Màn bạc trong lều, theo những vòng xe

PHAN BẢO 13/08/2022 06:07 GMT+7

TTCT - Ngành chiếu bóng lưu động ở Ấn Độ đã từng có một thuở vàng son thế nào, và đang cố tìm lại hào quang ra sao?

Khi đông đảo người dân Việt Nam đang tận hưởng những bộ phim chiếu rạp trong các trung tâm thương mại hiện đại, cách đó khoảng 3.200km, một rạp phim được dựng lên ở độ cao 3.500m so với mực nước biển và có thể xê dịch đến nhiều địa điểm dọc dãy Himalayas. Rạp phim độc đáo này nằm trong những nỗ lực tìm lại ánh hào quang cũ của một mô hình chiếu bóng giờ đã lụi tàn ở Ấn Độ.

Màn bạc trong lều, theo những vòng xe - Ảnh 1.

Rạp chiếu phim bơm hơi của PictureTime ở Ladakh, Ấn Độ. Ảnh: PictureTime

Hao hao một mảnh lego bơm hơi khổng lồ, rạp xinê có một không hai kể trên do hãng chiếu bóng lưu động PictureTime đặt ở Ladakh, vùng lãnh thổ xa xôi dọc biên giới Ấn Độ - Trung Quốc.

Mùa hè năm ngoái, một chiếc xe tải của PictureTime đậu trên nền đất giữa thành phố Leh, thủ phủ của Ladakh, nơi được bao quanh bởi những đỉnh núi nằm trong dãy Karakoram - thuộc một phần của dãy Himalayas. 

Giữa không gian ấy là một khối lập phương màu vàng bơm bằng hơi được trang bị điều hòa và hệ thống âm thanh Dolby, trên sàn trải thảm và có ghế nhựa. Một khi đèn tắt và phim được chiếu lên màn ảnh rõ như pha lê, người xem dường như quên rằng mình đang ngồi trên một bãi đất trống cằn cỗi. 

Đó là lần đầu tiên một rạp chiếu phim lưu động xuất hiện tại Ladakh, cũng là lần đầu khán giả địa phương được theo dõi tất cả các phim mới nhất của Bollywood, tác giả Bilal Hussain viết trên tạp chí Nikkei.

"Rạp chiếu PictureTime khiến tôi có cảm giác như đang xem những bộ phim ý nghĩa trong một rạp chiếu đẳng cấp thế giới ở một vùng khác của đất nước!" - một khán giả tên Chuskit Angmo hào hứng chia sẻ với Hussain. Vị này nói tiếp: "Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ có được trải nghiệm như ở Ladakh, hay những vùng khác trên dãy Himalayas, nơi những cơ hội như vậy hầu như không có".

Màn bạc trong lều, theo những vòng xe - Ảnh 2.

Bên trong rạp chiếu phim bơm hơi của PictureTime ở Ấn Độ. Ảnh: PictureTime

ĐI ĐÓ ĐI ĐÂY, CHIẾU MỌI PHIM HAY

Những chia sẻ của Angmo xuất phát từ một nghịch lý ở Ấn Độ: đất nước của Bollywood có thể được xem như quốc gia cuồng phim nhất thế giới, nhưng lại có tỉ lệ màn hình chiếu phim trên đầu người thấp nhất, theo tờ The Economist. Chuyên gia Amit Khanna cho biết Ấn Độ sản xuất khoảng 2.000 phim truyện bằng hàng chục ngôn ngữ mỗi năm, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Khoảng 1/3 trong số đó được phát hành tại rạp. Số còn lại lên truyền hình, phát trực tuyến hoặc đành nằm trong kho.

Số màn ảnh rộng đã ít lại còn phân bố không đồng đều. Thành phố Mumbai là nơi có lượng rạp phong phú nhất; trong khi ở những vùng xa xôi, hẻo lánh như Ladakh, con số rạp chiếu phim là bằng 0. Pankaj Tripathi, một diễn viên phim tiếng Hindi lớn lên trong những năm 1980 và 1990 ở Bihar - một bang nghèo ở phía đông đất nước, cho biết mãi đến khi 11 hay 12 tuổi, anh mới được đi xem phim lần đầu tiên trong đời ở một hội trường cách chỗ anh sống 25km.

Vào thời đó, thanh thiếu niên vùng sâu vùng xa như Tripathi chỉ biết đến màn ảnh rộng ở những hội chợ mà trong tiếng Phạn gọi là "mela". Mela là nơi những thương buôn và cả những người hành hương tụ hội. Nơi đó có những vòng đu quay, quầy hàng thực phẩm, hàng rong bày bán đủ loại hàng hóa, tất nhiên không thể thiếu một rạp chiếu bóng lưu động.

Màn bạc trong lều, theo những vòng xe - Ảnh 3.

Các rạp chiếu phim lưu động thường sử dụng các thiết bị chiếu cũ được mua từ các rạp chiếu phim lưu động. Ảnh: Getty Images

Theo trang Atlas Obscura, mô hình chiếu phim lưu động ở Ấn Độ hình thành từ những năm 1950. Từ thuở đấy, mỗi chu kỳ mela được gọi là "jatra", có nghĩa là "cuộc hành trình", và thường kéo dài 8 tháng. Trong 8 tháng jatra, hàng chục đoàn chiếu phim "lưu diễn" từ làng này sang làng khác trên những chiếc xe tải chở đầy thiết bị, bao gồm lều và màn hình để chiếu phim bằng tiếng Hindi và tiếng Marathi. 

Để dựng mỗi chiếc lều cần từ 10 - 20 nam giới và mất khoảng 2-3 ngày. Cứ sau vài tuần ở một địa điểm, đoàn sẽ đến ngôi làng tiếp theo, cho tới khi gió mùa báo hiệu đến lúc kết thúc mùa lễ hội, họ lên đường về nhà. Truyền thống này đã mang điện ảnh đến những vùng không có rạp chiếu phim cố định và trở thành trụ cột của các hội chợ.

Kể về những năm tháng lớn lên trong lều rạp phim của cha mình, Anup Jagdale, người thừa kế 38 tuổi của rạp xinê lưu động Anup, cho biết: "Đó là những năm hoàng kim của các rạp chiếu phim lưu động. Tất cả ký ức của tôi đều gắn liền với những bộ phim của những năm 1980, 1990 được chiếu trong lều của chúng tôi, với sự góp mặt của các ngôi sao như Amitabh Bacchhan và Mithun Chakraborty". 

Anh bồi hồi nhớ lại: "Đó là một khoảng thời gian rất khác và một bầu không khí cũng rất khác. Có hàng ngàn khán giả. Vào những tháng lạnh hơn như tháng 12 và tháng 1, mọi người mang theo chăn và cắm trại trong lều, xem phim suốt đêm. Nó giống như mô hình sơ khai của một rạp chiếu phim phức hợp (multiplex), tưởng tượng xem, khoảng 10 lều phim chiếu những bộ phim khác nhau ở mỗi hội chợ".

Màn bạc trong lều, theo những vòng xe - Ảnh 4.

Rạp chiếu phim lưu động Prabhat mang phim đến thị trấn Maharashtra, Ấn Độ, bởi rạp chiếu phim cố định gần nhất cách đó hai giờ lái xe. Ảnh: AFP

NHỮNG VÒNG XE NGƯNG DẦN

Sau những năm tháng hoàng kim, truyền thống chiếu bóng lưu động của Ấn Độ dần lụi tàn. Những cậu bé lớn lên trong lều phim như Jagdale chỉ còn cách cố bám trụ vào những đoàn phim do thế hệ trước để lại, nhằm lưu giữ truyền thống này lâu nhất có thể. "Từ những lễ hội có hàng chục lều chiếu phim, giờ giảm xuống còn một hoặc hai. Tôi nghĩ đây là giới hạn cuối cùng cho điện ảnh lưu động. Tôi mệt mỏi và nợ nần chồng chất" - Jagdale trải lòng với Atlas Obscura.

Theo The Economist, 20 năm trước có 11.692 rạp chiếu phim ở Ấn Độ, cộng với 1.400 xe lưu diễn. Ngày nay, chỉ còn khoảng 8.000 rạp chiếu cố định và 52 rạp chiếu phim lưu động.

Sự thoái trào của mô hình chiếu phim lưu động ở Ấn Độ do nhiều nguyên nhân, bao gồm: phí thuê đất dựng rạp trở nên đắt đỏ; chất lượng vệ sinh và cung cách phục vụ giảm, kém hấp dẫn trong mắt các gia đình và nữ giới; thuế giải trí ngày càng tăng; các quy định về cấp phép phức tạp; sự lên ngôi của truyền hình, video tại gia và gần đây là dịch vụ phát trực tuyến. Chưa kể, cú đấm trời giáng từ hai năm dịch bệnh vừa qua gần như dập tắt mọi hào quang còn sót lại.

Bên cạnh đó, sự bao phủ của điện thoại thông minh và Internet cũng làm đẩy nhanh quá trình sụp đổ của rạp chiếu bóng lưu động. Hiện có ít nhất nửa tỉ màn hình ở Ấn Độ, nhưng không phải ở rạp chiếu phim mà nằm trong túi của mỗi người dân. 

Người Ấn chủ yếu sử dụng những màn hình mini đó để xem video, và việc này chiếm phần lớn lưu lượng truy cập Internet di động trong cả nước. Đến mức ở những ngôi làng hẻo lánh, nước sinh hoạt có thể thiếu nhưng thanh thiếu niên vẫn có thể thoải mái tạo video ngắn trên Instagram, còn cụ ông cụ bà thì xem sử thi thần thoại trên các thiết bị di động.

Màn bạc trong lều, theo những vòng xe - Ảnh 5.

Ảnh trái: Một thành viên đoàn phim lưu động ngồi trên xe tải chở thiết bị. Ảnh phải: tua băng chiếu phim lưu động. Ảnh: The Economist

NỖ LỰC TÁI SINH

Dù biết rõ sẽ không có thay đổi gì đáng kể trong tương lai, một số chủ rạp lưu động vẫn nuôi hy vọng về một sự hồi sinh, trong đó có Mohammad Naurangi, người sở hữu rạp chiếu bóng di động Sumedh ở bang Maharashtra phía tây Ấn Độ. Anh sớm áp dụng hệ thống chiếu kỹ thuật số và đang dồn hết tâm sức phát triển việc kinh doanh của mình bằng các khoản vay, thay cũ bằng mới, với hy vọng những buổi chiếu chất lượng cao hơn sẽ đưa khán giả trở lại với rạp phim lưu động.

Đối với Jagdale, dù không đủ tiền mua hệ thống kỹ thuật số như Naurangi, anh đang cân nhắc mua những chiếc lều bơm hơi mới như của PictureTime, có thể chống thấm nước và dựng lên chỉ trong vài giờ, có các tiện nghi hiện đại như máy lạnh, hệ thống âm thanh tốt hơn, thảm đỏ và có thể mang đến cho khán giả cảm giác như đang ở rạp multiplex. Jagdale cũng đã dành năm 2021 để viết một cuốn hồi ký về truyền thống xinê xê dịch: "Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra trong tương lai, nhưng tôi phải giữ lại những kỷ niệm và những câu chuyện được nghe từ cha mình".

Màn bạc trong lều, theo những vòng xe - Ảnh 6.

Áp phích quảng cáo các bộ phim sẽ chiếu được dựng trước lều rạp phim lưu động ở thị trấn Maharashtra, Ấn Độ. Ảnh: Getty Images

Theo Atlas Obscura, một nhóm những chủ sở hữu, gồm cả Jagdale và Navrangi, đã tụ họp lại để hồi sinh Công đoàn rạp chiếu phim lưu động bang Maharashtra và sắp xếp một cuộc gặp với Bộ trưởng Văn hóa Maharashtra, Amit V. Deshmukh, ở Mumbai. 

Niraj Kamble, 51 tuổi, chủ sở hữu của rạp chiếu Anand kiêm chủ tịch công đoàn, cho biết họ đã được hứa hỗ trợ bảo tồn truyền thống chiếu bóng lưu động như một di sản sống bằng các khoản tài trợ quảng bá nghệ thuật, trợ cấp điện, các khoản vay không lãi suất, các chế độ hưu trí và nhiều hơn nữa.

PictureTime là một nỗ lực hồi sinh khác của Sushil Chaudhary. Chaudhary thành lập PictureTime vào năm 2015 và kể từ đó đã thiết lập 37 rạp lưu động có sức chứa từ 100 - 250 người. Mục tiêu của anh là 3.000 rạp, 1/4 trong số đó sẽ ở các thành phố và phần còn lại dành cho các khu vực xa xôi hẻo lánh nhất. 

Chaudhary đã mở những rạp chiếu ở Tawang, một thị trấn khó tiếp cận ở phía đông Himalayas, và vùng đất xấu ở miền trung Ấn Độ. Còn Ladakh là địa điểm mới nhất trong danh sách phủ sóng của PictureTime.■

Theo số liệu năm 2021 do The Economist dẫn lại, chỉ có 8 rạp chiếu trên mỗi 1 triệu dân ở Ấn Độ, so với con số 37 rạp ở Trung Quốc và 124 rạp ở Mỹ. Trong khi đó, người Ấn Độ mua 1,98 tỉ vé xem phim trong năm 2017, cao hơn số lượng 1,62 tỉ của Trung Quốc và 1,24 tỉ vé của Mỹ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận