28/02/2021 09:27 GMT+7

Miền Tây 'giăng lưới' ngăn COVID-19

S.LÂM - N.TÀI - B.ĐẤU - K.NAM
S.LÂM - N.TÀI - B.ĐẤU - K.NAM

TTO - Biên giới Tây Nam được quan tâm nhiều hơn khi vừa phát hiện ca bệnh 2424 nhập cảnh trái phép từ Campuchia. Nếu không kịp ngăn chặn ca bệnh này, không thể lường hết những khó khăn xảy ra cho cuộc chiến chống COVID-19.

Miền Tây giăng lưới ngăn COVID-19 - Ảnh 1.

Tài xế xe Việt Nam đưa hàng lên vùng đệm phải ở trong cabin được niêm phong để phòng dịch (ảnh chụp tại cửa khẩu Vĩnh Xương, Tân Châu, An Giang) - Ảnh: BỬU ĐẤU

Không chỉ căng mình tuần tra, các chiến sĩ biên phòng còn xây dựng mạng lưới để có đủ thông tin kịp thời ngăn chặn các vụ nhập cảnh trái phép. Những gì họ làm đã có kết quả khi ca bệnh 2424 đã được phát hiện kịp thời.

Phòng tuyến nhân dân

Tại Đồng Tháp, chính nhờ nguồn tin của người dân mà trường hợp bệnh nhân nhiễm COVID-19 thứ 2424 mới đây đã được phát hiện rất nhanh chóng khi vượt biên trái phép trở về. 

Cụ thể, bệnh nhân 2424 cùng một phụ nữ tên T. rời Phnom Penh, Campuchia thông qua đường dây đưa người vượt biên trái phép về Việt Nam với giá 10 triệu đồng. 

Ngay trong tối cùng ngày, khi cả hai vượt biên trót lọt đến thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng và thuê khách sạn để nghỉ lại đã bị người dân phát hiện, báo cho đội phản ứng nhanh. 

Một giờ sau, khi Công an thị trấn Sa Rài phối hợp cùng Công an huyện Tân Hồng kiểm tra hành chính thì bệnh nhân 2424 đang ở khách sạn cùng với một người nhà từ TP Cần Thơ sang chuẩn bị đón về. 

Còn T. vừa lên xe đi về TP.HCM cũng đã bị lực lượng chức năng yêu cầu chủ xe quay lại, đưa đi cách ly.

"Chỉ trong một giờ đã phát hiện đối tượng là nhanh. Hai cô này chưa kịp đi nhiều nơi nên công tác điều tra dịch tễ, số lượng người tiếp xúc, nguy cơ lây lan dịch bệnh cũng đỡ hơn rất nhiều" - ông Đoàn Tấn Bửu, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, chia sẻ.

Nói thêm về phòng tuyến từ nhân dân, ông Bửu cho biết tỉnh đã thành lập nhiều đội phản ứng nhanh của y tế và công an mà thành phần đều có thêm tổ nhân dân tự quản, Mặt trận Tổ quốc. 

Từ đó, mỗi khi có yếu tố nguy cơ, tỉnh kích hoạt đội phản ứng nhanh này, lập tức từng khóm, ấp, từng ngõ ngách đều được đội rà đi rà lại. Chủ yếu xây dựng kênh báo, gọi điện, hỗ trợ tích cực từ người dân. Việc tìm ra những đối tượng lạ mặt, xâm nhập trái phép về từ vùng dịch từ đó trở nên dễ hơn rất nhiều.

Trên thực tế, nếu không có sự chung sức, đồng lòng của người dân, lực lượng chức năng sẽ rất khó để kiểm soát hết tuyến biên giới Tây Nam vốn dài và liền lạc, dễ qua lại giữa hai nước. 

Chỉ trong ba ngày qua, tại khu vực biên giới Long An, lực lượng tuần tra biên giới đã bắt giữ được đến 21 người từ nhiều tỉnh khắp các miền tụ tập về để vượt biên. 

Ngoài ra, lực lượng tuần tra cũng bắt giữ thêm sáu người địa phương để làm rõ dấu hiệu tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép. Tất cả đều bắt đầu từ những nguồn tin hết sức quý báu của người dân khi phát hiện những người lạ mặt đến khu vực biên giới. 

Không chỉ thế, người có nhà ở sát đường biên giới nhưng đã qua Campuchia làm ăn, nay trốn trở về chỉ mới kịp ghé nhà chưa đầy một giờ cũng đã bị người dân phát hiện, báo cơ quan chức năng đưa đi cách ly.

Miền Tây giăng lưới ngăn COVID-19 - Ảnh 2.

Một chốt canh gác đồn biên phòng Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ, Long An kiểm tra xe qua lại trên đường biên giới - Ảnh: SƠN LÂM

Giấc ngủ... biến thể

Theo ghi nhận của PV Tuổi Trẻ tại các tỉnh biên giới Tây Nam từ Long An đến Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang trong cùng ngày, đường biên giới luôn có người đi tuần giữa các chốt canh dựng tạm, rải khắp tuyến. Lực lượng làm việc tại các chốt này đều được quán triệt phải đảm bảo có người canh gác 24/24, không để "biên giới ngủ".

Trung tá Trần Việt Phúc - đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, An Giang - bộc bạch: "Quen rồi, các anh em gần như không ngủ. Cứ thay nhau chợp mắt chập chờn chút rồi lại đi tuần. Ban đêm phải đảm bảo làm sao có người rọi đèn đi tuần liên tục để cảnh giới. Cả năm rồi, anh em hay nói đùa với nhau giờ giấc ngủ cũng bị biến thể, tức là nằm ngủ chút mà như thức, có động đậy tí là biết liền chứ không ai ngủ sâu được".

Ngoài việc phải thường xuyên thức trắng, nhiều tổ, chốt trên tuyến biên giới Tây Nam hiện nay đang đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch để sinh hoạt, ăn uống. Đại tá Đoàn Văn An - chính ủy Biên phòng Long An - cho biết nhiều khu vực biên giới có nhà dân thì còn có thể nhờ vào dân. Riêng nhiều chốt biên phòng nằm đơn lẻ cách khu vực có người ở 6, 7 cây số lại phải có thêm công đoạn thay nhau về khiêng nước sạch ra để sử dụng. "Thuốc đuổi muỗi cũng rất cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho anh em nhưng hiện nay còn thiếu nhiều. Hơn nữa sắp đến mùa mưa, chúng tôi đang tiếp tục thu xếp để đảm bảo phần nào các lều chống mưa, áo mưa, vải bạt... " - ông An nói thêm.

Có mặt tại chốt trực biên giới thuộc địa bàn xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, Long An để động viên, thăm hỏi tình hình các chiến sĩ làm nhiệm vụ canh gác "xuyên năm" đã lâu không về nhà, ông Nguyễn Văn Út - chủ tịch UBND tỉnh - lại tiếp tục nhắc nhở tầm quan trọng của việc canh giữ biên giới. "Tình hình diễn biến dịch ở nước bạn ngày càng phức tạp, chỉ cần có một người từ Campuchia nhập cảnh trái phép mà mang theo dịch bệnh ra cộng đồng như ở Đồng Tháp thì hậu quả rất khủng khiếp. Do đó phải cố gắng siết chặt hơn nữa" - ông Út nói.

Trao đổi thêm về việc khắc phục những khó khăn trong công tác duy trì siết chặt biên giới, ông Út cho biết sẽ từng bước kiếm nguồn xã hội hóa, cung cấp các nhu yếu phẩm thật cần thiết để đảm bảo được sức khỏe và yêu cầu của công tác tuần tra 24/24 cho lực lượng làm việc dọc đường biên. "Tuy nhiên, dù khó khăn thế nào cũng kiên quyết không để thủng đường biên".

Còn tại Kiên Giang, ông Lâm Minh Thành - chủ tịch UBND tỉnh - cho biết tỉnh vừa yêu cầu các sở, ngành phối hợp với địa phương thực hiện chăm lo tốt đời sống vật chất tinh thần cho các cán bộ chiến sĩ an tâm công tác. Đặc biệt là điều kiện sinh hoạt của cán bộ chiến sĩ trên biển, các lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt phòng chống dịch COVID-19 trong mùa khô.

"Trước mắt phải lắp đặt các bồn chứa nước, nhà vệ sinh, đèn chiếu sáng... để các lực lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19, chống buôn lậu, xuất nhập cảnh trái phép và bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh khu vực biên giới" - ông Thành chỉ đạo.

Miền Tây giăng lưới ngăn COVID-19 - Ảnh 3.

Lực lượng Campuchia tuần tra, chốt chặn ven biên giới với đồn biên phòng cửa khẩu Long Bình, huyện An Phú, An Giang - Ảnh: BỬU ĐẤU

Siết thêm đường biên trên Biển Tây

Ngoài tuần tra, kiểm soát trên đất liền, việc kiểm soát đường biên trên Biển Tây cũng được đề cao. Đại tá Nguyễn Thế Anh - chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang - cho biết ngoài các tổ công tác trên tuyến biên giới Hà Tiên, Giang Thành còn có tổ công tác tuần tra tuyến biên giới biển.

Hiện biên phòng tỉnh Kiên Giang đã tiếp nhận 80 cán bộ chiến sĩ tăng cường từ biên phòng Đà Nẵng, Bình Định và một tàu Hải đoàn 28, ba tàu kiểm ngư phục vụ công tác chống dịch COVID-19 trên tuyến biên giới, vùng biển. Đồng thời duy trì nghiêm sáu tổ cơ động, 80 chốt cố định, 11 tàu, xuồng tuần tra, chốt chặn trên biển thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 và chống buôn lậu, xuất nhập cảnh trái phép trên tuyến biên giới, biển đảo.

Ông Lê Quốc Anh - bí thư, chủ tịch UBND TP Hà Tiên (Kiên Giang) - cho hay địa phương đang duy trì 41 chốt chặn phòng chống dịch ở tuyến biên giới bộ và trên biển. Lực lượng tham gia thực hiện nhiệm vụ tại các chốt chặn này chủ yếu là bộ đội biên phòng, cảnh sát cơ động, dân quân tự vệ.

Từ công tác tuần tra, chốt chặn, phòng chống dịch COVID-19, thời gian qua lực lượng chức năng tại Hà Tiên đã phát hiện và đưa đi cách ly tập trung tại thành phố hơn 3.800 người, cách ly tại nhà 294 người, tự theo dõi sức khỏe hơn 2.200 người. Lực lượng phòng chống dịch COVID-19 tại Hà Tiên cũng thực hiện rà soát, giám sát dịch tễ, khai báo y tế đối với các trường hợp liên quan trở về từ vùng dịch ngoài tỉnh đến địa phương, khách tham quan du lịch... với hơn 31.800 lượt người. Đến nay, chỉ còn khoảng 900 người đang tiếp tục cách ly tập trung theo quy định tại khu vực biên giới Hà Tiên và Giang Thành, số còn lại đã hoàn thành cách ly trở về gia đình.

Hàng hóa qua lại, nhưng COVID-19 thì không!

Dù quản lý chặt chẽ việc nhập cảnh nhưng yêu cầu cao hơn cho lực lượng công tác ở biên giới là phải đảm bảo được việc giao dịch, thông thương ở nhiều khu vực cửa khẩu. Hiện tại biên phòng An Giang đã yêu cầu tất cả tài xế Việt Nam chở hàng hóa lên "vùng đệm" giữa Việt Nam - Campuchia không được xuống xe và cabin phải được "niêm phong". Nghĩa là sau khi hàng hóa được công nhân bốc vác lên, xuống xe, tài xế tự quay đầu xe rồi lực lượng kiểm dịch sẽ phun xịt khử trùng để các xe chạy đi.

Tương tự, UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã quán triệt lực lượng biên phòng vừa ngăn dịch nhưng phải đảm bảo các hoạt động kinh tế biên mậu thông suốt, không gián đoạn. Tỉnh tổ chức cho người chở hàng hóa từ Campuchia tới khu vực tập kết và bỏ hàng xuống, lực lượng chức năng sẽ tiến hành phun thuốc tiêu độc, khử trùng, kiểm soát dịch tễ trên thịt động vật, hải sản... Sau đó phía Việt Nam sẽ có phương tiện ra tiếp nhận hàng hóa để vận chuyển vào nội địa. Ngược lại từ Việt Nam xuất hàng qua Campuchia cũng vậy.

Theo đại tá Bùi Trung Dũng - phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh An Giang, không chỉ Việt Nam mà Campuchia cũng đang "căng mình" trên tuyến biên giới để ngăn chặn nạn xuất nhập cảnh trái phép và phòng chống dịch COVID-19. "Ngay từ khi Việt Nam có dịch ở Hải Dương, Campuchia đã triển khai lực lượng quân cảnh, quân đội xuống biên giới giáp Việt Nam để làm các chốt kiểm soát người xuất nhập cảnh. Nếu xâm nhập trái phép sẽ bị phạt 2.000 USD rồi đưa đi cách ly. Campuchia bây giờ làm căng như vậy nên sự phối hợp để quản lý đường biên giữa Việt Nam và Campuchia cũng tốt hơn. Hiện Việt Nam có bao nhiêu chốt ven biên giới, phía Campuchia cũng có bấy nhiêu chốt ngăn chặn" - đại tá Dũng nói.

Ngoài tuyến biên giới, hầu hết các tỉnh thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đều bắt buộc người dân đeo khẩu trang nơi công cộng, không tụ tập đông người, thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch tại công sở, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... và xử phạt nghiêm các trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng theo đúng quy định.

Thêm 98 ca nhiễm tại Campuchia và Thái Lan

Ngày 27-2, Bộ Y tế Campuchia thông báo nước này có thêm 26 trường hợp mắc mới COVID-19. Tất cả các trường hợp đều liên quan đến "sự cố cộng đồng 20-2". Các trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố là công dân của Campuchia, Trung Quốc và Việt Nam, ngụ tại hai thành phố Sihanoukville và Phnom Penh. Như vậy, đến nay Campuchia đã xác nhận 766 trường hợp nhiễm COVID-19 và hiện đã có 477 trường hợp hồi phục và không có trường hợp tử vong.

Trong khi đó, cùng ngày Thái Lan ghi nhận thêm 72 trường hợp nhiễm COVID-19, theo báo cáo của Trung tâm Quản lý tình hình COVID-19 (CCSA) của nước này. Trong đó có 63 trường hợp nhiễm trong nước, 9 trường hợp do nhập cảnh. Đáng chú ý, trong số các ca nhiễm có đến 37 trường hợp ở tỉnh Samut Sakhon, 14 trường hợp ở tỉnh Pathum Thani và 5 trường hợp ở Bangkok.

T.TRÌNH

Đồng Tháp cho học sinh biên giới nghỉ học 1 tuần, truy tìm 2 xe ôm chở bệnh nhân 2424 Đồng Tháp cho học sinh biên giới nghỉ học 1 tuần, truy tìm 2 xe ôm chở bệnh nhân 2424

TTO - Sáng 28-2, ông Đoàn Tấn Bửu - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 - cho biết đã cho học sinh của huyện Hồng Ngự, huyện Tân Hồng và thị xã Hồng Ngự nghỉ học một tuần từ 1-3 đến 6-3.

S.LÂM - N.TÀI - B.ĐẤU - K.NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên