Không thương mại hóa dịch vụ y tế công

LAN ANH THỰC HIỆN 18/09/2022 06:39 GMT+7

TTCT - Trước khi bắt đầu tự chủ toàn diện, ngành y tế và bệnh viện (BV) đều cho rằng đây là cơ chế giúp "cởi trói" về chính sách, giúp BV công độc lập trong các quyết định về nhân sự, đầu tư… Nghị quyết 33/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ cho phép bốn BV thuộc Bộ Y tế gồm: Bạch Mai, Việt Đức, K và Chợ R

Không thương mại hóa dịch vụ y tế công - Ảnh 1.

BS Trần Tuấn. Ảnh: L.ANH

Thế nào là tự chủ đối với cơ sở y tế công thì khái niệm này hiện chưa rõ ràng. Theo quy định, tự chủ ở đây là tự chủ về nhân sự, chuyên môn trong từng trường hợp cung cấp dịch vụ. 

Thực tế, từ nghị định 10 rồi nghị định 43 cho phép BV công tự chủ một phần về tài chính, trong điều kiện ngân sách nhà nước đầu tư cho y tế còn thấp hơn nhu cầu của người dân, việc tự chủ với đầu tư từ xã hội hóa đã giúp hài hòa ba lợi ích: Nhà nước vận hành dịch vụ công và không phải chi thêm tiền để đầu tư, người bệnh được hưởng lợi từ hạ tầng dịch vụ và BV có thêm nguồn vốn từ xã hội hóa. 

Đến khi cho phép thí điểm tự chủ toàn diện bốn BV theo nghị quyết 33 thì từ tự chủ một phần đã chuyển mạnh thành tự chủ toàn diện về tổ chức, nhân sự, đầu tư cho BV công...

Ông nói đó là bước chuyển mạnh, nhưng vì sao mới chỉ hai năm thí điểm, hai BV tự chủ toàn diện đầu tiên là Bạch Mai và K lại xin ngưng?

- Tự chủ toàn diện nhưng hai BV này lại càng làm càng lỗ (như ý kiến lãnh đạo BV) trong khi BV tư cũng khám bảo hiểm, cũng theo khung giá nhưng vẫn phát triển, đó là điều cần nghiên cứu đầy đủ, lắng nghe các ý kiến từ BV, từ chuyên gia, bởi ý kiến từ BV mới là một phía. 

Tôi nghĩ nếu chưa nghiên cứu kỹ mà đã quyết định thì chưa thuyết phục. Nhưng qua đó cho thấy khi xây dựng đề án đã không lường hết những vẫn đề đặt ra. Nghị quyết 33 là chính sách mới, nhưng đến khi thực hiện thì BV nhận thấy chính sách đó không theo kịp thực tế. 

Khi xây dựng đề án cũng như thiết kế căn nhà, người viết đề án sẽ phải tính đến việc làm bằng ấy nội dung thì chi phí tốn bao nhiêu, chưa đủ thì mượn ở đâu...

Khi các BV đã xin ngưng thì đề án coi như thất bại. Theo ông, thất bại này là điều tốt hay xấu?

- Chị có biết khái niệm "nghèo đi vì chữa bệnh" hay không? Về cơ bản, chi phí chăm sóc sức khỏe sẽ tăng bởi các sản phẩm phục vụ như trang thiết bị, đào tạo, thuốc... phần lớn đều phải nhập khẩu và tuân thủ quy luật thị trường. 

Nhưng điểm yếu của dịch vụ y tế khác với dịch vụ ăn uống, đi lại...là người sử dụng không đánh giá được là có thật sự cần thiết hay không và chất lượng ra sao. 

Ví dụ, một người có móng chân bị viêm, nếu bác sĩ đánh giá chỉ là nhiễm khuẩn, cần lau rửa, sát trùng, giữ khô thì chi phí không đáng kể. Nhưng nếu bác sĩ đó đánh giá ổ viêm đó có "nguy cơ bệnh hệ thống", phải chụp chiếu, xét nghiệm thì tốn nhiều tiền. 

Ở đây, người cung cấp dịch vụ tạo ra nhu cầu thông qua hàng loạt xét nghiệm, chụp chiếu, mà có đưa kết quả ra thì người bệnh cũng không đọc được là họ bị bệnh gì, cần điều trị ra sao...

Dịch vụ y tế không thể quản theo hướng coi bệnh nhân là nguồn thu, thông qua việc người cung cấp dịch vụ tạo ra nhu cầu giả tạo. Dịch vụ y tế không phải dùng nhiều là có lợi cho người bệnh, thậm chí nhiều dịch vụ nguy cơ có phản ứng phụ lập tức hoặc lâu dài. 

Vì thế, dịch vụ y tế cần có cơ chế quản lý, giám sát, cung cấp và sử dụng theo hướng khách quan, khoa học và không được thương mại hóa. Việc ngưng tự chủ toàn diện, để BV trở về "công" đích thực, lại là điều tốt, có lợi, y tế công phải là dịch vụ không vụ lợi.

Không thương mại hóa dịch vụ y tế công - Ảnh 2.

Người dân chờ tại khu vực chẩn đoán hình ảnh CT-MRI tại Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều, Hà Nội).

Nhưng nếu không "tính đúng tính đủ" thì các BV công lại gặp tình trạng lương thấp, "chảy máu chất xám", thiếu nguồn để đầu tư cho trang thiết bị hiện đại, phục vụ tốt hơn cho bệnh nhân?

- Chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám một người bệnh như hiện nay thì tính đúng tính đủ như thế nào? Hiện nay các BV dựa quá nhiều vào cận lâm sàng, khám chỉ hai phút rồi chỉ định xét nghiệm, chụp... 

Nếu chỉ khám hai phút như vậy thì phí khám 50.000 - 70.000 đồng/người/lần là phù hợp, không rẻ. Nhưng thực tế chi phí khám bệnh ở nhiều BV rất hiếm ở mức giá này mà cao gấp nhiều lần, đặc biệt ở các BV lớn. 

Thời gian khám bệnh đảm bảo phải 15 - 30 phút, phải hỏi kỹ người bệnh, xem tiền sử họ ra sao, các yếu tố nguy cơ, sinh hoạt của người bệnh... Nhưng nếu nói khám như thế chưa ổn thì bác sĩ khám bệnh lại viện lý do: lương thế thì chỉ khám thế!

Thực tế BV cần tính đúng tính đủ, nhưng cũng phải có quy chuẩn với từng ca, loại dịch vụ. Khám tốt thì không phải tốn nhiều thuốc, thực tế hiện nay thì dịch vụ chủ yếu là chi cho công nghiệp sản xuất thuốc, trang thiết bị và sinh phẩm thôi. 

Thử tìm hiểu xem trong tiền thuốc và thiết bị đó nhà sản xuất, cung cấp thiết bị lãi ra sao, bao nhiêu phần trăm cho bác sĩ... Cách làm này của chúng ta (thực ra là BV) chỉ làm giàu cho các công ty sản xuất thuốc, thiết bị ở nước ngoài. 

Điều này cần phải thay đổi. Nhưng muốn bác sĩ làm đúng, khám kỹ cho bệnh nhân thì cần phải trả lương cho họ đảm bảo cuộc sống, trong đó ngân sách cấp cho BV bao nhiêu, còn lại vận hành theo hình thức "nhân đạo phi vụ lợi" theo hình thức xã hội hóa. Tính đúng tính đủ nhưng lợi nhuận phải quay trở lại đầu tư cho dịch vụ.■

Cần có lộ trình tự chủ toàn diện

Mới đây, BV Bạch Mai đã xin ngừng thí điểm tự chủ hoàn toàn, tiếp đó BV K cũng xin trở về thực hiện chi thường xuyên theo nghị định 60. Ông Lê Văn Quảng, giám đốc BV K, chia sẻ: "BV tự chủ nhưng không được tự quyết về viện phí mà vẫn theo khung giá chung. Về nhân lực, BV không được tự quyết hoàn toàn mà phải có đề án báo cáo Bộ Y tế.

Tự chủ hoàn toàn cho phép BV được đầu tư, nhưng thực tế chưa có nguồn vốn. Trước đây, BV có thể tích lũy khoảng 100 tỉ đồng/năm. Với số tiền này, việc mua sắm trang thiết bị còn gặp nhiều khó khăn. Như máy móc đắt nhất hiện nay là hệ thống máy xạ trị, trung bình khoảng 150 tỉ đồng, các máy khác khoảng 40 - 50 tỉ.

Chưa kể các khoản chi cho đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y bác sĩ... Nếu tự chủ hoàn toàn thì tiền thuế đất một năm phải đóng vài chục tỉ đồng. BV không có tiền mua sắm máy móc, việc xây dựng sửa chữa lại càng hạn hẹp.

Trong hai năm thực hiện tự chủ toàn diện cũng là thời gian đại dịch COVID-19, nguồn thu của BV giảm khoảng 35 - 40%, tương đương khoảng 1.300 tỉ. "Chúng tôi chưa mua thêm được hệ thống máy móc trong chẩn đoán và điều trị nào", ông Quảng nói.

Hiện hai cơ sở của BV có chín máy xạ trị, theo tiêu chuẩn một máy xạ trị chạy cho khoảng 50 - 70 bệnh nhân/ngày. Với số lượng bệnh nhân đang điều trị BV cần thêm 6 - 7 máy nữa mới đủ nên máy hoạt động hết công suất, xạ trị từ 5h-22h mới đáp ứng được.

Theo ông Quảng, về lý thuyết việc tự chủ có nhiều ưu điểm trong việc nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động của các BV. Theo nghị định 60, rất nhiều BV tiến hành tự chủ nhưng ở mức độ khác nhau nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, việc tự chủ toàn diện cần có lộ trình. "Có thể cho BV xây dựng hay đầu tư máy móc trước, sau đó từng bước mới chuyển sang tự chủ hoàn toàn. Tự chủ toàn diện phải có nguồn thu, nếu nguồn này thu từ người bệnh thì sẽ rất khó khăn cho họ. Chúng tôi là BV tuyến cuối, chuyên điều trị bệnh ung thư, thường bệnh nhân phải điều trị lâu dài, tốn kém và đa phần bệnh nhân là người nghèo", ông Quảng cho biết.

Ông Đào Xuân Cơ, giám đốc BV Bạch Mai, cho rằng cơ chế chính sách chưa đồng bộ và thiếu các quy định để triển khai thực hiện. "Giá dịch vụ thực hiện theo nghị quyết 33 vẫn do Bộ Y tế và Bảo hiểm ban hành, nhưng giá này mới thu 4/7 yếu tố cấu thành viện phí, chưa tính phí quản lý, khấu hao tài sản cố định, đào tạo, công nghệ thông tin...

Chi phí điện nước, thuốc, vật tư tiêu hao, tiền lương tiền công tăng nhưng viện phí không kịp điều chỉnh theo nên mất cân đối thu chi. Giá dịch vụ theo yêu cầu theo quy định được tính đúng tính đủ các yếu tố cấu thành, nhưng trong phạm vi khung giá do Bộ Y tế ban hành. Do nhiều yếu tố, hai năm qua, Bộ Y tế chưa ban hành giá trần dịch vụ theo yêu cầu nên BV không tham chiếu được", ông Cơ nói.

Theo ông Cơ, năm 2020 BV thu không đủ chi, 2021 nguồn thu giảm tiếp 2.000 tỉ đồng so với 2020. L.ANH - D.LIỄU

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận