Internet thời Taliban: từ cấm cản đến công cụ

HOA KIM 09/09/2021 17:10 GMT+7

TTCT - Khi cầm quyền ở Afghanistan cuối thập niên 1990, Taliban cấm tiệt Internet, thậm chí còn sai người đi cắt cáp. 20 năm sau, Internet là công cụ an dân đắc lực mà lực lượng này đủ thức thời để không bỏ lỡ.

 
 Nhân viên Al-Emarah, trang web chính thức của Taliban, tại nơi làm việc. Ảnh: Twitter/MalwareInt

Phụ nữ vẫn được đi làm và quyền tự do thực hành tôn giáo thiểu số không bị xâm phạm là 2 trong số nhiều thông điệp được Taliban đưa lên mạng xã hội nhằm trấn an người dân Afghanistan sau khi giành quyền kiểm soát thực tế phần lớn lãnh thổ đất nước, bao gồm thủ đô Kabul, từ giữa tháng 8.

Rõ ràng Taliban của năm 2021 đang muốn trình diễn một bộ mặt rất khác so với 20 năm trước, khi biến mạng xã hội thành công cụ hữu hiệu để kiềm tỏa tiếng nói đối lập và tuyên truyền thông điệp có lợi cho mình.

Làm chủ dư luận

“Họ nhận ra rằng để giành chiến thắng trong cuộc chiến này, họ cần dẫn dắt dư luận và làm chủ các câu chuyện. Tại các khu vực thành thị, mọi người dân đều có điện thoại thông minh (...) Taliban sẽ sử dụng mạng xã hội để nói cho người dân Afghanistan biết việc họ cần làm” - GS Thomas Johnson của Trường sau đại học Hải quân ở Monterey, bang California nói với tờ The New York Times.

Trên mạng, Taliban nhấn mạnh mong muốn xây dựng một Afghanistan hòa bình và đoàn kết, đồng thời cáo buộc Mỹ và các thế lực ngoại bang là nguyên nhân chính dẫn đến giao tranh triền miên ở quê hương mình - một thông điệp được minh họa bởi hình ảnh người tị nạn tuyệt vọng bám vào máy bay ở sân bay Kabul trong những tuần qua.

Trên đường phố, đội ngũ phóng viên nghiệp dư của Taliban tỏa đi khắp các thành phố mới tái chiếm cùng chiếc micro màu xanh đặc trưng để phỏng vấn người dân, và tất nhiên chỉ những phát biểu ủng hộ chính quyền mới vượt qua vòng biên tập để xuất hiện trong các video tuyên truyền sau đó của Taliban trên mạng.

“Taliban không cần đăng nội dung để nhắc nhở dân chúng về sự bạo tàn của họ. Người dân thừa biết điều đó. Thứ Taliban cần là những hình ảnh cho thấy lực lượng này cũng có thể lãnh đạo và hội nhập đất nước” - The New York Times dẫn lời Benjamin Jensen, một thành viên của Tổ chức nghiên cứu Atlantic Council.

Afghanistan ngày nay đã khác xa so với đất nước không có Internet của cách đây 20 năm. Dưới thời chính quyền do Mỹ hậu thuẫn, các tháp phát sóng di động đã mọc lên khắp đất nước. Theo Công ty nghiên cứu thị trường Statista, người dùng điện thoại di động ở Afghanistan đã đạt hơn 22 triệu người năm 2019 so với chỉ 1 triệu người vào năm 2005. Các chuyên gia ước tính khoảng 70% dân số đất nước 38 triệu dân có sử dụng điện thoại di động.

Không có nhiều thời gian và sự hỗ trợ, Taliban sẽ khó lòng xây dựng bong bóng thông tin để ngăn chặn hoàn toàn thông điệp từ bên ngoài giống như cách mà Trung Quốc hay Nga đã làm. Thay vào đó, họ chọn cách lấp đầy mạng xã hội với những thông điệp của riêng mình. Lực lượng này đã thuần thục việc dựng lên trang web tuyên truyền mới sau khi trang cũ bị chặn hoặc đánh sập. Trong cuộc bầu cử tổng thống Afghanistan năm 2019, một báo cáo cho thấy Taliban đã sử dụng các hashtag (thẻ) thịnh hành trên Twitter để cài cắm thông điệp của mình và đe dọa cử tri.

Để tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế, các lãnh đạo Taliban sẵn sàng trả lời phỏng vấn bằng tiếng Anh và cho phát trực tiếp các sự kiện báo chí. Al-Emarah - trang web chính thức của lực lượng này - có các phiên bản bằng tiếng Anh, Pashto, Dari, Urdu và Ả Rập.

 
 Người phát ngôn Taliban Zabihullah Mujahid tại buổi họp báo đầu tiên ở Kabul sau khi giành quyền kiểm soát Afghanistan. Ảnh: AFP

Xóa dấu vết

Nếu chỉ nhìn vào những gì người dân Afghanistan viết trên mạng xã hội trong những ngày này, thật khó mà khái quát hóa thành cảm xúc chung của đất nước khi mà phần lớn tiếng nói chỉ trích Taliban và ủng hộ chính phủ do Mỹ hậu thuẫn đều đã im hơi lặng tiếng hoặc chuyển sang hoạt động ngầm để tránh tai vách mạch dừng.

Nhiều người còn phải lẳng lặng rà soát lại lịch sử chia sẻ trên mạng xã hội của họ để “làm sạch” những nội dung có thể khiến bản thân gặp nguy hiểm dưới chính quyền mới. Một giảng viên giấu tên của Đại học Nangarhar ở thành phố Jalalabad nói với The New York Times, một lượng lớn sinh viên của ông từng tham gia các chiến dịch chống Taliban đã phải khóa tài khoản mạng xã hội của họ trong lo sợ. Đối với thế hệ trẻ Afghanistan ra đời sau khi Taliban bị lật đổ năm 2001, họ có dấu chân kỹ thuật số kéo dài cả đời để dọn dẹp, ông nói.

“Internet đang bị đe dọa ở Afghanistan. Taliban mong muốn sử dụng Internet vì lợi ích của họ, nhưng đồng thời họ sẽ ưu tiên không cho phép [các đối thủ chính trị] phổ biến thông tin trong tương lai” - ông Mohammad Najeeb Azizi, cựu chủ tịch Cơ quan Quản lý viễn thông Afghanistan, nói với trang Politico.

Dù truy cập Internet vẫn còn tương đối tự do ở Afghanistan, sự tiếp quản của Taliban đã khiến người dân lần đầu tiên nhận thức được sự nguy hiểm của việc hiện diện trên mạng. Nhiều người Afghanistan đã vội vã xóa tài khoản mạng xã hội và các bài đăng có nguy cơ khiến họ dính líu đến chế độ cũ hoặc lực lượng NATO.

Ngoài chiến dịch truy quét ban đầu, nhiều người còn lo ngại về hệ lụy lâu dài hơn. Mặc dù Taliban ít khả năng tái diễn chuyện cắt cáp Internet như những năm 1990, họ có thể tìm cách kiểm duyệt nội dung, cắt quyền truy cập Internet đối với một số nhóm hoặc khu vực nhất định, hoặc đe dọa các công ty viễn thông nước ngoài đang vận hành phần lớn mạng lưới viễn thông ở Afghanistan.

“Taliban không muốn Internet biến mất, nhưng không sớm thì muộn họ sẽ cố gắng làm rõ một thực tế rằng họ là những người lãnh đạo mới của đất nước, rằng họ chịu trách nhiệm về tất cả các quyết định trong lĩnh vực viễn thông” - Raman Jit Singh Chima, giám đốc chính sách châu Á của nhóm hoạt động vì quyền kỹ thuật số Access Now, nói với Politico.

“Dân vận” là thế nhưng khi cần Taliban vẫn “cắt cáp”. Ngày 29-8, Taliban ngưng dịch vụ Internet tại Panjshir, tỉnh duy nhất chưa rơi vào tay lực lượng này. Theo India Today, hành động này được cho là để ngăn cựu phó tổng thống Amrullah Saleh, người đã tuyên bố là lãnh đạo lâm thời của Afghanistan, chia sẻ các thông điệp kháng chiến trên Twitter. 

Ngôi sao internet tháo chạy

Sự trở lại của Taliban cũng đã làm rúng động giới influencer (người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội) ở Afghanistan, trong đó có ca sĩ Sadiqa Madadgar, người có hơn 188.000 người theo dõi trên Instagram nhờ giọng hát nội lực cùng tính cách thân thiện, dễ gần.

Là một tín hữu Hồi giáo ngoan đạo và luôn xuất hiện với chiếc khăn che đầu trong các video chủ yếu ghi lại sinh hoạt thường nhật và những chuyến du lịch, cô gái 22 tuổi lần đầu bày tỏ chính kiến trong một bài đăng trên Instagram hồi giữa tháng 8, một ngày trước khi quân Taliban chiếm Kabul: “Trái tim tôi như vụn vỡ khi nhìn đất nước, quê hương đang bị hủy hoại dần dần trước mắt mình”.

Còn Ayeda Shadab từng là biểu tượng thời trang của nhiều phụ nữ trẻ Afghanistan với 290.000 người theo dõi trên Instagram và 400.000 người theo dõi trên TikTok. Mỗi ngày, cô tự làm mẫu cho những bộ trang phục được bày bán trong cửa hàng thời trang do chính cô làm chủ ở thủ đô Kabul và chụp hình đăng lên mạng xã hội.

“Nếu Taliban chiếm Kabul, những người như tôi sẽ không còn an toàn nữa. Họ không thể chấp nhận mẫu phụ nữ như tôi - những phụ nữ không đeo mạng che mặt và những phụ nữ đi làm” - cô nói với Đài truyền hình Đức ZDF trong một cuộc phỏng vấn gần đây.

Quá sợ hãi về sự trở lại của Taliban, Shadab đã tháo chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ. Những influencer và người nổi tiếng còn ở lại trong nước thì đang tìm mọi cách để làm điều tương tự. Aryana Sayeed, một ngôi sao nhạc pop nổi danh ở Afghanistan, mới đây đã đăng một bức ảnh selfie trên chuyến bay sơ tán của quân đội Mỹ đến Doha, thủ đô của Qatar. “Tôi vẫn khỏe và còn sống sau một vài đêm không thể nào quên” - cô viết.

Nhiều người khác thì không có được may mắn đó. Zaki Anwari, một cầu thủ bóng đá 19 tuổi chơi cho đội trẻ Afghanistan, là một trong số các nạn nhân đã rơi xuống đất mà chết trong nỗ lực bám vào thân một chiếc máy bay quân sự Mỹ đang cất cánh từ sân bay Kabul với hy vọng thoát khỏi Afghanistan trước khi quân Taliban tiến vào.

Với những người còn ở lại Afghanistan, cắn răng chịu đựng dường như là giải pháp sống còn duy nhất. “Tất cả chúng ta đều đã trải qua những ngày tháng khó khăn, trong đó có bản thân tôi. Nhưng hãy giấu sự giận dữ, nỗi đau và nước mắt đằng sau những nụ cười” - Madadgar viết trong bài đăng Instagram hôm 29-8, bên dưới tấm hình cô trong trang phục thêu hoa văn quốc kỳ Afghanistan.■

Một thành viên giấu tên của ủy ban truyền thông xã hội Taliban tiết lộ nhóm này đang vận dụng các bài học kinh nghiệm trong chiến dịch quân sự đã đưa họ đến chiến thắng, khi mà các binh sĩ được trang bị micro và điện thoại thông minh để tường thuật nhanh từ tiền tuyến khi chiếm đóng thành công những khu vực mới.

Những thông điệp hiện trường tạo cảm giác về một chiến thắng không sớm thì muộn dành cho Taliban được cho là đã giúp lực lượng này thu phục nhiều thành phố được phòng thủ vững chắc nhất mà thậm chí không cần nổ súng. 

Sau khi chiếm thành phố Herat, Taliban phát tán hình ảnh và video ghi lại cảnh các thủ lĩnh phe mình chụp cùng Ismail Khan, một chỉ huy địa phương có tiếng. Thông điệp là rõ ràng: “Nếu chúng tôi có thể đối xử với Ismail Khan - một kẻ thù hàng đầu - với sự tôn trọng như vậy, sẽ không ai phải sợ mình sẽ gặp nguy hiểm”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận