22/06/2015 09:03 GMT+7

Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới: Tránh được “đại dịch” béo phì

ĐÀM NHUNG (28 tuổi, TP.HCM)
ĐÀM NHUNG (28 tuổi, TP.HCM)

TT - Việt Nam cần hành động ngay hôm nay để 20 năm nữa không phải đối mặt với một bài toán lớn về sức khỏe cộng đồng: đó là kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì.

Cần có không gian để người dân tăng cường vận động nhằm hạn chế tình trạng béo phì - Ảnh: N.C.T.

Sau “đại dịch” tim mạch, ung thư và AIDS, thừa cân, béo phì trở thành “đại dịch thứ tư” khi số người mắc tăng phi mã và mức độ nguy hại cho sức khỏe cộng đồng.

Lắng nghe hồi chuông cảnh báo

Thế giới có 1/3 dân số bị thừa cân hoặc béo phì sống ở mọi quốc gia. Việt Nam tuy nằm trong nhóm có tỉ lệ thấp (13%), nhưng tốc độ gia tăng số người mắc thuộc hàng nhanh trên thế giới. Như vậy, nếu không kịp thời kiểm soát, năm 2035 Việt Nam có nguy cơ... sánh vai với các cường quốc riêng về khoản thừa cân, béo phì.

Thật đáng lo bởi thừa cân, béo phì liên quan mật thiết đến 10 loại ung thư phổ biến và các bệnh mãn tính nguy hiểm như huyết áp, tiểu đường, tim mạch...

Thật đáng lo khi 13% dân số mắc thừa cân, béo phì ở Việt Nam là tính chung trên cả nước, còn ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương... tỉ lệ này lên tới 40%. Đặc biệt trẻ em và thanh thiếu niên - thế hệ tương lai của đất nước - đang là nhóm có tỉ lệ béo phì cao hàng đầu.

Trong khi đó, các hãng thức ăn nhanh béo ngậy cùng nước ngọt hợp khẩu vị và đủ loại sôcôla, bánh snack, kẹo ngoại... đã và đang đổ bộ vào Việt Nam. Khi các nước phát triển lo ngại và tìm cách hạn chế người dân sử dụng thì ở nước ta, thức ăn nhanh dần được xem là “gu” ăn uống có phong cách của thanh thiếu niên, các gia đình cũng coi đó là một trong những lựa chọn cho dịp sum vầy.

Nơi tôi sinh sống, trẻ em đa số thuộc hàng “đô con”, có sở thích chung là gà rán, say mê với smartphone và thường xem tivi, ngồi máy tính chứ ít khi chơi đùa cùng nhau. Con trai tôi 3 tuổi, nặng 14kg và cao 97cm thường bị mọi người quở là suy dinh dưỡng.

Tôi cũng bị chê trách là không chịu mua váng sữa, yến sào, gà ác hay những món tẩm bổ khác, để mặc thằng bé còi cọc. Dường như bảng chiều cao, cân nặng chuẩn của WHO hay tháp dinh dưỡng cân đối không được nhiều người quan tâm?

Trên đường về nhà sau giờ tan sở, khi thấy những cửa hàng thức ăn nhanh đông đúc các em học sinh, tôi thường băn khoăn liệu tương lai chúng ta có giống nước Mỹ, trung bình cứ ba người trưởng thành có một người bị béo phì?

Không! Điều tôi kỳ vọng là người Việt Nam không chỉ ngày càng sống thọ mà phải thêm khỏe mạnh.

Vì một Việt Nam khỏe mạnh

May thay tại Việt Nam tình trạng thừa cân béo phì chưa đến mức “bùng phát”. Do đó nếu chung tay kiểm soát kịp thời, ta hoàn toàn có thể tránh được “đại dịch” này.

90% tình trạng tăng cân là do nạp quá nhiều năng lượng nhưng hoạt động thể lực lại hạn chế. Do đó giải pháp kiểm soát thừa cân béo phì cần tập trung vào việc làm cách nào để cộng đồng ăn uống khoa học và tăng cường vận động.

Theo tôi, để thành công thì truyền thông phải là mặt trận tiên phong. Bộ Thông tin - truyền thông và Bộ Y tế cần phối hợp với nhiều cơ quan tổ chức nhiều hoạt động để cung cấp nhiều thông tin về dinh dưỡng và thừa cân, béo phì.

Ví dụ như truyền hình tổ chức game show kiến thức bệnh học và vận động; trên VOV, đài địa phương liên tục nói về tác hại của thừa cân, béo phì; hội phụ nữ tổ chức hướng dẫn xây dựng thực đơn, cách chế biến món ăn đảm bảo dinh dưỡng và đủ nhu cầu năng lượng cho mỗi gia đình; trên các tuyến đường xuất hiện nhiều biển khuyến cáo về tác hại của thức ăn nhanh, tác hại mà thừa cân, béo phì gây ra...

Yêu cầu quan trọng là các nội dung tuyên truyền cần cụ thể, có hình thức thể hiện sinh động, dễ hiểu. Tôi tin khi có hiểu biết về vấn nạn béo phì, tự bản thân mỗi người dân sẽ chủ động phòng tránh.

Việc quảng cáo mì ăn liền, sữa công thức, các loại bánh kẹo, nước ngọt, thức ăn nhanh... cần bị hạn chế bởi sự xuất hiện dồn dập những sản phẩm này trên các phương tiện truyền thông khiến không ít người Việt Nam đang hiểu sai về vấn đề dinh dưỡng.

Các hoạt động vận động cần được chú trọng bởi không chỉ giúp đẩy lùi thừa cân, béo phì mà còn cải thiện tầm vóc người Việt trong tương lai. Bộ Văn hóa - thể thao & du lịch cần đề ra các mục tiêu như có nhiều công cụ tập luyện ở công viên, khu vực công cộng. Trung tâm thể dục thể thao phải làm sao thu hút được người dân hưởng ứng tham gia (nâng cấp trang thiết bị, giảm vé tập hoặc miễn phí, tổ chức hội thao...).

Ngoài ra, bộ cần phối hợp với Bộ Giáo dục - đào tạo tăng cường cho học sinh - sinh viên vận động trong trường học (chủ trương thể dục là môn học chính, mỗi ngày phải có một tiết tập luyện). Phối hợp với Bộ Lao động - thương binh & xã hội để các công sở có phòng tập theo tiêu chuẩn, có thời gian nghỉ giữa giờ để giảm tình trạng người làm việc văn phòng ngồi quá lâu dễ dẫn đến béo phì, béo bụng.

Thật lý tưởng nếu một ngày làm việc chỉ còn bảy giờ. Khi 16g tan sở, người lao động, đặc biệt là phụ nữ, có thêm thời gian đến phòng tập mà vẫn chuẩn bị được bữa cơm tối tươm tất cho gia đình.

Thêm nữa, các bộ, ban ngành cần ngồi lại với nhau đề ra giải pháp làm sao tạo môi trường, không gian tốt để khuyến khích người dân tích cực vận động. Trong đó, đảm bảo làn đường đi bộ thông thoáng, râm mát, không khí trong lành, có chính sách khuyến khích sử dụng xe đạp... là những hành động thiết thực.

Khi có hiểu biết đúng, việc giữ gìn vóc dáng và sức khỏe đối với một cá nhân không khó. Khi có quyết tâm và chung sức hành động, mục tiêu kiểm soát và đẩy lùi vấn nạn thừa cân, béo phì, nâng cao sức khỏe của Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được.

ĐÀM NHUNG (28 tuổi, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên