05/06/2020 16:01 GMT+7

Mobile money chỉ cấp cho thuê bao di động đã được định danh

L.THANH
L.THANH

TTO - Ông Phạm Tiến Dũng, vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, cho biết bản chất của dịch vụ tiền di động (mobile money) là việc sử dụng thông tin thuê bao di động đã được định danh để mở tài khoản tiền di động.

Mobile money chỉ cấp cho thuê bao di động đã được định danh - Ảnh 1.

Khách hàng thanh toán không tiền mặt bằng ứng dụng qua điện thoại - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chiều 5-6, Ngân hàng Nhà nước tổ chức họp báo thông tin về hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm.

Tại cuộc họp báo, ông Phạm Tiến Dũng, vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, cho biết để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ dự thảo quyết định thí điểm mobile money.

Nếu như văn bản được thông qua thì doanh nghiệp viễn thông sẽ làm đề án để được cấp phép và triển khai dịch vụ này.

Về dịch vụ mobile money, ông Dũng cho biết bản chất là sử dụng thông tin thuê bao di động được định danh để mở tài khoản di động.

Dự thảo đang trong quá trình lấy ý kiến và thời gian tới sớm hoàn thiện để trình Thủ tướng ban hành.

Đánh giá 4 tháng đầu năm trong lĩnh vực thanh toán, ông Dũng cho hay thanh toán qua thẻ, Internet và điện thoại di động đều đạt sự tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2019.

Cụ thể thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 26,2% về số lượng và 15,7% về giá trị; thanh toán qua kênh Internet tăng 3,2% về số lượng và 45,7% giá trị.

Đặc biệt, thanh toán qua kênh di động tăng 198,8% về số lượng và 21,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

"Các con số này cho thấy có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng trong thanh toán không dùng tiền mặt" - ông Dũng thông tin.

Về hoạt động điều hành tín dụng 5 tháng qua, Phó thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết tính đến nay, mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm so với đầu năm.

Thực tế trong 5 tháng qua, để hỗ trợ khách vay, Ngân hàng Nhà nước đã giảm 2 lần các lãi suất điều hành với tổng mức giảm 1-1,5%/ năm để hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Ngoài ra, trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng cũng giảm tới 0,75%/năm. Đồng thời, trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên cũng giảm 1% xuống mức 5%/ năm, giúp giảm chi phí vay vốn của khách hàng.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư 01 hướng dẫn cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Thực hiện thông tư 01, các tổ chức tín dụng đã giảm lãi suất 2-2,5%/ năm, thậm chí có những lĩnh vực, có ngân hàng đã giảm 3-4%/ năm.

Sau hơn 2 tháng chung tay chia sẻ khó khăn với khách hàng, đến ngày 25-5, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 224 nghìn khách hàng với dư nợ gần 152 nghìn tỉ đồng. Số dư nợ được miễn, giảm lãi suất là hơn 1,14 triệu tỉ đồng cho hơn 326 nghìn khách hàng.

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cũng tích cực cho vay mới 767.600 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 0,5-2,5%/ năm so với trước dịch.

Tuy nhiên, cũng theo bà Hồng, do tác động của đại dịch nên tín dụng đến nay tăng rất thấp ở mức 1,96% so với cuối năm ngoái. Thực tế, nhiều doanh nghiệp hiện chưa có nhu cầu vay vốn khi thị trường còn khó khăn.

Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho khách hàng phục hồi sau dịch, từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước cam kết bám sát diễn biến dịch bệnh để điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng đối với các tổ chức tín dụng, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế. Tín dụng được tập trung phục vụ những lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, tiết giảm chi phí để có nguồn lực cho vay mới với lãi suất ưu đãi giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Tuy nhiên, tại cuộc họp báo, đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết tính đến nay vẫn chưa giải ngân được một hồ sơ vay vốn nào trong gói 16.000 tỉ đồng với lãi suất 0%/ năm cho doanh nghiệp vay để trả lương cho người lao động bị ảnh hưởng COVID -19.

Lý do: điều kiện tiếp cận vốn vay do quy định rất chặt chẽ, được đề xuất bởi Bộ Lao động - thương binh và xã hội.

Còn ngành ngân hàng đã sẵn sàng vốn vay để giải ngân cho doanh nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện nêu tại nghị quyết 42 của Chính phủ và quyết định 15 của Thủ tướng.

Triển khai Mobile Money: Thêm kênh thanh toán không tiền mặt Triển khai Mobile Money: Thêm kênh thanh toán không tiền mặt

TTO - Qua nghiên cứu và học tập kinh nghiệm quốc tế, Bộ Thông tin và truyền thông cho rằng nếu dịch vụ Mobile Money được triển khai sẽ hỗ trợ rất lớn cho người dân, bổ sung và cộng sinh với các dịch vụ truyền thống như Internet banking.

L.THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên