Làm gì với một biểu tượng lỗi thời?

TRÚC ANH 18/05/2022 19:00 GMT+7

TTCT - Xóa bỏ một thứ được xem là biểu tượng văn hóa của quốc gia, dù không chính thức, chắc chắn không phải điều dễ dàng, nhất là khi nó gắn liền với sinh kế của những người lao động khốn khó.

Ở Philippines, một cựu thuộc địa của Hoa Kỳ, có 2 sản phẩm là sự kết hợp của óc sáng tạo của dân bản địa và thứ người Mỹ bỏ đi: món sisig làm bằng thịt băm lấy từ thủ lợn - phần mà binh lính đồn trú tại căn cứ không quân Hoa Kỳ ở Pampanga không đụng đến; và jeepney - phương tiện giao thông công cộng bình dân cải tiến từ những chiếc xe jeep quân sự Willy người Mỹ bỏ lại khi rút về nước năm 1946.

Thế chiến thứ 2 đã băm nát hệ thống giao thông công cộng Philippines, nhất là các tuyến tàu điện đường phố. Giữa tình cảnh đó, một số nhà kinh doanh nhìn thấy cơ hội từ những chiếc xe jeep quân Mỹ để lại. Họ mang chúng về, nối dài thân xe để chở được thêm nhiều người, gắn thêm trần để che mưa nắng, tháo ghế sau ra và thay bằng hai băng ghế dài, chỉ chừa một lối đi hẹp dẫn đến phần đuôi để hành khách lên xuống. 

Phần ngoại thất, người Philippines thỏa sức sáng tạo với những gam màu sặc sỡ, trang trí với tranh vẽ đủ chủ đề, thể loại. Mỗi lối trang trí là để kể một câu chuyện: hình ảnh người thân trong gia đình đang làm việc ở nước ngoài, cảnh quan thiên nhiên, di sản địa phương, các nhân vật, hình tượng văn hóa đại chúng đương thời... Họ gọi đó là jeepney - kết hợp từ jeep và jitney (xe buýt cỡ nhỏ, cự ly gần, giá vé rẻ).

 
 Một dãy jeepney ở Philippines. Ảnh: Ellen Munro/Flickr

Từ chỗ là một giải pháp tình thế, jeepney lại trở thành phương tiện giao thông công cộng phổ biến trong hơn 70 năm qua. Đến năm 2017, hình thức này phục vụ 40% người dùng phương tiện công cộng ở vùng Metro Manila và các tỉnh lân cận. Ngoài số jeepney ban đầu được cải tiến, sau này còn có xe sản xuất mới. Chưa tính số xe không chính thức, có gần 180.000 chiếc jeepney có đăng ký ở Philippines. Jeepney vì thế được coi là “vua đường phố” ở quốc gia này; nó có mặt ở khắp nơi - từ các con đường đông đúc ở thủ đô đến các những con đường làng ở nông thôn. Giá vé vô cùng phải chăng: chỉ 8 peso (3.500 đồng)/chuyến, so với 12 peso xe buýt hay 15 peso xe lửa.

Jeepney thậm chí vươn tầm thành biểu tượng văn hóa, niềm tự hào của người Philippines bởi nó đại diện cho tinh thần của họ: có sức chống chịu, sáng tạo và lạc quan. Những chiếc jeepney không chỉ xuất hiện trên đường phố nội địa mà còn được xuất khẩu (sang Sierra Leone, Papua New Guinea), trưng bày như tượng của đất nước tại các triển lãm du lịch lớn ở New York và London và bước vào quầy hàng lưu niệm.

Nhưng bên dưới lớp áo sặc sỡ với các hình vẽ nghệ thuật của jeepney là những ống xả thải ô nhiễm vì động cơ diesel. Theo một ước tính, jeepney chiếm 15% tổng lượng ô nhiễm không khí do phương tiện giao thông đường bộ gây ra. Chúng cũng thiếu an toàn. Mỗi xe chở được từ 10-16 khách; họ phải ngồi gần như chạm gối nhau, có khi hàng giờ trong khoang xe không máy lạnh, không cửa sổ để chắn khói bụi mưa nắng, không dây an toàn. Có nguồn cho rằng hành khách jeepney có khả năng gặp tai nạn cao gấp 10 lần so với đi ôtô riêng.

Những điều này khiến jeepney trở thành lạc quẻ trong kế hoạch hiện đại hóa hệ thống giao thông vận tải quốc gia của tổng thống (nay đã sắp mãn nhiệm) Rodrigo Duterte. Năm 2017, chính quyền ông Duterte yêu cầu tài xế jeepney lưu hành quá 15 năm phải nâng cấp phương tiện trong vòng 3 năm nếu muốn tiếp tục chạy trên đường. Quá trình hiện đại hóa để đảm bảo tiêu chuẩn khí thải và an toàn cho hành khách đó đòi hỏi các tài xế vốn kiếm được thu nhập còm cõi từ việc phục vụ các hành khách không rủng rỉnh tiền bạc phải tìm đến những thứ xa lạ: động cơ chuẩn Euro 4, dây an toàn, camera giám sát/hành trình, GPS, WiFi và hệ thống bán vé (thay vì muốn xuống thì gõ lên trần ra hiệu, rồi tiền vé được chuyền tay qua cả dãy khách mới đến được chỗ tài xế).

Tất nhiên, những thứ này không miễn phí; giá một chiếc xe kiểu mới, thực chất không khác gì minibus, là 1,6 triệu peso (700 triệu đồng). Dù chính phủ hứa sẽ hỗ trợ các khoản vay để lên đời, song giới tài xế đã kịch liệt phản đối vì cho rằng làm thế chỉ chuốc lấy nợ nần. Một tài xế 15 năm kinh nghiệm cũng chỉ kiếm được khoảng 2.500 peso mỗi ngày, có vay mượn thì cũng không biết bao giờ mới gỡ được vốn. 

Kết quả là đến tháng 7-2019, chỉ khoảng 2% xe jeepney cũ được nâng cấp. Nửa năm sau, COVID-19 ập đến, đời tài xế càng thêm khổ, và chính phủ “có cớ” để nhắm mắt cho qua các chủ xe không đáp ứng được kỳ hạn 3 năm trước đó. Sang tháng 3 năm nay, Manila một lần nữa nới tay, cho tài xế thêm 1 năm để tiếp tục kiếm sống với “vua đường phố”.

Xóa bỏ một thứ được xem là biểu tượng văn hóa của quốc gia, dù không chính thức, chắc chắn không phải điều dễ dàng, nhất là khi nó gắn liền với sinh kế của những người lao động khốn khó. Nếu không muốn cứ gia hạn mãi, có lẽ chính quyền Philippines phải có chính sách cây gậy và củ cà rốt tốt hơn. 

Tất nhiên giới tài xế hiểu rõ điều gì đến sẽ đến; như khẩu hiệu gắn sau một chiếc jeepney mà CNN bắt gặp hồi năm 2017: “Mãi mãi chỉ là một từ. Làm gì có mãi mãi”. Không rõ người Philippines có biết chuyện những chiếc xe lam ở Việt Nam chăng?■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận