30/03/2020 08:47 GMT+7

Kỳ vọng gói hỗ trợ an sinh xã hội

BẢO NGỌC thực hiện
BẢO NGỌC thực hiện

TTO - Một gói hỗ trợ an sinh xã hội cho lao động mất việc sẽ được chính thức xem xét thông qua tại hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương vào ngày 31-3 tới.

Kỳ vọng gói hỗ trợ an sinh xã hội - Ảnh 1.

Nhân viên một quán bar trên đường Bùi Viện, quận 1, TP.HCM dọn dẹp bàn ghế để đóng cửa tạm dừng hoạt động do dịch COVID-19 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Minh Huân, nguyên thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội, cho rằng trong bối cảnh hiện nay cần sự chung sức giữa Nhà nước và doanh nghiệp để bảo đảm đời sống cho người lao động.

Với thời điểm hiện nay, chúng ta cần suy nghĩ về một gói cứu trợ quốc gia về an sinh xã hội, có tính thiết thực với người lao động... Đây là giai đoạn có nhiều khó khăn, nếu không làm tốt khâu này bằng chính sách tài khóa và chính sách khác thì vấp phải sai lầm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp sơ kết thực hiện nghị quyết Trung ương 5 khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 ngày 24-3.

Cân nhắc hỗ trợ 20-30% lương tối thiểu

* Thưa ông, nếu Chính phủ ban hành một gói hỗ trợ an sinh xã hội cho lao động mất việc trong thời điểm này, theo ông nên như thế nào?

- Dịch bệnh làm cho việc làm, thu nhập của hầu hết người lao động không ổn định. Doanh nghiệp khó khăn, người lao động mất việc. Các nước giàu có như Mỹ hỗ trợ mỗi người dân 1.000 USD, Anh hỗ trợ 80% lương cho người lao động mất việc...

Bối cảnh ngân sách của Việt Nam chắc không làm như vậy được nên cần cân nhắc mức hỗ trợ phù hợp, có thể hỗ trợ từ 20-30% lương tối thiểu vùng cho người lao động mất việc làm do ảnh hưởng dịch COVID-19.

Nhà nước không thể làm thay hết cho doanh nghiệp nhưng trong bối cảnh hiện nay Nhà nước và doanh nghiệp phải cùng chung tay để người lao động có thu nhập, bảo đảm cuộc sống tối thiểu của gia đình trong thời gian chờ dịch bệnh qua đi.

Và để thực hiện gói hỗ trợ này, Bộ Lao động - thương binh và xã hội cần tính toán, xác định rõ bao nhiêu người lao động đã mất việc, bao nhiêu người lao động đang bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 để sớm kiến nghị Chính phủ những giải pháp hỗ trợ cụ thể về an sinh xã hội thời gian tới.

Doanh nghiệp chỉ yên tâm khi các cơ chế cụ thể được ban hành, quy định rõ đối tượng nào được hỗ trợ và hỗ trợ bao nhiêu.

* Theo ông, chế độ bảo hiểm thất nghiệp hiện nay đã đáp ứng được nhu cầu cuộc sống tối thiểu người lao động?

- Bảo hiểm thất nghiệp được cân đối nguồn thu từ lao động có việc làm để hỗ trợ lao động mất việc làm. Nhưng trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng tới tất cả mọi doanh nghiệp từ quy mô lớn đến quy mô nhỏ thì Quỹ bảo hiểm thất nghiệp rất khó cân đối.

Nghiên cứu chính sách bao giờ cũng phải tính dài hơi, mức đóng cố định nhưng số người hưởng tăng lên đột biến trong bối cảnh dịch bệnh thì quỹ rất khó đáp ứng được.

Mức trợ cấp thất nghiệp đối với mỗi năm làm việc, cống hiến của người lao động khoảng 1/2 tháng lương rất thấp (tương đương 60% mức lương trung bình 6 tháng gần nhất trước khi thất nghiệp - PV).

Đối với người lao động có nhu cầu học nghề thì có thêm một phần hỗ trợ đào tạo nghề. Mức đóng bảo hiểm của chúng ta hiện nay chỉ hỗ trợ được vậy, giờ số lao động mất việc tăng lên đột biến muốn hỗ trợ thêm cũng rất khó. Vì vậy cần có gói hỗ trợ khác đối với người lao động thất nghiệp.

Kỳ vọng gói hỗ trợ an sinh xã hội - Ảnh 3.

Bữa cơm đạm bạc của gia đình anh Dương Văn Thanh (thợ bảo trì máy may của Công ty TNHH Dinsen Việt Nam) và chị Bích Ngọc (công nhân may tại Công ty TNHH Summit Vina) - Ảnh: HOÀNG AN

Hỗ trợ cả 20 triệu lao động khu vực phi chính thức

* Theo ông, đâu là những đối tượng cần được hỗ trợ và nguồn tiền lấy ở đâu?

- Chắc chắn phải lấy từ ngân sách nhà nước và ngân sách các địa phương. Các nước trên thế giới họ cũng làm vậy, hình thành những gói cứu trợ nền kinh tế, gói hỗ trợ người lao động mất việc làm để phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh.

Có 2 đối tượng cần hỗ trợ là người lao động thiếu việc làm và người lao động mất việc làm. Cần hỗ trợ để giúp họ duy trì cuộc sống. Đối với người lao động mất việc do dịch COVID-19, ngoài chế độ bảo hiểm thất nghiệp, Nhà nước cần tính toán để có chính sách hỗ trợ thêm họ một khoản thu nhập.

Người mất việc sẽ có nhu cầu đào tạo nghề, đi tìm việc làm mới nên cần hỗ trợ người thất nghiệp tìm được việc làm mới nhanh nhất. Chẳng hạn như hỗ trợ dịch vụ kết nối, giới thiệu việc làm cho người lao động. Trường hợp người mất việc có nhu cầu học nghề nên hỗ trợ họ một phần hoặc toàn bộ kinh phí học nghề.

Với lao động thiếu việc làm, phải giãn, giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, hoãn hợp đồng lao động do dịch bệnh, các bộ, ngành, địa phương cũng cần tính toán hỗ trợ thêm cho người lao động khi họ bị giảm lương, giảm thu nhập.

Trong bối cảnh khó khăn chồng chất do dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp vẫn muốn giữ chân lao động để phục vụ cho quá trình khôi phục lại sản xuất khi dịch bệnh kết thúc.

Doanh nghiệp tính bài toán đường dài thì Nhà nước cũng cần có cơ chế cùng doanh nghiệp hỗ trợ người lao động, giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, vượt qua khó khăn.

Mặt khác, trong giai đoạn giãn đóng bảo hiểm cho người lao động cũng cần tính toán để bảo đảm các chế độ an sinh cho người lao động trong trường hợp bị ốm đau, thai sản, bị tai nạn lao động, duy trì các chính sách bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội.

* Chính sách bảo hiểm chỉ thực hiện được với các lao động khu vực chính thức, đối với lao động trong khu vực không chính thức - không đóng bảo hiểm thì cần hỗ trợ thế nào để họ bảo đảm cuộc sống tối thiểu?

- Đối với lao động không chính thức, làm việc tại các hộ kinh doanh cá thể, các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ không có hợp đồng lao động sẽ rất khó. Ngay cả khi chưa mất việc làm thì thu nhập khu vực lao động không chính thức đã bấp bênh rồi.

Lúc có việc, lúc không có việc, họ cũng không có chế độ gì ngoài lương thỏa thuận với người sử dụng lao động nên đang gặp rất nhiều khó khăn.

Điều đáng nói khu vực lao động không chính thức hiện nay chiếm số lượng lao động rất lớn, vì vậy Bộ luật lao động năm 2019 đã quy định khu vực lao động này cũng phải tham gia bảo hiểm trong thời gian tới để có nguồn chi bảo đảm an sinh khi cần thiết.

Hiện cả nước có khoảng 17 triệu lao động tham gia bảo hiểm lao động, còn gần 20 triệu lao động chưa tham gia, có sự bao phủ của chính sách bảo hiểm. Đây là những người lao động khó khăn nhất hiện nay và rất cần chính sách hỗ trợ từ Nhà nước.

Kỳ vọng gói hỗ trợ an sinh xã hội - Ảnh 4.

Dữ liệu: Đặng Tuân - Nguồn: Bộ LĐTBXH - Đổ họa: N.KH.

440.000 - 1,32 triệu người giảm việc hoặc mất việc

Bộ LĐ-TB&XH dự báo nếu dịch tiếp tục diễn biến như hiện nay thì số lao động bị giảm giờ làm hoặc mất việc làm khoảng 440.000 - 880.000 người.

Nếu dịch bùng phát, số lao động bị giảm giờ làm hoặc bị mất việc làm khoảng 880.000 - 1,32 triệu người.

Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, vận tải và kho bãi, du lịch sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất, với số người chịu ảnh hưởng chiếm 75-85% tổng số bị ảnh hưởng theo các ước tính ở trên.

TS Trần Toàn Thắng (trưởng ban kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và đầu tư):

Hỗ trợ trực tiếp bằng tiền là tốt nhất

ts tran toan thang 2(read-only)

Chủ trương hình thành một gói hỗ trợ an sinh xã hội rất cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, hàng chục ngàn lao động mất việc. Cách hỗ trợ tốt nhất là hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Cần rút kinh nghiệm từ các chính sách hỗ trợ khủng hoảng trước đây như hỗ trợ cho người dân chịu ảnh hưởng sự cố ô nhiễm môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, từ khi có chính sách hỗ trợ cả năm sau người dân mới nhận được.

Bối cảnh dịch bệnh thì cách làm phải rút ngắn lại để người lao động bị ảnh hưởng có thể tiếp nhận nhanh nhất các khoản hỗ trợ từ Chính phủ và các địa phương để ổn định cuộc sống.

Ông Nguyễn Quang Đồng (viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông):

Tập trung vào khu vực lao động phi chính thức

nguyen quang dong 12345 2(read-only)

Những người lao động trong khu vực phi chính thức, không đóng bảo hiểm xã hội khi mất việc sẽ không biết bấu víu vào đâu. Hàng loạt quán bia, nhà hàng, cửa hàng kinh doanh karaoke, hộ kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ... đóng cửa hoạt động kinh doanh thời gian qua đã đẩy hàng chục ngàn lao động ra đường.

Đây chính là những lao động bị tổn thương lớn nhất do ảnh hưởng dịch bệnh.

So với khu vực lao động chính thức thì người lao động khu vực phi chính thức thiệt thòi hơn rất nhiều. Họ không được chủ sử dụng lao động đóng bảo hiểm nên không được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp, cũng không có ai đứng ra kêu giúp họ trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Vì vậy, gói hỗ trợ an sinh xã hội đối với lao động mất việc nên hướng tới khu vực lao động phi chính thức. Với khu vực lao động chính thức cần đơn giản, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục về trợ cấp thất nghiệp để người lao động sớm nhận được trợ cấp.

Anh Nguyễn Đức Hiển (37 tuổi, ngụ Q.Tân Phú, thợ sửa xe):

Khu vực phi chính thức kỳ vọng được quan tâm

nguyen duc hien 222 2(read-only)

Từ lúc có dịch đến giờ, công việc của tôi hầu như đứt đoạn, không làm ăn được gì. Xe cộ chạy ít nên cũng không có mấy người bơm, vá, rửa xe, mỗi ngày kiếm vài chục ngàn cũng khó. Hơn tuần nay Nhà nước hạn chế quán xá, tụ tập đông người nên con hẻm nhà tôi hầu như không có xe qua lại.

Mấy ngày đầu cũng ráng bám trụ mà không có khách đành dẹp luôn chứ biết làm sao bây giờ. Giờ kiếm vài trăm ngàn cũng không ra nên khoản tiền 1 triệu đồng đối với chúng tôi là rất lớn lúc này, có tiền mua vài thùng mì để nhà có cái ăn thì cũng yên tâm. Mong là Nhà nước sẽ hỗ trợ sớm cho người dân chúng tôi.

Chị Hồ Thị Thắm (19 tuổi, công nhân KCN Bình Chiểu, Q.Thủ Đức, TP.HCM):

Công nhân trẻ thiệt thòi

ho thi tham 2(read-only)

Tôi là công nhân mới chưa ký hợp đồng chính thức. Đợt này công ty không có hàng làm nên công nhân mới vào làm hay đang làm thời vụ đều bị cho nghỉ.

Tới hôm nay tôi đã nghỉ được hơn một tuần rồi, đang chờ công ty thanh toán nốt tháng lương cuối để trả tiền trọ tháng này. Trong túi giờ chỉ có vài trăm ngàn để lo ăn uống. Tiền lương tháng còn lại lãnh được sẽ trả tiền trọ, lo ăn uống, sẽ không còn bao nhiêu.

Mùa dịch bệnh người mới đi làm như tôi khổ lắm. Khi công ty phải giảm lao động, chúng tôi sẽ phải nghỉ việc đầu tiên. Công nhân cũ làm lâu có hợp đồng thì còn có bảo hiểm thất nghiệp, dù có thấp cũng có một khoản tiền để trang trải.

Còn công nhân mới chưa có hợp đồng thì lương vừa thấp, vừa không có bảo hiểm. Giờ thất nghiệp cũng không xin được việc làm mới vì đâu có chỗ nào tuyển. Tháng này chưa thấy chủ trọ giảm tiền nhà.

Nếu được Nhà nước hỗ trợ 1 triệu đồng thì ít nhất cũng lo được chỗ ở, ăn uống thì tằn tiện vài bữa chờ qua dịch bệnh xin việc làm mới. Nghe vậy cũng mừng mà không biết khi nào mới nhận được.Vũ Thủy

Ông Cao Thanh Bình (phó trưởng Ban kinh tế - ngân sách, HĐND TP.HCM):

Mong sớm triển khai

3754297 2(read-only)

Tại kỳ họp thứ 19, HĐND TP.HCM khóa IX, HĐND TP đã ra nghị quyết hỗ trợ người lao động bị mất việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp với 1 triệu đồng/người/tháng. Nghị quyết thể hiện sự nhân văn, chia sẻ của TP.

Khi chính sách đã được ban hành, tôi mong muốn UBND TP sớm triển khai các đơn vị thống kê chặt chẽ, công khai, minh bạch những đối tượng, ngành nghề, lĩnh vực được hỗ trợ để tránh khả năng khai khống để hưởng lợi.

Đồng thời cũng cần giảm những thủ tục, tránh rườm rà để kịp thời hỗ trợ cho người lao động. Tuy khoản tiền mỗi người nhận được không nhiều nhưng cũng phần nào giúp họ khắc phục đời sống đang rất khó khăn.

TIẾN LONG

Nhiều nước hỗ trợ người lao động

Ngày 28-3, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte thông báo đã thông qua gói biện pháp mới có trị giá 4,7 tỉ euro (5,24 tỉ USD), trong đó 4,3 tỉ euro để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và dành một quỹ đặc biệt 400 triệu euro cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cũng kêu gọi EU phát hành các trái phiếu phục hồi, cho rằng các nền kinh tế thành viên phải cùng chia sẻ gánh nặng nợ công nhằm đối phó với dịch COVID-19.

Thủ tướng Sanchez đã cho thực hiện thêm biện pháp hạn chế đi lại, theo đó những lao động làm việc trong ngành dịch vụ không thiết yếu sẽ phải ở nhà trong 2 tuần nhưng họ vẫn được hưởng lương như bình thường.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau, hôm 28-3, thông báo một loạt biện pháp thúc đẩy nền kinh tế, tăng gần gấp đôi số tiền đã cam kết chỉ hai ngày trước đó, lên hơn 200 tỉ đôla Canada. Các biện pháp mới bao gồm trợ cấp 75% lương cho các nhân viên làm việc tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, một loạt các khoản trợ cấp, hoãn thuế...

Malaysia trong khi đó đã công bố gói kích cầu kinh tế trị giá 250 tỉ ringgit (58,28 tỉ USD). Theo đó, chính phủ sẽ dành 128 tỉ ringgit cho các khoản phúc lợi xã hội, 100 tỉ để hỗ trợ các doanh nghiệp... Nhóm thu nhập thấp và tầng lớp trung lưu được hỗ trợ tổng cộng 10 tỉ.

Còn theo Hãng tin Kyodo, ngày 28-3 Thủ tướng Abe Shinzo cho biết Chính phủ Nhật Bản sẽ đưa ra gói kích thích kinh tế "lớn chưa từng có", cao hơn số tiền mà Tokyo đã chi trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 (khi đó là 526 tỉ USD).

TƯỜNG NGUYỄN

COVID-19: mất việc được hỗ trợ ra sao? COVID-19: mất việc được hỗ trợ ra sao?

TTO - Dịch COVID-19 'tràn' qua đã đẩy hàng chục nghìn lao động vào tình cảnh thất nghiệp. Tuy vậy theo TS Vũ Minh Tiến - viện trưởng Viện Công nhân công đoàn - con số trên chưa phản ánh đầy đủ.

BẢO NGỌC thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên