23/08/2019 18:55 GMT+7

'Lazada từng cấm người mua mở hàng kiểm tra, sao không tuýt còi?'

N.AN
N.AN

TTO - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã đặt câu hỏi như vậy tại cuộc họp với các đơn vị chức năng chiều 23-8 về các giải pháp quản lý trước thực trạng hàng giả, hàng nhái và gian lận trên thương mại điện tử diễn biến ngày càng phức tạp.

Lazada từng cấm người mua mở hàng kiểm tra, sao không tuýt còi? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh yêu cầu rà soát pháp lý về quản lý bán hàng trên mạng - Ảnh: NA

Ông Đặng Hoàng Hải, cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, cho biết tình trạng hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại trên các trang thương mại điện tử ngày càng phức tạp, với phương thức thủ đoạn tinh vi. 

Nhiều chủ thể không có kho hàng, phân tán nhiều nơi, việc nhận biết hàng giả hàng thật trên mạng cũng khó khăn do chủ thể không hợp tác.

Trong khi đó, chế tài xử lý vi phạm đã có, như Nghị định 85 xử phạt chính các hành vi vi phạm như lợi dụng thương mại điện tử kinh doanh hàng giả, hàng nhái xâm phạm sở hữu trí tuệ cấm kinh doanh… nhưng thực thi có khó khăn.

Hoặc Nghị định 185 về xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại chưa có quy định xử phạt khi đưa thông tin về hàng giả hàng nhái trên mạng…

Ông Hải cho rằng đã rà soát sản phẩm vi phạm trên website thường xuyên với các từ khóa để phát hiện hàng giả, nhái có tính nguy hiểm, phát hiện 2.018 vi phạm khoảng 35.943 sản phẩm, hơn 3.000 tài khoản bị nhắc nhở, xử lý hoặc khóa.

Cơ quan này cũng đã tổ chức lễ ký kết "Nói không với hàng giả trên thương mại điện tử" với 5 sàn lớn nhất và tới đây sẽ tiếp tục ký kết với các sàn ở TP.HCM.

Ông Trần Hữu Linh, tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, cho rằng hàng giả, nhái và gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử, mạng xã hội là mối nguy, hiểm họa. 

Thậm chí, theo ông Linh, có những sàn thương mại điện tử lớn như Lazada từng rao bán cả vũ khí.

"Trên mạng chỉ giao dịch chung chung còn kho ở đâu không biết. Lực lượng quản lý thị trường đi kiểm tra trên mạng, đóng giả mua hàng và lần theo người bán hàng, nhưng nhiều đơn vị thuê kho là chung cư nên không được thâm nhập vào" - ông Linh nói và cho hay khó khăn lớn nhất là để điều tra phải có dấu hiệu, chứng cứ đầy đủ, trong khi đối tượng có thể đóng website, xóa dấu vết.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, cần sớm phải rà soát và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật vì hiện nay những mô hình kinh doanh công nghệ mới đang đặt ra những thách thức khi quản lý vẫn chưa theo kịp. 

Bộ trưởng dẫn chứng và đặt câu hỏi cụ thể về việc trước đây trang thương mại điện tử Lazada đưa điều khoản người tiêu dùng không được mở hàng kiểm tra thì có vi phạm quy phạm luật tiêu dùng không và tại sao không "tuýt còi" với trang này.

"Thực trạng này đặt ra yêu cầu là không thể tiếp tục để phát triển tràn lan chủ thể thương mại điện tử mà thiếu điều chỉnh, quản lý của cơ quan quản lý nhà nước gây tổn hại cho xã hội, xâm phạm các quy định của pháp luật" - Bộ trưởng nhấn mạnh. 

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên