trường hợp liên quan đến giao dịch ngân hàng và thẻ tín dụng cần phải có nơi sinh trên hộ chiếu để xác minh nhân thân. Hàn kiều ở Đức vì thế khi làm các thủ tục này phải mang theo các giấy tờ xác nhận nơi sinh kèm bản dịch. 

Cộng đồng Hàn kiều ở Đức đã kiến nghị nhiều lần lên Bộ Ngoại giao Hàn Quốc về việc thêm nơi sinh vào hộ chiếu. Tuy nhiên câu trả lời từ chính quyền là việc này sẽ gây ra "phân biệt vùng miền" và vì thế vẫn không cho Nơi sinh vào hộ chiếu.

Tháng 12-2020, Luật hộ chiếu Hàn Quốc sửa đổi có hiệu lực. Luật này thay đổi mẫu hộ chiếu điện tử, loại phổ thông từ bìa màu xanh lá cây sang xanh tím than và thay đổi một số thông tin trên hộ chiếu. Trong đó cho phép công dân được yêu cầu bổ sung thông tin nơi sinh vào hộ chiếu. Thông tin này không được ghi ở trang dữ liệu cá nhân mà được in lên nhãn và dán vào trang bị chú của hộ chiếu.

Vậy là chúng ta đã tìm ra một trường hợp rất giống với hộ chiếu Việt Nam mẫu mới 2022. Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an vì vậy có hai hướng xử lý: hoặc là thêm mục nơi sinh vào hộ chiếu hoặc thêm bị chú nơi sinh khi có yêu cầu của công dân. Cách nào cũng được, miễn sao sự thuận tiện của cả công dân và cơ quan chức năng được hài hòa và giải quyết nhanh chóng nhất có thể.■

- Ngày 1-7: Việt Nam triển khai cấp hộ chiếu mẫu mới cho công dân Việt Nam; mẫu mới không thể hiện thông tin về nơi sinh của người mang hộ chiếu.

- Ngày 27-7: Đại sứ quán Đức tại Hà Nội ra thông báo mẫu hộ chiếu mới của Việt Nam được cấp từ ngày 1-7-2022 tại Việt Nam, có số serial bắt đầu bằng chữ P tạm thời không được công nhận tại Đức vì không có thông tin về nơi sinh trên hộ chiếu, gây khó khăn cho việc xác định người đang giữ hộ chiếu là ai.

- Ngày 29-7: Đại sứ quán Việt Nam tại Đức thông báo sẽ cấp chứng nhận bằng tiếng Đức về nơi sinh để công dân có hộ chiếu mẫu mới xuất trình khi có yêu cầu từ nhà chức trách Đức.

- Ngày 1-8: Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Hà Nội thông báo "không thể tiếp nhận đơn xin thị thực Schengen đối với mẫu hộ chiếu mới" của Việt Nam cho đến khi có thông báo mới, với lý do tương tự phía Đức.

-Ngày 2-8-2022, Đại sứ quán Cộng hoà Séc tại Việt Nam thông báo sẽ không công nhận hộ chiếu mới của Việt Nam với cùng quan điểm như các nước thành viên khác thuộc Liên minh châu Âu (EU).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận