25/06/2015 10:49 GMT+7

Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới: Năng suất lao động vươn tầm khu vực

ĐỖ HUYỀN TRANG 
(20 Tuổi, Hà Nội)
ĐỖ HUYỀN TRANG 
(20 Tuổi, Hà Nội)

TT - Là một người trẻ, tôi kỳ vọng 20 năm tới năng suất lao động (NSLĐ) của người Việt Nam sẽ được nâng cao chứ không phải ở mức thấp trong khu vực như hiện nay.

Dây chuyền sản xuất của Công ty nhựa kỹ thuật Sakura, TP.HCM với trang thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng xuất khẩu. Doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư thêm nhiều thiết bị hiện đại để tăng năng suất - Ảnh: Thanh Đạm
Dây chuyền sản xuất của Công ty nhựa kỹ thuật Sakura, TP.HCM với trang thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng xuất khẩu. Doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư thêm nhiều thiết bị hiện đại để tăng năng suất - Ảnh: Thanh Đạm

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), NSLĐ của người Việt Nam năm 2013 ở mức thấp so với các nước ASEAN và cuối bảng so với các nước châu Á - Thái Bình Dương. NSLĐ Việt Nam bằng 1/5 lao động Malaysia, 2/5 Thái Lan và 1/15 Singapore...

Mơ nguồn lao động chất lượng

Có thể kể đến một vài nguyên nhân dẫn đến tình trạng NSLĐ thấp này: trình độ khoa học - kỹ thuật còn thấp, tỉ lệ lao động lành nghề Việt Nam còn thấp so với số lao động được qua đào tạo nghề, lao động Việt Nam thiếu kỹ năng mềm để có thể hội nhập... Đây là một thực tế không mấy sáng sủa, nhưng Việt Nam đang trên đường phát triển và chúng ta có quyền kỳ vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn trong 20 năm tới.

Vào năm 2035, tôi kỳ vọng NSLĐ của người Việt Nam có thể lọt tốp đầu khu vực Đông Nam Á. Tôi hi vọng 20 năm tới các hoạt động gia công thô sơ, lạc hậu ở Việt Nam sẽ chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ, thay vào đó là các ngành nghề có hàm lượng tri thức cao, được trang bị máy móc hiện đại, tất cả quy trình sản xuất đều đạt chuẩn quốc tế.

Những người lao động không chỉ có kiến thức chuyên môn, kỹ năng giỏi, thành thạo trong vận hành máy móc mà còn rất bản lĩnh, tự tin trong giao tiếp, đàm phán với đối tác. Lúc này Việt Nam sở hữu một thị trường lao động cực kỳ hấp dẫn các nhà đầu tư không phải bởi giá rẻ, mà bởi chất lượng tốt và giá cả phải chăng.

Khi đó, việc tăng NSLĐ của con người và sự phân bố có hiệu quả nguồn lao động cũng giúp đẩy lùi được hầu hết vấn đề nhức nhối của 20 năm trước như đầu ra cho lao động, doanh nghiệp thiếu nhân công có trình độ hay tình trạng thất nghiệp kéo dài. Trong 20 năm tới, Việt Nam sẽ hoàn thành xuất sắc mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, trở thành một nước công nghiệp thực thụ nhờ vào những nỗ lực nâng cao NSLĐ, là một hình mẫu cho các nước đang phát triển học tập.

Những việc cần làm ngay

Để viễn cảnh tươi sáng ấy trở thành sự thật, có rất nhiều việc cần giải quyết ngay từ bây giờ. Đặc biệt đặt trong bối cảnh Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ hình thành vào cuối năm nay, lao động chuyên môn cao được tự do di chuyển trong khu vực, nếu Việt Nam không có những nỗ lực nâng cao NSLĐ của người lao động ngay từ bây giờ thì sẽ không thể cạnh tranh được với nguồn lao động ngoại nhập và có thể đánh mất thị trường ngay trên sân nhà.

Thứ nhất, do NSLĐ phụ thuộc rất nhiều vào trình độ công nghệ của doanh nghiệp và của mỗi quốc gia nên Nhà nước cần chú trọng đổi mới khoa học - công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng, đặc biệt ưu tiên đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ. Hiện nay, để có thể đuổi kịp trình độ công nghệ các nước trong khu vực và thế giới, yêu cầu tốc độ đổi mới công nghệ đối với doanh nghiệp nước ta phải đạt khoảng 20% / năm.

Một số giải pháp mà Nhà nước vẫn đang thực hiện là: tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học, chế tạo, cải tiến máy móc giúp nâng cao năng suất, giảm tỉ lệ lao động thủ công trong các công đoạn; thúc đẩy hợp tác, chuyển giao công nghệ với các nước phát triển; mời chuyên gia sang hướng dẫn và cử người sang học tập ở nước ngoài...

Bên cạnh đó, cần tích cực trao đổi công nghệ giữa các vùng miền trong cả nước bởi ở Việt Nam hiện nay có sự chênh lệch lớn về NSLĐ và trình độ khoa học kỹ thuật giữa các vùng.

Thứ hai là đầu tư, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo. Đầu tiên phải kể đến các biện pháp nâng cao trình độ chuyên môn cho người lao động. Một điểm trừ ở nước ta hiện nay khiến NSLĐ thấp là tỉ lệ lao động đã qua đào tạo và lao động lành nghề còn thấp. Một số lượng không nhỏ sinh viên tốt nghiệp các trường dạy nghề không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Đứng trước thách thức này, cần có những thay đổi hợp lý trong giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng, trường nghề cho phù hợp với nhu cầu phát triển trong nước và thế giới. Đồng thời thay vì đào tạo độc lập, các cơ sở giáo dục cần phối hợp với doanh nghiệp, gắn lý thuyết với thực tiễn, tránh tình trạng học ở trường một kiểu, đến khi đi làm phải đào tạo lại. Bên cạnh đó, các nhà quản lý cũng cần gắn những tiêu chuẩn quốc tế vào quy trình đào tạo, chuẩn bị cho sinh viên kiến thức cần thiết để hoạt động trong môi trường quốc tế.

Kế đến, phải nhắc tới việc giáo dục những kỹ năng mềm cho người lao động như: giao tiếp công việc bằng một ngoại ngữ khác, làm việc nhóm, giao tiếp trong công việc với người nước ngoài, kỹ năng đàm phán, tranh luận. Đây là những kỹ năng mềm không phải một sớm một chiều có thể thành thạo được mà cần có sự tôi luyện, mài giũa trong môi trường thực tế.

Vì vậy các nhà trường, cơ sở đào tạo cần đưa những môn học kỹ năng song hành cùng những môn chuyên ngành vào trong chương trình giảng dạy, cần có thêm những bài thử thách kỹ năng trong thực tiễn để đánh giá năng lực phán đoán, giải quyết vấn đề. Chính người lao động cũng cần tự rèn luyện, trau dồi bản thân, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Cuối cùng, trong giáo dục - đào tạo không thể không nhắc tới giáo dục ý thức. Lý do khiến NSLĐ của người Việt Nam thấp còn bởi ý thức làm việc nơi cơ quan, nhà máy của người lao động chưa cao, chưa tuân thủ giờ giấc, ít có tinh thần cầu tiến... Với tình trạng này, chúng ta cần nhiều hơn nữa công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao ý thức và cả những hình phạt răn đe, kỷ luật kết hợp với các hình thức tuyên dương, khen thưởng xứng đáng.

Trong hai ngày 18 và 19-6, ban tổ chức cuộc thi “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới” (báo Tuổi Trẻ và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam) đã nhận được bài viết của các tác giả: Vũ Trung Kiên (2 bài), Trần Vũ Anh Duy, Nguyễn Vũ Liêm Văn, Phạm Văn Bảy (3 bài), Phan Thắng, Uyển Như, Lý Minh Tư, Phan Mỹ Hằng, Đàm Nhung, Thái Hoàng (TP.HCM), Hoàng Thị Thu Ngà (Hà Nội), Phan Thị Nguyên (Quảng Bình), Nguyễn Đình Phương (Thừa Thiên - Huế), Văn Tiến Hùng (Đà Nẵng), Trương Văn Thành (Khánh Hòa), Trần Thu Hằng (Đồng Nai), Lê Thị Tuyết Trinh (Long An), Nguyễn Thị Hồng Tâm (Đồng Tháp), Huỳnh Ngọc Yến, Nguyễn Chí Ngoan (Kiên Giang), Nguyễn Hoàng Huy Lộc (2 bài), Võ Hồng Phong…Tòa soạn

ĐỖ HUYỀN TRANG 
(20 Tuổi, Hà Nội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên