10/11/2020 16:30 GMT+7

Loài vi khuẩn ‘bất tử’ có thể sống ngoài không gian

MINH HẢI (Theo Microbiome)
MINH HẢI (Theo Microbiome)

TTO - Sau một năm sống ngoài không gian, vi khuẩn Deinococcus radiodurans vẫn tồn tại khỏe mạnh, càng củng cố thêm niềm tin về khả năng ‘bất tử’ của loài này.

Loài vi khuẩn ‘bất tử’ có thể sống ngoài không gian - Ảnh 1.

Hình ảnh một vi khuẩn Deinococcus radiodurans sau khi trở về Trái đất từ trạm vũ trụ ISS - Ảnh: TETYANA MILOJEVIC/LIVESCIENCE

Vi khuẩn Deinococcus radiodurans được nhà nghiên cứu Arthur Anderson tại Trạm Thí nghiệm Nông nghiệp Oregon (Mỹ) phát hiện năm 1956 trong một hộp thịt.

Các nghiên cứu khoa học đều cho thấy Deinococcus radiodurans là một trong những sinh vật kháng bức xạ mạnh nhất từng được biết đến. Nó có thể tồn tại trong môi trường lạnh, mất nước, chân không và axit. Nhờ những đặc tính này mà loài vi khuẩn này được ghi danh trong Sách Kỷ lục Thế giới Guinness là vi khuẩn sống dai nhất thế giới.

Nhưng cho đến tận năm 2015, các nhà khoa học mới phát hiện thêm khả năng sống sót ngoài không gian của Deinococcus radiodurans, biến loài này thành sinh vật gần như "bất tử".

Trong một công bố trên tạp chí khoa học Microbiome cách đây ít ngày, nhóm các nhà khoa học của Áo, Nhật Bản và Đức cho biết họ vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện những vi khuẩn Deinococcus radiodurans vẫn sống khỏe khi bám vào bề mặt tàu vũ trụ thực hiện "sứ mệnh Tanpopo".

Con tàu này rời Trái Đất vào năm 2015 để đến trạm vũ trụ ISS rồi quay trở về sau đó một năm.

Mặc dù không phải tất cả các vi khuẩn đưa lên đều sống sót trở về nhưng những vi khuẩn sống được thì rất khỏe mạnh và có sự biến đổi nhẹ.

Theo quan sát, vi khuẩn Deinococcus radiodurans sống ngoài không gian có dấu hiệu "sưng và nổi mụn nước", bên trong tế bào xuất hiện nhiều protein và mRNA hơn so với vi khuẩn tồn tại trên Trái đất. Các nhà khoa học tin rằng những dấu hiệu này cho thấy cơ chế tự sửa chữa đã được kích hoạt, giúp loài vi khuẩn này biến đổi để thích nghi và tồn tại với môi trường khắc nghiệt.

Một thí nghiệm khác cho thấy D. radiodurans thậm chí có thể sống sót ít nhất 3 năm ngoài không gian.

Hiện tại, các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu cơ chế hoạt động nào đã giúp loài vi khuẩn này sống sót trong những môi trường khắc nghiệt như vậy. Câu trả lời có thể mang đến những thông tin hữu ích nhất để hiểu về cơ chế và quá trình mà sự sống có thể tồn tại bên ngoài Trái đất, mở rộng kiến ​​thức của loài người về cách tồn tại và thích nghi trong môi trường ngoài không gian.

Điều này đặc biệt quan trọng đối với khoa học vũ trụ, khi mà loài người đang cố gắng mỗi ngày để đưa mình đến những hành tinh mới xa hơn ngoài Trái đất.

Không chỉ thế, D. radiodurans vốn đang có tiềm năng lớn được sử dụng trong các lĩnh vực nghiên cứu y sinh và trong công nghệ nano. Sự hiểu biết và khám phá khả năng mới về chúng sẽ mang lại lợi ích to lớn hơn nữa trong các lĩnh vực này.

Hé mở bí ẩn về sự bất tử của loài gấu nước Hé mở bí ẩn về sự bất tử của loài gấu nước

TTO - Gấu nước là loài có thể khiến tất cả sinh vật trên hành tinh ghen tị khi sống ‘khỏe re’ ở những môi trường khắc nghiệt nhất. Giờ đây, các nhà khoa học đã tìm ra bí mật khiến nó có khả năng thích nghi tuyệt vời ấy.

MINH HẢI (Theo Microbiome)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên