08/12/2021 08:25 GMT+7

Kịch bản nào để TP.HCM phục hồi kinh tế?

TIẾN LONG - THẢO LÊ
TIẾN LONG - THẢO LÊ

TTO - Hôm nay 8-12, ngày làm việc thứ hai của kỳ họp thứ 4, Hội đồng nhân dân TP.HCM khóa X sẽ chất vấn Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi và lãnh đạo các sở, ngành về các vấn đề kinh tế - xã hội.

Kịch bản nào để TP.HCM phục hồi kinh tế? - Ảnh 1.

Công nhân Công ty may mặc Dony (quận Tân Bình, TP.HCM) may hàng xuất khẩu sang Nhật Bản sau đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 vừa qua - Ảnh: TỰ TRUNG

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đề nghị các đại biểu HĐND TP.HCM phát huy vai trò dân cử, tập trung chất vấn có trọng tâm trọng điểm nhằm giúp UBND TP.HCM và các sở, ngành, quận, huyện nâng cao chất lượng quản lý, điều hành và thực thi các công việc, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp ngày càng kịp thời và hiệu quả hơn.

Cử tri quan tâm kiểm soát tốt dịch

Hôm qua 7-12, ngày đầu của kỳ họp, các đại biểu HĐND TP đã nghe các báo cáo, tờ trình về kinh tế - xã hội quan trọng, trong đó đưa ra các nhiệm vụ, chỉ tiêu và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Báo cáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tại kỳ họp cho thấy cử tri và nhân dân TP.HCM đang rất quan tâm đến việc kiểm soát dịch bệnh COVID-19, triển khai các chương trình phục hồi kinh tế trên các ngành, lĩnh vực và huy động hiệu quả mọi nguồn lực xã hội. 

Cử tri đề nghị tăng cường kiểm tra các khu công nghiệp, khu chế xuất, các doanh nghiệp có đông công nhân nhằm đảm bảo an toàn phòng chống dịch, hướng dẫn việc xét nghiệm, cách ly đối với người nhiễm bệnh.

Chương trình cải thiện điều kiện chỗ ở, hướng tới mô hình "nhà trọ kiểu mới" đảm bảo điều kiện sống tốt hơn, an toàn hơn với dịch bệnh cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp cũng là vấn đề cử tri rất quan tâm. 

Kịch bản nào để TP.HCM phục hồi kinh tế? - Ảnh 2.

Đại biểu biểu quyết tại kỳ họp sáng 7-12 - Ảnh: TỰ TRUNG

Năm 2022 sẽ vay gần 11.000 tỉ đồng

Tại kỳ họp, ông Lê Hòa Bình - phó chủ tịch UBND TP.HCM - đã trình tờ trình về ước thực hiện thu chi ngân sách năm 2021 và dự toán chi ngân sách năm 2022.

UBND TP.HCM dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022 là 386.568 tỉ đồng, tăng 5,9% so với dự toán năm 2021 và tăng 4,3% so với ước thực hiện năm 2021.

Dự toán thu ngân sách địa phương năm 2022 là 89.739 tỉ đồng (gồm ngân sách được hưởng theo phân cấp là 84.121 tỉ đồng, nguồn từ trung ương 2.090 tỉ và nguồn cải cách tiền lương chuyển sang là 2.709 tỉ đồng).

Trong năm dự kiến sẽ chi 99.669 tỉ đồng. Trong đó chi đầu tư phát triển là 43.546 tỉ đồng, chi thường xuyên là 48.663 tỉ đồng, dự phòng ngân sách là 3.400 tỉ đồng.

Trên cơ sở dự toán thu chi, ngân sách TP.HCM năm 2022 bội chi 9.929 tỉ đồng. TP.HCM dự kiến trong năm 2022 sẽ vay 10.919 tỉ đồng để bù đắp bội chi ngân sách và để trả nợ gốc (989 tỉ đồng). Theo UBND TP.HCM, tổng mức vay dự kiến này đảm bảo trong mức dư nợ và bội chi của ngân sách địa phương.

Người dân cũng muốn nghe các kịch bản ứng phó nếu dịch bệnh quay trở lại. Cùng với đó chính sách tái cấu trúc kinh tế và các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, nhà đầu tư nước ngoài nhằm đẩy nhanh tốc độ khôi phục kinh tế, tạo công ăn việc làm là những vấn đề lớn người dân muốn nghe người đứng đầu UBND TP.HCM và sở, ngành giải trình.

Ngoài ra cử tri muốn biết giải pháp tổ chức chính quyền đô thị hiệu quả để các quyết định quản lý hành chính của chính quyền đến với người dân và doanh nghiệp một cách nhanh chóng, chính xác, đồng bộ.

Trọng tâm là củng cố y tế

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho biết kỳ họp sẽ biểu quyết một số nội dung quan trọng về phát triển kinh tế, đô thị, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, biên chế tổ chức trong những năm tới. 

Trong đó có cơ chế chính sách đặc thù về củng cố, nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở; cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục công lập; chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; các chính sách hỗ trợ cho người cao tuổi neo đơn, trẻ em mồ côi do dịch COVID-19...

"Những nghị quyết thông qua lần này đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và phục hồi kinh tế - xã hội 5 năm tới, tác động trực tiếp đến đời sống của người dân" - bà Lệ nói.

Kịch bản nào để TP.HCM phục hồi kinh tế? - Ảnh 4.

Đồ họa: TẤN ĐẠT

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho rằng trong số các chỉ tiêu chủ yếu, chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 từ 6-6,5% là mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu rất cao. 

Chỉ tiêu đưa ra nhằm đáp ứng sự khát khao hồi phục và phát triển trong thời gian tới, song cần có những giải pháp thực tế và căn cơ để thực hiện.

Nói về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 và những năm tiếp theo, ông Nên cho rằng TP.HCM tiếp tục kiên trì, nhất quán với phương châm gắn chiến lược phát triển kinh tế với chiến lược y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân. 

Ông đề nghị HĐND quan tâm thảo luận và cho ý kiến cụ thể xây dựng và triển khai chiến lược y tế, trọng tâm là củng cố hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng, tăng cường nhân lực y tế và nâng cao ý thức xã hội.

Báo cáo tại kỳ họp, Phó chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình cho biết TP.HCM đề ra Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế gồm 2 giai đoạn. 

Giai đoạn 1 từ nay đến hết năm 2022, tập trung khắc phục các hệ lụy, khôi phục những đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng. Hỗ trợ những doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tái gia nhập thị trường, phục hồi sản xuất, kinh doanh; tạo việc làm, chăm lo an sinh xã hội và các hoạt động văn hóa, xã hội trên cơ sở thích ứng an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19. 

Trong giai đoạn 2 từ năm 2023 đến năm 2025, TP.HCM tiếp tục kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh COVID-19, giải quyết các điểm nghẽn đối với sự phát triển nhanh và bền vững của TP.

Kịch bản nào để TP.HCM phục hồi kinh tế? - Ảnh 5.

TP.HCM tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau đại dịch COVID-19. Trong ảnh: doanh nghiệp chế biến thức ăn tại Khu chế xuất Tân Thuận - Ảnh: TỰ TRUNG

"Đặt hàng" những vấn đề thiết yếu với lãnh đạo TP.HCM

Đại biểu HĐND và cử tri trao đổi với Tuổi Trẻ trước phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND TP.HCM diễn ra hôm nay 8-12.

Đại biểu Trần Quang Thắng cho rằng hiện nay TP.HCM có nhiều dự án cần triển khai nhưng nguồn lực còn quá hạn chế. TP.HCM cần 400.000 tỉ để đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế.

Người dân và đại biểu mong muốn TP.HCM kiến nghị để có cơ chế đặc thù cho sự phát triển. Lãnh đạo TP.HCM cần có trách nhiệm và quyền hạn một cách thỏa đáng để có những quyết sách mạnh mẽ và kịp thời hơn nữa, nhất là trong công tác kiểm soát dịch và phục hồi kinh tế.

"Làm thế nào để TP.HCM có được 90% quyền tự quyết trong triển khai dự án, cải cách thủ tục hành chính, giải quyết khiếu nại bức xúc của doanh nghiệp và người dân... Chỉ như vậy TP.HCM mới có thể đột phá" - ông Thắng nói.

Ông Thắng mong muốn lãnh đạo TP.HCM khi trả lời chất vấn phải thể hiện được sự dám đột phá, dám chịu trách nhiệm để thúc đẩy sự phát triển của TP.HCM và tạo được niềm tin với người dân.

Muốn phát triển kinh tế - xã hội, ông Thắng cho rằng vấn đề quan trọng hiện nay vẫn phải đảm bảo sức khỏe của người dân. Lãnh đạo TP.HCM cần cho thấy sự chuẩn bị chặt chẽ trong việc mở cửa lại nền kinh tế trong giai đoạn dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

Để mở cửa trở lại, TP.HCM phải có đủ nguồn lực y tế, chuẩn bị đầy đủ vật tư, thiết bị, thuốc men, cơ sở y tế. Bên cạnh đó, để ứng phó lâu dài, phải tiến tới tự chủ trong việc sản xuất thuốc và vắc xin.

Cử tri Mai Thanh Hà (quận 5) cho rằng đội ngũ lãnh đạo mới của TP.HCM cần có những chủ trương, quyết sách mới, sáng tạo, đột phá hơn nữa.

Trước mắt trong phiên chất vấn về phương hướng hành động sắp tới, lãnh đạo TP.HCM phải có các giải pháp giải quyết được những tồn đọng của TP.HCM, trong đó có vấn đề Thủ Thiêm.

Giải quyết vấn đề này là thể hiện đạo lý, nghĩa tình của TP.HCM với sự chờ đợi của người dân nhiều năm qua. Bên cạnh đó phải phát huy được những ưu điểm để đột phá, đầu tư phát triển làm sao có hiệu quả từng đồng, không để tái diễn vấn đề kẹt xe, lụt lội, ô nhiễm môi trường, lấn chiếm lòng lề đường.

Về phòng chống dịch, cử tri Hà cho rằng TP.HCM muốn chống dịch tốt phải nâng cao ứng dụng công nghệ để giảm tiếp xúc, giảm lây nhiễm.

Mặt khác dịch bệnh đã bộc lộ nhiều hạn chế, trong đó có vấn đề cung ứng hàng hóa cho người dân nên cũng cần đẩy mạnh công nghệ trong việc cung ứng hàng hóa, đẩy mạnh bán hàng online.

Đồng thời cần nâng cao công tác cách ly, điều trị tại nhà, xã hội hóa vật tư y tế như xét nghiệm, thuốc điều trị bệnh để người dân dễ dàng tiếp cận hơn. (TIẾN LONG)

Chủ tịch Quốc hội: Phục hồi kinh tế phải đảm bảo nhanh và bền vững Chủ tịch Quốc hội: Phục hồi kinh tế phải đảm bảo nhanh và bền vững

TTO - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh như vậy khi phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế VN 2021: Phục hồi và phát triển bền vững, do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế trung ương, Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN tổ chức ngày 5-12.

TIẾN LONG - THẢO LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên