12/07/2020 10:22 GMT+7

Ký ức người lính Vị Xuyên: 'Đồng đội ơi, tôi nhớ'

HÀ THANH - HIÊN HUYỀN
HÀ THANH - HIÊN HUYỀN

TTO - Ngày 'giỗ trận' 12-7, những người lính Vị Xuyên năm xưa về nghĩa trang Vị Xuyên, hát vang câu hát gửi đến đồng đội. Cơn mưa lớn đổ xuống trắng trời, có lẽ các anh đã nghe thấy...

Ký ức người lính Vị Xuyên: Đồng đội ơi, tôi nhớ - Ảnh 1.

Đêm trước ngày 'giỗ trận', nến sáng được thắp lên trên hơn 1.800 phần mộ tại nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, Hà Giang - Ảnh: HÀ THANH

"Thằng Dần nằm đây này, đi lối này này", cựu chiến binh Nguyễn Trung Bộ (trung đoàn 876, sư đoàn 356) í ới gọi đồng đội giữa ngút ngàn ngôi mộ ở nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, Hà Giang.

Ngày "giỗ trận", Vị Xuyên mưa không ngớt. 36 năm trước, đúng ngày 12-7-1984, hơn 600 người lính sư đoàn 356 hi sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc ở mặt trận Vị Xuyên, Hà Tuyên cũ (nay là Hà Giang).

Ký ức người lính Vị Xuyên: Đồng đội ơi, tôi nhớ - Ảnh 2.

Cựu chiến binh Nguyễn Trung Bộ và Phạm Hồng Quân về thăm lại đồng đội năm xưa tại nghĩa trang Vị Xuyên - Ảnh: HÀ THANH

Hát bên mộ đồng đội

Hôm nay từ nghĩa trang Vị Xuyên, ông Bộ cùng những đứa con chọn biên cương làm quê nhà quây quần thắp cho đồng đội mình nén hương, hồi tưởng về những năm tháng ác liệt "quần nhau" với địch trong chiến dịch MB84 vào 36 năm về trước.

"36 năm nay mới có dịp lên lại thăm đồng đội. Người mất, người còn, tôi rơi nước mắt cảm ơn đồng đội, nhờ các bạn tôi mới có ngày hôm nay", ông Bộ lặng người đi trong cơn mưa Vị Xuyên.

Ký ức người lính Vị Xuyên: Đồng đội ơi, tôi nhớ - Ảnh 3.

Những người lính Vị Xuyên năm xưa lặng người trước phần mộ đồng đội - Ảnh: HIÊN HUYỀN

Đi đến từng phần mộ, cựu chiến binh Cù Văn Thanh (53 tuổi, Hà Nội) kéo chiếc loa nhỏ mở cho đồng đội nghe những bài hát nghĩa tình về người lính Vị Xuyên. Lời bài hát "Đồng đội ơi" cứ vang lên mãi theo dấu chân người lính.

"Đồng đội ơi! Tôi nhớ

Chiến tranh qua lâu rồi

Lòng vẫn thầm thì gọi

Đồng đội, đồng đội ơi!..."

"Tôi luôn về đây hát cho đồng đội tôi nghe, tôi hát những bài hát đi theo từng năm tháng để đồng đội tôi được nghe. Các anh nằm đây, có anh có tên, có anh chưa biết tên, chỉ mong tìm được tên tuổi, đưa các anh về quê mẹ, về nơi các anh sinh ra", ông Thanh bộc bạch.

Tiếng hát của cựu binh Cù Văn Thanh vang vọng khắp khu nghĩa trang. Đang thắp hương, các cựu chiến binh dừng lại lặng nghe. Tuy khác đơn vị nhưng về đây ai nấy rưng rưng ôm chầm lấy nhau, họ ngồi lại hát cho nhau nghe, hồi tưởng những năm tháng gian khổ cùng nhau trên chốt.

Ký ức người lính Vị Xuyên: Đồng đội ơi, tôi nhớ - Ảnh 4.

Năm nào cũng vậy, đúng ngày 'giỗ trận' là Vị Xuyên đổ mưa không ngớt. Có lẽ các anh đã nghe thấy... - Ảnh: HÀ THANH

"Đồng đội hi sinh để mình được sống", cựu binh Nguyễn Văn Hà (57 tuổi, Hà Nội) không kìm được xúc động. Là lính thông tin của trung đoàn 876, sư 356, ông nói nhớ nhất là những năm tháng tuổi trẻ cùng đồng đội ở trên chốt. Ba người bạn thân, một người đã mãi nằm lại nơi địa đầu Tổ quốc.

"Trước đêm diễn ra trận đánh, ba anh em còn ăn với nhau bữa cơm. Thế rồi sau trận đánh, một người hi sinh, người còn lại cũng đã mất sau khi xuất ngũ. Năm nào tôi cũng về đây, về đây bên đồng đội tôi", ông Hà trải lòng.

"Chọn dòng trong và đi đến cuối cuộc đời"

Suốt 7 năm nay, cựu chiến binh Nguyễn Đăng Hùng cùng bà Liên - em gái liệt sĩ Trần Trung Thực - đều tìm về Vị Xuyên, về với đồng đội trong những ngày tháng 7.

"Chỉ mong đợi đến ngày này để cùng anh em thắp cho đồng đội mình nén nhang. Chúng tôi - những người may mắn trở về sau những trận chiến trên cao điểm 772, 685 luôn nặng lòng với anh em mặt trận Vị Xuyên, về đây với anh em cho trọn vẹn nghĩa tình", ông Hùng nén xúc động chia sẻ.

Ký ức người lính Vị Xuyên: Đồng đội ơi, tôi nhớ - Ảnh 5.

Bà Liên khóc nghẹn khi đứng trước nghĩa trang Vị Xuyên - Ảnh: HÀ THANH

Anh trai đã mãi mãi nằm xuống nơi biên cương, suốt mấy chục năm trời gia đình bà Trần Thị Kim Liên (em trai liệt sĩ Thực) đều lặn lội từ Phú Thọ về lại mặt trận Vị Xuyên năm xưa, xúc động khóc trước phần mộ những "liệt sĩ chưa biết tên".

Ngày ấy, anh Thực tròn 18 tuổi xung phong gác bút nghiên lên đường nhập ngũ, gia nhập sư đoàn 356, trước đóng quân ở Hoàng Liên Sơn, sau được điều động về Vị Xuyên hỗ trợ cho các đơn vị bạn chiến đấu. Gia đình được tin anh Thực hi sinh ngày 25-12-1984 (âm lịch), nhưng từ ngày ấy đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt của anh.

"Trong cuốn nhật ký của anh tôi để lại, anh biết để giữ được biên giới, biên cương Tổ quốc thì phải hi sinh nhưng anh vẫn kiên quyết đi.

Trong thư gửi cho mẹ, anh viết "có một dòng trong và dòng đục nhưng con vẫn chọn dòng trong và đi đến cuối cuộc đời". Suốt 35 năm qua nhà tôi vẫn đi tìm kiếm thi hài anh, chỉ khát khao một điều rằng anh tôi là một trong những liệt sĩ nằm đây để đưa anh về, để gia đình hương khói cho đỡ lạnh lẽo", bà Liên rưng rưng.

Ngày 12-7-1984, Bộ Tư lệnh quân khu và cấp trên quyết định lấy 12-7 là ngày tấn công tổng lực, ngày sư đoàn dốc toàn lực để giành lấy các cao điểm 685, 1509, 772, 1030.

Trong thế trận địch ở trên núi, ta ở dưới các chân núi, trận đánh diễn ra hết sức khốc liệt. Ta đã giành lại được điểm cao 772 và 685 nhưng hàng trăm người lính thuộc sư đoàn 356 đã mãi mãi nằm xuống nơi biên cương lúc rạng sáng 12-7.

Hòa bình lập lại, một số anh em sư đoàn 356 liên lạc với nhau trở lại mặt trận Vị Xuyên tìm kiếm những đồng đội đã ngã xuống. Họ tiên phong, tiến hành vận động anh em cùng lập đài hương cho đồng đội ngã xuống có "mái ấm sum vầy".

Cuối năm 2013 - 2014, đài hương hoàn thành đặt tại cao điểm 468.

Ngọn nến tri ân vẫn sáng lên ấm áp dưới cơn mưa Vị Xuyên Ngọn nến tri ân vẫn sáng lên ấm áp dưới cơn mưa Vị Xuyên

TTO - Trước ngày 'giỗ trận' 12-7, Vị Xuyên mưa trắng trời. Dưới cơn mưa đêm, các bạn trẻ từ miền Trung xa xôi lên tận địa đầu Tổ quốc thắp lên ngọn nến tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống giữ gìn tấc đất biên cương.

HÀ THANH - HIÊN HUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên