02/04/2019 07:19 GMT+7

'Méc thầy cô là bị đánh hội đồng ngay...'

HOÀNG HƯƠNG ghi
HOÀNG HƯƠNG ghi

TTO - Khi con stress, lo lắng, không muốn đi học vì bị bắt nạt, bị bạn đánh thì phụ huynh phải làm sao để giúp con mình vượt qua giai đoạn khó khăn ấy?

Méc thầy cô là bị đánh hội đồng ngay... - Ảnh 1.

Học sinh lớp 10C3 Trường THCS-THPT Diên Hồng (Q.10, TP.HCM) diễn kịch về bạo lực học đường trong chuyên đề sân khấu hóa tiếng Anh - xây dựng tình bạn đẹp và nói không với bạo lực học đường chiều 1-4 - Ảnh: N.HÙNG

Tuổi Trẻ xin ghi lại 2 câu chuyện của phụ huynh.

1. Kẻ bắt nạt cũng đáng thương

Khi con vào lớp 2 bắt đầu được vài tuần, con nói không muốn đi học vì "đi học chẳng có gì vui", khác hẳn tâm trạng của con hồi học lớp 1. Rồi tôi phát hiện rất nhiều vật dụng thường ngày của con gái đều không cánh mà bay. Gặng hỏi mãi thì từ việc "cho bạn V." đến mất đồ do... bạn V..

Theo lời kể của con, trong lớp ai cũng sợ bạn V., kể cả các bạn trai. Thế nên, bạn V. ra lệnh cho bất kỳ ai, ai cũng có thể phải cống nộp, không thì tịch thu thứ gì đó, thậm chí cả tiền. Con tôi cũng thường xuyên bị V. sai vặt và phải cống nộp.

Tôi choáng váng và ngỡ ngàng, bởi V. là một bé gái nhỏ con nhưng rất lanh lợi. "Bạn V. là con gái mà sao các bạn trai cũng sợ?" - tôi hỏi con.

"Vì bạn ấy có cú đá song phi thần sầu, đá một cái lên mặt luôn" - con hồn nhiên trả lời.

"Méc cô còn khổ hơn. Cô sẽ la bạn V., bắt trả lại đồ đã lấy. Nhưng đến giờ ra chơi thì sẽ biết, bạn ấy đánh cho ngay...". Nói rồi con tôi năn nỉ: "Mẹ đừng nói chuyện này với cô chủ nhiệm nha. Bạn ấy túm tóc con đau lắm".

Tôi trấn an con gái rồi vào gặp cô giáo ngay sáng hôm sau. Cô cho biết V. là học sinh rất đặc biệt, cha mẹ ly hôn từ hồi V. còn nhỏ, V. ở với cha nhưng đã có thêm hai em mới.

Những ngày sau đó, tôi sắp xếp công việc để đi đón con thật sớm. Tôi đứng từ xa quan sát cách mà V. chơi với các bạn trong lớp. Và tôi cũng chứng kiến cảnh cha V. lớn tiếng la mắng con một cách vô cớ. Tôi chợt hiểu ra tại sao quần áo của V. không được thẳng thớm, đầu tóc của V. không được mượt mà như nhiều bé gái khác trong lớp.

Một ngày, tôi gọi V. nhưng cô bé không quay lại. Tôi phải chủ động đến nắm tay bé nhưng chưa kịp nói gì thì cô bé đã "báo cáo": "Con đã trả hết kẹp tóc và bút chì, thước kẻ cho bạn H. (con tôi) rồi".

Tôi gật đầu: "Con để tóc ngang như thế này mà cài băngđô vào thì đẹp lắm. Cô mua tặng con 1 cái băngđô màu hồng nhé?". Mắt cô bé sáng lên: "Nhưng con không thích màu hồng, con thích màu đỏ".

Cứ thế vài ngày tôi lại nói chuyện với cô bé. Tôi hiểu tại sao bé thích thể hiện quyền lực với các bạn, thích lấy thứ này, thứ kia vì bé thiếu thốn tình cảm và sự chăm sóc của một người mẹ.

Ở nhà, bé không được quan tâm lại hay bị đánh, bị la mắng. Chính cô chủ nhiệm cũng nhận ra điều này. Sau những lần giải thích thiệt hơn, cô đã chuyển bé V. lên ngồi ở hàng ghế đầu tiên để dễ theo dõi.

Cô còn đưa ra điều kiện: "Nếu con còn bắt nạt các bạn, cô sẽ cho cả lớp nghỉ chơi với con". Cô giáo cũng gặp phụ huynh của bé V. và yêu cầu phối hợp để giáo dục bé. Bây giờ con tôi và bé V. đã học lớp 5 và V. ngày nào đã thay đổi rất tích cực...

(NGUYỄN THU HỒNG - phụ huynh ở TP.HCM)

2. Bị đánh - phải đánh lại (!?)

Gia đình tôi chuyển nhà đồng nghĩa với việc con trai tôi cũng phải chuyển trường. Hồi ấy là học kỳ 2 của năm lớp 6. Cháu đã bị sốc khi mới nhập học. Khi thấy con tôi ngoan, hiền, chịu khó học tập thì một nhóm nam sinh trong lớp đã thường xuyên tìm cách khích bác, nói xấu...

Sự châm chọc ngày càng tăng cao. Có bữa, con trai đề nghị tôi xin chuyển trường vì "đứng xếp hàng mà bạn đứng phía sau cứ giả bộ giỡn rồi đấm vào lưng con, rất đau... Sau đó, bạn đưa giấy cho con, nói nếu muốn yên thân để học thì phải gia nhập nhóm của bạn ấy.

Muốn gia nhập nhóm mỗi ngày phải góp 20.000 đồng và làm theo lệnh của "đại ca" là trưởng nhóm".

"Méc thầy cô là bị đánh hội đồng ngay, có bạn trong lớp đã cảnh báo với con như vậy rồi" - con tôi kể.

Tôi tìm hiểu thì biết đây là một nhóm nam sinh hay quậy phá, học rất yếu trong lớp. Tôi nói con lần sau chỉ tay vào mặt bạn và nghiêm giọng: "Nếu lần sau mà như vậy nữa, bạn sẽ biết tay tớ".

"Nếu nói như vậy mà bạn vẫn đánh thì sao hả bố?". "Thì con đánh lại chứ sao". "Làm sao con có thể đánh lại được, mấy bạn đó đều to và khỏe hơn con". "Nhưng con có võ cơ mà, con phải tự tin lên chứ!".

Tôi lập tức thông báo tình hình với thầy chủ nhiệm và cô hiệu trưởng nhà trường, yêu cầu nhà trường cần lưu ý. Tôi cũng yêu cầu con trai phải "diễn kịch" với bố và anh trai (đang học lớp 10) về tình huống bị đánh hội đồng.

Đúng là sau đó con tôi đã làm như tôi hướng dẫn, mấy bạn quá bất ngờ, sau vài giây lặng im đã hỏi lại: "Tao cứ đánh mày nữa đấy, mày làm gì tao?", đồng thời giơ nắm đấm lên nhưng con tôi đã giữ lại và kềm chặt. Đúng lúc ấy thì thầy giám thị xuất hiện.

Chưa hết, nhóm nam sinh kia vẫn chưa chịu buông tha cho con tôi mặc dù bị kêu lên phòng giám thị làm tường trình.

Nhiều lần sau đó, nhóm ấy còn nhắn tin hẹn con tôi ra chỗ vắng để giải quyết. Nhưng con tôi nhắn lại: "Tớ có võ karate nhé, nếu bạn muốn thì đấu từng người một, tớ sẽ xin thầy cho đấu ngay trong trường".

Tôi cũng yêu cầu con phải nhanh chóng kết bạn với những học sinh khác trong lớp, vì nếu mình cô độc thì rất dễ bị ăn hiếp và bị bắt nạt.

Thời gian khó khăn nhất của con đã trôi qua. Tôi cho rằng phụ huynh chính là nhân vật quan trọng nhất giúp con thoát khỏi nạn bạo lực học đường.

(VŨ VĂN ĐIỀN - phụ huynh ở TP.HCM)

Gọi tổng đài 111 khi có việc bạo hành

"Ngay trong tuần này, bộ sẽ chủ động làm việc với Bộ GD-ĐT, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, Trung ương Đoàn và các bộ ngành liên quan để triển khai các nhóm giải pháp đối với từng đối tượng trẻ em.

Trước mắt chú trọng các giải pháp về tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo lực, xâm hại cho giáo viên và học sinh, xây dựng các tiêu chuẩn trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện..." - một lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH thông tin như trên với Tuổi Trẻ vào chiều 1-4.

"Tới đây, bộ cũng sẽ tổ chức chiến dịch truyền thông về bảo vệ trẻ em cho gia đình, các cơ sở giáo dục, cơ sở y tế, trên các bến tàu, bến xe.

Ủy ban quốc gia về trẻ em cũng sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát tại Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế và một số địa phương về trách nhiệm bảo vệ trẻ em, trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền trong việc bảo vệ trẻ em, hỗ trợ, can thiệp, xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em" - lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết.

Theo bà Nguyễn Thị Nga - phó cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), vụ việc nữ sinh lớp 9 ở Hưng Yên bị 5 bạn đánh hội đồng diễn ra nhưng gần chục ngày sau không thấy xử lý thì gia đình mới bức xúc gọi điện tới tổng đài quốc gia về bảo vệ trẻ em 111.

"Mỗi khi tổng đài 111 tiếp nhận thông tin về các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em thì ngay lập tức Cục Trẻ em điện thoại và có công văn yêu cầu sở LĐ-TB&XH, trung tâm công tác xã hội địa phương tiếp cận và có các biện pháp hỗ trợ nạn nhân, đặc biệt là điều trị tâm lý cho nạn nhân" - bà Nga cho biết.

Với vụ việc như ở Hưng Yên, phụ huynh của 5 học sinh đánh bạn có trách nhiệm gì? Theo bà Nga, trong Luật trẻ em và cả Luật hôn nhân và gia đình cũng có những quy định nói rõ trách nhiệm của phụ huynh trong việc dạy dỗ, giáo dục con cái.

Cũng theo bà Nga, việc phụ huynh của các học sinh đánh bạn có bị phạt hay không thì cần rà soát thật kỹ các quy định. Nhưng trước hết, "phải tăng cường các biện pháp phòng ngừa, giáo dục pháp luật trong học đường bởi những hành vi đó xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự và nhân phẩm của học sinh".

ĐỨC BÌNH

HOÀNG HƯƠNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên