08/12/2019 08:59 GMT+7

Huy chương của tình đồng đội

HUY ĐĂNG - KHƯƠNG XUÂN
HUY ĐĂNG - KHƯƠNG XUÂN

TTO - Bơi lội - điền kinh - xe đạp, 3 môn thể thao luôn nổi bật với khẩu hiệu chiến thắng bản thân, thật ra là những môn thể thao rất cần đến sự hỗ trợ và san sẻ của đồng đội.

Huy chương của tình đồng đội - Ảnh 1.

Từ trái qua: 4 chàng trai Phước, Chuyền, Paul và Nguyên luôn mang đến bầu không khí vui nhộn cho tuyển bơi Việt Nam - Ảnh: HUY ĐĂNG

Nếu giành chiến thắng, các VĐV đoạt HCV là những người hiểu nhất ai là người đóng góp vào thành tích của mình để sẻ chia hạnh phúc đó với đồng đội.

Ông Dương Đức Thủy

Ở SEA Games 30, ngoài những HCV của Ánh Viên, Huy Hoàng, đội bơi Việt Nam còn sở hữu một chiến tích đi vào lịch sử: hoàn thành "bộ sưu tập" huy chương tiếp sức.

"Yên tâm khi có anh Quý Phước ở phía sau"

Đêm 6-12, bốn chàng trai Hoàng Quý Phước, Trần Hưng Nguyên, Ngô Đình Chuyền và Lê Nguyễn Paul khiến mọi người vỡ òa khi lội ngược dòng ngoạn mục mang về HCĐ nội dung 4x100m tự do nam.

10 năm qua, bơi lội Việt Nam đã quá quen với những cơn mưa HCV, nhưng đó chỉ ở nội dung cá nhân. Ánh Viên - người đã giành hơn 20 HCV SEA Games - chưa từng có một huy chương tiếp sức. Đến tận SEA Games 2017, bơi lội Việt Nam mới lần đầu tiên giành được huy chương ở các nội dung tiếp sức: HCB 4x200m tự do và HCĐ 4x100m hỗn hợp. 

Giờ đây, bốn chàng trai Phước - Nguyên - Chuyền - Paul mang về thêm HCĐ nội dung 4x100m tự do để hoàn tất "bộ sưu tập" huy chương bơi tiếp sức (trước đó nhóm Quý Phước - Kim Sơn - Đình Chuyền - Huy Hoàng cũng đã mang về HCB 4x200m tự do) cho bơi lội Việt Nam.

"Nếu chỉ đấu cự ly100m tự do cá nhân, tôi nghĩ mình không thể lọt vào top 8 tay bơi mạnh nhất. Đứng trước những đối thủ mạnh từ Singapore, tôi khá lo lắng. Nhưng đây là nội dung tiếp sức, nếu thành tích của tôi không đủ tốt, cả đội sẽ bị ảnh hưởng. Việc có anh Quý Phước bơi ở vị trí cuối cùng khiến tôi vững tâm hơn, vì anh Phước có thể kéo lại thành tích của cả nhóm" - kình ngư 17 tuổi Đình Chuyền chia sẻ.

Còn Quý Phước - chàng trai dày dạn kinh nghiệm nhất đội bơi Việt Nam - ngỏ lời cảm ơn các đàn em. "Đã từng có lúc tôi sa sút nặng nề và không hi vọng giành thêm huy chương ở SEA Games. Nhưng việc được tập luyện, thi đấu với những đồng đội trẻ tuyệt vời như Huy Hoàng, Thanh Bảo... đã giúp tôi lấy lại phong độ. Thành tích ở đội bơi tiếp sức đã hồi sinh sự nghiệp cá nhân của tôi" - Quý Phước nói.

Trong hồ thế nào thì ngoài đời cũng thế ấy, những chàng trai của tuyển bơi Việt Nam luôn gắn bó, vui nhộn trong sinh hoạt, mang đến bầu không khí tích cực cho cả đội bơi.

"Hi sinh" bản thân để đồng đội giành HCV

Tuyển bơi lội cùng nhau tiến bước, còn điền kinh gây xúc động với sự hi sinh của VĐV "quân xanh" để cho VĐV "quân đỏ" giành HCV.

Cự ly 10km nam chiều 7-12 là một ví dụ khi VĐV Nguyễn Văn Lai và Đỗ Quốc Luật (Quân đội) cùng tranh tài ở cự ly này. Trước khi bước vào thi đấu, ban huấn luyện và bộ môn điền kinh Việt Nam đã "tâm sự" với cả hai VĐV. Với chỉ tiêu phải có HCV, ban huấn luyện đã "bài binh bố trận" để Quốc Luật đi bọc lót cho Văn Lai. Điều này giúp Lai đoạt HCĐ.

Ông Dương Đức Thủy, trưởng bộ môn điền kinh Tổng cục TDTT - nói: "Ở cự ly 10km, do quãng đường khá dài nên cần có chiến thuật chi tiết để các VĐV đạt kết quả tốt nhất. Do Lai mạnh ở cự ly 5km, 10km, còn Quốc Luật mạnh ở 3.000m vượt chướng ngại vật nên ở 10km, Luật được giao trọng trách bọc lót để Lai giành HCV. Trong trường hợp Lai bị đối thủ vây ráp, Luật cũng có thể bứt phá về đích nếu có khả năng".

Tương tự, ở cự ly 5km nữ, VĐV Phạm Thị Huệ (Quảng Ninh) có trọng trách bọc lót để "hạt tiêu" Nguyễn Thị Oanh (Bắc Giang) nhắm đến HCV. Ở nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật, VĐV Lò Thị Thanh (Sơn La) có nhiệm vụ bọc lót để Nguyễn Thị Oanh bảo vệ HCV. Những sự "hi sinh" thầm lặng đó chỉ có VĐV, HLV biết mà thôi và tất cả vì mục tiêu mang thành tích về cho thể thao Việt Nam.

Mai và Thi mệt hơn cả Thật

xe dap ngay 7-12 4(read-only)

Thật (thứ 2 từ trái sang) và hai đồng đội Mai, Thi - Ảnh: MINH MINH

Trao đổi với Tuổi Trẻ, tổng thư ký Liên đoàn Xe đạp - môtô thể thao Việt Nam Nguyễn Ngọc Vũ, người có mặt ở SEA Games 30, cho biết: "Tuy Nguyễn Thị Thật giành HCV nội dung xuất phát đồng hàng nhưng công lớn thuộc về Nguyễn Thị Thu Mai và Nguyễn Thị Thi".

Ông Vũ kể chỉ đạo ban đầu của ban huấn luyện là toàn đội giúp Thi giành huy chương bởi Thi chạy tốt đường đèo và còn khỏe do Thật đã vắt sức thi đấu cá nhân tính giờ ngày hôm trước. Vào thi đấu, sau 50km, tuyển Việt Nam liên tục tấn công để Thi bứt lên nhưng đều bị đối thủ bắt lại.

Đến khi vào đèo (còn khoảng 30km), tuyển Việt Nam bất ngờ thay đổi chiến thuật, Mai và Thi luân phiên tấn công làm "chim mồi" cho Thật tung đòn tấn công quyết định để bứt lên. Nhờ vậy, Thật mới cùng VĐV Prado Jermyn (Philippines) vượt lên dẫn đầu đoàn đua.

Chấp nhận ở lại nhóm sau để kèm đối thủ, Thi và Mai đã chặn đứng mọi nỗ lực tấn công của các tay đua Thái Lan, Philippines, Indonesia... để Thật tạo được khoảng cách an toàn và giành chiến thắng. Ông Vũ nói: "Thi và Mai đã vắt kiệt sức vì phải thay đổi tốc độ liên tục và tâm lý rất căng thẳng khi phải quan sát, tính toán chiến thuật để chặn đứng mọi đợt tấn công của các đối thủ".

TẤN PHÚC

Điền kinh Việt Nam huy chương vàng lịch sử nội dung 4x400m hỗn hợp Điền kinh Việt Nam huy chương vàng lịch sử nội dung 4x400m hỗn hợp

TTO - Tối 7-12, đội tuyển điền kinh Việt Nam đã giành HCV đầu tiên tại SEA Games 30 ở nội dung tiếp sức hỗn hợp 4x400m với thành tích 3 phút 19 giây 50. Đây là nội dung lần đầu tiên được đưa vào chương trình thi đấu của SEA Games.

HUY ĐĂNG - KHƯƠNG XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên