22/07/2019 06:15 GMT+7

Khi làng võ Việt dậy sóng vì 'loạn đả' - Kỳ 1: Truy cầu võ học hay chiêu trò quảng cáo?

HUY ĐĂNG - TẤN PHÚC - ĐỨC THIỆN
HUY ĐĂNG - TẤN PHÚC - ĐỨC THIỆN

TTO - "Văn vô đệ nhất, võ vô đệ nhị". Từ cổ chí kim, người luyện võ vốn thường mang trong mình ngạo khí "vô địch thiên hạ", vì vậy những màn thách đấu, luận võ là không hề hiếm trong làng võ thuật.

Khi làng võ Việt dậy sóng vì loạn đả - Kỳ 1: Truy cầu võ học hay chiêu trò quảng cáo? - Ảnh 1.

Những lớp võ cổ truyền thu hút học viên còn vì tính cổ kính, đậm chất truyền thống của văn hóa Việt - Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Giới võ cổ truyền Việt Nam cũng vậy. Nhưng thách đấu thế nào, luận võ thế nào mới là điều đáng quan tâm.

"Anh hùng nằm ở tư duy, không phải nắm đấm", nhiều người hâm mộ võ thuật Trung Hoa bất ngờ khi nghe "cuồng nhân" Từ Hiểu Đông nói vậy trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây với kênh truyền hình Phoenix TV.

Vai trò của người thầy dạy võ là rất quan trọng bởi thầy không chỉ dạy cho ta học võ, mà còn dạy cho ta làm người. Một người đến học võ sẽ nhìn vào người thầy để học và làm theo. Những gì thầy thể hiện từ lối sống, lối hành xử cho đến việc làm thường ngày đều gây ảnh hưởng đến võ sinh.

Võ sinh Anh Khoa

"Anh hùng không ở nắm đấm"

Ngạc nhiên cũng phải bởi con đường lập thân cũng như thành danh của Từ Hiểu Đông những năm qua hoàn toàn nằm ở "nắm đấm". Anh tuyên bố những chiêu trò được tôn xưng trong võ truyền thống Trung Quốc tất cả đều là bịp bợm và sau đó lần lượt đánh gục hàng loạt "cao thủ" để chứng minh.

Xét về cách thức nổi tiếng, làng võ Việt Nam cũng có một nhân vật tương tự Từ Hiểu Đông. Đó là võ sư Vịnh Xuân Nam Anh người Canada Pierre Flores. Cách đây 2 năm, cái tên Flores bắt đầu nổi lên khi võ sư người Canada thay mặt môn phái khiêu chiến võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt của môn phái Nam Huỳnh Đạo.

Dù ông Kiệt từ chối thi đấu nhưng sau đó Flores vẫn không nản chí với cuộc "truy cầu võ đạo" của mình. Sau Huỳnh Tuấn Kiệt, Flores bị Johnny Trí Nguyễn từ chối thi đấu dù đã đến tận võ đường của võ sĩ kiêm diễn viên nổi tiếng ở Việt Nam.

Hai tuần trước, Flores còn sang cả Trung Quốc để thách đấu với Từ Hiểu Đông và một lần nữa không được toại nguyện. Trong vài lần được thượng đài ở Việt Nam 2 năm qua, Flores đều thắng nhưng đối thủ của anh chỉ vào hạng "thấp bé nhẹ cân". 

Miệt mài với những cuộc thách đấu, tên tuổi của Flores cũng như võ phái Vịnh Xuân Nam Anh ngày càng nổi như cồn. Nhưng đi kèm đó là cả những tai tiếng. Mới đây còn xảy ra vụ lùm xùm khi huynh đệ đồng môn với Flores là Nam Anh Kiệt kéo người đến tấn công võ sư Nam Nguyên Khánh.

Giới võ thuật Việt Nam nhìn nhận thế nào về những màn thách đấu náo động làng võ của Pierre Flores - nói rộng hơn là võ phái Vịnh Xuân Nam Anh?

Ông Phạm Đình Phong - viện trưởng Viện Nghiên cứu, phát triển và quảng bá võ học Việt Nam - cho biết: "Việc Pierre Flores từ Canada sang Việt Nam đi khắp nơi "lùng sục" các võ sư để thách đấu mà không có sự cho phép của cơ quan chức năng Việt Nam, không có trọng tài hay y tế theo quy định. Tất cả những việc này chỉ do Flores và những người tháp tùng dựng lên để nổi tiếng. 

Rủi ro khi bản thân Flores hay đối thủ bị thương hay mất mạng trong lúc tỉ thí thì sẽ rắc rối. Việc làm của Flores hoàn toàn đi ngược đạo đức nhà võ và gây mất trật tự xã hội. Tất cả những việc làm này chỉ làm xấu hình ảnh Flores".

Võ sư Hồ Tường, chưởng môn võ phái Tân Khánh Bà Trà, cũng không đồng tình với những màn đấu võ ồn ào của Flores: "Tôi không nghĩ chuyện Flores tìm và thách đấu nhiều võ sư, võ sĩ khác là vì tinh thần truy cầu võ học. 

Tôi đã xem clip một số trận đấu của anh ta và cho rằng Flores không đánh đúng đường lối của Vịnh Xuân. Ví dụ như nắm đấm của Vịnh Xuân luôn phải đặt dọc, còn Flores thì đấm tùy hứng như kỹ thuật chiến đấu tổng hợp trong MMA, hoặc boxing. Nhiều đòn thế khác cũng vậy, rất ít chất Vịnh Xuân.

Flores đấu như vậy thì không thể nào nói đó là một cuộc giao lưu võ học giữa Vịnh Xuân và môn phái khác, mà đơn giản là kiểu đấu "lấy thịt đè người".

Vì sao Vịnh Xuân Nam Anh lại không chọn những võ sĩ khác mà lại là một anh chàng Canada? Vì cân nặng của Flores vào khoảng 90kg, ở Việt Nam tìm được một võ sĩ cùng hạng cân này là rất khó. Mà ai cũng biết trên võ đài, chỉ hơn đối phương 5kg đã là một lợi thế lớn rồi.

Việc tận dụng lợi thế cân nặng của Flores và đi thách đấu khắp nơi có lẽ là chiêu trò quảng bá của võ phái này mà thôi".

Vinod - một huấn luyện viên MMA người Malaysia đang làm việc ở VN tôi từng gặp - chia sẻ: "Khi mới đến VN, tôi thử tập cả Vovinam lẫn võ cổ truyền để xem xét khả năng ứng dụng các môn võ này vào sàn đấu MMA.

Tuy điều đó khó nhưng tôi vẫn rất thích không khí và giá trị của những lớp võ truyền thống ở VN, vì ở đó dạy cho những người trẻ tuổi tinh thần cao thượng, đạo đức và sự trang nghiêm của một võ sĩ".

Thách đấu để nổi tiếng

Võ sư Hồ Tường cho biết trước năm 1975, những cuộc thách đấu trên võ đài ở miền Nam diễn ra liên miên và đều thuộc sự quản lý của Tổng cuộc quyền thuật.

Võ sư Hồ Tường kể 99% kết quả những cuộc thách đấu là người thách đấu bại trận. Điều đó khá dễ hiểu vì người được thách đấu thông thường là võ sư, võ sĩ nổi tiếng đang ở thời kỳ đỉnh cao. Người thách đấu kém nổi tiếng hơn và cần một chiến thắng trước những võ sư nổi tiếng để dương danh, nhưng kết quả thường không như ý. Khi đó, hai võ sĩ sẽ hạn định ngày giờ, địa điểm thi đấu, đa phần các trận đấu diễn ra công khai và thu hút rất đông người xem.

Đó là những màn thách đấu đường đường chính chính, giới võ thuật Việt Nam cũng truyền miệng không ít những cuộc "loạn đả" mà phe thách đấu kéo đến tận võ đường đối phương. Kết cục thường là những người thách đấu bị đánh đến chấn thương nặng nề. 

"Tất nhiên những màn loạn đả kiểu này đều là phạm pháp, nhưng nó cho thấy việc đến tận võ đường người khác thách đấu như Flores là rất nguy hiểm, rất dễ dẫn đến kích động", ông Hồ Tường nhận xét.

Khi làng võ Việt dậy sóng vì loạn đả - Kỳ 1: Truy cầu võ học hay chiêu trò quảng cáo? - Ảnh 4.

Võ cổ truyền Việt Nam biểu diễn tại Festival võ thuật quốc tế TP.HCM - Ảnh: N.K

Giá trị thật của võ cổ truyền

Nhưng kể cả khi những cuộc giao đấu, tỉ thí được công khai và phổ biến rộng rãi, liệu cái chất truyền thống của võ cổ truyền có thực sự được "phát dương quang đại"?

Trở lại với câu chuyện của Từ Hiểu Đông, bài phát biểu gần đây của anh nhận được đông đảo sự cảm thông của người hâm mộ vì chính sự thẳng thắn của võ sĩ MMA này. Điên cuồng, tự cao, ngông nghênh là những gì mà giới võ truyền thống Trung Quốc chỉ trích Từ. Nhưng so với những màn thách đấu ồn ào của Flores, Từ có một mục đích nhiều giá trị hơn khi khiêu chiến cả làng võ Trung Quốc.

Võ sĩ MMA nghi ngờ tính thực chiến của võ truyền thống, và thật ra, tất cả những người hâm mộ võ thuật Trung Hoa qua những bộ tiểu thuyết Kim Dung, rồi những huyền thoại trên phim ảnh cũng đều đặt một dấu chấm hỏi tương tự như Từ. Những cuộc thách đấu của Từ vì thế được đông đảo người hâm mộ ủng hộ. 

Anh chỉ nghi ngờ tính thực chiến của võ truyền thống, chứ không phỉ báng những giá trị đạo đức, văn hóa mà võ thuật truyền thống Trung Hoa mang lại. Chính những võ sư cổ truyền Trung Quốc mới tự làm xấu hình ảnh của mình khi "sân si" đấu võ mồm với Từ.

Và kể cả khi đã thành danh với nắm đấm như thế, Từ Hiểu Đông vẫn thẳng thắn: "Anh hùng không ở nắm đấm". Từ được nhiều người ca ngợi không phải vì anh giỏi chiến đấu (thật ra Từ chỉ là một võ sĩ MMA hạng nghiệp dư, từng bại trận vô số lần), mà bởi cái dũng khí truy tìm sự thật của anh.

Những màn đấu võ ồn ào đậm tính quảng bá cá nhân của Flores, cho đến cả ẩu đả của võ sư Nam Anh Kiệt hiển nhiên càng chẳng có chút "anh hùng" nào.

Vinod - HLV MMA người Malaysia đang làm việc ở Việt Nam tôi từng gặp - chia sẻ: "Khi mới đến Việt Nam, tôi tập thử cả Vovinam lẫn võ cổ truyền để xem khả năng ứng dụng các môn võ này vào sàn đấu MMA. Tuy điều đó khó nhưng tôi vẫn rất thích không khí và giá trị của những lớp võ truyền thống ở Việt Nam, vì ở đó dạy cho những người trẻ tuổi tinh thần cao thượng, đạo đức và sự trang nghiêm của một võ sĩ".

Sự trang nghiêm đó của làng võ cổ truyền Việt Nam, tiếc thay lại bị hủy hoại không ít bởi những cá nhân được xưng tụng là "võ sư"!

Giới trẻ vẫn đam mê võ cổ truyền

Võ sư cấp 18 Nguyễn Hoàng Thanh Ái (33 tuổi) cho biết: "Tôi là kỹ sư nhiệt lạnh. Tôi đã học võ cổ truyền môn phái Tân Khánh Bà Trà được 14 năm nay, kể từ lúc mới từ quê ở Tiền Giang lên TP.HCM học.

So với Taekwondo (dùng chân nhiều) hay Karate (dùng tay nhiều), võ cổ truyền kết hợp đủ mọi đòn thế của tay - chân. Võ cổ truyền Việt Nam cũng rất đa dạng, từ tay không đến sử dụng binh khí kiếm, côn, gậy, giáo...

Ngoài ra, học võ cổ truyền còn giúp con người có được sự điềm tĩnh. Lúc mới học, tôi rất thích đánh nhau. Nhưng khi đã trở thành võ sư, tôi luôn muốn giải quyết mọi chuyện trong ôn hòa, võ chỉ giúp tôi rèn luyện sức khỏe và bảo vệ gia đình khi thật cần thiết".

Anh Khoa (30 tuổi, học võ từ năm 2010): "Tôi chọn võ cổ truyền vì đó là võ của người Việt. Thời điểm cách đây 9 năm khi tôi bắt đầu học võ, những môn võ du nhập từ nước ngoài như Taekwondo, Karate, hay Judo đang thịnh hành. Nhưng tôi vẫn chọn lớp võ cổ truyền với mong muốn được học hỏi, tìm tòi và giữ gìn những giá trị truyền thống của võ thuật Việt Nam".

“Choáng” với đề xuất ghép võ cổ truyền và vovinam “Choáng” với đề xuất ghép võ cổ truyền và vovinam

TT - Giới võ thuật mới đây đã “choáng” khi nghe lãnh đạo Ủy ban Olympic VN (VOC) đề xuất thống nhất hai môn võ thuật dân tộc là vovinam và võ cổ truyền làm một là vovietnam để tham gia thi đấu tại các giải đấu quốc tế trong thời gian tới.

HUY ĐĂNG - TẤN PHÚC - ĐỨC THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên