Một “tiếng còi” đổi vạn tai ương

HOA KIM 22/10/2021 17:10 GMT+7

TTCT - Đứng lên vạch trần những khuất tất của các ông lớn công nghệ là chấp nhận một mình đối đầu với bộ máy pháp lý hùng hậu đứng sau các công ty này. Hệ lụy nào đang chờ họ và pháp luật bảo vệ những “người thổi còi” này ra sao?

 
 Ảnh: eff.org

“Người thổi còi” từng là biệt danh gắn liền với người trong cuộc với tiết lộ chấn động liên quan đến các chính phủ. Những năm gần đây, khái niệm “người thổi còi” được mở rộng ra cho những nhân viên hoặc cựu nhân viên của các công ty, tập đoàn lớn cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra về hành vi trái pháp luật hoặc vi phạm đạo đức diễn ra tại công ty họ.

Cái tên mới nhất trong danh sách ngày càng tăng các nhân viên Thung lũng Silicon dám đứng lên chống lại những gã khổng lồ công nghệ là cựu nhân viên Facebook Frances Haugen. Xuất hiện trong chương trình 60 Minutes của Đài CBS ngày 3-10, Haugen đã công khai việc cô chính là người cung cấp tài liệu nội bộ cho Quốc hội Mỹ và báo Wall Street Journal để tố cáo công ty này ưu tiên lợi nhuận hơn sự an toàn của người dùng.

Trả đũa và khủng bố

Chelsey Glasson rời Google vào tháng 8-2019 với cáo buộc công ty phân biệt đối xử nhân viên mang thai và có hành động trả đũa khi bị khiếu nại. Nhiều năm ròng rã kiện tụng chống lại một công ty công nghệ trị giá hàng nghìn tỉ USD đối với Glasson “gần như là một công việc bán thời gian” - bà mẹ 2 con thổ lộ với báo The Guardian. 

Sau khi rời Google, Glasson cập bến Facebook. Chỉ vài tháng sau khi bắt đầu công việc mới, cô được bộ phận pháp lý của Facebook thông báo phía Google có trát đòi hồ sơ nhân viên của cô, bao gồm bảng lương, đánh giá công việc, và tất cả các trao đổi của Glasson có liên quan đến Google. 

Từ đó đến nay, Glasson cho biết cô đã phải cung cấp cho nhóm pháp lý của Google quyền truy cập vào những góc riêng tư nhất trong cuộc sống của mình. Vì đơn kiện của cô có yêu cầu bồi thường thiệt hại về tinh thần, Google đã đòi quyền tiếp cận mọi hồ sơ y tế của Glasson bao gồm các ghi chép từ những buổi trị liệu tâm lý, trong đó có nội dung thảo luận giữa cô và bác sĩ về cuộc hôn nhân của mình và nhiều vấn đề cá nhân khác.

“Nhiều người không hiểu rằng khi bạn là nguyên đơn, toàn bộ cuộc sống của bạn sẽ được trưng ra. Có rất ít giới hạn đối với những gì một công ty như Google có thể yêu cầu cung cấp trong quá trình kiện tụng. Đó là một quá trình rất xâm phạm đời tư” - Glasson nói với The Guardian.

Đối với Timnit Gebru, cựu nhân viên Google và là một cái tên có sức nặng trong giới nghiên cứu đạo đức trí tuệ nhân tạo (AI), cô không khuyến khích bất kỳ ai trở thành “người thổi còi” trong bối cảnh thiếu các biện pháp bảo vệ dành cho người dám đứng lên như hiện nay. 

Gebru rời Google vào cuối năm ngoái (Gebru nói mình bị sa thải, trong khi Google khẳng định cô tự thôi việc) sau khi từ chối rút tên khỏi một bài nghiên cứu về các nguy cơ của những mô hình ngôn ngữ rất lớn. Google đang sử dụng mô hình tương tự cho công cụ tìm kiếm của mình, vì thế mà những “trung ngôn” của Gebru thành ra “nghịch nhĩ”.

Suốt nhiều tháng sau khi nghỉ, cô phải đối mặt với những những lời thóa mạ và quấy rối bởi một loạt tài khoản ẩn danh trên mạng, Gebru chia sẻ với The Guardian. Một số đồng nghiệp trong ngành công khai chê bai Gebru, nói rằng cô đang tạo ra một “môi trường độc hại” và gọi những người ủng hộ cô là “những nhà hoạt động loạn trí”. Gebru kiệt sức và mất ăn mất ngủ trong nhiều tháng, nhưng quyết định không tìm đến bác sĩ tâm lý sau khi biết chuyện của Glasson vì lo sợ Google sẽ tiếp cận các nội dung trao đổi riêng tư giữa cô và bác sĩ.

“Khi trở thành người thổi còi, danh tiếng và sự nghiệp của người đó về cơ bản sẽ bị hủy hoại. Ngay cả khi tránh được điều đó, rất nhiều người không thể dành cả ngày để chống lại các công ty này vì họ còn phải làm việc nuôi sống gia đình” - Gebru giải thích.

Cựu nhân viên Tesla Martin Tripp thì vẫn còn kinh hãi khi nhớ lại một ngày năm 2018 khi anh bị cảnh sát ập đến bao vây chỉ vì một cú điện thoại nặc danh báo cáo với nhà chức trách rằng anh chuẩn bị... xả súng tại một nhà máy Tesla ở bang Nevada. Trước đó, Tripp đã bị Tesla sa thải vì rò rỉ cho báo Business Insider thông tin tiêu cực liên quan đến độ an toàn và chất lượng của các bộ phận xe hơi do hãng sản xuất. Khi cảnh sát đến nơi, họ thấy Tripp không có bất cứ vũ khí nào trên người và đang giàn giụa nước mắt vì sợ hãi.

“Theo lời kể từ cảnh sát, các cựu nhân viên và tài liệu từ chính cuộc điều tra nội bộ của Tesla (CEO Elon) Musk đã có chủ đích muốn triệt hạ kẻ phản phúc” - báo Bloomberg viết. Tesla cũng từng dính cáo buộc tạo áp lực lên các công ty khác để gây khó khăn cho quá trình tìm việc mới của các cựu nhân viên ra đi vì mâu thuẫn, theo Business Insider.

 
 Người thổi còi Frances Haugen. Ảnh: FT

Ai bảo vệ người thổi còi?

Phát biểu trước Thượng viện Mỹ ngày 30-9, một đại diện của Facebook “hứa” công ty này sẽ không trả đũa người thổi còi vì ra điều trần trước Quốc hội, nhưng không nói họ sẽ làm gì đối với việc Haugen tìm đến cơ quan quản lý liên bang cũng như báo giới.

Haugen đang đề nghị được đưa vào chương trình bảo vệ người thổi còi (WPA) của Ủy ban giao dịch và chứng khoán Mỹ (SEC) - nơi cô tố giác các hành vi của Facebook. Nếu được chấp thuận, Haugen sẽ được quyền miễn trừ đối với các khiếu nại pháp lý của Facebook có liên quan bất kỳ thông tin nào mà cô cung cấp cho các cơ quan quản lý, theo báo Wall Street Journal. “[WPA] thực sự mang lại cho họ sự bảo vệ pháp lý đáng kể đối với việc cung cấp thông tin tới các cơ quan quản lý, cơ quan thực thi pháp luật hay Quốc hội. Trong trường hợp này, các công ty thường không làm gì được nhân chứng” - chuyên gia luật Debra Katz giải thích.

Tuy nhiên, các luật sư lo ngại các trường hợp công khai danh tính với báo chí sẽ gặp nhiều rủi ro pháp lý hơn so với người chỉ trao đổi với cơ quan chức năng. Các công ty cũng có thể khởi kiện người thổi còi nếu họ tin rằng người này đã cung cấp các thông tin mật nhiều hơn mức cần thiết, luật sư Jane Norberg nói với Wall Street Journal.

Người thổi còi là cựu nhân viên còn có thể bị kiện ngược vì vi phạm thỏa thuận không tiết lộ (NDA), tức cam kết trả lại hoặc tiêu hủy các tài liệu của công ty trong một khung thời gian nhất định sau khi nghỉ việc và sẽ không chia sẻ thông tin kinh doanh bí mật với những người bên ngoài công ty. Khi bị kiện, cựu nhân viên sẽ bị buộc trả lại khoản tiền bồi thường chấm dứt hợp đồng, các quyền chọn cổ phiếu hoặc các khoản bồi thường thiệt hại khác mà họ đã nhận, theo luật sư Erika Kelton thuộc văn phòng luật Phillips & Cohen chuyên đại diện cho thân chủ là những người thổi còi.

Tại Mỹ, những người tố cáo hành vi sai phạm của công ty thông qua SEC mà vụ việc được theo đuổi thành công sẽ được hưởng từ 10% đến 30% toàn bộ số tiền phạt thu được đối với công ty đó, nếu khoản tiền phạt vượt quá 1 triệu USD, theo Wall Street Journal. Để đủ điều kiện nhận thưởng, người tố cáo cần phải chứng minh rằng thông tin họ cung cấp là thông tin gốc và nội dung sai phạm có ý nghĩa quan trọng đối với một nhà đầu tư hợp lý, theo luật sư Jason Zuckerman của Công ty luật Zuckerman Law. 

Trăm dâu đổ đầu tằm

Theo Gebru, kể từ khi sự vụ của cô tại Google xảy ra, đã có những bước tiến nhất định về mặt luật pháp trong chuyện bảo vệ những người tố giác, dù hầu hết các thay đổi này đều do chính cộng đồng những người thổi còi đấu tranh mới có được.

Hai cựu nhân viên Pinterest Ifeoma Ozoma và Aerica Shimizu Banks đã giúp soạn thảo dự luật Silenced No More (Đừng bịt miệng nữa), cấm các công ty áp dụng thỏa thuận NDA trong các trường hợp liên quan đến khiếu kiện về phân biệt đối xử nơi công sở.

Glasson thì dùng chuyên môn và kinh nghiệm của mình để giúp thượng nghị sĩ bang Washington Karen Keiser thúc đẩy một dự luật kéo dài thời hạn gửi đơn đòi bồi thường vì bị phân biệt đối xử khi mang thai từ 6 tháng lên 1 năm sau khi vụ việc xảy ra. “Tôi thực sự muốn những gì mình đã trải qua đều có mục đích và sẽ tạo ra sự thay đổi có ý nghĩa cho những người khác. Nếu tôi thua, điều đó khiến tôi thực sự sợ hãi vì nó sẽ gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến Google và các công ty công nghệ khác rằng họ chỉ việc lì đòn và cố gắng làm kiệt quệ những nguyên đơn như tôi là sẽ thành công” - Glasson nói với The Guardian.

Nhưng Gebru cũng không khỏi thắc mắc tại sao gánh nặng này lại đặt trên vai những người thổi còi. Ngay cả khi họ giành chiến thắng trong vụ kiện của mình, vốn đã là một khả năng khó xảy ra, “tình huống tốt nhất là họ được công ty bồi thường” - Gebru nói với The Guardian. Khoản tiền này, theo cô, không thấm thía so với những thiệt hại về tinh thần mà người thổi còi phải gánh chịu trong suốt quá trình.

“Vậy thì đâu có lý do gì mà Google lại không tái diễn chiêu trò này nhiều lần? Bạn đang nói với họ rằng đây là chiến lược tốt nhất, vì họ có thể làm bạn đuối sức trong một vụ kiện dài hơi. Google có thể trốn tránh trách nhiệm, vì họ không thiếu tiền để thuê luật sư” - Gebru giải thích.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận