19/02/2019 14:20 GMT+7

Hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng tình đề xuất của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khi làm việc với Bộ Kế hoạch và đầu tư ngày 19-2 về việc tham mưu xây dựng chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh vì một Việt Nam thịnh vượng.

Lúc nào cũng hách dịch, quan liêu thì sao vì dân được? - Ảnh 1.

Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của Bộ KH-ĐT trong tham mưu xây dựng chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh vì một Việt Nam thịnh vượng - Ảnh: LÊ TIÊN

Nhắc lại vụ việc năm 2016 quán "Xin chào" bị o ép, đóng cửa khiến Thủ tướng yêu cầu phải làm rõ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng của Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH-ĐT) là bảo vệ quyền con người, quyền công dân, giúp người dân yên tâm làm ăn.

"Bộ KH-ĐT cần là cơ quan liêm chính, hành động, bảo vệ người dân để yên tâm làm ăn, phát triển", Thủ tướng nhấn mạnh bộ cần tiến lên, hội nhập sâu rộng, có tư duy định hướng thị trường rõ nét, cải cách mạnh mẽ, đổi mới hơn nữa tư duy và hành động để phát triển đất nước.

Tính toán đầy đủ nguồn lực nền kinh tế

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương cơ quan thống kê đã hoàn thành báo cáo kiểm kê đánh giá thực chất nguồn lực của nền kinh tế, khu vực kinh tế chưa quan sát được.

"Theo tính toán, GDP của ta rất lớn. Nào là nhà lầu, xe hơi, rượu vang, thịt bò, môi giới trung gian, hoạt động kinh tế rất khí thế, rầm rộ nhưng đang tính thiếu sót. Chúng ta phải tổ chức kiểm tra độc lập về số liệu này", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế trong quản lý của ngành KH-ĐT như giải ngân đầu tư công còn hạn chế, dự án chậm triển khai; xây dựng văn bản pháp luật còn nhiều bất cập; các vấn đề kinh tế cần phải gắn với xã hội, mang tính dự báo, ứng phó với biến động của thế giới.

Thủ tướng đặc biệt lưu ý bối cảnh thế giới phức tạp, mức độ cạnh tranh giữa các quốc gia, dân tộc ngày càng gay gắt. Ở trong nước, nguy cơ tụt hậu lớn, chênh lệch giàu nghèo có xu hướng gia tăng, già hóa dân số, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

"Tại sao người Hàn Quốc, Nhật Bản làm tốt như vậy, nhưng ta dễ làm khó bỏ. Hay tư tưởng cuối nhiệm kỳ xuất hiện trong một bộ phận cán bộ của ta trong hành động. Cần đoàn kết để chống chuyển hóa, chống diễn biến, với tinh thần cách mạng", Thủ tướng nói.

Xây dựng thể chế làm đột phá chiến lược

Thủ tướng cho rằng ngành KH-ĐT cần tham mưu chiến lược sâu sắc, kịp thời, giúp khai thông tiềm năng, tiềm lực lớn của đất nước. Để làm được, Thủ tướng yêu cầu trả lời câu hỏi làm sao để thể chế là mũi nhọn đột phá trong các đột phá, xây dựng đổi mới, sáng tạo, tạo niềm tin cho nhân dân.

"Cần xóa được tình trạng trên nóng dưới lạnh mà nhân dân các cấp phản ảnh. Cần làm những việc cụ thể vì dân, tránh chung chung. Lúc nào cũng hách dịch, cửa quyền, quan liêu thì sao vì dân được?", Thủ tướng nhắc nhở.

Nhấn mạnh mục tiêu đưa kinh tế tư nhân, kinh tế hộ gia đình trở thành động lực phát triển, đạt 1 triệu doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu các chính sách cụ thể, không chấp nhận chính sách cũ, không khả thi và hiệu quả, xây dựng thể chế trên nền tảng bảo vệ quyền tài sản, quyền công dân, giải phóng sức sản xuất.

Thủ tướng cũng lưu ý việc xây dựng, hình thành các trung tâm kinh tế, tài chính, đổi mới sáng tạo, xây dựng các đô thị trung tâm có sức cạnh tranh là Hà Nội, TP.HCM...

Theo Thủ tướng, tốc độ tăng trưởng kinh tế cần được duy trì liên tục khoảng 7%/năm để thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực. Do đó, cần có tầm nhìn Việt Nam, định hướng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, phát triển, xã hội văn minh, người dân có cuộc sống hạnh phúc.

Trước đó, báo cáo về hoạt động của ngành KH-ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn chỉ ra nguy cơ tụt hậu rất nghiêm trọng. Ông Dũng lo ngại về mục tiêu GDP bình quân đầu người đạt 3.200-3.500 USD giai đoạn 2016-2020, 10.000 USD/người năm 2035.

Trong thời gian tới, bộ trưởng cho biết nhiệm vụ đặt ra của ngành là phát triển bứt phá về lực lượng sản xuất, trọng tâm là phát triển mạnh khu vực tư nhân. Nhanh chóng hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và đẩy mạnh hoạt động của mạng lưới kết nối đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng nhấn mạnh tầm nhìn 2045, Việt Nam trở thành quốc gia phồn vinh hạnh phúc, an toàn, với nụ cười trên môi mỗi người.

Việt Nam cần trở thành nước có nền kinh tế tri thức cạnh tranh, nằm trong 20 nhóm quốc gia có nền kinh tế tri thức và môi trường cạnh tranh toàn cầu, nông nghiệp chỉ còn dưới 10%.

Việt Nam cũng hướng đến chất lượng giao dục tốt nhất châu Á - Thái Bình Dương, hệ thống chăm sóc sức khỏe con người đẳng cấp thế giới, nằm nhóm 30 nước có chỉ số phát triển con người cao nhất thế giới.

"Chủ nghĩa xã hội Việt Nam là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Mô hình phát triển kinh tế - xã hội bao trùm, hài hòa trên nền tảng trí thức, công nghệ, tăng trưởng xanh, khả năng chống chịu cao, mọi người dân được hưởng lợi và không để ai bị bỏ lại phía sau", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng: Thu hút tập đoàn lớn tạo quốc kế dân sinh Thủ tướng: Thu hút tập đoàn lớn tạo quốc kế dân sinh

TTO - Các dự án nông nghiệp, xây dựng hạ tầng và công nghiệp, năng lượng... do các tập đoàn lớn đầu tư sẽ là nền tảng phát triển cho Thái Bình cũng như các khu vực đồng bằng sông Hồng, tạo việc làm, "quốc kế dân sinh" cho người dân.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên