18/04/2021 06:06 GMT+7

Khi YouTuber 'bắt nạt' người khuyết tật

HỒNG VÂN ghi
HỒNG VÂN ghi

TTO - Cuộc sống của anh Phạm Hữu Thọ càng buồn hơn từ khi các YouTuber đưa chuyện riêng của anh lên mạng với đủ kiểu bình luận ác ý. Anh càng khốn khổ hơn khi họ liên tục gièm pha đời tư, đòi mướn giang hồ 'xử' anh.

Khi YouTuber bắt nạt người khuyết tật - Ảnh 1.

Thọ kể về những ngày tháng bị "tấn công" trên mạng - Ảnh: H.V.

Thọ, sinh năm 1985, khuyết tật tay chân từ bé, lớn lên được học chữ rồi thêm chứng khiếm thính nhưng luôn trăn trở tìm việc làm phù hợp với mình. Năm 2017, anh bắt đầu biết đến công việc bán hàng qua mạng. Bán được những món hàng đầu tiên, kiếm được số tiền nhỏ, Thọ gạt bỏ mặc cảm theo đuổi công việc này vì nó không chê thể trạng của anh.

Nhờ Internet, điện thoại thông minh, từ năm 2018 Thọ có thể kiếm sống bằng công việc này. Năm đầu tiền làm ra gửi nhờ tài khoản người thân. Thọ quen chị Phạm Thanh Hoa năm 2019 cũng từ việc mua bán hàng. Chị Hoa làm công nhân, biết may và thỉnh thoảng có bán hàng thêm trên mạng. Hoa thường mua hàng của Thọ, nói chuyện thường xuyên dần dà nảy sinh tình cảm.

Thọ kể sau lần chị Hoa vào đến nhà anh ở Vũng Tàu thăm, anh quyết định ra Hà Nội sinh sống cùng người yêu. Hai người muốn đăng ký kết hôn nhưng gia đình không cho phép vì nghi ngờ Hoa có ý xấu khi đến với Thọ dù anh cho rằng mình chỉ bán hàng online lặt vặt, kiếm tiền đủ sinh sống là mừng rồi.

Hai người có hoàn cảnh khác biệt đến với nhau, gia đình, người quen biết ngăn cản vốn không phải là chuyện lạ. Mọi chuyện có thể vẫn là những bất đồng trong gia đình, vài người thân quen có ý kiến cho đến khi có khoảng chục kênh YouTube đưa chuyện đời Thọ lên mạng. 

Ban đầu có người tìm đến hỏi về tình yêu của Thọ đưa lên mạng. Sau đó, nhiều người khác khai thác sâu hơn những trắc trở của anh. 

Họ "tấn công" một người khuyết tật như Thọ từ nhiều hướng, mỗi video chuyện của Thọ có hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn người xem, tiếp sau đó là hàng ngàn bình luận cứa thêm vào nỗi buồn đau riêng tư.

Một lần Thọ trải lòng trên mạng về những tủi thân trong năm tháng đã qua, về nguyện vọng được yêu thương, tôn trọng, được đi đó đây... 

Ngay sau đó anh phải hứng lấy "búa rìu dư luận" khi nhiều người không quen biết vin vào lời tâm sự này lên mạng phê phán anh bất hiếu, trái lời cha mẹ đi theo người yêu. Họ tìm đến cha mẹ anh và đưa tất cả chuyện nhà Thọ lên mạng, bất chấp Thọ là người khuyết tật và đây là chuyện riêng tư của anh. 

Họ lên mạng đặt nghi vấn về chị Hoa, một người lành lặn ai lại đi yêu người khuyết tật nặng như Thọ. Họ tự quy kết Hoa có động cơ vì... tiền và Thọ thành người mê muội, bất hiếu.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, Thọ nhắc đến sự "tôn trọng", điều bạn gái dành cho anh. "Cô ấy trò chuyện, chia sẻ, kể nhiều chuyện vui, đi đâu hay làm gì cô ấy đều nói với tôi. Tôi qua 35 tuổi rồi, cũng có quyền được yêu thương, được chọn lựa...".

Thọ và Hoa sống bên nhau vài tháng qua và cùng bị tấn công, đe dọa trên mạng. Họ cũng được nhiều người bảo vệ, tin tưởng nhưng điều đó chưa đủ so với những tổn thương trên mạng rớt xuống đời họ. Chị Hoa nhiều lần khóc, đau khổ. Gần đây, một số YouTuber còn đăng video với nội dung sẽ mướn giang hồ bắt Thọ về nhà, trả lại cho ba má. Cả hai đều rất áp lực và sợ đi ra ngoài.

"Chúng tôi cầu mong được sống bình yên, bình thường như bao người khác. YouTube và các cơ quan chức năng có thể làm gì cho những trường hợp như chúng tôi?" - Thọ bày tỏ.

Khi YouTuber bắt nạt người khuyết tật - Ảnh 2.

Thọ và Hoa - Ảnh: NVCC

YouTube phát tán sự thù ghét?

Chuyện của một người khuyết tật và tình yêu giống trong cổ tích của anh Phạm Hữu Thọ đã trở thành "mồi" cho các YouTuber có view trong thời gian qua. Anh Thọ và chị Hoa (kể cả gia đình họ) cũng nổi tiếng bất đắc dĩ khi cộng đồng mạng "tấn công trực diện" vào đời tư, nhân phẩm của anh chị.

Làm thế nào để YouTube gỡ những video này xuống? Mong muốn của Thọ gợi ra bao điều khác trên mạng. Ai có quyền đưa những video gieo rắc sự thù ghét, xúc phạm, nhục mạ người khác như thế này? Càng tệ hơn khi điều đó nhắm vào một người khuyết tật.

Chính sách cộng đồng của YouTube có yêu cầu người sáng tạo nội dung không tạo ra những nội dung thù ghét hoặc đăng những bình luận phát tán sự thù ghét. YouTube định nghĩa sự thù ghét một cách phổ quát là tất cả những gì kích động bạo lực với người khác. Trường hợp này như một dạng bạo lực tinh thần, một dạng bắt nạt bằng nội dung hình ảnh và những bình luận đi kèm. YouTube có lời nhắc mọi người hãy nhớ đằng sau video hay bình luận bạn nhắm tới là con người. Vậy vì sao họ cho phép hàng loạt kênh kiếm tiền bằng cách phát tán sự thù ghét và đề xuất những video dạng này với lượng view lên tới hàng ngàn, chục ngàn, trăm ngàn view?

YouTube và các YouTuber có nguồn thu từ lượt người xem và các quảng cáo trên video. Việc dễ dãi chấp nhận hay khuyến khích việc đăng tải những video có nội dung thù ghét nhắm vào người khuyết tật, qua ví dụ của Thọ, cho thấy nhiều bên đang vi phạm chính sách cộng đồng trên YouTube, kiếm lợi bằng cách xúc phạm danh dự của người khác.

XUÂN MINH

* Ông Ngô Trần Vũ (giám đốc Công ty NTS):

Cách kiếm tiền nguy hiểm

Vấn đề YouTuber khai thác đời tư người khác câu view trong thời gian qua là một cách kiếm tiền nguy hiểm. Những thông tin không có căn cứ xác đáng có thể ngày càng bùng lên, trở thành công cụ bôi xấu người khác. Hệ lụy của các YouTuber lập kênh mới chuyên đi bóc phốt và xúc phạm các cá nhân sẽ trở nên nghiêm trọng, thách thức pháp luật nếu không bị xử lý nghiêm minh từ đầu.

Đ.THIỆN

Từ vụ Thơ Nguyễn: Cần bộ tiêu chí hành nghề cho YouTuber Từ vụ Thơ Nguyễn: Cần bộ tiêu chí hành nghề cho YouTuber

TTO - Từ vụ việc của YouTuber Thơ Nguyễn, nhiều bậc cha mẹ tiếp tục chia sẻ họ khá... kiệt sức trong việc bảo vệ con em mình trước cơ man những clip độc hại nổi trôi trên YouTube.

HỒNG VÂN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên