17/11/2022 12:01 GMT+7

‘Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy’

ĐỨC TUYÊN tổng hợp
ĐỨC TUYÊN tổng hợp

TTO - Bạn đọc Khôi Minh bày tỏ ý kiến như trên khi đọc bài trong Diễn đàn 'Nỗi lòng nhà giáo' mà báo Tuổi Trẻ tổ chức trong những ngày qua.

‘Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy’ - Ảnh 1.

Ông Phạm Tất Thắng - phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận Trung ương (bìa phải) và anh Bùi Quang Huy - bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn (bìa trái) - tặng bằng khen cho thầy cô giáo tiêu biểu trong buổi lễ tuyên dương tại Hà Nội tối 16-11 - Ảnh: DƯƠNG TRIỀU

Tôn sư trọng đạo

Bởi theo bạn Khôi Minh, câu ca dao trên chính là sự đúc kết kinh nghiệm ngàn đời của ông bà ta để lại, nhắc nhở con cháu phải "tôn sư trọng đạo".

"Bất cứ ai cũng biết, thuộc, hiểu ý nghĩa của câu ca dao trên nhưng đôi lúc đã quên mất cái đạo làm người đơn giản ấy. Có đôi lúc tôi cũng như bạn đã đối xử không đúng mực với giáo viên, thầy cô", bạn đọc Khôi Minh trải lòng.

Đa số các bậc phụ huynh đều yêu quý và kính trọng thầy cô giáo. Thế nhưng cũng có không ít người vì yêu chiều con nên sẵn sàng xúc phạm những nhà giáo đang dạy dỗ con mình.

Như bạn đọc Thanh Xuân kể lại câu chuyện: "Em tôi làm giáo viên lớp 1. Chương trình rất nặng. Nhiều bé không theo kịp. Em tôi phải tranh thủ từng buổi nghỉ để dạy kèm thêm cho các bé (dạy miễn phí).

Trong lớp có bé được kèm rất lâu nhưng vẫn không thấy tiến bộ. Em ấy giận nên đánh một thước vào mông bé.

Hôm sau phụ huynh vào trường mắng nhiếc, chửi bới, yêu cầu nhà trường phải xử lý kỷ luật. Em ấy có giải thích và kể lại sự việc nhưng phụ huynh vẫn không đồng ý và lên mạng nói xấu em ấy đủ điều.

Các giáo viên khác trong trường bảo cứ kệ cô bé học sinh ấy đi vì cha mẹ dữ dằn như vậy làm sao dạy dỗ. Em tôi rất buồn vì phụ huynh ấy đã không nghĩ đến công sức em bỏ ra kèm cặp con em họ và chỉ mong cháu tiến bộ (cô bé bị tăng động).

Nhiều lúc em ấy nghĩ chẳng lẽ mình phải làm như các giáo viên khác chỉ bảo là bỏ mặc học sinh như thế. Nhưng cô bé học sinh ấy đâu có lỗi gì. Lỗi là ở người lớn…".

Đồng ý với bạn Thanh Xuân, bạn đọc Tuấn cho rằng nếu bậc làm cha mẹ không tôn trọng thầy cô, người khác, thì làm sao đòi hỏi con mình tôn trọng người khác được.

"Một đứa trẻ đi học không kính sợ thầy cô, ra đường không tôn trọng ai, về nhà không kính yêu ông bà, cha mẹ… thì có trở thành người tốt hay không? Mà hệ quả đó chính là từ hành động làm gương xấu gương mù của bố mẹ mà ra thôi", bạn đọc Tuấn viết.

Nhìn ở góc độ xa hơn, bạn đọc Ngọc Ánh nêu thực tại có không ít phụ huynh quên rằng con cái mình đang được các thầy cô dạy dỗ trong phần lớn thời gian các cháu phát triển, khôn lớn.

Bởi đa phần học sinh hiện nay học bán trú, thời gian ở trường còn nhiều hơn ở nhà. Thời gian cha mẹ gần gũi để dạy dỗ con cái vì vậy cũng không được nhiều.

"Chính vì lẽ đó tôi nghĩ mình nên mang ơn, kính trọng thầy cô giáo nói chung cũng như những giáo viên đang dạy dỗ con mình. Tôi thật sự mang ơn những thầy cô đã dạy dỗ mình vì như các cụ xưa nói: Không thầy đố mày làm nên", bạn đọc Ánh bày tỏ.

Cùng chung ý kiến cần tôn trọng, chia sẻ với thầy cô, bạn đọc Phương Nguyên viết: "Vẫn biết đâu đó còn có những "hạt sạn" trong ngành giáo dục. Nhưng nên đồng hành, chia sẻ cùng với thầy cô để con em chúng ta được giáo dục ngày càng tốt hơn".

Sẻ chia

‘Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy’ - Ảnh 3.

Cô trò Trường THCS Cửu Long, quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Bên cạnh những ý kiến cho rằng cần "Tôn sư trọng đạo", rất nhiều phản hồi của bạn đọc cũng sẻ chia về những nỗi nhọc nhằn mà quý thầy cô đang phải chịu áp lực trong ngành giáo dục hiện nay.

Bạn đọc có nick name Saovaytroi cho biết các thầy cô ngoài công tác giảng dạy còn phải kiêm thêm nhiều việc không tên trong trường. Thậm chí còn bị trói buộc rất nhiều quy định tréo ngoe như chấm điểm thi đua cả với việc thầy cô hiến máu như lời kể lại của một giáo viên trong diễn đàn "Nỗi lòng nhà giáo".

"Đã là nghề giáo thì tiêu chí hàng đầu phải là trình độ và năng lực chuyên môn, kỹ năng sư phạm, đạo đức. Chứ tiêu chí thi đua chấm điểm gì mà hiến máu mới được cộng đến 3 điểm.

Hiến máu là một nghĩa cử đáng quý, đừng làm nó mất đi ý nghĩa vì những chỉ tiêu abc gì đấy. Nghề giáo ngày nay quá khổ!", bạn đọc Saovaytroi cũng than trời.

Cùng chia sẻ, bạn đọc Hồng Dinh viết: "Cảm ơn cô đã nói lên sự thật về nghề giáo hiện nay. Sở Giáo dục hãy loại bỏ các tiêu chí thi đua như hiến máu, nấu ăn, thu bảo hiểm y tế… không cần thiết đi, để giảm áp lực cho giáo viên". Bởi, "gia đình tôi có đứa con dạy cấp 3 mà cháu cứ xin nghỉ hoài vì quá áp lực công việc", bạn đọc Dinh viết thêm.

Đồng cảm cùng những giáo viên khác, bạn đọc Lê Văn Thịnh cho biết mình tốt nghiệp Đại học Sư phạn Huế và đứng trên bục giảng đã 33 năm.

"Nhiều lần tôi phản đối bộ trưởng lúc nào cũng nói giáo viên nghỉ việc vì lương. Nhưng xin thưa, giáo viên nghỉ việc vì bệnh thành tích, vì áp lực, nhất là "trường chuẩn", chứ không phải vì lương. Bởi lẽ khi chọn nghề, chúng tôi đã xác định lương hướng như thế nào rồi", thầy Lê Văn Thịnh trải lòng.

Bạn quan tâm và muốn chia sẻ thêm ý kiến gì về vấn đề trên? Nhân dịp 20-11, bạn muốn bày tỏ lòng biết ơn với những người thầy, người cô của mình cũng như quý thầy cô đang dạy dỗ con của bạn.

Mọi phản ảnh, góp ý, ý kiến, tâm sự... mời bạn gởi đến PHẢN HỒI TRONG NGÀY qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết.

Diễn đàn Diễn đàn 'Nỗi lòng nhà giáo': Ứng xử văn minh với thầy cô, được không?

TTO - "Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ hãy yêu lấy thầy" - câu ca ngàn đời vẹn nguyên giá trị nhắn nhủ thái độ tương kính, tri ân đối với những người đem cái chữ và nhân cách uốn rèn lớp trẻ nên nếp nên người.

ĐỨC TUYÊN tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên