27/06/2014 16:27 GMT+7

Mobile Money "nở rộ" ở các nước nghèo

C.LUÂN
C.LUÂN

TTO - Với hơn 16 tỉ USD đang chảy qua hệ thống Mobile Money chỉ tính riêng ở Kenya, dịch vụ Mobile Money đang mở rộng nhanh chóng đến những vùng nông thôn sâu và xa nhất thế giới.

Trả tiền vé máy bay bằng điện thoại di động

K5U6Kask.jpgPhóng to
Mobile Money cho phép người dùng gửi, nhận, chi trả thậm chí là giữ tiền tiết kiệm hoàn toàn qua điện thoại di động - Ảnh: pctechmag

Nhiều người có thu nhập thấp thường giữ tiền và chuyển tiền thông qua các kênh tài chính không chính thức, giá giao dịch cao và không an toàn. Mobile Money đang bắt đầu lấp đầy khoảng trống này bằng cách cho phép người dùng gửi, nhận, chi trả thậm chí giữ tiền tiết kiệm hoàn toàn qua điện thoại di động.

Mobile Money hướng đến những những cá nhân chưa từng có tài khoản ngân hàng, tín dụng hay bảo hiểm.

Thành công tại các nước đang phát triển

Mobile Money là gì?

Mobile Money hướng đến những những cá nhân chưa từng có tài khoản ngân hàng, tín dụng hay bảo hiểm, cho phép người dùng gửi, nhận, chi trả và giữ tiền tiết kiệm hoàn toàn qua điện thoại di động.

Dịch vụ giao dịch này đặc biệt có ý nghĩa ở các quốc gia có địa hình hiểm trở, giao thông kém phát triển và thường xuyên gặp thiên tai như Indonesia, Philippines hay các nước châu Phi. Các quốc gia thường xuyên đón lượng kiều hối lớn cũng được hưởng lợi từ hệ thống Mobile Money.

Hiện có khoảng hơn 200 dự án kinh doanh hình thức Mobile Money trên khắp thế giới, với tiềm năng cao nhất ở châu Phi, Đông Nam Á và châu Mỹ Latinh như dịch vụ M-Pesa ở Kenya, dịch vụ MTN Uganda, Vodacom Tanzania, FNB ở Nam Phi hay GCASH và Smart Money ở Philippines.

Tại Kenya, dịch vụ Mobile Money M-Pesa đã minh chứng cho thành công rực rỡ khi thu hút được 18 triệu người dùng di động đăng ký và 43% GDP của Kenya chảy qua dịch vụ Mobile Money. Doanh số giao dịch giữa 2 cá nhân thông qua M-Pesa là 170 triệu USD/tháng.

Gần một nửa dân số Kenya hiện sử dụng dịch vụ Mobile Money M-Pesa nổi tiếng của tập đoàn viễn thông Safaricom của Kenya. Trong khi đó, các quốc gia khác như Pakistan, Bangladesh, Campuchia, Somaliland, Tanzania, và Uganda cũng nhanh chóng áp dụng công nghệ này.

Trong năm 2013, những người khổng lồ tài chính như Visa, Mastercard, PayPal, và Google cùng nhiều ngân hàng đã hợp tác với các tổ chức chính phủ và cơ quan dịch vụ xã hội phi chính phủ để nhảy vào cuộc và đưa Mobile Money ra toàn thế giới.

Ngân hàng thế giới ước tính nếu giảm 2-5% phí chuyển tiền nội địa sẽ tăng lượng chuyển tiền lên 50-70%, từ đó kích thích kinh tế phát triển. Cụ thể thu nhập của các hộ gia đình Kenya sử dụng Mobile Money đã tăng 5-30%, theo nghiên cứu của Tổ chức tư vấn trợ giúp người nghèo (Consultative Group to Assist the Poor).

Câu hỏi đặt ra là liệu Mobile Money có thể giải quyết trọn vẹn vấn đề về tiếp cận và hòa nhập tài chính hay không? Dịch vụ Mobile Money hiện nay chỉ cung cấp bước đi quan trọng đầu tiên để hòa nhập tài chính, trong khi đó nhu cầu của nền công nghiệp tài chính không chỉ dừng lại ở vấn đề dịch chuyển kiều hối cơ bản.

Tiềm năng ở Đông Nam Á

Ở Đông Nam Á, Philippines là quốc gia dẫn đầu trong việc tiếp nhận hình thức thanh toán di động.

Kinh tế gia tăng nhanh chóng, dân số trẻ và điện thoại thông minh/máy tính bảng giá rẻ đang góp phần tạo ra một thế hệ am hiểu công nghệ trên khắp Đông Nam Á. Các công ty thương mại điện tử như Groupon, eBay, Rocket Internet hay LivingSocial đã mạo hiểm lao vào Đông Nam Á với mức đầu tư đáng kể. Kéo theo đó là cuộc đổ bộ của các tập đoàn thanh toán toàn cầu như Paypal vào khu vực này.

Động lực chính để phát triển dịch vụ thanh toán trực tuyến là tốc độ bao phủ của các thiết bị đi động. Cùng với sóng di động ổn định, tỉ lệ thuê bao di động ở Đông Nam Á luôn vượt qua con số 100 thuê bao/100 cư dân. Điều này cho thấy nhiều người dùng hiện đang xài điện thoại 2 SIM. Đứng đầu là Singapore với 153 thuê bao/100 người và thấp nhất là Myanmar 11 thuê bao/100 người. Việt Nam đứng thứ nhì với 149 thuê bao/100 người.

Việt Nam xếp thứ 3 trong khoản thanh toán di động, chứng tỏ người dùng Việt có độ quen thuộc cao và sẵn sàng áp dụng kênh thanh toán Mobile Money. Nhưng Solidiance - công ty tư vấn chiến lược tiếp thị B2B - cho rằng các công ty viễn thông và chính phủ nhiều khả năng sẽ chỉ hỗ trợ giới hạn cho hình thức Mobile Money, vì thế sẽ cản trở sự đổi mới của phương thức giao dịch tài chính này.

Cuối cùng là Indonesia, người dùng nước này vẫn chưa thấy thuyết phục về giá trị của việc thanh toán di động và chưa sẵn sàng sử dụng.

Trong khi đó, Singapore dẫn đầu về môi trường chính trị và pháp lý cho sự phát triển của công nghệ thông tin truyền thông (ICT). Philippines xếp cuối cùng trong danh sách 6 quốc gia chính ở Đông Nam Á, vì gánh nặng quy định của chính phủ đặt ra cho các doanh nghiệp và thiếu các điều luật hỗ trợ ICT.

Nhìn chung mỗi quốc gia đều có những điều kiện khác nhau cho sự phát triển của hình thức giao dịch qua điện thoại. Xét tổng thể, Singapore là nước có mức độ sẵn sàng chuyển đổi sang xã hội "phi tiền tệ" cao nhất, kế tiếp là Malaysia, Philippines, Việt Nam, Thái Lan và Indonesia. Việt Nam và Thái Lan đều nằm ở mức trung bình so với các láng giềng.

Tại Việt Nam, dịch vụ mobile banking được nhiều người sử dụng hiện nay là BankPlus của Viettel. Dịch vụ này đã có hơn 3 triệu thuê bao và liên kết được với 14 ngân hàng hàng đầu Việt Nam; tạo doanh số chuyển tiền lên đến hơn 1.000 tỉ đồng/tháng và doanh số thanh toán cước lên đến hơn 100 tỉ đồng/tháng.

Trước đó, VinaPhone cũng đã liên kết với M-Service và ngân hàng Vietcombank, Vietinbank khai trương dịch vụ ví điện tử MoMo - hỗ trợ khách hàng thực hiện các giao dịch thanh toán, chuyển khoản ngay trên điện thoại di động. Đến nay, Momo đã có hơn 120.000 khách hàng.

(Theo Tech in Asia)

C.LUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên