23/11/2020 14:00 GMT+7

Hơn 730.000 căn nhà hư hại do thiên tai từ đầu năm 2020 đến nay

LÊ PHAN
LÊ PHAN

Theo thống kê của Tổng cục Phòng chống thiên tai thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tính từ đầu năm 2020 đến nay, bên cạnh thiệt hại về người, thiên tai đã gây ra thiệt hại lớn về nhà ở khi có hơn 730.000 căn nhà bị ảnh hưởng.

Hơn 730.000 căn nhà hư hại do thiên tai từ đầu năm 2020 đến nay - Ảnh 1.

Sau bão số 13, nhà bà Phan Thị Sa, trú thôn Thượng Nam, xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình bị tốc một phần mái - Ảnh: QUỐC NAM

Cụ thể đã có 3.270 nhà sập, 311.800 nhà bị hư hại, tốc mái, di dời khẩn cấp, 415.811 nhà bị ngập.

Áp lực môi trường lên nhà ở rất lớn

Theo các nhà nghiên cứu, về vị trí địa lý, nước ta nằm trong vùng cận nhiệt đới, có bờ biển dài trên 2.000km và là một trong những vùng có tần suất xuất hiện bão cao nhất thế giới. Theo bản đồ phân vùng nguy cơ bão cho các vùng ven biển Việt Nam, các tỉnh ven biển đều chịu ảnh hưởng mạnh của bão.

Ngoài ra, do các vùng nằm ở hạ lưu những con sông lớn, bị ảnh hưởng nước biển dâng trong cơn bão nên hiện tượng ngập lụt thường xuyên xảy ra. Sự kết hợp giữa bão và lũ gây ra những tổn thất nặng nề về nhà cửa, tài sản, tính mạng của đồng bào vùng thiên tai.

Trong khi đó, do điều kiện kinh tế còn nghèo, người dân miền Trung thường xây nhà theo cách truyền thống, phương án ứng phó thiên tai chỉ đơn giản là nâng cao nền nhà, xây thêm gác lửng hoặc chấp nhận di tản đến nơi ở khác.

Theo đánh giá của nhà chuyên môn, những công trình nhà ở của bà con hiện chỉ có thể đơn thuần chống bão hoặc chống lũ với mức độ thấp. Trong trường hợp vừa có bão, lũ cùng lúc xuất hiện thì thiệt hại lớn hầu như khó tránh khỏi.

Hơn 730.000 căn nhà hư hại do thiên tai từ đầu năm 2020 đến nay - Ảnh 2.

Những ngôi nhà hư hỏng, đổ nát như thế này không hiếm sau khi bão đổ bộ vào các tỉnh miền Trung- Ảnh: QUỐC NAM

Trong những tháng cuối năm 2020, Các đợt mưa bão đồn dập khiến nhiều công trình nhà ở bị gió quật tốc mái, tường vách ngâm nhiều ngày trong nước lũ khiến kết cấu thay đổi, mất an toàn khi người dân trở lại sinh sống. Có thể nói, sau thảm họa thiên nhiên, các căn nhà bị hư hại như “lưỡi hái tử thần” với nguy cơ gây tai nạn treo lơ lửng trên đầu người dân.

Nhà ở kiểu truyền thống khó chống chọi thiên tai

Bà Lê Thị Xuân Lan - nguyên phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ - nhận định Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa nhưng lâu nay chủ yếu hứng chịu các cơn bão vừa và nhẹ. Do vậy, nhà cửa vẫn còn xây dựng không đồng bộ, có tính tự phát. Hiện nay, khi đô thị phát triển, nhà ở đã có quy chuẩn xây dựng theo thiết kế, được giám sát chặt chẽ nhưng đa phần thiên tai lại xảy ra ở vùng sâu, vùng xa, nơi nhà cửa còn sơ sài, tạm bợ.

Hơn 730.000 căn nhà hư hại do thiên tai từ đầu năm 2020 đến nay - Ảnh 3.

Ở ngay sát phá Hạc Hải nên mùa mưa bão này bà Châu Thị Cúc, trú thôn Phú Thọ, xã An Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình như trở thành người "vô gia cư" - Ảnh: QUỐC NAM

Cũng theo bà Lan, ở các vùng quê, không ít căn nhà được xây không có móng, không trụ, đa số xây dựng theo kinh nghiệm chứ chưa theo quy chuẩn nên dễ dàng bị các yếu tố thời tiết tác động gây hư hại. Trong khi đó, khi xu thế biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng thì các trận cuồng phong, lốc xoáy, các trận bão cũng hung dữ, khắc nghiệt hơn, chưa kể lượng mưa cũng lớn hơn và trút xuống ồ ạt.

Bà Lan đưa ra ví dụ trước đây mưa có thể đạt 500mm trong 2 ngày nhưng nay chỉ cần 1-2 giờ là đạt mức nói trên.

“Mức độ thiên tai đã nặng nề hơn thì quy chuẩn xây dựng cần phải thay đổi trước diễn biến phức tạp của thời tiết. Không thể cứ có thiên tai, mưa bão là người dân lại lấy cát đá chằng chống nhà ở. Họ phải được hướng dẫn và hỗ trợ để xây dựng nơi ở kiên cố, vững chắc đủ sức chống chịu thiên tai”- bà Lan nói.

Thêm vào đó, bà Lan còn cho biết một vấn đề lớn hiện nay ảnh hưởng đến chất lượng nhà ở là mưa axit khi mức độ ô nhiễm không khí càng tăng. Mưa axit không phải là axit đổ xuống mà trong mưa có các chất gây ăn mòn công trình công cộng, nhà ở. Vì vậy cần tuyên truyền cho người dân hiểu bản chất của mưa axit là gì, cách xử lý, ứng phó.

Ngoài ra, nhà ở còn chịu áp lực gió. Hiện nay chưa có tính toán cụ thể về vấn đề này. Việc tính sức chịu đựng của nhà ở trước sức gió không thể tính ở hiện tại mà phải tính cho tương lai. Bộ Xây dựng cần có quy chuẩn xây dựng nhà ở phù hợp với diễn biến biến đổi khí hậu hiện nay để người dân áp dụng. Trên cơ sở quy chuẩn này, các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp sẽ cho ra đời và đưa ra thị trường những loại vật liệu xây dựng phù hợp với đặc điểm khí hậu trong tình hình mới, đáp ứng nhu cầu xây, sửa nhà của người dân.

Cần có quy hoạch lâu dài về nhà ở vùng thiên tai

Còn theo TS.KTS Lê Thị Hồng Na, giảng viên bộ môn kiến trúc, khoa kỹ thuật xây dựng Trường đại học Bách khoa, ĐHQG TP.HCM, năm 2020 mưa bão đã vượt ngưỡng những năm trước khi dồn dập nhiều đợt liên tiếp xảy ra khiến các công trình xây dựng ít nhiều bị xuống cấp. Khi mưa bão tác động trong thời gian dài, chúng ta cần lưu ý đến tính ổn định của kết cấu nhà ở và phương án di chuyển người, tài sản đến vị trí an toàn khi cần thiết.

Trên thực tế, các công trình nhà ở hiện hữu tại khu vực miền Trung không đủ chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên tai.

Hơn 730.000 căn nhà hư hại do thiên tai từ đầu năm 2020 đến nay - Ảnh 4.

Người dân miền Trung cố nhặt nhạnh trong đống đổ nát từng mảnh ngói còn lành lặn để vá lại mái nhà sau bão - Ảnh: TẤN LỰC

“Một ngôi nhà ở khu vực thường xuyên hứng chịu mưa bão cần có tính toán kỹ về lượng mưa, khả năng chống thấm, thoát nước, hướng gió, khả năng chịu lực của kết cấu, tường, cửa và đặc biệt là hệ mái. Bên cạnh đó, ngoài các không gian nhà ở chính, cần có những thử nghiệm thêm về không gian trú ẩn khác như hầm trú” - tiến sĩ Hồng Na nhấn mạnh.

Bà Na cũng cho rằng về lâu dài, Nhà nước cần có chiến lược quy hoạch nhà ở cho khu vực miền Trung nói riêng và một số vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai nói chung. Mỗi một vùng có thể bố trí xây dựng một nhà cộng đồng kiên cố để người dân trú ẩn an toàn. Đây là công trình đa chức năng do nhà nước quy hoạch trên diện rộng chứ không dừng lại ở địa phương tự phát xây dựng. Nguồn kinh phí có thể từ nhiều thành phần, do nhà nước đầu tư, các mạnh thường quân giúp đỡ và địa phương tự vận động.

Lâu dài hơn, nhà ở của người dân cũng cần có thiết kế đồng bộ, kết cấu vững chắc, tương tự các nhà cộng đồng an toàn nhưng với quy mô nhỏ hơn. Tuy nhiên, ngoài các yếu tố tác động đến kết cấu ngôi nhà, cần tiến hành những khảo sát, nghiên cứu cụ thể về các yếu tố như kinh phí, văn hóa, lịch sử...

Thống kê đến giữa tháng 11-2020, thiệt hại do thiên tai gây ra uớc tính thiệt hại về kinh tế hơn 33.833 tỉ đồng.

* Về người: 344 người chết, mất tích (278 người chết, 66 người mất tích) và 821 người bị thương.

* Về nhà ở: 3.270 nhà sập, 311.800 nhà bị hư hại, tốc mái, di dời khẩn cấp, 415.811 nhà bị ngập.

* Về nông nghiệp: 177.611ha lúa và hoa màu bị thiệt hại, 50.426 con gia súc, 3.468.709 con gia cầm chết, cuốn trôi.

* Về thủy lợi: 587km đê kè, kênh mương bị sạt lở, hư hỏng, 122km bờ biển, sông bị sạt lở.

* Về giao thông: 943km đường giao thông bị sạt lở hư hỏng, khối lượng đất, đá sạt lở khoảng 3,26 triệu m3.

Bão số 9 làm hơn 2.500 nhà sập, 88.500 nhà tốc mái, lở đất chôn vùi 55 người Bão số 9 làm hơn 2.500 nhà sập, 88.500 nhà tốc mái, lở đất chôn vùi 55 người

TTO - Nghiêm trọng nhất là xảy ra vụ lở đất khiến 55 người mất tích ở hai huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam. Trong đó có 53 người ở huyện Nam Trà My và 2 người ở huyện Phước Sơn.

LÊ PHAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên