Khi Apple là “công dân số 4”

ĐỨC HOÀNG 17/03/2016 16:03 GMT+7

TTCT - Ngày 6-3, phó chủ tịch Apple Craig Federighi đã đăng một bài viết dài trên The Washington Post giải thích lập trường của hãng này trong cuộc chiến chống lại chính quyền liên bang Hoa Kỳ trong một vụ kiện có thể đi vào lịch sử. Quyền lực nhà nước hay tự do thị trường, chống khủng bố hay đời tư công dân, vụ kiện đặt ra nhiều mâu thuẫn mà nước Mỹ đã trăn trở từ lâu.

Nate Beeler/Columbus Dispatch
Nate Beeler/Columbus Dispatch


Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã mất hai tháng cố mở khóa chiếc iPhone được Syed Farook, một trong những nghi phạm trong vụ xả súng ở San Bernardino tháng 12-2015, sử dụng. Vụ thảm sát đã lấy đi sinh mạng 14 người và làm bị thương 22 người. Vấn đề lớn nhất mà FBI phải đối mặt bây giờ là Farook đã dùng một chiếc iPhone 5C.

Apple từ lâu đã khẳng định khi một chiếc iPhone bị khóa, chính hãng này cũng không mở được. Nhưng FBI muốn Apple hỗ trợ họ loại bỏ các chương trình bảo mật để các điều tra viên có thể tiếp cận dữ liệu trong iPhone của những nghi phạm như Farook.

Tổng giám đốc Apple Tim Cook cương quyết từ chối: “Chính phủ Mỹ đang đòi hỏi chúng tôi một thứ mà chúng tôi không có (phá khóa iPhone) và một thứ chúng tôi cho rằng quá nguy hiểm để tạo ra” (các giải pháp hỗ trợ phá khóa).

Craig Federighi viết trong bài báo: “Họ cho rằng việc bảo mật hệ điều hành iOS 7 là đủ tốt - Federighi viết - Nhưng trong khi công nghệ an ninh của iOS 7 là rất hiện đại, các tay tin tặc từng bẻ khóa được. Tệ hơn, một số phương pháp xâm nhập đã được nhân ra và bán đi cho những tay tin tặc kém kỹ năng hơn nhưng nguy hiểm hơn”.

Federighi nhắc lại những gì Cook nói và khẳng định lệnh của tòa tối cao Mỹ giảm bớt sự bảo mật cho điện thoại của họ không khác gì tạo ra một cửa sau cho những tin tặc.

“Một khi xuất hiện, một phần mềm như thế (mà nhà chức trách muốn áp dụng cho rất nhiều điện thoại iPhone) sẽ trở thành một điểm yếu với những tay tin tặc”. Federighi nói những gì nhà chức trách Mỹ đang đòi hỏi là “đưa thế giới trở lại với an ninh cá nhân của năm 2013” trong bối cảnh giờ đã là năm 2016.

Trong cuộc chiến pháp lý ở tòa tối cao, Apple đã nhận được sự ủng hộ của rất nhiều công ty công nghệ khổng lồ khác như Google và Microsoft. Tất cả đều cho rằng quyền riêng tư và được bảo mật của những người sử dụng sản phẩm của họ phải lớn hơn quyền điều tra tội phạm của chính quyền.

Sau hơn ba tháng trời loay hoay với vụ thảm sát, FBI không còn cách nào khác ngoài việc đưa vụ việc ra tòa, nhưng Tim Cook và đồng sự sẽ chiến đấu đến cùng vì “sự tự do của khách hàng”. Việc Apple tự phá khóa một chiếc iPhone sẽ không khác gì một sự phản bội với hàng trăm triệu khách hàng của họ khắp toàn cầu.

Vụ kiện có thể sẽ còn kéo dài và thật sự là một biểu tượng cho nhiều mâu thuẫn mà nước Mỹ đang đối mặt kể từ sau vụ 11-9. Một bên là quyền lực của chính quyền liên bang nhân danh “an ninh quốc gia”, một bên là quyền tự do cá nhân của công dân - điều được coi là giá trị nền tảng và tối thượng ở Mỹ.

Vụ việc khiến người ta nhớ lại “Công dân số 4” (Citizen Four), như cách người tiết lộ các chương trình theo dõi bí mật của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden tự gọi anh.

Người dân Mỹ những năm gần đây liên tục sống trong nỗi bất an về việc đang bị chính quyền xâm phạm đời tư bằng các công nghệ hiện đại, điều vốn đã được phản ánh từ lâu trong văn hóa phương Tây, trong cả những tác phẩm kinh điển - như năm 1984 (George Orwell) - lẫn văn hóa đại chúng, như bộ phim Hollywood The Bourne ultimatum (với tài tử Matt Damon).

Giữa sự hoài nghi đó, không khó hiểu khi tranh cãi bùng lên dữ dội ngay lúc chính quyền liên bang lại ép buộc Apple phá khóa chiếc điện thoại được quảng cáo là bảo mật tốt nhất thế giới.

Mâu thuẫn trong mâu thuẫn, cuộc đối đầu giữa Apple và FBI còn ngụ ý một xung đột khác, giữa quyền lực nhà nước và các tập đoàn kinh tế. Những ông chủ tư bản lớn nhất không muốn nhà nước có quá nhiều quyền lực, bởi nước Mỹ tự hào là nơi thị trường tự do có thể thống trị gần như tuyệt đối, tới mức mà những người ủng hộ thị trường tự do lại được gọi là những người “bảo thủ” ở Mỹ, một sự đảo ngược với phần còn lại của thế giới.

Khác với cuộc theo dõi quy mô khổng lồ của NSA, trong vụ này đối tượng và hậu quả là rất rõ ràng, cụ thể. Một nghi phạm khủng bố với hàng chục xác người.

Mối hiểm họa mà nước Mỹ đang đối mặt cũng không hề mơ hồ, với sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Cũng không thể quên rằng đang có rất nhiều cử tri phổ thông đứng về phía ông Donald Trump, người liên tục cho rằng nước Mỹ đang đứng trước những hiểm họa từ người nhập cư và Hồi giáo. Người dân Mỹ đang thật sự lo sợ.

Rốt cuộc, những gì Apple và các khách hàng của họ đang trải qua là một mâu thuẫn thật khó phân định đúng - sai, mà chỉ có những lựa chọn. Một bên là tự do cá nhân, bên kia là an ninh cho cộng đồng. Dù lựa chọn là như thế nào, đó cũng sẽ là một lựa chọn không thể hoàn hảo.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận