20/11/2019 13:58 GMT+7

'Làm gương cho học sinh theo là cách cảm hóa học sinh tốt nhất'

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - 'Trở thành tấm gương cho học sinh theo là cách cảm hóa học sinh tốt nhất', ông Vũ Đức Đam nhắn nhủ khi thăm Trường THPT Đinh Tiên Hoàng - từng được gọi là 'Trường Đinh kinh hoàng' vì đón nhận nhiều học sinh bị kỷ luật, quậy phá...

Làm gương cho học sinh theo là cách cảm hóa học sinh tốt nhất - Ảnh 1.

Ông Vũ Đức Đam tặng hoa cho các thầy cô giáo ở trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội - Ảnh: VĨNH HÀ

Sáng 20-11, Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam đã chọn Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội để tới chúc mừng các thầy, cô giáo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam. Đây là ngôi trường rất đặc biệt giữa lòng Hà Nội, nơi đang trở thành thực tiễn giáo dục sống động trong giáo dục đạo đức học sinh: không từ chối bất kể học sinh nào, dù là "học sinh cá biệt".

Nơi "tôi luyện" tình yêu nghề

TS Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng đầu tiên của Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, từng được xem là nhà giáo đi tiên phong trong việc phá vỡ quan niệm giáo dục xơ cứng, thể nghiệm phương pháp giáo dục hiện đại nhân văn. Trong buổi gặp Phó Thủ tướng, ông không nói nhiều mà nhường lời cho các thầy, cô giáo của trường.

Cô Nguyễn Tố Tâm - một giáo viên của trường, cho biết từng quyết định bỏ một nơi làm việc tốt để về dạy học ở Trường THPT Đinh Tiên Hoàng với rất nhiều khó khăn khi quan điểm giáo dục của trường là "không chọn lọc đầu vào", có nghĩa là không từ chối bất kể học sinh nào, dù là những học sinh cá tính từng bị từ chối ở trường khác. 

Vượt qua những lo ngại, bỡ ngỡ, cô cũng như nhiều thầy, cô giáo đã gắn bó với ngôi trường này và từ bao giờ đã xem đó là niềm tự hào của mình.

"Nếu ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì sẽ không ai chọn những ngôi trường nhiều gian khó. Chúng tôi đã chọn một nơi nhiều khó khăn nhưng ở đây, chúng tôi được tôi luyện tình yêu với nghề. Bởi nếu không có tình yêu ấy, chúng tôi khó lòng vượt qua được rất nhiều khó khăn, thách thức. Nếu tình yêu ấy không đủ, chúng tôi khó lòng có thể cảm thông với những mảnh đời khác nhau của học sinh", cô Tâm chia sẻ.

Trường THPT Đinh Tiên Hoàng là ngôi trường đặc biệt vì đây là nơi duy nhất được thành lập để "gánh đầu yếu kém của học sinh THPT ở Hà Nội". Trong những năm đầu tiên, trường từng được bị gọi chệch đi là "Đinh kinh hoàng" khi đón nhận rất nhiều học sinh từng bị kỷ luật, quậy phá, ngỗ nghịch, những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ ly tán, thiếu thốn tình yêu thương của gia đình.

Nỗ lực của giáo viên ở ngôi trường này gấp nhiều lần những giáo viên khác. Và trong suốt 30 năm với nhiều sóng gió, người đứng đầu nhà trường đã kiên trì chèo chống.

TS Nguyễn Tùng Lâm tâm sự trường ông không được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, thiếu rất nhiều điều kiện để đảm bảo cho việc giáo dục tốt. Nhưng ông lại có được đội ngũ giáo viên tâm huyết, yêu nghề và sẵn sàng thay đổi bản thân mình để giáo dục học sinh.

Trò chuyện với các thầy cô giáo trong buổi gặp gỡ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ: "Đến đây, nghe học sinh gọi cô Trâm là "mẹ" (cô Đặng Ngọc Trâm, từng là giáo viên chủ nhiệm nhiều năm hiện là hiệu trưởng nhà trường - PV), tôi rất cảm động. 

Tôi đã nhìn thấy trường không được khang trang như các ngôi trường khác, nhưng điều quý giá nhất ở ngôi trường này là đã mở vòng tay đón nhận mọi học sinh, bất kể trước đó các em học ở đâu, có cá tính thế nào".

"Nếu trường nào cũng chỉ chọn những học sinh tốt nhất để dạy cho có thành thích cao thì những học sinh bị thiệt thòi, những học sinh có cá tính sẽ học ở đâu?", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Cần một sự lan tỏa

Trao đổi về câu chuyện "dạy người", cụ thể là chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng cần thiết cho học sinh, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhận xét: Ba mươi năm qua, trường THPT Đinh Tiên Hoàng không chỉ giáo dục, dạy dỗ hơn chục ngàn học sinh mà hơn thế, đội ngũ thầy cô giáo đã rất dũng cảm, kiên trì với con đường đã chọn là mô hình giáo dục học sinh gần với xu hướng chung của thế giới và cũng phù hợp với quan điểm giáo dục phổ thông mới hiện nay. 

Thực tiễn giáo dục học sinh ở ngôi trường này thực sự là điều cần được lan tỏa, là điều để các nhà trường khác tham khảo.

"Trở thành tấm gương cho học sinh theo là cách cảm hóa học sinh tốt nhất.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam

Ông Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh việc chú trọng giáo dục đạo đức học sinh không phải chỉ là thay đổi nội dung, phương pháp dạy môn Đạo đức, giáo dục công dân mà điều quan trọng nhất là các thầy, cô giáo là tấm gương cho học sinh. 

"Trở thành tấm gương cho học sinh theo là cách cảm hóa học sinh tốt nhất. Cùng với đó là sự vào cuộc của cha mẹ học sinh", ông Vũ Đức Đam chia sẻ và nói thêm: "Tôi mượn buổi gặp gỡ với thầy cô ở Trường THPT Đinh Tiên Hoàng để chia sẻ những điều này với ngành GD-ĐT, các thầy cô giáo cả nước".

"Nhiều người ví thầy, cô giáo là người nông dân gieo chữ. Nhưng những người nông dân là các thầy cô giáo ở đây đã không nỡ bỏ đi các lá bị sâu mà đã tìm mọi cách để chữa lành những chiếc lá đó. Chúng con tự hào về trường và chúng con vẫn đang trưởng thành cùng sự trưởng thành của trường" (Cựu học sinh trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội)

Hiệu trưởng Hiệu trưởng 'trường học sinh hư' với triết lý giáo dục nhân văn

TTO - TS Nguyễn Tùng Lâm nói những học sinh lưu ban, yếu kém, bị đuổi từ các nơi khác chuyển về là những học sinh đặc biệt, chứ không phải diện hư hỏng, bỏ đi.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên