29/06/2022 06:03 GMT+7

Hư cấu trong phim tiểu sử: Ranh giới giữa sáng tạo và xúc phạm

MI LY
MI LY

TTO - Khánh Ly và Thanh Thúy phủ nhận một số chi tiết trong Em và Trịnh. Mark Zuckerberg phẫn nộ vì The Social Network. Nhưng các phim tiểu sử về Elton John, Freddie Mercury (ban nhạc Queen) và Elvis Presley lại khiến những người trong cuộc hài lòng.

Hư cấu trong phim tiểu sử: Ranh giới giữa sáng tạo và xúc phạm - Ảnh 1.

Trịnh Công Sơn - Khánh Ly ngoài đời - Ảnh: Tư liệu

Nhà làm phim có quyền khai thác hình ảnh, tên tuổi một nhân vật nổi tiếng để làm phim và đưa ra những tình tiết hư cấu, kịch tính hóa và lãng mạn hóa so với đời thực. Thế nhưng với các nhân vật có thật, đặc biệt là các nhân vật còn sống, việc hư cấu những lát cắt trong cuộc đời của họ là điều không dễ dàng.

Hư cấu và sự thật

Khánh Ly và Thanh Thúy, Mark Zuckerberg và Elton John, những người thân của Freddie Mercury và Elvis Presley... đều đã lên tiếng về những tình tiết hư cấu khiến họ phiền lòng.

Những phản hồi xung quanh một phim tiểu sử luôn rất phức tạp. Chẳng hạn, với Em và Trịnh, gia đình Trịnh Công Sơn hài lòng và ủng hộ phim nhưng Khánh Ly phản đối chi tiết đút sữa chua, một số câu thoại bỗ bã và việc bà đi tìm nhạc sĩ, Thanh Thúy phủ nhận bà mặc sườn xám và cùng Trịnh Công Sơn đi về trong ngõ tối.

Với Bohemian Rhapsody - phim tiểu sử âm nhạc có doanh thu cao nhất thế giới, được ban nhạc Queen ủng hộ, thì Jim Hutton - người yêu đồng giới của Freddie Mercury trong 6 năm cuối đời - lại bị khắc họa mờ nhạt.

The Social Network khắc họa Mark Zuckerberg như một người tài năng nhưng lập dị, tạo ra Facebook do thất tình, sẵn sàng lật kèo với đối tác hoặc bạn bè. Zuckerberg chỉ trích phim vì kịch tính hóa quá mức và bịa ra những tình huống hào nhoáng để phim hấp dẫn hơn.

Quyền của nhà làm phim và quyền của nhân vật tồn tại song song. Vậy câu hỏi đặt ra là: Đâu là giới hạn của sự sáng tạo, hư cấu trong phim dựa trên nhân vật có thật?

Tại Hollywood, dòng phim này rất phát triển, các nhà làm phim được trao quyền hư cấu và khán giả, giới truyền thông chấp nhận điều đó. Nhân vật có thể phản đối mạnh mẽ như trường hợp Mark Zuckerberg và The Social Network, Hoàng gia Anh và series The Crown, nhưng phim vẫn được giới phê bình công nhận về giá trị nghệ thuật và đoạt giải lớn ở những giải thưởng danh giá.

Ở Mỹ, sau mỗi phim tiểu sử, phim dựa trên nhân vật thật, có hàng loạt bài báo liệt kê chi tiết nào là có thật và chi tiết nào là hư cấu để khán giả có cái nhìn đúng đắn hơn về nhân vật, hiểu biết hơn về lịch sử. Có những trang web như History vs. Hollywood lập ra để cung cấp những thông tin, dữ liệu, tài liệu có thật để so sánh với tình tiết hư cấu trong phim Hollywood.

Còn ở Việt Nam, khi dòng phim tiểu sử - dựa trên nhân vật thật còn quá ít, những chi tiết hư cấu thường vấp phải sự phản đối từ nhân vật lẫn khán giả. Đặc biệt trong trường hợp của Khánh Ly, bà là ca sĩ nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng đến nhiều thế hệ nên việc bà phản bác Em và Trịnh càng có tác động mạnh.

Hư cấu trong phim tiểu sử: Ranh giới giữa sáng tạo và xúc phạm - Ảnh 2.

Trịnh Công Sơn - Khánh Ly trong phim Em và Trịnh - Ảnh: ĐPCC

Khó có thước đo chung

Trả lời Tuổi Trẻ về câu hỏi: "Ranh giới nào cho sự hư cấu sáng tạo và hư cấu mang tính xuyên tạc, xúc phạm?", luật sư Phan Vũ Tuấn nhận định đây là điều rất khó xác định và không có thước đo chung cho mọi trường hợp.

Ông Tuấn phân tích: "Khoản 4, điều 11 Luật điện ảnh năm 2006 quy định cấm hành vi vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân trong hoạt động điện ảnh. Nhưng quy định này không đồng nghĩa với việc nghiêm cấm những tình tiết mang tính hư cấu.

Bản chất của một bộ phim là kết quả của sự sáng tạo, mà sáng tạo không thể tránh khỏi hư cấu, bất kể nội dung phim đề cập đến nhân vật, sự kiện có thật. Trong nhiều trường hợp, chính yếu tố hư cấu tạo nên sự sinh động và thu hút người xem.

Điều quan trọng là biết được điểm dừng của sự hư cấu để không rơi vào trường hợp bị cấm như quy định vừa nêu. Vấn đề này vô cùng phức tạp. Cho đến hiện tại, không có quy định nào đưa ra những chuẩn mực cụ thể để xác định thế nào là xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân, và cũng không có thước đo chung về mức độ xâm phạm. Tùy vào mỗi bối cảnh thực tiễn khác nhau mà có những căn cứ, mức độ khác nhau để đánh giá".

Lấy ví dụ trường hợp của Khánh Ly và Em và Trịnh, nhân vật còn được luật pháp bảo vệ quyền nhân thân. Luật sư Tuấn cho biết quyền nhân thân được quy định cụ thể và chi tiết tại Bộ luật dân sự năm 2015. 

Trong đó, khoản 1 điều 34 và khoản 1 điều 38 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân; đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Do đó Khánh Ly có quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình, bảo vệ các thông tin bí mật đời tư của mình.

Những nhân vật bị hư cấu còn có những tổn thương về mặt tình cảm, gặp phải những vấn đề cá nhân do phim gây ra mà không được quy định trong luật. Đây chính là ranh giới mong manh mà các nhà làm phim trên thế giới đều phải cân nhắc kỹ càng trước khi đưa cuộc đời của họ lên màn ảnh.

Vết hằn ngoài luật pháp

Luật sư Phan Vũ Tuấn nhận định: "Bà Khánh Ly có quyền khởi kiện vì theo quy định tại khoản 2 điều 34 Bộ luật dân sự năm 2015, "cá nhân có quyền yêu cầu tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình".

Và theo quy định tại khoản 5 điều 34 Bộ luật dân sự năm 2015, "cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại".

Yêu cầu khởi kiện của bà Khánh Ly có được tòa án chấp nhận hay không còn tùy thuộc vào chứng cứ và quá trình chứng minh. Việc xác định hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân phụ thuộc vào bối cảnh thực tiễn.

Nếu chỉ căn cứ vào cảm nhận cá nhân của bà Khánh Ly thì chưa đủ mà phải kết hợp với các yếu tố khác như mối quan hệ gia đình và xã hội, địa vị xã hội, quá trình hoạt động cá nhân... Trong đó, dư luận xã hội đóng vai trò quan trọng để xác định danh dự, nhân phẩm bị xâm phạm tới mức nào".

Tuy nhiên, thực tế có những ảnh hưởng, những xúc phạm không được đo đếm bằng luật hay quy định. Và đặc biệt, nếu có phải nhờ đến luật pháp giải quyết, các bộ phim đã công chiếu, vết hằn đã vào trong khán giả.

Nhà sản xuất Nhà sản xuất 'Em và Trịnh' xin lỗi vì hư cấu làm phiền lòng nhân vật có thật

TTO - Hôm 27-6, nhà sản xuất 'Em và Trịnh' nói về vấn đề hư cấu trong phim: 'Chúng tôi rất tiếc và thành thật xin lỗi nếu sự sáng tạo của bộ phim có làm phiền lòng đến nhân vật có thật hay người thân'.

MI LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên