10/10/2020 08:28 GMT+7

Mọi người cùng đi 'BMW'. Tại sao không?

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TTO - Hoàn thành dự án metro đúng tiến độ không chỉ góp phần giải tỏa vấn nạn bao năm về giao thông, mà còn đặt những viên gạch mới để hình thành văn hóa giao thông công cộng: đó là mọi người cùng đi 'BMW'.

Trong những lần đi châu Âu, Tokyo và Singapore, người viết thường chọn "BMW" để đi lại vì nó vô cùng tiện lợi và rẻ. "BMW" không phải là thương hiệu xe hơi của Đức, mà là cách chơi chữ tiếng Anh của những người yêu thích đi phương tiện công cộng. Theo đó, B là Bus - xe buýt, M là Metro - tàu điện ngầm và W là Walking - đi bộ.

Bạn chỉ cần lên Google Maps xác định điểm xuất phát và điểm đến, bản đồ sẽ gợi ý những trạm metro và hệ thống xe buýt kết nối tiện lợi nhất.

Ở Đông Nam Á, nhiều quốc gia đã vận hành hệ thống đường sắt đô thị để giải quyết vấn nạn kẹt xe, quá tải hạ tầng, ô nhiễm môi trường. Philippines là quốc gia đầu tiên trong khu vực vận hành hệ thống đường sắt nhẹ trên cao LRT năm 1984 và đang triển khai dự án đường sắt cao tốc ở Manila. 

Singapore có hệ thống tàu điện MRT đầu tiên vào năm 1987. Thái Lan sử dụng MRT năm 2004. Gần đây nhất, Malaysia vận hành LRT năm 2016 và Indonesia khai trương MRT năm 2019. Những hệ thống đường sắt đô thị này đã thay đổi diện mạo đô thị ở nhiều quốc gia và giảm nạn kẹt xe rất hiệu quả.

Vì thế, cũng đau đáu sớm được thoát cảnh kẹt xe, người dân TP.HCM hào hứng xem hình ảnh đoàn tàu điện ngầm (metro) đầu tiên của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên cập cảng Sài Gòn vào sáng 8-10, sau khi xuất phát từ cảng Osaka, Nhật Bản.

Nhưng metro không chỉ giải quyết kẹt xe và ô nhiễm, nó còn góp phần thay đổi văn hóa giao thông. Câu chuyện ở Jakarta cho thấy rõ điều này. Tháng 3-2019, thủ đô Jakarta của Indonesia đã khai trương hệ thống tàu điện ngầm MRT đầu tiên. 

Sau 8 tháng vận hành, báo Straits Times của Singapore ghi nhận về tác động của metro đối với đô thị 30 triệu dân của Indonesia. Theo đó, tuyến metro đầu tiên đã thiết lập "tiêu chuẩn vàng" trong giao thông công cộng: không người ăn xin, không hàng rong, không ai đứng ngồi tùy tiện... 

Tất cả hành khách xếp hàng mua vé trong trật tự, nhường nhau lên xuống tàu, không ăn uống, hút thuốc trên tàu và nhà ga. Sau bao năm chịu đựng kẹt xe, tiếng ồn và ô nhiễm, những thay đổi mới được người dân Jakarta chào đón nồng nhiệt.

Tổng thống Widodo, người quyết biến giấc mơ metro của Indonesia thành hiện thực, mãn nguyện nói: "Khi còn là thống đốc Jakarta, tôi được các quan chức giải thích tại sao dự án bị đình hoãn trong 26 năm. Họ chỉ nói về lợi nhuận và tổn thất. Nếu chúng tôi không quyết tâm sẽ không có ngày hôm nay bởi họ chỉ lo cân đong đo đếm thiệt hại. Không có tổn hại nào bằng việc chúng tôi mất khoảng 4,6 tỉ USD/năm do kẹt xe".

Tương tự, mỗi năm TP.HCM, Hà Nội cũng thiệt hại hơn 1 tỉ USD do kẹt xe. Indonesia mất 34 năm để hoàn thành giấc mơ metro ở Jakarta. Việt Nam đi sau và mất khoảng 15 năm, kể từ lúc khởi động dự án năm 2006, dự kiến vận hành thương mại cuối năm 2021. 

Đích năm 2021 đang đến rất gần. Sau tuyến metro số 1, chính quyền thành phố cũng đã huy động đủ vốn để xây tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương, dự kiến thi công năm 2022 và về đích năm 2026.

Như vậy, giấc mơ lần đầu tiên đi "BMW" của người dân TP.HCM cũng như người dân cả nước sắp thành hiện thực. Hoàn thành dự án metro đúng tiến độ không chỉ góp phần giải tỏa vấn nạn lưu cữu bao năm về giao thông, mà còn đặt những viên gạch mới để hình thành văn hóa giao thông công cộng: đó là mọi người cùng đi "BMW".

Toa tàu metro lăn bánh trên đường ray

3h sáng 10-10, 3 toa tàu Metro số 1 đã về tới depot quận 9 3h sáng 10-10, 3 toa tàu Metro số 1 đã về tới depot quận 9

TTO - Sau khoảng 3 giờ đi liên tục, hết sức cẩn trọng của tài xế và sự hỗ trợ của tập thể công nhân Công ty Gemadept, đến 3h sáng 10-10, các xe chở 3 toa tàu Metro số 1 đã an toàn về tới depot quận 9 an toàn.

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên