24/10/2021 19:12 GMT+7

Mâu thuẫn phí dịch vụ chung cư: Có được tự ý cắt điện, thang máy?

QUANG THẾ
QUANG THẾ

TTO - Khi xảy ra mâu thuẫn phí dịch vụ thì ban quản lý đơn phương thông báo “cắt điện, thang máy” để gây sức ép. Vậy có thỏa đáng?

Mâu thuẫn phí dịch vụ chung cư: Có được tự ý cắt điện, thang máy? - Ảnh 1.

Mâu thuẫn phí dịch vụ chưa được giải quyết, ngày 16-10, ban quản lý chung cư Discovery Complex 302 Cầu Giấy (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) ra thông báo "dọa" ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước từ 9h30 ngày 21-10 với căn hộ chưa "thanh toán tiền phí dịch vụ tồn đọng" khiến cư dân bức xúc - Ảnh: Q.THẾ

Trong đơn gửi báo Tuổi Trẻ, cư dân ở một số tòa nhà chung cư tại quận Cầu Giấy, Hai Bà Trưng… (Hà Nội) cho biết trong thời điểm giữa cư dân và ban quản lý đang có những mâu thuẫn về phí dịch vụ, chất lượng dịch vụ chưa được giải quyết thỏa đáng thì ban quản lý đã đơn phương ra thông báo và cắt điện, dịch vụ thang máy để gây áp lực.

Để làm rõ hơn câu chuyện pháp lý đang được quan tâm, ngày 24-10, Tuổi Trẻ Online có cuộc trao đổi với luật sư Lê Hằng (Đoàn luật sư TP Hà Nội).

Bà Hằng cho biết: "Xung đột nhà chung cư đã diễn ra từ hơn 10 năm nay, tuy nhiên vài năm gần đây có diễn biến mang tính chất phức tạp. Nếu như trước đây chỉ mâu thuẫn về diện tích, phí bảo trì, diện tích chung, riêng thì nay phát sinh mâu thuẫn giữa cư dân với ban quản lý về mức phí, chất lượng, cung cách phục vụ...".

Theo bà Hằng, thời gian qua Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tuy nhiên mâu thuẫn thường xuyên xảy ra. Đe dọa cắt điện, nước, thang máy là hành vi bất hợp pháp, ngay cả ngành điện lực, nước sạch cũng phải tuân thủ theo luật.

"Cắt điện, nước phải có lý do chính đáng, thông báo trước. Nếu không có lý do chính đáng mà tự ý cắt điện sẽ bị xử phạt hành chính, gây hậu quả nghiêm trọng còn bị xem xét xử lý hình sự", bà Hằng bày tỏ.

Ngày 1-10, chung cư Skylight 125D Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) "tối đen như mực" do bị cắt điện. Ngay sau đó lãnh đạo UBND quận Hai Bà Trưng đã yêu cầu công ty điện lực mở điện trở lại - Clip: Q.TÙNG

Đồng quan điểm, luật sư Đặng Xuân Cường, Công ty luật TAT Law Firm, nhận định trách nhiệm đối với cư dân khi sử dụng dịch vụ phải thanh toán tiền, tuy nhiên khi chưa thống nhất được giá dịch vụ thì cư dân, ban quản trị, ban quản lý, chủ đầu tư cần ngồi lại thỏa thuận về giá, chất lượng dịch vụ.

"Đối với tòa nhà chưa có ban quản trị thì ban quản lý, chủ đầu tư đứng ra làm hợp đồng thay cư dân mua điện, nước, không nên nhầm lẫn đối tượng giao kết hợp đồng.

Người bán điện trong mọi trường hợp phải là điện lực, người mua điện phải là cư dân. Cắt điện vì ban quản lý, chủ đầu tư chưa trả tiền hay mâu thuẫn giữa cư dân với ban quản lý thì ở đây đang định vị chưa đúng pháp luật, dẫn đến hành vi sai lầm", ông Cường cho biết.

Mâu thuẫn phí dịch vụ chung cư: Có được tự ý cắt điện, thang máy? - Ảnh 3.

Lý giải về việc cắt điện, Công ty điện lực Hai Bà Trưng ra thông báo cho biết chủ đầu tư nợ tiền nên đã tiến hành cắt điện tại chung cư Skylight 125D Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) khiến cuộc sống của cư dân bị đảo lộn - Ảnh: Q.TÙNG

Ông Cường phân tích, khách hàng trong quá trình mua điện, nước, sử dụng dịch vụ phải thanh toán tiền đầy đủ. Tuy nhiên đơn vị cung cấp không được mang điện, nước, thang máy ra để gây sức ép, đe dọa là hành vi bất hợp pháp, chính quyền địa phương cần phải lên tiếng để bảo vệ đời sống cư dân.

"Trước đây về cưỡng chế để xử lý vi phạm hành chính, nhiều nơi có cho phép chính quyền phối hợp với cơ quan chuyên môn cắt điện, nước buộc người vi phạm phải thực hiện theo đúng quyết định xử lý vi phạm hành chính, nhưng đến nay Nhà nước cũng không cho phép nữa.

Mâu thuẫn ở chung cư chỉ là dân sự, dân sinh, vậy nên mọi hành vi cắt điện, nước đều là trái pháp luật", ông Cường nhấn mạnh.

Mâu thuẫn phí dịch vụ chung cư: Có được tự ý cắt điện, thang máy? - Ảnh 4.

Nhiều cư dân tại chung cư Hancorp Plaza 72 Trần Đăng Ninh (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) bị cắt thang máy, sau khi nhận được thông tin từ Tuổi Trẻ Online, ngày 24-8, UBND quận Cầu Giấy đã yêu cầu đơn vị vận hành mở lại thang máy - Ảnh: Q.THẾ

Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, tháng 11-2020, các đại biểu Quốc hội đã bấm nút thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Theo đó, các đại biểu không bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính "ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước".

"Đa số các ý kiến đại biểu Quốc hội không đồng tình việc bổ sung biện pháp cưỡng chế 'ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước' vì thực tế thi hành cơ bản không có khó khăn, vướng mắc do thiếu biện pháp cưỡng chế xử phạt vi phạm hành chính.

Trong khi đó đối với các vụ việc mâu thuẫn ở chung cư chỉ là tranh chấp dân sự nên các bên phải ngồi lại với nhau, nếu trong trường hợp không đi đến thống nhất thì cần nhờ đến tòa án để phân giải chứ không được phép đơn phương cắt điện hay thang máy như thời gian vừa qua, sẽ gây thêm nhiều bức xúc cho dư luận", ông Tú nói.

‘Chung cư chỉ là nguyên nhân cuối cùng gây kẹt xe’, vậy ‘thủ phạm’ chính là gì? ‘Chung cư chỉ là nguyên nhân cuối cùng gây kẹt xe’, vậy ‘thủ phạm’ chính là gì?

TTO - Chia sẻ về câu chuyện đang được quan tâm những ngày qua về tình trạng tùy tiện điều chỉnh cục bộ khiến quy hoạch chung bị phá vỡ, gây kẹt xe, chuyên gia cho rằng ‘chung cư, cao ốc chỉ là nguyên nhân cuối gây kẹt xe’. Vì sao?

QUANG THẾ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên