04/11/2019 12:44 GMT+7

Muôn loài bình đẳng và khi nghệ sĩ đòi... bình đẳng

MAI THỤY
MAI THỤY

TTO - Muôn loài bình đẳng trộn lẫn cả những cảm xúc thầm kín của nghệ sĩ trong một số tác phẩm với những lời kêu gọi ngồn ngộn vấn đề xã hội ở một số tác phẩm khác.


Muôn loài bình đẳng và khi nghệ sĩ đòi... bình đẳng - Ảnh 1.

Tác phẩm Từ điển hình ảnh của nghệ sĩ Lê Nguyễn Phương Linh thu hút nhiều người xem - Ảnh: MAI THỤY

Chỉ diễn ra vỏn vẹn 5 ngày (từ ngày 2 đến 6-11), khó có thể tưởng tượng điều gì đã lôi kéo hơn 60 nghệ sĩ đến trưng bày tại Muôn loài bình đẳng mùa 2 ở không gian A. Farm (96/1 Tân Thới Nhất 6, Q.12, TP.HCM).

Triển lãm là không gian mở cho tất cả nghệ sĩ, không phân biệt chuyên nghiệp hay không chuyên, sử dụng chất liệu nào, phong cách thể hiện là gì hoặc đã có tên tuổi hay chưa. Nghệ sĩ tự thực hiện hầu hết các khâu lắp đặt, sắp xếp, quản lý, dỡ bỏ tác phẩm trước và sau triển lãm.

Bên cạnh tác phẩm của những nghệ sĩ đương đại nổi tiếng như Ly Hoàng Ly, Trần Nguyễn Ưu Đàm là các tác giả trẻ hiếm có dịp xuất hiện trước công chúng như Lê Nguyễn Phương Linh, Đỗ Hà Hoài, Tina Thu…

Nằm cạnh những tác phẩm sơn dầu, sơn mài là một loạt sắp đặt, trình diễn, video với cách thể hiện mới mẻ. 120 tác phẩm cùng đan xen trong những gian phòng sơn trắng.

Hai tác phẩm điêu khắc Dị ứng 15, Dị ứng 16 được nghệ sĩ Đỗ Hà Hoài mang đến triển lãm biểu thị cho những ám ảnh của anh trước các vấn đề xã hội trên cơ thể của chính mình.

Ở căn phòng đối diện, nhiếp ảnh gia Lê Nguyễn Phương Linh thử nghiệm một chuỗi sắp đặt hình ảnh, video, đất, đá để tra vấn người xem về biên giới của ngôn ngữ, âm thanh.

Còn nghệ sĩ Nguyễn Phúc Hưng, trước đây vốn chỉ trưng bày trong các triển lãm chung do Hội Mỹ thuật tổ chức, cũng đưa tác phẩm đến công chúng trong dịp này. Điêu khắc USB của anh nằm dưới bản dạng một con cá bị nhét kín cao su là ghi chép chân thật cho những gì loài người gây ra với thiên nhiên.

Muôn loài bình đẳng trộn lẫn cả những cảm xúc thầm kín của nghệ sĩ trong một số tác phẩm với những lời kêu gọi ngồn ngộn vấn đề xã hội ở một số tác phẩm khác. Gần như vai trò của giám tuyển trong triển lãm là không cần thiết, cả tên tác giả và tác phẩm cũng không được gắn lên nhằm xóa nhòa ranh giới của các nghệ sĩ.

"Nghệ thuật đương đại hướng tới những rung động của nghệ sĩ trước xã hội, không cần quan trọng vấn đề nhạy cảm hay không. Những triển lãm như Muôn loài bình đẳng dĩ nhiên sẽ có một số tác phẩm chất lượng hoặc chưa ổn. Tuy nhiên, nghệ sĩ cần những không gian chuyên biệt thế này để nhìn nhận lại tác phẩm và hướng đi của mình" - nhà điêu khắc Nguyễn Phúc Hưng nói.

Với gần 300 tác phẩm cả mùa 1 và mùa 2, Muôn loài bình đẳng có thể được xem là dịp triển lãm lớn nhất để công chúng và các nhà phê bình theo dõi tiến trình phát triển của nghệ thuật đương đại Việt Nam.

Gallery đương đại liệu có cần thiết?

Theo nghệ sĩ Nhật Q. Võ - đại diện ban tổ chức Muôn loài bình đẳng, dường như các gallery hiện nay chỉ thiết lập quan hệ với một số ít nghệ sĩ đương đại phù hợp với tiêu chí phòng tranh. "Vì vậy, các nghệ sĩ không chuyên, dù có tác phẩm hợp thị hiếu nhà sưu tập, cũng khó lòng có cơ hội triển lãm hoặc được trao đổi, mua bán" - Nhật Q. Võ chia sẻ.

Nghệ sĩ Lê Nguyễn Phương Linh nhận định các bảo tàng, gallery có thể cần thiết với những tác phẩm cổ điển hoặc các nghệ sĩ đi theo con đường truyền thống. Thế nhưng nghệ sĩ đương đại có thể tận dụng nhiều hướng khác nhau để đưa tác phẩm đến công chúng từ các chương trình lưu trú, quỹ hỗ trợ nghệ thuật quốc tế cho đến tự tổ chức và kết nối nghệ sĩ trong nước, quốc tế.

Như tên gọi Muôn loài bình đẳng, triển lãm là sự manh nha của một bước tiến xa hơn, kêu gọi các nhà sưu tập đến những không gian nghệ thuật bán chuyên nghiệp.

Một số hình ảnh tại triển lãm:

Muôn loài bình đẳng và khi nghệ sĩ đòi... bình đẳng - Ảnh 3.

Tác phẩm USB của nghệ sĩ Nguyễn Phúc Hưng - Ảnh: MAI THỤY

Muôn loài bình đẳng và khi nghệ sĩ đòi... bình đẳng - Ảnh 4.

Tác phẩm Dị ứng 15 của nghệ sĩ Đỗ Hà Hoài - Ảnh: MAI THỤY

Muôn loài bình đẳng và khi nghệ sĩ đòi... bình đẳng - Ảnh 5.

Công chúng thưởng thức 120 tác phẩm trong triển lãm - Ảnh: MAI THỤY

Muôn loài bình đẳng và khi nghệ sĩ đòi... bình đẳng - Ảnh 6.
Mark Cooper cùng Vũ Trọng Thuấn sắp đặt và hội họa Chiếc cầu - Bridge Mark Cooper cùng Vũ Trọng Thuấn sắp đặt và hội họa Chiếc cầu - Bridge

TTO - Chiều 20-3, nhà điêu khắc, sắp đặt đa phương tiện Mỹ Mark Cooper và họa sĩ Vũ Trọng Thuấn cùng bắt tay tổ chức triển lãm nghệ thuật đương đại với chủ đề 'Chiếc cầu - Bridge' tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng.


MAI THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên