23/02/2014 08:12 GMT+7

Làm gì để Hà Nội thanh lịch?

HÀ HƯƠNG thực hiện
HÀ HƯƠNG thực hiện

TT - Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, văn hóa đô thị là ưu thế của Hà Nội, do vậy cần phải xây dựng văn hóa, nếp sống, con người và tâm hồn đô thị.

Người Hà Nội muốn tìm lại nét thanh lịchVì sao người Việt thích nhậu?Giật mình với quan niệm rượu bia của người trẻ

x0110gdG.jpgPhóng to
Cảnh xếp hàng vào nhà viếng đại tướng Võ Nguyên Giáp tạo cảm hứng rất lớn cho sự hồi phục sự thanh lịch của Hà Nội - Ảnh: Ng.Khánh

Sự phai nhạt nét thanh lịch của Hà Nội đang được chính quyền thành phố này quan tâm... Nhà sử học Dương Trung Quốc và nhà văn - nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến - một người sinh ra và lớn lên ở phố cổ Hà Nội, một người chuyên viết về Hà Nội - cùng góp tay tìm giải pháp.

* Nhà sử họcDương Trung Quốc :

Văn hóa đô thị là ưu thế của Hà Nội

JLDpM3nI.jpg
Nhà sử học Dương Trung Quốc - Ảnh: Việt Dũng
Khái niệm thanh lịch rất mơ hồ, nhưng chắc chắn Hà Nội có gì đó tạo nên giá trị mang tính truyền thống mà người Hà Nội tự hào. Nó cũng tạo ra được giá trị mà cả nước công nhận gắn liền với kinh đô, thủ đô. Đương nhiên nhắc đến Hà Nội người ta nhắc đến 1.000 năm, nhưng đừng quên 1.000 năm ấy bị đứt đoạn vào một thời điểm lịch sử quan trọng gắn liền với triều Nguyễn dời kinh đô về Phú Xuân.

Tuy nhiên, sự đứt đoạn này rất quan trọng. Chính vì đứt đoạn mà có thể tạo ra một tiền đề để Hà Nội lột xác rất căn bản. Năm 1884 người Pháp bắt đầu đô hộ, đến năm 1888 gần như chính quyền Nam triều giao Hà Nội cho người Pháp. Khi đó tổng thống Pháp ra một sắc lệnh xây dựng thành phố theo quy chuẩn phương Tây. Không chỉ là sự chỉnh trang hạ tầng, quy hoạch mà ngay từ rất sớm bộ máy quản lý mà bây giờ ta hay gọi là chính quyền đô thị đã được hình thành. Chính quyền đô thị ở xứ thuộc địa thì vẫn có yếu tố đô hộ thực dân. Vì đô thị là nơi tụ cư của người dân đến từ nhiều nơi khác nhau, mang nhiều văn hóa khác nhau và gần như không bị ràng buộc bởi những thể chế truyền thống như: lệ làng, hương ước, tục lệ, tập quán. Yếu tố quản lý xã hội hiện đại đã có từ ngày đó.

Từ năm 1888 đến 1945, tức chỉ hơn nửa thế kỷ, Hà Nội có hơn 60 lần thay đổi thị trưởng. Tất nhiên, có người làm thị trưởng vài ba lần. Điều đó cho thấy tính tự trị rất mạnh. Một hội đồng mà người đại diện không đáp ứng được thì sẽ bị truất quyền ngay. Tất nhiên, xã hội thuộc địa nên việc truất quyền còn thông qua đại diện của chính phủ thực dân. Tuy nhiên, điều đó hết sức quan trọng. Điều mà đến ngày nay chúng ta vẫn loay hoay xây dựng thì ngay từ đầu Hà Nội đã có rồi. Sự chuyển đổi hết sức căn bản ấy đã tạo ra nền văn hóa mới. Tất nhiên, nó vẫn phải trên nền tảng người dân Hà Nội có truyền thống xa xưa. Nhưng đây là lúc chứng kiến sự tụ cư của dân tứ chiếng mạnh mẽ. Thăng Long ngày xưa cũng chứng kiến sự tụ cư của thành thị, thành là bộ máy hành chính, thị là thị dân buôn bán. Nhưng dân chủ là yếu tố quan trọng cốt lõi tạo nên giá trị gọi là thanh lịch Hà Nội, hay như tôi hay dùng là văn hóa đô thị, tạo nên ưu thế của Hà Nội so với các địa phương khác trong thời kỳ lịch sử cận đại.

Cho nên môi trường văn hóa tác động rất lớn. Đó là cái nôi của rất nhiều môn nghệ thuật văn hóa mới học từ Pháp. Bắt đầu từ giáo dục, bỏ chữ Hán, dùng chữ quốc ngữ, chữ Pháp. Hình thành tầng lớp thị dân, có nhu cầu của nó, giao lưu văn hóa, nhu cầu thị dân, nền tảng giáo dục sinh ra nhiều trào lưu nghệ thuật mới: nhiếp ảnh, điện ảnh, văn chương, hội họa, sân khấu. Điều đó không xảy ra ở Huế hay Sài Gòn. Hà Nội có thể tiếp nhận trực tiếp được vì nó có cả một nền văn hóa nền tảng. Điều tôi cho quan trọng nhất của Hà Nội là văn hóa đô thị. Tất cả những ai sống trong thời kỳ người Pháp đô hộ, bên cạnh những yếu tố thực dân phản động thì phải thấy rằng họ đã tạo được một nếp hiện đại trong quan hệ giao tiếp giữa con người, trong ý thức con người với cộng đồng, xã hội, thể chế, luật pháp.

Bây giờ đang có sự xô bồ. Phải thấy cốt lõi cái thiếu nhất hiện nay là không xây dựng được văn hóa đô thị. Do cơ chế của chúng ta, quan niệm của chúng ta. Ngay khi Hà Nội giải phóng năm 1954, văn hóa đô thị đã bị phá vỡ ngay. Bề ngoài là người tứ xứ đến, người ở chiến khu về, bà con từ miền Nam tập kết ra. Rõ ràng có sự thay đổi về dân cư. Nhưng điều đó cũng không quan trọng bằng chuyện cơ chế 60 năm nay không có yếu tố đô thị quản lý. Hà Nội cũng giống Hải Dương hay Hải Phòng. Lâu nay chúng ta lại còn đề cao hơn nữa văn hóa truyền thống. Nhưng phải nhìn dân tộc và truyền thống trong sự phát triển, chứ không phải trở lại cái ngày xưa.

Đối với nông thôn thì giữ được truyền thống sẽ phát triển rất tốt, nhưng đô thị không thể dùng chữ truyền thống được vì đó là nơi thường xuyên thay đổi. Đối với Hà Nội, nét đặc sắc vốn có phải củng cố lại là đẩy mạnh hơn nữa chất thị dân của các công dân và đô thị của bộ máy quản lý.

Tuy nhiên khi là một đô thị, điều đầu tiên phải là văn hóa. Xây dựng nền văn hóa Hà Nội đầu tiên phải xây dựng văn hóa đô thị, nếp sống đô thị, con người đô thị, tâm hồn đô thị. Lồng ghép trong đó có truyền thống và hiện đại, có cả bảo tồn và phát triển. Nhưng nét riêng của Hà Nội là khai thác mặt trội của nó, là cảnh quan sinh thái, truyền thống văn hóa..

* Nhà văn - nhà báoNguyễn Ngọc Tiến:

Khi chơi vơi, con người chỉ làm điều mình thích

d6XjfhF5.jpg
Nhà văn - nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến - Ảnh: Hà Hương
Hà Nội thanh lịch được ghi chép trong Vũ trung tùy bút (Phạm Đình Hổ), Thượng kinh ký sự (Hải Thượng Lãn Ông)... hay như gần đây nhất là tôi đọc gia phả của dòng họ Nguyễn Đình ở làng Duyên Thái (Thanh Trì, Hà Nội bây giờ) ra Hà Nội từ thế kỷ 18. Cuốn gia phả chép cụ thể từng năm một, cho thấy nếp nhà như con cái ăn nói với cha mẹ, cha mẹ ứng xử với hàng xóm láng giềng, đi buôn bán giữ chữ tín hàng đầu... Cuốn này ghi rất rõ cuối thế kỷ 18 đầu 19, trước mỗi nhà để một chum nước vối nóng với một chiếc bát để ai đi qua khát nước thì có mà uống. Đó là một nét đẹp mà không phải nơi nào cũng làm được. Bài viết của GS Trần Quốc Vượng năm 1994 báo động tình trạng nếp sống của người Hà Nội xuống cấp cũng đúc kết ra những nét đẹp làm nên cốt cách của người Hà Nội là thanh lịch, tao nhã, tế vi trong nếp sống.

Đến năm 1986-1987 Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Nội tổ chức triển lãm Hà Nội đẹp và chưa đẹp, người ta đã nhìn thấy sự xuống cấp rồi. Có những bức ảnh trẻ con trèo lên cây tiểu lên đầu công an khu vực, rác lềnh bềnh ở hồ Hoàn Kiếm... Nhưng vào những năm đói kém quá, lạm phát đến 600%, người ta chỉ nghĩ đến việc cho cái gì vào bụng, còn văn hóa là thứ vớ vẩn. Dần dần nó phai nhạt đi. Và khi bắt đầu đổi mới thì câu chuyện đã khác. Những cái chuẩn ngày xưa không còn là chuẩn nữa, con người tự do hơn. Văn hóa Hà Nội theo đó cũng thay đổi. Có một thời chúng ta không chấp nhận những lễ giáo phong kiến và phủ nhận những văn minh, tiến bộ của người Pháp và cho rằng đó là tàn dư của thực dân phong kiến. Nhưng ngược lại không hề đưa ra được cái mới. Từng có khái niệm con người mới nhưng thực chất đó chỉ là lý thuyết, xa rời cuộc sống thật. Ngày hôm nay đúng là đạo đức, nếp sống xuống cấp. Nhưng đề ra một bộ quy tắc ứng xử thì rất khó thực hiện, khó ở chỗ sẽ đưa xuống khu dân cư thế nào, người ta có thực hiện không.

* Điều gì dẫn đến sự xuống cấp hiện tại?

- Như bún mắng cháo chửi, các tờ báo mạng cứ có gì là lại lôi ra như một điển hình của Hà Nội. Dù nó chỉ là một hiện tượng thôi. Điều làm nên văn hóa xuống cấp chính là do lòng tin rơi rụng. Cũng không thể đổ lỗi cho người nhập cư hay người Hà Nội. Một khi lòng tin không còn thì không còn chuẩn để mà làm theo nữa. Khi tất cả mọi thứ không có nữa, họ chơi vơi, khi đó bản năng trở lại, họ sẽ làm những điều họ thích. Sự xấu hổ không còn nữa.

* Hà Nội văn minh, thanh lịch một thời giờ có còn không?

- Còn, nhưng không nhiều. Ở trong những gia đình trí thức, những gia đình có hơi hướng nhà nho vẫn còn giữ được. Có thể thấy rõ văn hóa ứng xử của người Hà Nội trước đây từ những người Hà Nội di cư vào Sài Gòn hoặc ra nước ngoài. Điều đó là thực tế, vì đi xa người ta có xu hướng giữ lại những gì họ có, ngoài việc chứng minh mình khác với các dân tộc khác thì cũng là điểm tựa cho họ sống. Tôi nhớ rất rõ con gái của ông Cát Tường may áo dài nổi tiếng ở Hà Nội ngày trước. Ở Mỹ về nhưng bà ấy nói năng dịu dàng, thưa gửi, hỏi người ít tuổi hơn cũng không sỗ sàng. Ăn uống cũng thế, bữa ăn là bữa ăn, quà là quà. Bà ấy cũng chọn những hàng phở có bát nhỏ nhỏ xinh xinh chứ không phải quán phở mà bát to tú hụ. Người Hà Nội xưa ăn quà chỉ để chơi chứ không phải no. Bà ấy giữ được tất cả những nét đó.

Ngày nay ở Hà Nội, người ta không được giáo dục những nếp ấy nữa, người ta cho đó là thứ phức tạp. Bởi thế nó cứ rơi rụng dần. Có thể câu nói hơi rắc rối, cách nói hơi rắc rối nhưng là nét riêng của người Hà Nội. Đấy là văn hóa.

Giội nước sai giờ, cảnh sát đến ngay

Thời kỳ Hà Nội bị tạm chiếm, nhà tôi ở Hàng Đường, ở hướng tây, cứ chiều chiều mặt trời chiếu thẳng vào nhà. Cho nên có nhu cầu phải giăng cái màn che nắng và giội nước cho mát. Bây giờ ta thấy rất lộn xộn, thích xanh thích đỏ kiểu gì cũng được, nhưng ngày xưa màn hết sức nghiêm túc. Nó là thương hiệu của mình, trên màn đề tên cửa hiệu của mình. Như nhà tôi là Mỹ Tín bán vải, nhà kia là Công Thái bán tạp hóa... Tôi không nhớ có quy chế hay không nhưng phải nói là quy định rất chặt. Dù đó là thời kỳ bắt đầu lộn xộn sau chiến tranh, trước đó chắc còn nền nếp hơn rất nhiều.

Tôi nhớ mãi một kỷ niệm, có ngày cô giúp việc trong nhà giội nước ra vỉa hè sớm quá. Ví dụ họ quy định là 4g mới được giội thì 3g mình đã giội rồi. Lập tức cảnh sát đến ngay, yêu cầu phải lên ngay bốt Hàng Đậu để phạt. Lúc đó với gia đình là chuyện khủng khiếp, đụng chạm đến công quyền, đụng chạm đến luật pháp là rất nghiêm trọng. Ý tôi muốn nói chính quyền đô thị đã tạo ra được ý thức xã hội, nếp sống đô thị mà không bỏ qua nền tảng truyền thống. Tôi cho đó là tính trội của Hà Nội, làm cho Hà Nội có thanh danh, hay nói theo ngôn ngữ ngày nay là thương hiệu.

HÀ HƯƠNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên