05/11/2019 10:17 GMT+7

Lý do phía sau chuyện Google chi 2,1 tỉ USD mua Fitbit

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Trong thông báo kế hoạch thâu tóm Công ty Fitbit trị giá 2,1 tỉ USD, lãnh đạo Google nói thỏa thuận này sẽ “giúp thúc đẩy công nghệ tiến bộ trong các thiết bị đeo người”, nhưng có phải chỉ là vậy?

Lý do phía sau chuyện Google chi 2,1 tỉ USD mua Fitbit - Ảnh 1.

Theo tạp chí Time, sau khi thương vụ này hoàn tất, công ty cung cấp thiết bị theo dõi sức khỏe và việc tập luyện thể thao Fitbit sẽ kết thúc 12 năm tồn tại độc lập để trở thành một thành viên trong "đại gia đình" Google.

Thời gian qua Google cũng đã đổ khá nhiều tiền đầu tư cho mảng công nghệ thiết bị đeo trên người. Năm 2019, công ty này bỏ ra 40 triệu USD mua công nghệ và nhân sự trong một thỏa thuận với nhóm nghiên cứu và phát triển của nhà sản xuất đồng hồ Fossil Group.

Tuy nhiên các sản phẩm của công ty này cho tới nay vẫn chưa đuổi kịp so với các đối thủ cùng thị phần như đồng hồ Apple Watch của Apple và Galaxy Watch của Samsung.

Với việc thâu tóm Fitbit, Google kỳ vọng năng lực công nghệ của công ty này sẽ giúp họ tạo ra các dòng sản phẩm đeo trên người có khả năng vượt qua những đối thủ sừng sỏ đó.

Trong bối cảnh thu nhập từ doanh số bán đồng hồ thông minh trên toàn ngành này dự kiến tăng gấp đôi, đạt 34 tỉ USD vào năm 2023, khát khao trở thành một thế lực mới của Google trên "mặt trận" này hoàn toàn dễ hiểu.

Động thái thâu tóm Fitbit cũng là một bước đi quen thuộc của Google. Cũng như năm 2017 công ty này đã mua nhiều phần thuộc nhà sản xuất smartphone HTC với hợp đồng trị giá 1,1 tỉ USD, để rồi sau đó tung ra các mẫu điện thoại Pixel đình đám của họ.

Tuy nhiên vì Google cũng đã và đang sở hữu rất nhiều năng lực kỹ thuật cả về phần cứng lẫn phần mềm rồi, vậy thì còn gì nữa họ có thể gặt hái từ thương vụ mua Fitbit?

Theo tạp chí Time, mối lợi tiềm năng hấp dẫn và cũng hiển nhiên nhất là cơ sở dữ liệu sức khỏe của hàng triệu khách hàng đã có của Fitbit. Các thiết bị theo dõi sức khỏe, vận động của Fitbit đã theo dõi những chỉ số sức khỏe của người đeo trong suốt 10 năm qua.

Trong những dữ liệu các thiết bị của Fitbit theo dõi gồm có số bước chân, lượng calo tiêu thụ và hoạt động tập thể dục thể thao. Về cơ bản, đó là những thông tin mà một công ty có nguồn thu chính từ quảng cáo online như Google luôn "khao khát".

Mặc dù ông Rick Osterloh, phó chủ tịch cấp cao chuyên phụ trách về thiết bị và sản phẩm của Google cam kết "các dữ liệu về sức khỏe của Fitbit sẽ không được sử dụng cho những quảng cáo của Google", song lời cam kết này sẽ cần được thẩm định qua thời gian.

Các đối thủ lớn nhất của Google, đáng kể nhất là Apple, đã coi lĩnh vực chăm sóc sức khỏe là "mặt trận" lớn tiếp theo trong thế giới công nghệ, hứa hẹn những nguồn lợi nhuận khổng lồ cho những công ty có khả năng đơn giản hóa một hệ thống phức tạp.

Theo ước tính của hãng Statista, lĩnh vực công nghệ chăm sóc sức khỏe có thể đạt giá trị 24 tỉ USD vào năm 2020.

​Thị trường smartwatch: khi Fitbit và Google 'động thủ' ​Thị trường smartwatch: khi Fitbit và Google "động thủ"

TTO - Fitbit "giết ngay" đối thủ lớn Pebble bằng cách thâu tóm, và cũng phương thức này, Google mua công ty sáng tạo hệ điều hành cho đồng hồ thông minh (smartwatch).

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên