19/05/2022 11:06 GMT+7

Máy chẩn đoán ung thư triệu đô 'trùm mền', vì sao?

HOÀNG LỘC - THU HIẾN
HOÀNG LỘC - THU HIẾN

TTO - Ở TP.HCM hiện nay, Trung tâm ung bướu Chợ Rẫy là một trong những đơn vị tiên phong ứng dụng chụp PET/CT trong chẩn đoán, xác định giai đoạn, điều trị, theo dõi sau điều trị một số bệnh ung thư.

Máy chẩn đoán ung thư triệu đô trùm mền, vì sao? - Ảnh 1.

Do hệ thống máy PET/CT tại nhiều bệnh viện ở TP.HCM “trùm mền", bệnh nhân các tỉnh phía Nam phải ra Bệnh viện Đà Nẵng để tầm soát bệnh - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

TP.HCM từng có 4 bệnh viện lắp đặt hệ thống máy chụp PET/CT (chẩn đoán điều trị ung thư), gồm Bệnh viện Chợ Rẫy, Ung bướu, 175 và 115. Nhưng các máy được đánh giá hiện đại bậc nhất có giá trị hàng triệu đô này dần "trùm mền", hoặc hoạt động cầm chừng, lý do là thiếu thuốc phóng xạ 18F-FDG.

Điều này đang trực tiếp ảnh hưởng đến việc chẩn đoán và điều trị sớm một số loại bệnh ung thư cho người bệnh. Tại các bệnh viện, danh sách người bệnh chờ được chụp PET/CT đang nối dài, trong đó có rất nhiều người phải nằm chờ.

Từng được kỳ vọng cao

Sự kiện Bệnh viện Ung bướu TP.HCM chính thức đưa vào sử dụng hệ thống máy chụp PET/CT giúp chẩn đoán và điều trị một số loại bệnh ung thư giai đoạn sớm vào ngày 18-2-2020 từng mang đến nhiều sự kỳ vọng. 

Thời điểm ấy, chia sẻ với Tuổi Trẻ, BS Phạm Xuân Dũng - giám đốc bệnh viện - cho biết hệ thống máy chụp PET/CT của đơn vị thuộc loại cao cấp, với sự linh hoạt của CT chẩn đoán độc lập. Đây là một trong những thế hệ máy hiện đại nhất tại Việt Nam hiện nay với những tính năng ưu việt, như giúp giảm liều thuốc phóng xạ (18F-FDG), ghi hình ít hơn và thời gian ghi hình ngắn hơn.

Khi ấy, chi phí chưa tính BHYT cho một ca ghi hình chẩn đoán tại bệnh viện dự kiến là 25,3 triệu đồng, và 25,8 triệu đồng cho việc ghi hình mô phỏng lập kế hoạch xạ trị. Mức thanh toán BHYT cho các bệnh nhân thực hiện dịch vụ này khoảng 2/3 chi phí/lần chụp. 

"Công suất máy tối đa có thể ghi hình đến 30 ca/ngày. Vì vậy, số lượng bệnh nhân được sử dụng kỹ thuật tiên tiến này trong ngày sẽ nhiều hơn, góp phần giải quyết lượng lớn nhu cầu bệnh nhân ở khu vực các tỉnh phía Nam, hạn chế phải ra các bệnh viện phía Bắc hoặc nước ngoài để chụp chẩn đoán" - bác sĩ Dũng chia sẻ.

Nhưng kỳ vọng này không kéo dài được lâu, khi từ khoảng một năm nay, hệ thống chụp PET/CT này buộc phải "trùm mền" do không có đủ nguồn cung ứng thuốc phóng xạ. 

BS Phạm Xuân Dũng nói: "Rất may đây chỉ là máy thuê, chụp được ca nào trả tiền cho đơn vị cho thuê ca đó nên thực tế bệnh viện không thiệt hại gì cả. Chỉ có điều, nếu tình trạng này kéo dài, người bệnh ung thư sẽ rất thiệt thòi". Thực tế này khiến bệnh viện phải gửi danh sách người bệnh đi một số bệnh viện khác có hệ thống PET/CT để chụp nhưng các nơi này cũng đang trong tình trạng quá tải.

Ngoài khó khăn nêu trên, điều khiến bác sĩ Dũng lo lắng là hiện nay ở Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 (TP Thủ Đức) cũng đang được thừa hưởng một hệ thống máy chụp PET/CT được ngân sách đầu tư mua sắm trọn gói. 

"Hệ thống này chuẩn bị bàn giao đưa vào sử dụng. Nếu tình trạng này không được giải quyết, khi đưa vào sử dụng, máy chụp PET/CT cũng sẽ nằm chờ thuốc" - bác sĩ Dũng lo âu.

Máy chẩn đoán ung thư triệu đô trùm mền, vì sao? - Ảnh 2.

Bệnh viện Chợ Rẫy là đơn vị duy nhất ở miền Nam có thể tự cung tự cấp nguồn thuốc phóng xạ. Đơn vị nói sẽ san sẻ thuốc phóng xạ cho cả Bệnh viện 175 và Ung bướu nhằm duy trì hoạt động của máy chụp PET/CT cho người bệnh trong thời gian tới - Ảnh: DUYÊN PHAN

Bệnh nhân chờ đợi

Ở TP.HCM hiện nay, Trung tâm ung bướu Chợ Rẫy là một trong những đơn vị tiên phong ứng dụng chụp PET/CT trong chẩn đoán, xác định giai đoạn, điều trị, theo dõi sau điều trị một số bệnh ung thư... Chiều 16-5, tại khu chụp PET/CT của bệnh viện có rất nhiều bệnh nhân đến đăng ký chụp.

Khi chúng tôi hỏi thủ tục đăng ký chụp PET/CT cho người nhà, một nữ nhân viên y tế cho biết bệnh viện vẫn nhận hồ sơ đăng ký nhưng sẽ phải chờ. Lý do được nhân viên này đưa ra là danh sách bệnh nhân dồn về quá đông không thể chụp sớm và yêu cầu người bệnh cố gắng chờ đến ngày 10-6, tức gần 1 tháng sau mới có thể được chụp.

Ngoài ra, theo lý giải từ nhân viên này, hiện ở TP.HCM hệ thống máy chụp PET/CT của Bệnh viện 115 đã ngừng hoạt động, còn của Bệnh viện 175 đang trong tình trạng duy trì nhưng không đủ thuốc phóng xạ. Chỉ còn Bệnh viện Chợ Rẫy có thể chụp, điều này kéo theo lượng bệnh từ các nơi đổ dồn về rất đông. 

"Nếu không đợi được, gia đình có thể đưa người nhà ra Đà Nẵng hoặc Hà Nội để chụp, cho kịp chỉ định của bác sĩ" - nhân viên này khuyên nhủ.

Còn tại Bệnh viện 175, một trong các đơn vị hàng đầu cả nước có Viện ung bướu và y học hạt nhân, những ngày gần đây có nhiều người tìm đến xin đăng ký chụp PET/CT. 

Không chỉ bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện, trên tấm bảng đặt trong phòng đăng ký có một danh sách tên tuổi bệnh nhân kèm số điện thoại đang nối dài từng ngày. 

Có ít nhất 20 bệnh nhân đang trong trạng thái "chờ không biết đến khi nào", trong đó có nhiều người đến từ các bệnh viện như Chấn thương chỉnh hình, ĐH Y dược, Phạm Ngọc Thạch, Ung bướu. 

"Đây là danh sách các bệnh nhân xác định chụp, họ đang chờ sẵn và còn rất nhiều bệnh nhân liên hệ đăng ký mà chưa thể chụp được" - một bác sĩ phụ trách công tác đăng ký chụp PET/CT chỉ tay lên tấm bảng nói.

Và để giải quyết tình trạng khan hiếm thuốc phóng xạ, bác sĩ này cho biết đơn vị đang hoàn thiện các hồ sơ pháp lý để trình các đơn vị thẩm quyền thẩm định, cấp phép cho đơn vị cấp thuốc phóng xạ. 

"Nếu nhanh cũng phải 2 tuần nữa mới có thuốc để chụp, nếu không gấp gia đình có thể để lại tên và số điện thoại, khi nào có thuốc bệnh viện sẽ gọi. Còn trong trường hợp không thể chờ đợi được lâu, người nhà có thể tính toán mua vé máy bay ra Đà Nẵng hoặc Hà Nội để chụp" - bác sĩ này khuyên.

Máy chẩn đoán ung thư triệu đô trùm mền, vì sao? - Ảnh 3.

Sẽ san sẻ thuốc phóng xạ

Trước tình trạng thiếu hụt nguồn cung thuốc phóng xạ, từ cuối năm 2021 Sở Y tế TP.HCM đã có công văn gửi Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) kiến nghị có giải pháp tháo gỡ. Phúc đáp công văn này, phó cục trưởng Cục Quản lý dược Lê Việt Dũng cho rằng tại khu vực phía Nam, Bệnh viện Chợ Rẫy là cơ sở có hoạt động pha chế thuốc phóng xạ 18F-FDG phục vụ công tác điều trị.

Căn cứ theo các quy định của Luật dược, thông tư số 20 của Bộ Y tế, nghị định số 54 của Chính phủ về thuốc và nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt, cơ sở đã được phép sản xuất, pha chế thuốc phóng xạ thì được cung cấp thuốc phóng xạ cho cơ sở khám chữa bệnh khác theo quy định; Cục Quản lý dược đề nghị Sở Y tế TP.HCM hướng dẫn các đơn vị có nhu cầu sử dụng 18F-FDG liên hệ với Bệnh viện Chợ Rẫy để lập hồ sơ đề nghị cung cấp thuốc phóng xạ theo quy định.

Tuy nhiên, khi việc ký kết hợp đồng mua thuốc phóng xạ chưa được xúc tiến thì ngày 30-3-2022, ông Lê Việt Dũng tiếp tục ký công văn nhấn mạnh "chưa chấp thuận cho Bệnh viện Chợ Rẫy được cung cấp thuốc phóng xạ cho Bệnh viện Ung bướu TP.HCM".

Chúng tôi trao đổi về chuyện máy "trùm mền" từ các bệnh viện với BS Nguyễn Tri Thức - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - và được ông cho biết: "Bộ Y tế đã cho phép cung ứng và đơn vị sẽ san sẻ thuốc phóng xạ cho cả Bệnh viện 175 và Ung bướu nhằm duy trì hoạt động của máy chụp PET/CT cho người bệnh".

Tín hiệu này là mong mỏi không chỉ của các bệnh viện đang sở hữu hệ thống máy chụp PET/CT vốn đang phải bất đắc dĩ "trùm mền", mà của cả hàng ngàn người bệnh đang chờ đợi từng ngày. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, theo thời gian, lò sản xuất thuốc phóng xạ cũng đã xuống cấp, thường xuyên phải bảo trì, bảo dưỡng. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến sản lượng sản xuất thuốc phóng xạ cung ứng cho đơn vị và một số đơn vị khác.

Không phải bệnh nhân ung thư nào cũng phải chụp PET/CT

Theo các chuyên gia về ung thư, việc áp dụng kỹ thuật hiện đại như chụp PET/CT là một giải pháp vô cùng quan trọng nhằm chẩn đoán, phát hiện và điều trị ung thư sớm. Với độ nhạy, độ đặc hiệu, chính xác cao, PET/CT có khả năng phát hiện tổn thương hoặc bệnh lý ở giai đoạn từ rất sớm.

Đặc biệt, đây được đánh giá là kỹ thuật chẩn đoán ung thư mới có thể tìm kiếm các vị trí ung thư di căn, phát hiện tổn thương nguyên phát của ung thư, thậm chí phát hiện ung thư ngay khi cơ thể chưa hình thành tổn thương về mặt cấu trúc - điều mà chụp CT, MRI không thể phát hiện.

Tuy vậy, BS Phạm Xuân Dũng khuyến cáo không phải tất cả bệnh nhân ung thư đều phải chụp PET/CT. Kỹ thuật này chỉ được chỉ định cho một số loại bệnh lý ung thư (phần lớn về phổi), trong một số giai đoạn nhất định. Ngoài ra PET/CT sẽ đồng thời giúp chẩn đoán chính xác từng giai đoạn, từ đó đưa ra các quyết định điều trị phù hợp. Kỹ thuật này giúp kiểm tra đánh giá sự đáp ứng sau điều trị nhằm điều chỉnh các hướng điều trị của bệnh nhân.

Máy ngưng 4 năm rồi... chờ thanh lý

Cùng lý do thiếu nguồn cung thuốc phóng xạ, hệ thống chụp PET/CT đặt tại Bệnh viện Nhân dân 115 cũng đã phải ngừng hoạt động từ năm 2018. Bác sĩ Trần Văn Sóng - phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 - khẳng định: "Bệnh viện ngưng chụp PET/CT từ thời điểm nói trên do không có nguồn đồng vị phóng xạ. Hiện máy cũng đã hư hỏng và đơn vị đang chuẩn bị thủ tục để thanh lý".

Xót xa nghe người bệnh thở dài...

hình nhỏ trang 3 PET-CT 175  (1) 1(Read-Only)

Thiếu thuốc phóng xạ để chụp PET/CT nên người bệnh có nhu cầu đến Bệnh viện Quân y 175 đều phải đăng ký, để lại thông tin chờ gọi tên. Trong ảnh: khu vực chụp PET/CT của Bệnh viện Quân y 175 - Ảnh: H.L.

Giữa tháng 5-2022, khi phát hiện mắc ung thư phổi, bà T.D. (64 tuổi, ngụ TP.HCM) vô cùng lo lắng bởi sợ khối u di căn. Bà được bác sĩ chỉ định chụp PET/CT. Nhưng khi đến Bệnh viện 175 để đăng ký, bà được bệnh viện thông báo hiện không thể chụp được vì không còn thuốc để sử dụng và giới thiệu đến Bệnh viện Chợ Rẫy nhưng cũng phải cả tháng sau mới thực hiện được.

"Dù biết chậm trễ sẽ làm bệnh tình nặng nhưng bây giờ đâu còn cách nào khác, vẫn phải đợi vậy. Gia đình tôi không có điều kiện để di chuyển ra tận phía Bắc để chụp, thôi đành chịu" - người nhà của bà D. nói.

Tương tự, vào những ngày cuối tháng 4, người nhà của chị B.T. (ngụ TP.HCM) sau khi thăm khám tại Bệnh viện Ung bướu bất ngờ phát hiện bị ung thư dạ dày. Các bác sĩ lúc ấy bảo rằng để biết chính xác hơn về giai đoạn của ung thư, người nhà có thể cho bệnh nhân đi chụp PET/CT. Từ Bệnh viện Ung bướu, gia đình chị T. được các nhân viên y tế giới thiệu đến Bệnh viện 175 rồi Bệnh viện Chợ Rẫy để được chụp sớm nhưng thực tế các nơi này đang "kẹt".

Tại Bệnh viện 175, các nhân viên y tế bảo rằng do thiếu thuốc, số lượng có hạn không thể chụp sớm được và khuyên gia đình chị để lại số điện thoại, khi nào có điều kiện sẽ liên hệ sau.

"Do sợ đợi quá lâu nên tôi liên hệ Bệnh viện Chợ Rẫy nhưng tại đây cũng báo đợi 20 ngày mới chụp được. Người nhà tôi bị ung thư đâu thể chờ đợi được, nên đành phải quay về Bệnh viện Ung bướu để làm các xét nghiệm xem có di căn hay không, rồi vô thuốc đại. Sau lần vô thuốc, người nhà tôi mệt mỏi, không biết có ảnh hưởng đến các cơ quan khác không" - chị T. kể.

Chẳng khác mấy so với hoàn cảnh của bà D., ông L.T. (65 tuổi, ngụ Đồng Nai) vừa phát hiện bị ung thư gan, là một trong những người quyết định phó thác sự "may rủi" khi để lại thông tin đăng ký trên bảng của Bệnh viện 175 chờ gọi tên chụp PET/CT. Mới đây, ông không khỏi vui mừng khi bệnh viện đã gọi điện hẹn ngày 23-5 đến để chụp và hy vọng sẽ chẩn đoán sớm được căn bệnh quái ác này...

Hành chính hóa những nhu cầu cấp thiết?

Như đã nói ở trên, trong công văn ngày 30-3-2022 do ông Lê Việt Dũng ký, nhấn mạnh "chưa chấp thuận cho Bệnh viện Chợ Rẫy được cung cấp thuốc phóng xạ cho Bệnh viện Ung bướu TP.HCM". Lý do là gì?

Theo đó, có 3 lý do được đưa ra: (1) văn bản đề nghị cung cấp thuốc phóng xạ chưa đúng mẫu quy định, cần nêu rõ tổng số lượng cần cung cấp; (2) văn bản đề nghị cung cấp thuốc của Bệnh viện Ung bướu không phải là bản chính và (3) báo cáo sản xuất sử dụng thuốc của Bệnh viện Chợ Rẫy năm 2020 không phải là báo cáo trong năm gần nhất, chưa điền đủ các thông tin ngày, tháng, kỳ báo cáo(!?).

Nhiều người nghe chuyện cảm thán: chẳng lẽ những "sai sót" trong các văn bản khó xử lý đến thế sao, khi việc được chụp chiếu với nhiều bệnh nhân là cấp thiết...

Bộ Y tế: "Nếu hồ sơ đầy đủ, chúng tôi cấp ngay"

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 18-5, đại diện Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cho biết không có bất kỳ khó khăn gì trong việc "cho nhập" hay cho nhượng lại phóng xạ nhưng chất phóng xạ là mặt hàng cần kiểm soát đặc biệt, phải có đủ hồ sơ, thủ tục... thì mới được cấp phép hoặc chia sẻ để sử dụng.

"Đây cũng là mặt hàng được ưu tiên nên nếu đủ hồ sơ chúng tôi sẽ xử lý rất nhanh, nhưng ở trường hợp này các bên đề nghị chia sẻ chất phóng xạ chưa hoàn thiện thủ tục: có thể sai tên, sai thủ tục, đến nay chưa thấy gửi hồ sơ hoàn thiện" - vị đại diện này cho biết.

Đại diện Cục Quản lý dược cũng cho rằng việc chia sẻ, nhượng lại chất phóng xạ "phải đảm bảo điều kiện, thủ tục", nếu có hồ sơ đầy đủ, hoàn thiện gửi tới, cục sẽ cấp ngay.

Tại Hà Nội, có ít nhất 6 máy chụp PET/CT đặt tại 5 bệnh viện tuyến trung ương và 1 bệnh viện tư nhân. Trong số này, máy đặt tại Bệnh viện Bạch Mai là máy diện "xã hội hóa" (tư nhân đặt tại bệnh viện) và đã tạm dừng sử dụng từ hơn 1 năm nay, sau lùm xùm nâng khống giá thiết bị robot phẫu thuật tại bệnh viện này.

Vì thế, thiết bị dù đủ điều kiện sử dụng, có đủ phóng xạ nhưng đang phải "trùm mền". Người bệnh có nhu cầu chụp PET đến Bạch Mai, bệnh viện phải giới thiệu sang các bệnh viện khác.

Tại Bệnh viện K, hiện máy chụp PET/CT của bệnh viện đang sử dụng bình thường nhưng đại diện bệnh viện cho biết hơn 1 năm trước cũng bị thiếu phóng xạ và phải nhờ nhượng lại từ Bệnh viện 108.

"Chúng tôi phải chuẩn bị hồ sơ văn bản, trong đó có đề xuất gửi Cục Quản lý dược, rồi giấy phép vận chuyển... Có đủ hồ sơ là được nhận phóng xạ nhượng lại" - Bệnh viện K cho biết.

Như vậy, mọi chuyện "vẫn tại hồ sơ" và dư luận lại đặt câu hỏi lâu nay hồ sơ này thế nào, có gì khó khăn, trục trặc trong ngành y tế mà bệnh viện phải chịu cảnh "trùm mền" loại máy cả triệu đô, trong khi bệnh nhân phải chịu cảnh chờ đợi hoặc phải di chuyển xa xôi mới có thể thực hiện việc chụp chẩn đoán này?

L.ANH

Đà Nẵng sẽ tạo điều kiện cho bệnh nhân ở xa

PET-CT Da Nang 01a 2(Read-Only)

Bệnh nhân được tầm soát với hệ thống máy PET/CT tại Bệnh viện Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Tại miền Trung, hiện mới chỉ có Bệnh viện Đà Nẵng trang bị máy chụp PET/CT để chẩn đoán ung thư. Từ năm 2014 đến nay, đây được xem là thiết bị chẩn đoán ban đầu bệnh ung thư hiện đại nhất tại khu vực. Bệnh viện Đà Nẵng cũng đã làm chủ được việc sản xuất nguồn thuốc phóng xạ, từ đó đảm bảo việc vận hành liên tục của thiết bị này.

Bác sĩ Nguyễn Văn Minh, trưởng khoa y học hạt nhân Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết trung bình mỗi tuần máy chụp PET/CT hoạt động từ 2 - 3 ngày. Trong đó mỗi ngày phục vụ khám chữa bệnh cho 10 bệnh nhân với giá chụp PET/CT 20 triệu đồng/lần. Thời gian vừa qua, bệnh viện thường xuyên nhận người bệnh từ các tỉnh phía Nam và phía Bắc đến thực hiện các xét nghiệm y học hạt nhân với máy chụp PET/CT, trong đó đa số là các bệnh nhân đến từ một số bệnh viện ở TP.HCM (do đã quá tải khiến bệnh nhân phải chờ đợi lâu).

Bệnh viện Đà Nẵng khuyến cáo các bệnh nhân ở xa tới cần chủ động liên hệ sớm để sắp xếp lịch khám, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khám chữa bệnh. "Trong trường hợp bệnh nhân tăng lên nhiều, chúng tôi vẫn có thể tăng công suất vận hành để đảm bảo yêu cầu khám chữa bệnh của bà con ở xa. Thông thường thời gian khám chữa bệnh với kỹ thuật này ở bệnh viện kéo dài khoảng 4 giờ" - bác sĩ Minh nói.

TRƯỜNG TRUNG

Tránh ung thư, nên tránh 5 thức ăn này Tránh ung thư, nên tránh 5 thức ăn này

TTO - Dầu thực vật hydro hóa, thực phẩm chứa nhiều muối, đường tinh luyện... nằm trong danh sách những thứ mà theo báo Times of India nên tránh/giảm tiêu thụ để giảm nguy cơ mắc ung thư.

HOÀNG LỘC - THU HIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên