12/12/2019 07:12 GMT+7

Huy chương của máu, mồ hôi và nước mắt

KHƯƠNG XUÂN
KHƯƠNG XUÂN

TTO - 'Ba nội dung, ba huy chương vàng, ba lần kiểm tra doping. Đến trưa nay, em choáng váng gần như kiệt sức, chiều ra khởi động chuẩn bị thi 3.000m vượt chướng ngại vật em đã phải vỗ vào má mấy cái cho tỉnh táo".

Huy chương của máu, mồ hôi và nước mắt - Ảnh 1.

Hình ảnh bay qua rào cũng chính là nỗ lực đánh bại bệnh tật, gian khó của Nguyễn Thị Oanh - Ảnh: K.XUÂN

Đó là tin nhắn vận động viên điền kinh Nguyễn Thị Oanh gửi đến người viết lúc 1h30 sáng 11-12, sau khi cô hoàn thành nhiệm vụ giành 3 huy chương vàng SEA Games 30.

Những giọt nước mắt tuôn dài trên má Oanh, Huyền, Thu Trang... những VĐV đã giành HCV cho điền kinh Việt Nam tại SEA Games 30 khi cán đích.

Họ khóc vì hạnh phúc vì mang vinh quang về cho Tổ quốc, vì cả những khổ đau, gian khó đã phải vượt qua để có được ngày hôm nay.

"Hạt tiêu" Nguyễn Thị Oanh: huy chương của lòng dũng cảm

Trong đội điền kinh Việt Nam, Nguyễn Thị Oanh là VĐV được giao chỉ tiêu nặng nề nhất: 3 HCV. Và cả ba nội dung Oanh tham dự đều cực kỳ "xương", đó là: 1.500m, 3.000m, 5.000m vượt chướng ngại vật.

Nội dung đầu tiên cô thi ngày 8-12, hai nội dung còn lại cô phải thi trong ngày 10-12. Đáng kinh ngạc, Oanh đã giành cả 3 HCV, bỏ xa các đối thủ để về đích đầu tiên, dù là VĐV có thân hình bé nhỏ nhất trong số các VĐV thi đấu.

24 tuổi, Oanh bắt đầu theo tập điền kinh từ năm 15 tuổi. Oanh gây dấu ấn đậm nét với thân hình chỉ cao xấp xỉ 1,5m. Dù vậy, "cô bé hạt tiêu" này đã giành 2 HCV tại SEA Games 29. Còn ở SEA Games 30, cô phá vỡ kỷ lục của bản thân để mang về 3 HCV.

Để có được vinh quang hôm nay, Oanh đã phải đánh đổi bằng cả máu, mồ hôi và nước mắt.

Năm 2014, khi đang tập trung đội tuyển, Oanh bị phù khắp cơ thể và được chẩn đoán mắc bệnh viêm cầu thận. Bệnh nhưng Oanh vẫn cố tập luyện vì sợ đi viện thì mất cơ hội ở đội tuyển điền kinh.

Ông Dương Đức Thủy - trưởng bộ môn điền kinh Tổng cục TDTT - cho biết khi đó tổng cục đã phải ra quyết định trả Oanh về địa phương để cô yên tâm chữa bệnh.

Sau vài tuần nằm viện điều trị, Oanh trở về Trường ĐH TDTT Bắc Ninh học ĐH và tiếp tục điều trị. Khi cơ thể đã phục hồi, cô tự đưa ra giáo án cho mình để tập luyện trở lại với quyết tâm quay lại đường chạy.

Chính những tháng ngày đẫm mồ hôi, nước mắt đó đã đưa Oanh lên đỉnh cao sự nghiệp hôm nay.

3 HCV SEA Games 30 là món quà tuyệt vời cho nỗ lực không mệt mỏi của "hạt tiêu" Nguyễn Thị Oanh. Nằm vật ra trên sân điền kinh tại New Clark City sau khi cán đích nội dung cuối cùng 3.000m vượt chướng ngại vật tối 10-12, Oanh kiệt sức.

Mồ hôi và nước mắt chan lẫn, Oanh đã làm nên kỳ tích cho mình và góp phần giúp đội tuyển điền kinh Việt Nam giành 16 HCV, đứng đầu khu vực Đông Nam Á.

Nguyễn Thị Huyền: 6 tháng đã phải cai sữa con để đi tập

Đó là câu chuyện xúc động của nhà vô địch SEA Games 30 cự ly 400m, 400m rào Nguyễn Thị Huyền.

Là nhà vô địch SEA Games 29 nội dung 400m, 400m rào và tiếp sức 4x400m, đang trên đỉnh cao sự nghiệp, đầu năm 2018 Huyền bất ngờ chia tay đường đua để lấy chồng, sinh con. Không ai nghĩ Huyền có thể trở lại và trở lại mạnh mẽ đến vậy. 

Chỉ 3 tháng sau khi sinh con, cô đã đi tập và 3 tháng sau đó cai sữa con, quyết tâm trở lại đỉnh cao sự nghiệp.

Tâm sự với Tuổi Trẻ, Huyền kể: "Tôi sinh con bằng phương pháp mổ, vậy mà 3 tháng sau đã trở lại đường chạy, bụng lúc đó còn to tướng. Ba tháng sau tôi bàn với chồng phải cai sữa cho con vì nếu không, tôi không chạy nổi với bầu ngực nặng và căng cứng. 

Thương con đứt ruột nhưng tôi đã phải dứt sữa của cháu từ lúc đó. 

Tôi đã giành 3 HCV SEA Games, đạt chuẩn đến Olympic nhưng không có vinh quang nào danh giá như HCV 400m tại SEA Games 30. Đây là chiếc huy chương của mồ hôi, nước mắt của hai mẹ con, tôi giành để tặng cho con gái mình vì những thiệt thòi mà con phải trải qua để cho tôi được thi đấu".

Sự trở lại của Huyền ở đội điền kinh Việt Nam là kỳ tích bởi sau sinh con, cô chưa được triệu tập lên đội tuyển. Miệt mài tự tập, tháng 9-2019 Huyền tham dự Giải điền kinh vô địch quốc gia tại TP.HCM và giành 2 HCV cho Nam Định. 

Với thành tích ngoạn mục này, Huyền đã giành "vé vớt", bổ sung vào đội tuyển điền kinh Việt Nam dự SEA Games 30.

Trên đường chạy 400m và 400m rào tại SEA Games 30, mọi ánh nhìn đều được đặt vào Quách Thị Lan. Thế nhưng Huyền đã làm nhiều người kinh ngạc, cô đánh bại đàn em của đội tuyển điền kinh Việt Nam, đánh bại các đối thủ để chiến thắng ở cả hai nội dung. 

Huyền thật xứng đáng được nhận huy chương của ý chí, nỗ lực và lòng dũng cảm.

Tăng gần 20kg để giành HCV

Đó là võ sĩ kurash - Trần Thị Thanh Thủy (hạng trên 70kg). Nhà thi đấu Laus Group ở San Fernado (Philippines) như bùng nổ khi ở trận tranh HCV hạng trên 70kg nữ, Thanh Thủy chỉ mất 5 giây để đánh bại đối thủ Thái Lan, lên ngôi vô địch.

Cô gái có làn da trắng, cao 1,7m ấy sẽ vô cùng xinh đẹp nếu không có thân hình quá khổ hơn 90kg như hiện tại. Để đạt được cân nặng như vậy, Thanh Thủy cho biết cô đã phải ăn liên tục trong 6 tháng và tăng gần 20kg.

"Tôi không có sự lựa chọn vì nếu đánh hạng cân thấp, tôi khó có thể giành HCV. HLV nói tôi tăng cân để đánh trên 70kg vì hạng này không giới hạn số cân, càng nặng đánh càng bốc. Vì HCV tôi sẵn sàng hi sinh cả sắc đẹp để có được nó.

Trước đó tại Asiad 2018, tôi từng giảm 20kg trong 4 tháng nhưng ra về tay trắng. Những tháng ngày mặc áo mưa chạy ép cân, hôm nào tôi cũng khóc" - Thủy tâm sự.

KHƯƠNG XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên