15/05/2022 08:16 GMT+7

Hội nghị ASEAN - Mỹ: Nền móng hợp tác trong tương lai

TS LÊ THU HƯỜNG (chuyên gia phân tích cấp cao tại Viện Chiến lược chính sách Úc) - Chuyển ngữ: DUY LINH
TS LÊ THU HƯỜNG (chuyên gia phân tích cấp cao tại Viện Chiến lược chính sách Úc) - Chuyển ngữ: DUY LINH

TTO - Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ vốn được mong đợi từ lâu đã diễn ra trong hai ngày 12 và 13-5 tại Washington D.C với 8/10 nhà lãnh đạo các nước Đông Nam Á tham gia cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng.

Hội nghị ASEAN - Mỹ:  Nền móng hợp tác trong tương lai - Ảnh 1.

Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ ngày 13-5 tại Washington, D.C, Mỹ - Ảnh: DƯƠNG GIANG

Kể từ Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ năm 2016 tới nay, mối quan hệ phát triển theo chiều hướng đi lên giữa Mỹ với Đông Nam Á ngày càng bị thách thức bởi những thay đổi địa chính trị bên ngoài, cũng như những thay đổi nội tại lớn ở một số quốc gia.

Thành tố kinh tế được quan tâm

Quan điểm về các diễn biến địa chính trị lớn ngày càng trở thành một yếu tố thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn giữa Mỹ và ASEAN. Hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ lần này còn được cho là một nỗ lực của chính quyền ông Biden nhằm chứng tỏ rằng bất chấp mọi thách thức toàn cầu, Mỹ vẫn tập trung và giữ cam kết với Đông Nam Á như chính quyền này vẫn thường xuyên nhấn mạnh trong các văn bản chính sách. 

Tổng thống Biden muốn chứng minh điều đó không phải lời nói suông sau khi Mỹ thường xuyên phải đối mặt với những chỉ trích về việc không can dự đủ nhiều với khu vực. 

Trên thực tế, hội nghị lần này là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên tập trung vào khu vực của Tổng thống Biden với lãnh đạo ASEAN kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 1-2021.

Hội nghị lần này cũng là phép thử với Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, đặc biệt là thành tố kinh tế mới của họ.

Kể từ khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cả chính quyền Tổng thống Trump trước đây và chính quyền Tổng thống Biden hiện nay thường bị chỉ trích vì chiến lược kinh tế không đủ mạnh mẽ, nhất là khi nói đến Đông Nam Á. 

Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) mà chính quyền ông Biden ra mắt với mục tiêu sẵn sàng thay thế cho TPP (nay là CPTPP), song dường như không bao hàm mọi quốc gia ASEAN, cũng không phải là nhân tố thay đổi cuộc chơi thực chất.

IPEF nhằm tạo thuận lợi thương mại, tập trung vào các tiêu chuẩn cho nền kinh tế kỹ thuật số và công nghệ, khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, không phát thải carbon và năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng... 

Tuy nhiên, các chi tiết đầy đủ về IPEF và những lợi ích mà nó đem lại cho các bên vẫn chưa thực sự được hiện thực hóa.

Đối với các nhà quan sát lâu năm, ý kiến dư luận và các tuyên bố về hội nghị không mấy ấn tượng. 

Nếu Mỹ thực sự nghiêm túc muốn làm lung lay con tim và lý trí của Đông Nam Á, có lẽ nước này cần làm nhiều hơn thế, và không chỉ về mặt tài chính mà chắc chắn phải có nhiều sự can dự hơn nữa theo sau hội nghị.

Những điểm tích cực

Mặc dù còn một số điểm chưa thực thỏa mãn, cũng đã có một số điều tích cực từ cuộc gặp của các nhà lãnh đạo. Đầu tiên và quan trọng nhất, đó là mối quan hệ trực tiếp giữa Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo Đông Nam Á đã được thiết lập, giúp việc gắn kết trong tương lai trở nên dễ dàng hơn.

Tuyên bố chung cũng phản ánh nội dung thảo luận mạnh mẽ, tập trung vào các lợi ích chung như phục hồi sau COVID-19 và sức khỏe cộng đồng, biến đổi khí hậu, số hóa. Mỹ và ASEAN cũng tái khẳng định mối quan tâm chung về cuộc khủng hoảng Myanmar, tái khẳng định chủ quyền, độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ khi nói đến Ukraine.

Đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam là việc các bên đã tập trung vào an toàn hàng hải, ngăn chặn nạn đánh bắt cá trái phép, không khai báo và không được quản lý (IUU), công nhận tầm quan trọng của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982). 

Đó còn là cam kết giảm thiểu rủi ro ở Biển Đông, tầm quan trọng của Tuyên bố ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) và việc ký kết Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), cũng như cam kết trong hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm cả ở tiểu vùng sông Mekong. 

Các nhà lãnh đạo cũng quyết định nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 11-2022 nhân kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - Mỹ.

Mặc dù hội nghị lần này là một sự tán thành rất cần thiết đối với chủ nghĩa đa phương của ASEAN, song chính quyền ông Biden cho thấy họ vẫn nghiêng về các quan hệ song phương hoặc đa phương quy mô nhỏ, như quan hệ đối tác có chọn lọc của Bộ tứ QUAD gồm: Mỹ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ hay cơ chế AUKUS gồm: Anh, Úc và Mỹ. 

Một ví dụ khác là sự hiện diện có chọn lọc của một số nước trong các hội nghị cấp cao về biến đổi khí hậu hoặc dân chủ do Tổng thống Biden đã khởi xướng.

Ngoài Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính còn có hàng loạt cuộc gặp nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương và các khoản đầu tư của Mỹ vào Việt Nam. Có rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam và tiềm năng đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhiều nước đánh giá cao quan điểm của Việt Nam tại Hội nghị ASEAN - Mỹ Nhiều nước đánh giá cao quan điểm của Việt Nam tại Hội nghị ASEAN - Mỹ

TTO - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu tại Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ, chia sẻ quan điểm về định hướng phát triển quan hệ ASEAN - Mỹ cùng tình hình quốc tế và khu vực, được các nước đánh giá rất cao.

TS LÊ THU HƯỜNG (chuyên gia phân tích cấp cao tại Viện Chiến lược chính sách Úc) - Chuyển ngữ: DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên