19/11/2017 20:00 GMT+7

Mexico - nơi Boyish của Hippo Campus được nghe 300 ngàn lần/tháng

TRÍ QUYỀN
TRÍ QUYỀN

TTO - Khi nghe nhạc trực tuyến mang lại nguồn thu cho nghệ sĩ, thành phố Mexico vươn lên thành một thế lực đáng chú ý và dịch vụ Spotify là bằng chứng cụ thể.

Mexico - nơi Boyish của Hippo Campus được nghe 300 ngàn lần/tháng - Ảnh 1.

Nữ ca sĩ Anh Quốc Adele trình diễn tại thành phố Mexico năm 2016 - Ảnh: BBC

Khi bàn về các thành phố quan trọng của làng nhạc khắp thế giới, người ta sẽ nghĩ đến New York, Los Angeles (nơi tiêu thụ), Nashville (nơi ghi âm), London (nơi kinh doanh), Berlin (đầu mối châu Âu), Austin (nơi diễn live) hoặc gần đây là Atlanta.

Ít ai nhớ đến thành phố Mexico, một thị trường mà nhạc lậu với đồ giả gây thất thoát đến 43 tỉ peso, 53% người dân thú nhận thường xuyên tải, nghe, xem nhạc và phim lậu (báo cáo của Đại sứ quán Mỹ năm 2014).

Nhưng khi streaming (nghe nhạc trực tuyến) trở thành cách thức chính để nghe nhạc cũng như mang lại nguồn thu cho nghệ sĩ, thành phố Mexico vươn lên thành một thế lực đáng chú ý và dịch vụ Spotify là bằng chứng cụ thể.

1 Nhiều nghệ sĩ trên thế giới phát hiện Mexico là nơi nghe nhạc của mình nhiều nhất, ví dụ như DJ Diplo. Lượng người ở Mexico nghe nhạc Diplo trên Spotify hằng tháng cao hơn thành phố xếp kế là Santiago (Chile) đến 56%.

Năm năm trước, có một đợt tăng vọt lượng người dùng ở nền tảng Facebook. Các DJ như Avicii, Skrillex, David Guetta, Steve Aoki có lượng người theo dõi (follower) từ Mexico tăng chóng mặt và sau đó bị kết tội đã "mua like" trên Facebook. Adele, Radiohead, Harry Styles có lượng người theo dõi Facebook từ Mexico cũng thuộc dạng nhiều nhất thế giới, nhưng con số này giảm dần theo chính sách "tìm và diệt" các tài khoản ảo của Facebook.

Xu hướng này không ảnh hưởng đến Spotify vì quy mô của nền tảng nghe nhạc này nhỏ hơn, cũng như có các biện pháp chống tài khoản hoặc lượt nghe ảo chặt chẽ hơn.

Không chỉ Diplo, mà còn nhiều nghệ sĩ thuộc các dòng nhạc khác nhau cũng xem Mexico là thị trường streaming hàng đầu của mình, từ Adele, Harry Styles, Dua Lipa tới Metallica, Radiohead, Shania Twain... 

Và không chỉ các tên tuổi từ những hãng đĩa lớn như trên, mà các nhóm nhạc nhỏ như Disclosure, Hippo Campus, Passion Pit cũng tìm được lượng người nghe streaming hợp pháp ở Mexico và qua đó, khả năng "chuyển dịch" phần nào đó lượng người này thành khán giả mua vé đi coi sô.

Những con số công khai trên Spotify giúp nghệ sĩ có thể vẽ bản đồ cho chuyến lưu diễn của mình dễ dàng hơn. 

Hippo Campus phát hiện riêng bài hát Boyish của mình được nghe ở Mexico đến 300.000 lần/tháng, nên đang cân nhắc việc sẽ đến biểu diễn trong thời gian tới. 

Trước đây, các ban nhạc nhỏ chưa tìm được cách thức nào để đo lường nhu cầu người nghe, xem; chỉ các nhóm nhạc tên tuổi như The Cure hay White Stripes mới cất công đến Mexico diễn.

hippo campus - boyish (official music video)

2 Mexico dần xóa bỏ được tai tiếng xài nhạc chùa, nhạc lậu để trở thành thị trường lớn thứ 14 trên thế giới về doanh thu từ nhạc số. 

Năm 2016, con số này là 133,5 triệu USD, dù chỉ bằng 1,7% số tiền mà làng nhạc kiếm được trên đất Mỹ, nhưng nghệ sĩ vẫn thấy được tiềm năng rất lớn từ đây vì streaming ngày càng phổ biến.

Spotify có mặt ở Mexico năm 2013 và giờ đây, thị trường này lớn nhanh như thổi, xếp thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Mỹ và Anh. Về lượng người dùng, Spotify dự đoán Mexico và Brazil sẽ qua mặt Anh và Đức trong thời gian tới.

Lý do của những con số ấn tượng này cũng không quá khó vì liên quan đến một con số khác: thành phố Mexico có lượng dân lên đến 21 triệu, hơn cả ba thành phố New York, Los Angeles và London cộng lại. 

Giá để xài dịch vụ streaming cũng dễ chấp nhận: 99 peso cho gói trả tiền của Spotify, trong khi mua 1 CD tốn đến 250 peso. 

Đó là chưa kể còn có thể nghe Spotify theo gói miễn phí (người dùng không tốn phí và chấp nhận có các đoạn quảng cáo khi sử dụng).

TRÍ QUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên