26/07/2021 20:59 GMT+7

Lúng túng trong vận tải vì xác định 'hàng hóa thiết yếu'

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Theo doanh nghiệp, Bộ Công thương đã có văn bản hướng dẫn hàng hóa thiết yếu. Nhưng khi đăng ký vận chuyển thức ăn gia súc, vật liệu, vật tư phục vụ sản xuất hàng hóa thiết yếu… lại chưa có trong danh mục hướng dẫn của bộ và một số địa phương.

Lúng túng trong vận tải vì xác định hàng hóa thiết yếu - Ảnh 1.

Ùn tắc giao thông tại khu vực cầu Phù Đổng tiếp giáp Hà Nội - Bắc Ninh trong các ngày 24 đến sáng 26-7, khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội - Ảnh: NAM TRẦN

Vướng mắc trên được nhiều doanh nghiệp, chủ hàng đưa ra tại cuộc giao ban trực tuyến giữa Bộ Giao thông vận tải và 63 sở giao thông vận tải chiều 26-7 về vận tải hàng hóa gắn với phòng, chống dịch COVID-19.

Theo các doanh nghiệp, Bộ Công thương đã có văn bản số 4349/BCT-TTTN ngày 21-7 hướng dẫn hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Nhưng khi đăng ký vận chuyển thức ăn gia súc, nguyên vật liệu, vật tư phục vụ sản xuất hàng hóa thiết yếu… lại chưa có trong danh mục hướng dẫn của bộ và một số địa phương.

Việc này gây lúng túng cho các sở giao thông vận tải khi xem xét cấp thẻ nhận diện phương tiện lưu thông trên "luồng xanh".

Ngay khi nhận được phản ánh trên, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã gọi điện trao đổi ngay với bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đề nghị sớm có hướng dẫn, tháo gỡ.

Theo bà Phan Thị Thu Hiền - phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, khi Hà Nội thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 từ ngày 24-7, trong 3 ngày vừa qua Hà Nội trở thành khu vực "nóng nhất về giao thông". Các chốt kiểm soát ở cửa ngõ Hà Nội như cầu Phù Đổng, trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ xảy ra ùn tắc kéo dài. Đến ngày 25-7, ùn tắc tại các chốt cửa ngõ Hà Nội đã cơ bản được giải quyết.

Về quá tải trong việc cấp thẻ nhận diện phương tiện, ông Vũ Văn Viện - giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội - cho biết: sau 3 ngày triển khai, cơ quan này nhận được hơn 20.000 đề nghị cấp thẻ. Sở đã cấp hơn 7.000 thẻ.

Tuy nhiên, có rất nhiều hồ sơ không đủ điều kiện, không đủ thông tin và những vướng mắc trong việc xác định danh mục hàng hóa thiết yếu được lưu thông qua địa bàn thành phố là nguyên nhân dẫn đến số lượng thẻ cấp chưa đáp ứng được nhu cầu.

Để giảm áp lực cho Sở Giao thông vận tải Hà Nội, ngày 26-7, Tổng cục Đường bộ đề nghị 11 sở giao thông vận tải phía Bắc tiếp nhận một số lượng nhất định đề nghị cấp thẻ đã gửi tới Sở Giao thông vận tải Hà Nội để giải quyết được kịp thời cho doanh nghiệp vận tải.

Đáng chú ý, bà Hiền cho biết trong một vài ngày qua đã liên tục ghi nhận nhiều cuộc tấn công mạng nhằm vào hệ thống cấp thẻ nhận diện phương tiện của Tổng cục Đường bộ.

Tổng cục Đường bộ đề nghị Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin - truyền thông phối hợp, hỗ trợ về kỹ thuật để nâng cao bảo mật, chống tấn công vào hệ thống này.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đơn vị liên quan thường xuyên nắm bắt, tiếp thu những phản ánh của người dân, doanh nghiệp, rà soát và điều chỉnh phương án tổ chức giao thông cho phù hợp với tình hình thực tế.

Ông Thể cũng đề nghị các tỉnh, thành phố quán triệt và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, các chốt kiểm soát không kiểm tra xe có mã QR qua chốt, mà tăng cường kiểm tra giấy xét nghiệm COVID-19 tại các điểm giao, nhận hàng hóa; thống nhất công nhận kết quả xét nghiệm COVID-19 của tài xế theo hình thức test nhanh và RT-PCR.

Các sở giao thông vận tải phải tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh giải pháp bố trí bãi đỗ xe kết hợp với tổ chức chỗ nghỉ, xét nghiệm tại chỗ cho đội ngũ tài xế. Như vậy để không áp dụng cách ly y tế đối với lái xe khi đi về từ vùng dịch; ưu tiên tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho tài xế.

Vẫn còn nơi ùn tắc kéo dài

Tổng cục Đường bộ cho biết đến ngày 26-7 cả nước đã cấp được 77.397 thẻ nhận diện phương tiện cho xe vận tải.

Trong ngày, giao thông tại các chốt kiểm dịch trên các tuyến quốc lộ, cao tốc, các tuyến đường đến TP.HCM cơ bản thông thoáng. Tuy nhiên, tại trạm kiểm soát km376+200 (bên phải tuyến) quốc lộ 6 qua Điện Biên các xe xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 ùn ứ khoảng 1 km từ 7h30-11h30.

Tại trạm quốc lộ 18 qua Phả Lại (Hải Dương) ùn tắc hơn 6km do Hải Dương không cho các tài xế không có kết quả xét nghiệm PCR âm tính đi qua chốt.

Phải xây dựng quy trình vận chuyển hàng hóa bài bản do dịch còn phức tạp Phải xây dựng quy trình vận chuyển hàng hóa bài bản do dịch còn phức tạp

TTO - PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, đề xuất như vậy trong buổi tọa đàm tháo gỡ đình trệ vận tải hàng hóa do COVID-19 được báo Giao Thông tổ chức ngày 26-7.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên