Mỗi món quà mà Bác Hồ từng tặng cho người dân Việt Nam hay bạn bè quốc tế, đều có thể thấy trong đó những bài học cảm động sâu sắc về nhân cách vĩ đại và tâm hồn bao la của Người.

Kỷ niệm 130 năm ngày nước Việt sinh ra một người con ưu tú, thế hệ cháu con vẫn lặng lẽ thấm những bài học nhân nghĩa từ những báu vật mà Bác còn gửi lại nhân gian.

Học Bác từ những món quà Người để lại - Ảnh 1.

Nhà tù Côn Đảo những năm 1940 đã chứng kiến một câu chuyện kỳ lạ về tình yêu kính với Bác Hồ từ cả "bên ta" và "bên địch".

Giám ngục Paul Atoine Miniconi một ngày phát hiện sự lạ từ những tù nhân. Ông cho kiểm tra một phòng giam và phát hiện các chiến sĩ cộng sản dường như đang cố cất giấu một vật mà ông nghi có thể là vũ khí, nhưng lại thu được bức tượng bán thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Kinh ngạc trước tấm lòng của những tù nhân với thủ lĩnh của "phe địch", nhưng ông Paul Atoine Miniconi đã không phá hủy, vứt bỏ hay nộp lên cấp trên như quy định thông thường. Ông lặng lẽ cất giữ bức tượng cẩn thận. 

Năm 1952, Paul Atoine Miniconi trở về sinh sống và làm việc tại quê nhà ở đảo Corse, Cộng hòa Pháp, sau hơn 30 năm làm việc tại nhà tù Côn Đảo. Bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là một trong số những vật quý ông mang theo bên mình.

Trước khi mất, Paul Atoine Miniconi đã để lại bức tượng cho người con trai tên Paul Miniconi, người cũng từng sống tại nơi làm việc của cha mình ở Côn Đảo. 

Ngày 1-12-2019, con trai của Paul Atoine Miniconi cùng nhà sử học Pháp Frank Senateur đã trao lại bức tượng cho ông Nguyễn Thiệp - đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp - nhờ chuyển về cho Bảo tàng Hồ Chí Minh bảo quản lưu giữ, giới thiệu tới công chúng. Lý do bởi ông Paul Miniconi muốn thực hiện di nguyện thiêng liêng của cha mình trước lúc qua đời.

Học Bác từ những món quà Người để lại - Ảnh 2.

Một sự trùng hợp thú vị trong câu chuyện trở về của bức tượng quý, đó là đại sứ Nguyễn Thiệp, người tiếp nhận bức tượng từ ông Paul Miniconi lại chính là con trai của một người tù cộng sản từng bị giam giữ tại nhà tù Côn Đảo trong giai đoạn ông Paul Antoine Miniconi làm giám ngục tại đây.

Bức tượng Bác tuy không phải là tặng phẩm mà Người đã trao tặng cho những chiến sĩ cộng sản hay cho "kẻ thù" nhưng có lẽ nó lại là tặng vật quý giá Người đã tặng lại khi cho thấy bài học về đạo đức, nhân cách lớn của một lãnh tụ vĩ đại có thể cảm hóa được cả "phía bên kia".

Học Bác từ những món quà Người để lại - Ảnh 3.
Học Bác từ những món quà Người để lại - Ảnh 4.

Giữa những ngày lịch sử vào khoảng cuối tháng 8-1945, đơn vị cứu tế xã hội Hoa Kỳ cho quân Đồng minh do đại tá Stephen Nordlinger dẫn đầu đến Hà Nội với sứ mệnh nhân đạo là giải phóng tù binh đang bị Nhật giam giữ, đồng thời chăm sóc, hỗ trợ thuốc men, lương thực cho những số phận bất hạnh đến từ các nước khác nhau. 

Đoàn cứu tế xã hội Hoa Kỳ đến Hà Nội đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam quan tâm, giúp đỡ.

Đầu tháng 10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp đại tá L. Nordlinger để bàn việc giúp đỡ, vận chuyển lương thực từ Nam ra Bắc. Sự kiện này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo trong phiên họp Hội đồng Chính phủ, ngày 9-10-1945. 

Trong lần gặp gỡ này, Bác đã tặng đại tá Stephen L. Nordlinger bức tranh thêu tùng hạc rất tinh xảo cùng dòng chữ: "Best greetings from Hô Chi Minh, oct. 1945" (Với lòng thiện chí tốt đẹp nhất từ Hồ Chí Minh, tháng 10 năm 1945).

Sinh thời đại tá L. Nordlinger luôn treo bức tranh này ở nơi trang trọng nhất trong nhà riêng của ông, tại New York, để bày tỏ lòng tự hào với món quà vô giá ông nhận được từ Chủ tịch Hồ Chí Minh đáng kính. 

Nhưng vào tháng 5-2006, sau 61 năm, bức tranh quý từ nghìn trùng về lại gần cạnh bên Người. Bà Jane Coyle, cháu dâu của đại tá L. Nordlinger, đã bắc tiếp một nhịp cầu nữa giữa hai dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựng xây từ những ngày đầu lập nước, khi trao tặng lại món quà cho Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Ngày trao tặng bức tranh, bà Jane Coyle nghẹn ngào: "Cá nhân tôi rất xúc động vì được tham gia một phần nhỏ bé của mình vào câu chuyện từng đưa đại tá L. Nordlinger và Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với nhau như những người bạn. Sau thời gian chiến tranh chia cắt khổ đau, giờ đây bức tranh thêu lại trở về nhà như một điều thật hợp lý, vì lợi ích của hoà bình và tình hữu nghị giữa hai đất nước".

Học Bác từ những món quà Người để lại - Ảnh 5.
Học Bác từ những món quà Người để lại - Ảnh 6.

Cũng một ngày tháng 5- 2012, cánh cổng Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM rộng cửa đón một thương binh đặc biệt với tỉ lệ thương tật 91% đến cùng một bọc được gói ghém cẩn thận. 

Đó là ông Lê Thống Nhất, sinh năm 1932 tại Kiên Giang, muốn tìm tới bảo tàng  để làm một chuyện hệ trọng. Ông muốn tặng chiếc áo là tặng vật của Bác Hồ mà ông đã giữ suốt 57 năm.

Năm 1953, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang bước vào thời kỳ cam go, ác liệt. Anh chiến sĩ trinh sát Lê Thống Nhất vốn là cái tên gây kinh sợ cho giặc Pháp ở miền Tây, nhưng rồi anh bị thương nặng trong một trận càn, tay phải, chân trái bị thương, còn chân phải bị cắt, phải ra Bắc chữa trị. 

Mùa đông năm 1955, giữa lúc nhớ mặt trận, nhớ đồng đội và nhớ nhà, thì anh chiến sĩ trẻ nhận được quà tặng của Bác Hồ là một chiếc áo trấn thủ.

Anh chiến sĩ trinh sát Lê Thống Nhất đã đón chiếc áo trên tay với niềm xúc động trào dâng. Là người Nam, cái rét ngoài Bắc quả là một thử thách quá khó khăn đối với anh, nhất là giữa lúc thương tật nặng nề. 

Chiếc áo không chỉ tránh cho anh cái lạnh mà còn ủ ấm trái tim người chiến sĩ xa quê bằng tình yêu từ Bác. Nhân một dịp kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Nhất đã trao gửi lại món quà quý giá cho bảo tàng để nó thay ông kể mãi về tình yêu thương bao la của Bác.

Học Bác từ những món quà Người để lại - Ảnh 7.
Học Bác từ những món quà Người để lại - Ảnh 8.

Năm 1960, Bác Hồ có một người cận vệ mới - ông Võ Tánh Nhân. Khi Bác hay tin vợ của ông Võ Tánh Nhân ở quê nhà vừa sinh cô con gái thứ 3, dù bận trăm công nghìn việc, Bác không quên tìm một món quà ý nghĩa để tặng người cận vệ của mình trong một dịp đặc biệt như thế. 

Bác đã chọn một chiếc đồng hồ để bàn do Liên Xô sản xuất. Sau khi ông Nhân qua đời, con trai là ông Võ Xuân Ngọc tiếp tục gìn giữ chiếc đồng hồ. Đến cuối năm 2017 thì ông Ngọc tặng lại cho Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM.

Học Bác từ những món quà Người để lại - Ảnh 9.

Ông Ngọc tâm sự, cha ông làm công tác bảo vệ cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước từ năm 1958 đến 1975 ở Bộ Tư lệnh cảnh vệ trực thuộc Bộ Công an. Trong đó, từ 1960-1964, ông làm cận vệ cho Bác Hồ.

Khi nhận được món quà Bác tặng, cha ông vô cùng vui sướng bởi ông chỉ vừa mới về bên cạnh Bác chưa lâu, không ngờ Bác đã biết rõ gia cảnh của mình, lại bỏ công tặng quà cho gia đình ông để kỷ niệm ngày hạnh phúc của một người cha.

Ba tháng sau, ông Nhân về thăm vợ con, ông đã mang theo quà tặng của Bác Hồ về cho vợ con mình. 

Chiếc đồng hồ đã ở cùng gia đình ông trong nhiều chục năm trời, nhưng ông Ngọc muốn san sẻ tình yêu của Bác tới nhiều người khác nên đã quyết định tặng chiếc đồng hồ cho Bảo tàng Hồ Chí Minh, như một việc nghĩa tình ông muốn làm thay cho cha mình.

Học Bác từ những món quà Người để lại - Ảnh 10.

Đó là một chiếc trâm cái áo hình con bướm được chế tác vô cùng tinh xảo, chỉ hội ngộ công chúng Việt Nam và quốc tế mới đây tại Bảo thàng Hồ Chí Minh. Trước đó, nó nằm duyên dáng và lặng lẽ trong chiếc hộp quý giá của một người phụ nữ. Bà là Saipradit Phanomyong Vani, con gái út của cố Thủ tướng Thái Lan Pridi Banomyong.

Cố Thủ tướng Thái Lan Pridi Banomyong là một người bạn thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một người đã ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam chống thực dân xâm lược. Gia đình Thủ tướng Pridi Banomyong, trong đó có bà Saipradit Phanomyong Vani nhiều lần được Bác Hồ mời sang thăm Việt Nam trong những năm 1960.

Những lần đến thăm, bà Saipradit Phanomyong Vani đã được Bác Hồ tặng một số món quà mà sau đó bà luôn giữ bên mình với tất cả lòng kính trọng và ngưỡng mộ Bác. Chiếc trâm cài áo hình con bướm đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cho bà nhân chuyến thăm Việt Nam vào tháng 8-1963. 

Vật quý sau bao năm nâng niu đã được bà Vani tặng lại cho Bảo tàng Hồ Chí Minh. Phó giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Nguyễn Thúy Đức trong một chuyến công tác tại Thái Lan ngày 30-8-2011 đã nhận được món quà quý này.

Học Bác từ những món quà Người để lại - Ảnh 11.

Trong bộ sưu tập tặng vật mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng cho mình, bà Vani còn đặc biệt yêu quý món quà là cuốn Nhật ký trong tù bằng tiếng Hán mà Bác tặng nhân chuyến thăm Hà Nội của gia đình bà vào năm 1966. 

Lần ấy bà không nhận món quà trực tiếp từ tay Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bác đã gửi tặng món quà này qua anh trai bà là ông Phanomyong Sookprida, cùng lời nhắn: Bác chắc cô Sáu sẽ hiểu được cuốn sách này.

Bà Vani xúc động khi hiểu tại sao trong mấy anh chị em, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại tặng cuốn sách ấy cho riêng bà. Vị lãnh tụ kiệt xuất ấy vẫn nhớ rằng cô con gái út của người bạn thân thiết đang học khoa Ngôn ngữ và Văn học thuộc Đại học Sư phạm Bắc Kinh, là người có thể đọc tốt chữ Hán.

Sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh như thế khiến bà Vani càng thêm yêu kính Bác và gắn bó với những tặng vật của Người trong những chặng đường đời. Bà đã từng sống từ Trung Quốc, sang Pháp rồi quay trở về Thái Lan. 

Những món quà Bác tặng luôn ở bên bà, chỉ chiếc trâm cài áo bà đã luyến lưu chia tay 9 năm trước để tiễn quý vật về Hà Nội.

Học Bác từ những món quà Người để lại - Ảnh 12.

Đó là một đêm đông lạnh 2-1-1969. Lúc này, sức khỏe của Bác Hồ đã suy giảm trông thấy. Bác gầy gò nhưng tinh anh, Bác vẫn ngồi tiếp đoàn Phong trào hòa bình Pháp thăm Việt Nam - nhằm ủng hộ cuộc đấu tranh chống Mỹ của nhân dân Việt Nam - tại Phủ Chủ tịch. Đoàn Pháp gồm 4 người, đã đi thăm Việt Nam từ cuối năm 1968.

Đêm đông hôm ấy, khi chia tay đoàn, Bác chợt nhận ra trời rất lạnh nhưng một thành viên trong đoàn không có mũ. 

Đó là ông Pierre Biquard (1901-1993), giáo sư vật lý người Pháp, một chiến sĩ đấu tranh vì hòa bình. Bằng sự nhạy cảm, tinh tế của một trái tim nhân ái, Bác lập tức lấy mũ len của mình tặng cho người giáo sư Pháp, giọng ân cần: "Anh hãy đội mũ vào, bên ngoài rất lạnh".

Bất ngờ và cảm động trước cử chỉ đẹp đẽ của vị lãnh tụ kiệt xuất, nhưng ông Pierre Biquard cũng nhận ra rằng chiếc mũ quá nhỏ với đầu ông và thú nhận điều đó với Bác. Để rồi ông càng ngỡ ngàng và cảm động hơn khi nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Vậy anh cứ giữ lấy như một kỷ niệm".

Học Bác từ những món quà Người để lại - Ảnh 13.

Chiếc mũ trở thành một phần những kỷ vật lịch sử của gia đình ông Pierre Biquard, một số nhà sưu tầm đã ngỏ ý gia đình bán chiếc mũ nhưng họ đều từ chối. 

Đến năm 2016, sau 47 năm gìn giữ chiếc mũ, các con của ông đã tặng lại cho đại sứ Việt Nam tại Pháp. Để rồi sau đó, chiếc mũ trở về Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Hà Nội, nằm gần gũi nơi mà nó đã từng ra đi.

* Bài viết dựa trên tài liệu do Bảo tàng Hồ Chí Minh và Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP HCM cung cấp.

Học Bác từ những món quà Người để lại - Ảnh 14.

THIÊN ĐIỂU
T.T.D, T.ĐIỂU, Bảo tàng Hồ Chí Minh
Kiều Nhi
Bảo SuZu
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0