04/10/2019 07:44 GMT+7

Khuyến khích phát triển mô hình kinh doanh mới

LÊ THANH
LÊ THANH

TTO - Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là một xu thế lớn đang diễn ra trên toàn thế giới với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, mà nòng cốt là công nghệ số làm thay đổi nhanh chóng các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội.

Khuyến khích phát triển mô hình kinh doanh mới - Ảnh 1.

Trưởng Ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình tham quan các gian trưng bày tại Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Chuyển đổi số để tiến tới kinh tế số và xã hội số, và chỉ khi đó mới là môi trường tốt nhất cho đổi mới sáng tạo.

ông Nguyễn Mạnh Hùng (bộ trưởng Bộ TT&TT)

Ông Nguyễn Văn Bình - ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Ban Kinh tế trung ương - khẳng định như vậy tại Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 với chủ đề Chủ trương và chương trình hành động của Việt Nam chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), do Ban Kinh tế trung ương tổ chức ngày 3-10. 

Theo ông Bình, đây cũng là lý do mà Bộ Chính trị đã giao Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật, cũng như ban hành một số cơ chế thử nghiệm để khuyến khích phát triển các sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới của nền kinh tế số.

Phải chủ động tham gia

Khẳng định việc tham gia CMCN 4.0 sẽ mang lại những kết quả tích cực đối với tăng trưởng kinh tế trong tương lai, nhưng theo ông Bình, mức độ chủ động tham gia CMCN 4.0 của Việt Nam còn thấp. Có quan điểm bàng quan thụ động, thậm chí tự ti khi nghĩ rằng nên làm tốt cuộc CMCN 0.4 đi đã chứ vội gì mà làm CMCN 4.0.

Trong khi đó, ông Bình thừa nhận thể chế vẫn còn nhiều bất cập và xếp hạng ở dưới mức trung bình. Chẳng hạn, thể chế cho các hoạt động kinh tế số, kinh tế chia sẻ, đổi mới sáng tạo chưa hình thành đồng bộ, chưa có hành lang pháp lý cho thí điểm triển khai các sản phẩm, mô hình kinh doanh, dịch vụ mới của CMCN 4.0.

"Chúng ta thiếu quy định về dữ liệu cá nhân, thông tin riêng tư...Vấn đề quyền cá nhân, đạo đức khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo, định danh số và xác thực điện tử cho người dân chưa phát triển", ông Bình thừa nhận.

Từ thực tế này, theo ông Bình, nghị quyết 52 vừa được Bộ Chính trị ban hành đã thể hiện rõ quan điểm và sự quyết tâm của Đảng. Việc chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 là yêu cầu tất yếu khách quan, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Trong đó, nội dung cốt lõi của chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 là thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số.

"Cuộc CMCN 4.0 bản chất là cuộc cách mạng về thể chế. Nghị quyết, Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật; ban hành một số cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để khuyến khích phát triển các sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới của nền kinh tế số", ông Bình nêu.

Cần cơ chế đầu tư mạo hiểm

Để xây dựng nền kinh tế số, ông Lê Đăng Dũng - tổng giám đốc Tập đoàn Viettel - cho rằng sẽ phải kết nối các trung tâm dữ liệu siêu lớn, có hành lang pháp lý để xây dựng mạng 4G và 5G... "Việc cấp phép kịp thời là quan trọng nhất và với thủ tục đơn giản, gọn nhẹ, không đặt quá nặng vào việc thu ngân sách", ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, hạ tầng không thể thiếu là cơ sở dữ liệu quốc gia như cơ sở dữ liệu về dân cư, tài nguyên quốc gia, doanh nghiệp... Do vậy, cần nhanh chóng có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp có năng lực tài chính, con người và công nghệ thực hiện vào lĩnh vực này. Để tránh đầu tư lãng phí, Bộ TT&TT phải giám sát bắt buộc các doanh nghiệp đầu tư vào các công nghệ tiên tiến nhất như 4G, 5G...

Chính phủ cũng phải nhanh chóng cấp phép mobile money, chuyển mạch, tài chính số... "Nghị quyết của Bộ Chính trị có đề cập việc tạo cơ chế để doanh nghiệp nhà nước thực hiện đầu tư mạo hiểm. Chúng tôi mong muốn có cơ chế đầu tư mạo hiểm theo đúng nghĩa chấp nhận mạo hiểm chứ không phải đầu tư dự án với một loạt thủ tục phức tạp như lâu nay", ông Dũng đặt vấn đề.

Theo ông Trần Thanh Hải - tổng giám đốc Be Group, để tận dụng được các cơ hội của CMCN 4.0, Việt Nam cần có đầy đủ nguồn lực từ nhân sự đến các nền tảng công nghệ. Điều này đòi hỏi Chính phủ cần có các chính sách khuyến khích đầu tư sâu rộng vào lĩnh vực cơ sở dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo.

Chẳng hạn, có chính sách thuế thu nhập cá nhân phù hợp cho các nhân sự trong ngành công nghiệp sáng tạo. Các doanh nghiệp đầu tư vào trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn... cũng cần phải được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp để những doanh nghiệp này tập trung đầu tư sâu và rộng hơn trong lĩnh vực này. Như vậy, Nhà nước có thể huy động được mọi nguồn lực của toàn xã hội.

Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Chính phủ sẽ ban hành đề án thí điểm cho những mô hình sản xuất, sản phẩm mới. Các bộ ngành phụ trách sản phẩm, dịch vụ liên quan sẽ có trách nhiệm xây dựng cụ thể. Tuy nhiên, cuộc CMCN 4.0 sẽ diễn ra rất khó lường.

"Thế nên, Việt Nam phải có con người có trình độ để tận dụng được thời cơ, tránh rủi ro, để sẵn sàng thích ứng và có biện pháp linh hoạt với những thay đổi của kinh tế số với ngành nghề, mô hình kinh doanh mới", ông Vũ Đức Đam nói.

Ông Mai Tiến Dũng, bộ trưởng - chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho rằng có một thực tế rất "buồn cười" là khi bị xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ, người dân lại không được nộp phạt ngay. Trong khi đó, tinh thần của chính quyền điện tử là phải giải quyết ngay những thủ tục mà người dân đang mong đợi.

Theo ông Dũng, cơ quan này đang hoàn thiện hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin để thay đổi phương thức lề lối làm việc của cơ quan quản lý. "Nguyên tắc là lấy người dân làm trung tâm để cơ quan công quyền phục vụ công dân được tốt hơn, mọi dịch vụ công phải thực hiện điện tử", ông Dũng khẳng định.

Để định hướng cho phát triển nền kinh tế dựa trên cơ sở phát triển và ứng dụng các thành tựu của cuộc CMCN 4.0, ông Nguyễn Chí Dũng - bộ trưởng Bộ KH&ĐT - cho biết chiến lược quốc gia về CMCN 4.0 của Việt Nam đang được Bộ KH&ĐT hoàn thiện và tới đây trình Thủ tướng xem xét, quyết định. Theo đó, chiến lược này tập trung vào chính sách xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số để quản lý nhà nước minh bạch, hiệu lực và hiệu quả hơn.

Ngoài ra, Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp để tối ưu hóa việc phân bổ nguồn lực, phát triển sản xuất, kinh doanh nhanh hơn, thông minh hơn và hiệu quả hơn.

Doanh nghiệp là hạt nhân của quá trình chuyển đổi số

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - bộ trưởng Bộ TT&TT, chuyển đổi số (CĐS) đã diễn ra nhiều năm qua nhưng chỉ thực sự tăng tốc khi xuất hiện các công nghệ của CMCN 4.0.

Nói đến CĐS là nói đến một môi trường mới, môi trường không gian mạng. Hạt nhân của quá trình CĐS chính là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Tuy nhiên, CĐS là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ.

"Năm nay, Việt Nam sẽ tuyên bố chiến lược về CĐS quốc gia để tiến tới một nền kinh tế số, xã hội số", ông Hùng nói, đồng thời cho biết các yếu tố nền tảng sẽ được nhấn mạnh, sẽ được đầu tư trước, sẽ đi trước. Những yếu tố nền tảng này là thể chế, hạ tầng, an ninh mạng, platform và đào tạo.

Về thể chế, theo ông Hùng, quan trọng nhất là chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng ICT và làm chủ các công nghệ nền tảng của CĐS như IoT, Big Data, AI. 100% người Việt Nam có điện thoại thông minh cũng sẽ là một yếu tố quan trọng thúc đẩy nhanh CĐS quốc gia.

LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên