Kinh tế 2022: Hy vọng ở những gì bền lâu

TRUNG TRẦN 03/01/2022 18:00 GMT+7

TTCT - Đối với những người thích nhìn một nhà máy quy củ hiện đại hơn là bước vào một trung tâm mua sắm tráng lệ như tôi, những cái tin như THACO Trường Hải xuất khẩu lô sơmi rơmooc đi Mỹ hay Hòa Phát xây dựng nhà máy sản xuất vỏ container đầu tiên ở Việt Nam còn hơn là cả một tín hiệu vui.

Đó còn là sự tưởng thưởng cho tâm niệm: Hãy bỏ qua mọi thứ nóng sốt của thị trường vốn không thuộc về mình, mà hãy tập trung cho việc tạo ra những giá trị đích thực, cần thiết và bền vững. 

Nếu đã từng biết thế nào là cảm giác tủi hổ khi không thể tìm ra được một nhà chế tạo ở Việt Nam có thể sơn nhúng được một tấm thép khoảng hai mét vuông vào đầu những năm 2000 thì sẽ hiểu được hết cảm giác vui sướng khi thấy một công ty tư nhân có thể dập, uốn, sơn, hàn, hoàn thiện một cái hộp bằng thép dài 12, rộng 2,4, và cao 2,5 mét từ nguyên liệu thép do chuỗi công ty của họ tự sản xuất được. 

Ảnh: Buyassociation.co.uk

 

Những giá trị cốt lõi

Một doanh nghiệp lấy sắt thép làm giá trị lõi cho chiến lược kinh doanh, như tập đoàn Hòa Phát, mất 30 năm mới được gọi là thành công, và đổi lại 30 năm lao lực đấy, giờ đây họ đã có một con đường riêng để đi, khó ai chen ngang. 

Tương tự, cũng với sự nỗ lực dài như cái tên của công ty, ít ai biết THACO Trường Hải, cách đây hơn 10 năm thành lập hẳn một trường đào tạo nghề để phục vụ cho công cuộc lắp ráp ôtô dài hơi của họ.

Trong bối cảnh mà trường đại học ra đời cũng nhiều như các vụ scandal của chính các trường ấy, việc một trường cao đẳng nghề lặng lẽ đào tạo thực nghiệp khó mà gây được tiếng vang. Hệt như năm 2021, những việc mà công ty tư nhân trong lĩnh vực sản xuất làm được, ít ai biết và nhắc đến.

Nhưng đó lại chính là một trong những chỉ dấu sáng sủa cho hy vọng của năm mới.

Những tháng cuối năm diễn ra dồn dập các chuyến công du của những người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội đến Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu… Ngoài những chủ đề chính trị và ngoại giao, thông điệp luôn được các vị lãnh đạo Việt Nam nhấn mạnh là lời trấn an gửi đến các nhà đầu tư FDI nước ngoài.

Dù có những bất cập trong quá trình phòng chống dịch, mà nói cho cùng quốc gia nào cũng gặp phải, Chính phủ Việt Nam cũng như hệ sinh thái đầu tư Việt Nam vẫn luôn ưu ái cho những đối tác truyền thống. 

Qua một khảo sát của cá nhân người viết, khi nhận được câu hỏi muốn đến đâu ở Đông Nam Á làm việc nhất, hầu hết người Nhật sẽ trả lời: Việt Nam. 

Người Hàn cũng sẽ có câu trả lời tương tự, bởi hơn 30 năm qua, mối giao thương của hai quốc gia này với Việt Nam đã vượt quá các quan hệ kinh doanh thông thường.

Minh chứng dễ thấy nhất là nhiều người Nhật và Hàn sau khi về hưu đã quay lại Việt Nam mở công ty, đại lý, doanh nghiệp cho riêng mình, thậm chí còn đi làm giám đốc thuê cho các công ty Việt Nam. 

Người Nhật và người Hàn không nhìn nhau, nhưng cả hai đều nhìn về Việt Nam, và điểm sáng trong những thành tựu FDI thực tế nhất trong năm qua, để mở ra những cơ hội mới thực sự trong năm 2022, chính là Việt Nam vẫn giữ được điểm trong con mắt hai nhà đầu tư FDI quan trọng này, từ đó giải quyết được nhiều công ăn việc làm và đóng góp quyết định vào tiến trình nâng cao trình độ sản xuất công nghiệp quốc nội.

Lý do để hy vọng

Trong đại dịch, nhiều công ty sản xuất bạn bè của người viết đã sống khỏe vì đơn hàng bao thầu đến 6 tháng của Samsung, hay còn được yêu cầu mở rộng sản xuất nếu có khả năng, trong khi các nhà cung cấp khác của Konica Minolta ở Malaysia phải đóng cửa vì phong tỏa.

Rồi việc LG của Hàn Quốc, Foxconn của Đài Loan chọn Thái Nguyên, Hải Phòng làm cứ địa sản xuất toàn cầu cho thấy một mô hình phát triển của các tỉnh thành phía Bắc: dọn chỗ chỉ cho một vài đại bàng. 

Không thể cào bằng sự ưu đãi cho tất cả các nhà đầu tư, vậy hãy dồn hết cho một đối tác “ra tấm ra món”.

Đấy từng là bài học thành công ở Bắc Ninh, Hưng Yên với khởi đầu là xây dựng cơ sở hạ tầng thật tốt. Thực sự đây là một chiến lược thực dụng và khôn ngoan, chứ không phải là kiểu tận dụng lợi thế sẵn có - cách đã làm một số tỉnh Đông Nam Bộ đang chững lại nếu không nói là giẫm chân tại chỗ.

Lego có rất nhiều đối tác ở Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương… từ hơn 10 năm nay, và lý do họ chọn Bình Dương để đặt nhà máy thứ hai của mình ở châu Á có thể là câu trả lời cho câu hỏi: Ai đã làm tốt hơn trong việc chuẩn bị cho phát triển bền vững?

Năm mới 2022, những tai ương năm cũ vẫn còn đeo đẳng và gây dư chấn không hề nhẹ đến mọi khía cạnh của nền kinh tế Việt Nam, vốn chưa bao giờ thực sự tăng trưởng ổn định và bền vững. 

Những cơ hội và mối đe dọa của các yếu tố vĩ mô - hầu như đã được các chuyên gia lành nghề lẫn ngoại đạo - thống nhất: Sức bật của nền kinh tế hậu đại dịch và bóng ma lạm phát.

Vế thứ hai là điều ai cũng biết và do đó chúng ta cần hy vọng những nhà hoạch định chính sách tài khóa và các chuyên gia tiền tệ sẽ biết làm gì tốt nhất để tránh được “thảm họa biết trước”. 

Vế thứ nhất là phần việc của những người lấy lao động làm thước đo giá trị của tổ chức và bản thân. 

Họ đã và vẫn đang làm việc hay gồng gánh nén chịu cả năm qua, để ở thời điểm bước qua năm mới, phần nhiều những gì cần có cho việc bung lên đã được chuẩn bị ngay trong những thời khắc hiểm nghèo của năm 2021.

Vượt qua đại dịch

Đại dịch vẫn tiếp tục tạo ra những tác động tiêu cực: giá điện Trung Quốc tăng, thị trường vận chuyển đường biển hỗn loạn vì thiếu container rỗng và giá cước vận tải tăng dựng đứng... ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia đứng dưới bóng Trung Quốc, tức hầu hết các nước ASEAN.

Với Việt Nam, tình hình còn tệ hại hơn khi câu chuyện hàng nghìn xe nông sản đường tiểu ngạch bị ách lại cả tháng trời tại đường biên vì những lý do ở ngoài tầm giải quyết của chúng ta. 

Nhưng nó cũng chỉ ra một con đường mà chúng ta buộc phải tìm ra hướng đi: Tại sao công nghiệp sản xuất của Việt Nam - vốn có mức độ phụ thuộc Trung Quốc tưởng như nặng nề hơn khi hầu hết nguyên liệu đầu vào đều nhập từ họ, lại ít bị tác động hơn so với nông sản - thứ mà ta là người làm được nhiều sản phẩm nhưng lại chưa bán được cho nhiều người?

Bản thân thị trường Trung Quốc cũng càng ngày càng khó tính chứ không còn thuận lợi như trước đây: có bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu, miễn là giá phù hợp! 

Ngành công nghiệp của ta, dù là FDI, giờ có thể cung cấp phần lớn Galaxy Note cho thế giới, chip của Intel hay xe hơi của VinFast sẽ bán ở Mỹ… Vậy có thể có Samsung Việt Nam trong xuất khẩu trái cây hay Intel trong cung cấp vắc xin ngừa tả lợn châu Phi cho toàn thế giới không?

Một tư duy công nghiệp hay thậm chí FDI cho lĩnh vực nông nghiệp, nông sản là thứ mà chúng ta đã biết nhưng vẫn chưa làm đủ nếu so với công nghiệp. 

Cần có sự xuất hiện của những công ty tư nhân hàng đầu, hay chính sách về đất đai khác đi, hay cả hai điều đó, để gửi gắm những hy vọng năm mới về một nền nông nghiệp khác? 

Giấc mơ dang dở về một đế chế chuối của bầu Đức hay câu chuyện xóa thẻ vàng của EU cho thủy sản Việt Nam... diễn tiến như thế nào năm 2022 sẽ được nhắc lại trong việc khai phá con đường cần đi: Công nghiệp hóa một cách bài bản, không chỉ với sản xuất công nghiệp. Trên con đường đấy cần có những doanh nhân tiên phong, được hỗ trợ bởi những chính sách hợp thời, hợp lý.

Với công việc của người viết, trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp phụ trợ, năm mới - khi ngành sản xuất cơ khí, máy văn phòng, ôtô… sẽ có xu hướng giảm do công nghệ xe điện và các chiến lược văn phòng không giấy tờ (“no paper office”, tức không cần đến máy photocopy, máy in…), doanh số mục tiêu không vì thế mà giảm đi. 

Ngược lại, hy vọng là người ta sẽ sản xuất nhiều máy móc cho nhu cầu giải trí, như máy chơi game, máy phục vụ sức khỏe, y tế…

Những sản phẩm này, giá cả chi tiết linh kiện chiếm rất ít trong giá trị bán ra, do đó có thể bán các linh kiện ấy (công việc mà người viết đã và đang làm hơn cả thập niên qua) cao giá hơn một chút. 

Hy vọng là sẽ không khó khăn như khi bán cũng những kiểu chi tiết đấy cho nhà lắp ráp máy photocopy hay cụm linh kiện xe hơi. Vấn đề là phải tìm được nhà sản xuất làm được ra những linh kiện đấy chính xác hơn, đẹp hơn cũng như tìm ra được đúng những người cần các linh kiện như vậy.

Những người đó hầu hết là ở Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ… và không ít người trong số họ ắt sẽ tìm đến Việt Nam trong năm mới 2022 này.

Vậy thì chúng ta phải làm việc thôi. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận