28/06/2022 12:24 GMT+7

Mỗi năm có hơn 20 triệu người phải rời bỏ nhà cửa do bão, lũ lụt

QUANG THẾ
QUANG THẾ

TTO - "Ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC-AR6) ước tính, kể từ năm 2008 đến nay, mỗi năm có hơn 20 triệu người trên thế giới phải rời bỏ nhà cửa do bão, lũ lụt và một nửa dân số thế giới thiếu nước ít nhất 1 tháng mỗi năm...".

Mỗi năm có hơn 20 triệu người phải rời bỏ nhà cửa do bão, lũ lụt - Ảnh 1.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường bên hành lang diễn đàn - Ảnh: QUANG THẾ

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà cho biết như vậy tại "Diễn đàn kinh tế tuần hoàn năm 2022" với chủ đề "Phát thải ròng bằng '0' - từ cam kết đến hành động" diễn ra tại Hà Nội ngày 28-6.

Hành động chậm trễ, sẽ bỏ lỡ cơ hội

Ông Hà cho biết, tháng 5-2022, Tổ chức Khí tượng thế giới công bố 4 chỉ số chính về biến đổi khí hậu, bao gồm: nồng độ khí nhà kính, mực nước biển dâng, nhiệt và axit hóa đại dương đã lập kỷ lục mới vào năm 2021. 

Từ số liệu thu được cho thấy các hoạt động của con người đang gây ra những thay đổi ở quy mô cấp hành tinh trên đất liền, trong lòng đại dương và bầu khí quyển. Tạo ra những hậu quả nghiêm trọng, lâu dài đối với sự phát triển bền vững và các hệ sinh thái.

"Nếu hành động chậm trễ, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội quý giá để đảm bảo Trái đất có thể sinh sống được và duy trì một hành tinh bền vững cho tất cả trong tương lai. Vì vậy yêu cầu cấp bách hiện nay là cần có mô hình kinh tế hiệu quả hơn về sử dụng tài nguyên, ngăn ngừa biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm, suy thoái môi trường", ông Hà nhấn mạnh.

Theo ông Hà, tại COP26 (Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu), các quốc gia đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 để giữ cho mức tăng nhiệt độ Trái đất không quá 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này. Trong đó chuyển đổi năng lượng từ hóa thạch sang năng lượng sạch, tái tạo là trọng tâm, rất cần thiết.

Mỗi năm có hơn 20 triệu người phải rời bỏ nhà cửa do bão, lũ lụt - Ảnh 2.

Các đại biểu tham gia thảo luận bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến - Ảnh: QUANG THẾ

Tuy nhiên theo nhiều tổ chức quốc tế, chuyển đổi năng lượng cùng với tiết kiệm sử dụng hiệu quả năng lượng chỉ đóng góp được 55% cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, 45% nằm ở các giải pháp kinh tế tuần hoàn.

Việc áp dụng nguyên tắc loại bỏ chất thải và ô nhiễm, lưu thông các sản phẩm, nguyên liệu và tái tạo thiên nhiên trong mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giúp giảm phát thải khí nhà kính trong công nghiệp, nông nghiệp. Cụ thể là việc giảm thiểu, loại bỏ chất thải, ô nhiễm sẽ giảm phát thải khí nhà kính trong toàn bộ chuỗi giá trị. Bằng cách luân chuyển các sản phẩm, vật liệu có thể thu giữ lại năng lượng có trong các sản phẩm, vật liệu. Đồng thời tái tạo tự nhiên sẽ giúp cô lập, thu giữ được cacbon.

Ông Hà nhận định, so với mô hình kinh tế truyền thống, việc thúc đẩy các hành động theo mô hình kinh tế xanh góp phần thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng "0", chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia và doanh nghiệp. Kinh tế tuần hoàn góp phần giảm rủi ro cho doanh nghiệp về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên, tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung ứng...

Mỗi năm có hơn 20 triệu người phải rời bỏ nhà cửa do bão, lũ lụt - Ảnh 3.

Bà Caitlin Wiesen, trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam - Ảnh: K.TRUNG

Cần giảm dần ngành công nghiệp gây ô nhiễm

Bà Caitlin Wiesen, trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNDP), cho biết kinh tế tuần hoàn là một cơ hội đầu tư vào hệ thống quản trị, thể chế và chính sách thúc đẩy kinh doanh bền vững. Cần phải giảm dần các ngành công nghiệp gây ô nhiễm sẽ giúp Việt Nam đảm bảo phục hồi kinh tế xanh trong tương lai.

"Chúng tôi tin rằng bằng các nỗ lực tập thể, chia sẻ dữ liệu, kiến thức và kinh nghiệm một cách cởi mở, kết nối các bên liên quan sẽ giúp thay đổi tư duy, hướng đến sự chuyển dịch sang nền kinh tế xanh, phù hợp với nhu cầu, lịch sử và tham vọng của người dân Việt Nam...", bà Caitlin Wiesen nói.

Là một trong những doanh nghiệp được mời tham dự diễn đàn, ông Roongrote Rangsiyopash - chủ tịch kiêm tổng giám đốc điều hành SCG - chia sẻ: "Kinh tế tuần hoàn đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các công ty, khách hàng, chuỗi cung ứng và những bên liên quan tham gia trong chuỗi giá trị. Những nỗ lực chung, sự hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và môi trường cùng Mạng lưới đối tác doanh nghiệp Thái Lan ngày hôm nay chính là một minh chứng rõ ràng nhất".

Ông Bùi Trung Nghĩa - phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho rằng doanh nghiệp vừa là chủ thể chính, quan trọng, vừa là đối tượng thụ hưởng lợi ích lâu dài của quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

"Để vượt qua các thách thức, giải pháp quan trọng nhất là hợp tác giữa Nhà nước, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp tạo ra cơ sở pháp lý chính sách rõ ràng, cơ chế ưu đãi, từ đó nâng cao nhận thức phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn...", ông Nghĩa nói.

Đại sứ Mỹ Marc E. Knapper: Mỹ cam kết giúp Việt Nam hiện thực hóa các mục tiêu tại COP26 Đại sứ Mỹ Marc E. Knapper: Mỹ cam kết giúp Việt Nam hiện thực hóa các mục tiêu tại COP26

TTO - Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc E. Knapper đã có cuộc phỏng vấn với Thông tấn xã Việt Nam nhân sự kiện Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam thăm, làm việc tại Mỹ và Liên Hiệp Quốc từ ngày 11 đến 17-5.

QUANG THẾ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên