14/04/2018 15:03 GMT+7

Mark Zuckerberg gửi tin nhắn đòi thu tiền phí dùng Facebook?

ĐỨC THIỆN
ĐỨC THIỆN

TTO - Nhiều người dùng Facebook đang chia sẻ với nhau “bí quyết” để không bị thu phí sử dụng mạng xã hội này.

Mark Zuckerberg gửi tin nhắn đòi thu tiền phí dùng Facebook? - Ảnh 1.

Tin giả đang tràn lan trên mạng xã hội Facebook - Ảnh: THE NEXT WEB

Thông tin lan truyền trên Facebook vài ngày nay là đoạn tin nhắn được cho là sao chép lại nội dung tin nhắn CEO Facebook Mark Zuckerberg gửi đến người dùng.

Share tin nhắn sẽ không bị thu phí?

Cụ thể nội dung là: “Chào, tôi là Mark, giám đốc của Facebook. Xin chào tất cả mọi người, có vẻ như tất cả các cảnh báo đều có thật. Sử dụng Facebook sẽ tốn tiền”.

Thông tin này liên quan đến việc gần đây, sau vụ bê bối lộ thông tin 87 triệu người dùng, Facebook sẽ tìm kiếm hướng mới cho doanh thu của mình. Trong đó thu phí người dùng được xem là giải pháp kiếm lời nhiều nhất.

Tuy nhiên, trong đoạn tiếp theo của nội dung tin nhắn, người nhận sẽ rất bất ngờ khi “Nếu bạn gửi chuỗi này đến 18 khác với danh sách của bạn, biểu tượng của bạn sẽ có màu xanh và sẽ miễn phí cho bạn. Nếu bạn không tin tôi, vào ngày mai lúc 6 giờ tối, Facebook sẽ đóng cửa và mở nó, bạn sẽ phải trả tiền. Tất cả là theo luật pháp”.

Theo phân tích của các chuyên gia trong ngành, đoạn kêu gọi này hẳn bất kỳ người dùng nào cũng sẽ thấy quen khi nhận được. Đó chính là trò kêu gọi chia sẻ thông tin mà người dùng Facebook thường hay nhận được.

Hãy làm một người dùng văn minh và thông thái, không like và share bất kỳ một trào lưu nào khi bạn chưa kiểm chứng mức độ xác thực của nguồn tin đó vì rất có thể bạn đang vô tình tiếp tay cho tội phạm mạng tấn công chính bạn bè và người thân của mình.

Vũ Lâm Bằng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển, Công ty an ninh mạng CMC Infosec.

“Chúng tôi yêu cầu người dùng hoạt động của chúng tôi chuyển tiếp thông báo này đến từng người trong danh sách liên hệ của bạn để xác nhận người dùng Facebook đang hoạt động của chúng tôi. Nếu bạn không gửi thông báo này cho tất cả các địa chỉ liên hệ trên Facebook, thì tài khoản của bạn sẽ không hoạt động với kết quả của việc mất tất cả địa chỉ liên lạc của bạn mà không cần truyền tin nhắn này”, trích nội dung tiếp theo của tin nhắn.

Nội dung tin nhắn còn thông báo thêm: “Smartphone của bạn sẽ được cập nhật trong vòng 24 giờ tới, sẽ có một thiết kế mới và một màu mới cho cuộc trò chuyện… Nếu bạn không gửi thông tin này cho tất cả các địa chỉ liên hệ, bản cập nhật sẽ bị hủy. Bạn sẽ không có khả năng để trò chuyện với các tin nhắn Facebook của bạn. Bạn sẽ phải trả giá trừ khi bạn là người dùng thường xuyên.

Nếu bạn có ít nhất 10 địa chỉ liên lạc, hãy gửi tin nhắn SMS này và biểu tượng sẽ chuyển sang màu đỏ để cho biết rằng bạn là người dùng đã được xác nhận ... Chúng tôi hoàn thành nó miễn phí. Ngày mai họ bắt đầu thu thập thông tin cho Facebook ở mức 0,37 cent. Chuyển tiếp tin nhắn này đến hơn 9 địa chỉ liên lạc của bạn và nó sẽ được miễn phí cho cuộc sống của bạn…”

Hãy thông thái với mọi thông tin!

Theo phân tích của các chuyên gia, đây là một dạng tin giả ăn theo dòng thông tin về Facebook - được người dùng toàn cầu quan tâm - vừa qua. Một số lí do theo các chuyên gia gồm: Mark Zuckerberg không bao giờ đi gửi thông tin cho từng người dùng; Nếu có xảy ra chuyện thu phí, Facebook sẽ thông báo trên trang tin tức chính thức của mình cũng như có thời điểm bắt đầu cụ thể rõ ràng; Nếu Facebook muốn thu phí thì không có chuyện người dùng chỉ cần chia sẻ tin nhắn cho bạn bè là được miễn phí…

Ông Vũ Lâm Bằng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển, Công ty an ninh mạng CMC Infosec, nhận định những dạng tin tức, phong trào kiểu fake news hiện nay ngày càng phổ dụng trên mạng xã hội như Facebook khiến rất nhiều người dùng hoang mang không biết tin vào đâu, nhiều người còn làm theo một cách vô thức. Việc chạy theo trào lưu này là vô cùng nguy hiểm vì hầu hết các tin tức lan truyền qua Facebook đều không được kiểm chứng mức độ xác thực.

Còn theo ông Ngô Trần Vũ, giám đốc Công ty bảo mật NTS, thì “sự phát triển của thông tin hiện đại với khối lượng thông tin quá lớn đòi hỏi người dùng phải biết sàng lọc và có kinh nghiệm phân biệt tin đúng tin sai. Một cách cơ bản là tham khảo thông tin gốc từ nguồn tin tức có độ tin cậy cao. Người dùng cũng không nên có tâm lý hiếu kỳ để hacker khai thác các góc độ xung quanh một sự kiện đang nóng.

Thông thường, hacker có chủ đích tạo ra các tin tức giả mạo xung quanh các tin tức đang được nhiều người theo dõi để trục lợi. Tỷ lệ click vào các tin tức nóng hổi thường cao hơn và trong giai đoạn theo dõi luồng tin tức thì người dùng có xu hướng ít cảnh giác các tin lừa đảo”.

“Hãy làm một người dùng văn minh và thông thái, không like và share bất kỳ một trào lưu nào khi bạn chưa kiểm chứng mức độ xác thực của nguồn tin đó vì rất có thể bạn đang vô tình tiếp tay cho tội phạm mạng tấn công chính bạn bè và người thân của mình”, ông Bằng khuyến cáo.

Mark Zuckerberg kê nệm ngồi để khỏa lấp chiều cao khiêm tốn? Mark Zuckerberg kê nệm ngồi để khỏa lấp chiều cao khiêm tốn?

TTO - Việc CEO Mark Zuckerberg của Facebook kê tấm nệm dưới ghế trong buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ đã tạo ra làn sóng chế ảnh khắp internet.

ĐỨC THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên