16/07/2019 11:41 GMT+7

Ký thỏa thuận hợp tác đưa hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản

ĐỨC BÌNH
ĐỨC BÌNH

TTO - Hiệp hội chăm sóc y tế Osaka (Nhật Bản) và Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động, thương binh và xã hội) đã ký thỏa thuận hợp tác về đưa thực tập sinh hộ lý sang Nhật làm việc.

Ký thỏa thuận hợp tác đưa hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ LĐ, TB&XH Đào Ngọc Dung (hàng đứng, thứ 5 từ phải qua) và ông Azuma Sinichi, Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam (hàng đứng, thứ 6 từ phải qua) chứng kiến lễ ký kết - Ảnh: Đ.BÌNH

Tại lễ ký trưa 16-7, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội, cho biết hộ lý là một trong 14 ngành nghề được chính phủ Nhật Bản xét visa tư cách đặc định.

Vì vậy, việc Trung tâm Lao động ngoài nước và Hiệp hội chăm sóc y tế Osaka ký thỏa thuận hợp tác theo nguyên tắc phi lợi nhuận sẽ là cơ hội cho những sinh viên nghèo có ý chí phấn đấu, thực tập sinh hộ lý đã được đào tạo cơ bản tại Việt Nam.

Những thực tập sinh này sau khi hoàn thành chương trình về nước cũng sẽ đóng góp vào nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe chất lượng cao trong nước.

Theo bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong những năm qua, quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam ngày càng phát triển, đặc biệt lĩnh vực hợp tác về lao động việc làm. Số lượng thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản tăng cao qua mỗi năm.

Cũng theo ông Dung, tháng 6-2017, nhân chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Lao động, thương binh và xã hội đã ký bản ghi nhớ hợp tác về chế độ thực tập sinh kỹ năng (MOC) với Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi Nhật Bản. Đây chính là cơ sở cho việc phái cử thực tập sinh hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản.

Sau thỏa thuận vừa ký, Trung tâm Lao động ngoài nước là đơn vị sự nghiệp của Bộ được giao nhiệm vụ trực tiếp hợp tác theo nguyên tắc phi lợi nhuận với Hiệp hội chăm sóc y tế Osaka, Nhật Bản trong việc phái cử thực tập sinh ngành hộ lý sang Nhật thực tập.

Ngay sau lễ ký, bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đã làm việc với lãnh đạo các doanh nghiệp được phép phái cử thực tập sinh hộ lý sang Nhật. 

Ông Dung đề nghị Trung tâm lao động ngoài nước và các doanh nghiệp cần khẩn trương xây dựng kế hoạch, biện pháp quảng bá về chương trình để thu hút lao động tham gia, trong đó đặc biệt quan tâm đến sinh viên là con em các gia đình chính sách, sinh viên nghèo.

Các doanh nghiệp cần quan tâm đến quyền lợi, chế độ lương, thưởng, điều kiện làm việc, ăn, ở, của thực tập sinh trong thời gian thực tập tại Nhật Bản.

ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên