26/03/2019 10:51 GMT+7

Metro: văn hóa giao thông mới ở Indonesia

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Kể từ ngày 25-3, người dân Indonesia bắt đầu sử dụng tuyến tàu điện ngầm (MRT) dài 15,7km nối trung tâm Jakarta với khu thương mại phía nam thành phố.

Metro: văn hóa giao thông mới ở Indonesia - Ảnh 1.

Người dân Jakarta trải nghiệm metro mới - Ảnh: AP

Hãng tin Bloomberg cho biết tuyến metro này chạy qua 13 nhà ga, dự kiến chở 170.000 hành khách/ngày.

"Tôi xin tuyên bố tuyến tàu điện ngầm (MRT hay metro) giai đoạn 1 chính thức vận hành, ngoài ra tuyến MRT giai đoạn 2 cũng được khởi công" - Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố ngày 24-3 tại lễ khánh thành tuyến metro đầu tiên của nước này sau hơn 5 năm xây dựng.

Khi còn là thống đốc Jakarta, tôi được các quan chức giải thích tại sao dự án bị bỏ rơi trong 26 năm. Họ chỉ toàn nói về lợi nhuận và tổn thất khi thực hiện dự án. Nếu chúng tôi không khởi công xây metro vào thời điểm đó, nó sẽ không bao giờ được xây dựng vì họ chỉ toàn đo đếm tổn thất. Theo tôi, không tổn thất nào bằng việc chúng tôi mất 65.000 tỉ rupiah (4,6 tỉ USD) mỗi năm do tình trạng kẹt xe.

Tổng thống Joko Widodo


Để bắt kịp với nước bạn

indo1

Tổng thống Widodo khoe tấm thẻ lên metro ngày 24-3 - Ảnh: Jakarta Post

Đó cũng là giây phút đánh dấu giấc mơ xây metro của Indonesia - quốc gia thuộc nhóm các nền kinh tế lớn G20 - thành hiện thực sau hơn 30 năm.

Theo Hãng tin AP, tuyến tàu điện ngầm đầu tiên của Indonesia - bước cải thiện cơ sở hạ tầng mới nhất của quốc gia đông dân thứ 4 thế giới - được xây dựng nhằm giúp thủ đô nước này bắt kịp với thủ đô các nước Đông Nam Á khác như Kuala Lumpur, Singapore và Bangkok về vấn đề giao thông công cộng.

Nói như ông Widodo, sự xuất hiện của tàu điện ngầm là một nét văn hóa mới của nước này. Nó đã trở thành một luồng gió mới giúp thổi bay phần nào sự ngột ngạt của dòng xe cộ chen chúc.

"Tôi ấn tượng vì nó giống các quốc gia khác, chẳng hạn Singapore" - Mika, sinh viên 23 tuổi, chia sẻ khi tuyến tàu điện ngầm ở Indonesia bắt đầu chạy thử nghiệm trong tháng này.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của metro cũng đồng nghĩa người dân của xứ sở vạn đảo phải học cách thích ứng với nét văn hóa mới. Tổng thống Widodo kêu gọi người dân Indonesia có tinh thần trách nhiệm khi sử dụng metro như tránh xả rác bên trong tàu hay ở các nhà ga, xếp hàng trật tự và đúng giờ.

"Nếu chúng ta không sẵn sàng thích ứng với văn hóa mới, sẽ vô ích khi có MRT" - vị tổng thống 57 tuổi chia sẻ.

Người dân Indonesia sẽ được đi miễn phí tuyến metro này trong tuần đầu tiên và dự kiến trả phí từ ngày 1-4. Hôm 24-3, Indonesia cũng đã tổ chức lễ động thổ đánh dấu giai đoạn 2 của dự án metro nối trung tâm Jakarta với phía bắc thành phố dài 8km, dự kiến hoàn thành vào năm 2024.

Khi đi vào hoạt động đầy đủ, tuyến metro bắc - nam dự kiến sẽ chở 433.000 khách/ngày, trong khi tuyến metro đông - tây sẽ chở hơn 1 triệu khách mỗi ngày. Theo kế hoạch, tuyến metro đông - tây sẽ khởi công xây dựng trong năm nay.

Nói miệng sẽ không bao giờ có

Với dân số 30 triệu người, thủ đô Jakarta và các vùng phụ cận đang đối mặt tình trạng ùn ứ xe cộ đến mức cư dân ở đây phải dành phần lớn thời gian trong ngày cho việc di chuyển.

"Nếu rời nhà sau 6h sáng, tôi sẽ chịu cảnh kẹt xe trong một tiếng rưỡi hay hai tiếng đồng hồ. Vào giờ cao điểm, nếu rời cơ quan sau 17h, tôi phải mất 2-3 tiếng để về tới nhà. Đôi khi 21h tôi mới về tới" - cô Maya Rizki, công chức 42 tuổi, chia sẻ về nỗi vất vả khi di chuyển ở Jakarta. Nhưng giờ đây người dân Indonesia sẽ được giảm nhẹ phần nào áp lực di chuyển khi giấc mơ metro đã thành hiện thực.

Thật ra ý tưởng xây dựng hệ thống tàu điện ngầm ở thủ đô Jakarta đã được thảo luận từ thập niên 1980. Tuy nhiên, dự án xây dựng bị cản trở và bị bỏ rơi trong hơn 2 thập niên vì vấn đề thu hồi đất và khó khăn trong huy động vốn.

Tuyến metro chỉ được khởi công xây dựng vào tháng 10-2013, thời điểm ông Widodo là thống đốc Jakarta. Ông Widodo đã nhận được nhiều lời khen ngợi vì các nỗ lực để đưa giấc mơ metro thành hiện thực.

Chẳng hạn, ông đã đưa ra một chính sách đặc biệt nhằm tăng cường việc thu hồi đất ở các khu vực dọc tuyến metro đầu tiên - một vấn đề vốn nan giải vì giá đất cao và tình trạng sở hữu đất không rõ ràng.

Để có vốn xây metro, Indonesia dùng tới các khoản vay từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Trong đó chính quyền Jakarta sẽ trả 51% khoản vay, trong khi chính quyền trung ương sẽ đứng ra lo khoản nợ còn lại, theo báo South China Morning Post.

Hai dự án trong tuyến metro bắc - nam của Indonesia tiêu tốn khoảng 2,6 tỉ USD. JICA dự đoán nếu không đầu tư mạnh vào giao thông, Jakarta sẽ bị tình trạng kẹt xe bóp nghẹt vào năm 2020 và tổn thất hằng năm do kẹt xe ở thành phố này ước tính lên tới 6,5 tỉ USD trong năm sau.

4 trong 1

Tình trạng kẹt xe ở Jakarta ngày càng trở nên tồi tệ trong thập niên qua, khi việc sở hữu phương tiện di chuyển cá nhân tăng nhanh.

Tuyến metro đầu tiên chạy từ trung tâm Jakarta tới điểm cuối là Lebak Bulus, phía nam thành phố, được kỳ vọng sẽ cắt giảm thời gian di chuyển còn một nửa, với hành trình bằng xe hơi từ 1 giờ còn khoảng 30 phút.

Ngoài ra, hệ thống đường sắt trên cao (LRT) với chi phí xây dựng 2,4 tỉ USD nối Jakarta với các thành phố vệ tinh dự kiến giúp giảm bớt ùn tắc giao thông tại đây. Giai đoạn đầu tiên của loại hình di chuyển này dự kiến vận hành vào tháng 4.

Khi đó, MRT, LRT, hệ thống đường sắt hiện tại và xe buýt sẽ cùng hợp lực đối phó nạn kẹt xe ở Jakarta.

Indonesia khánh thành tuyến metro đầu tiên sau hơn 5 năm xây dựng Indonesia khánh thành tuyến metro đầu tiên sau hơn 5 năm xây dựng

TTO - Người dân Indonesia sẽ được trải nghiệm đi metro miễn phí từ hôm nay (25-3) đến hết tháng 3, sau đó giá vé sẽ dao động 16.000 - 23.000 đồng/lượt khách.


BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên