04/06/2020 09:54 GMT+7

Mỹ gửi tín hiệu gì qua công hàm Biển Đông?

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Với động thái phản đối công khai và chính thức nhằm vào yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, giới quan sát nhận định với Tuổi Trẻ rằng Mỹ đang bắn tín hiệu cam kết lâu dài với an ninh ở vùng biển này.

Mỹ gửi tín hiệu gì qua công hàm Biển Đông? - Ảnh 1.

Trực thăng MH-60R hạ cánh trên tàu khu trục USS Mustin khi tiến hành chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải ngày 28-5 - Ảnh: Hải quân Mỹ

Trong một thông báo trên Twitter ngày 2-6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho hay đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) Kelly Craft đã gửi Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres một lá thư (một dạng công hàm), nhằm phản đối các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.

Hôm nay, Mỹ phản đối yêu sách hàng hải phi pháp của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ở Biển Đông tại Liên Hiệp Quốc. Chúng tôi bác bỏ những yêu sách phi pháp và nguy hiểm này. Các nước thành viên phải đoàn kết tuân thủ luật pháp quốc tế và tự do trên biển.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo

"Yêu sách phi pháp" của Trung Quốc

Lá thư trên là một dạng công hàm (tạm dịch từ "diplomatic notes") theo quy định của Bộ Ngoại giao Mỹ, trong đó nêu quan điểm chính thức của Mỹ đối với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.

Cụ thể trong lá thư đề ngày 1-6, đại sứ Craft nêu rõ nội dung này nhằm đáp lại công hàm CML/14/2019 của phái đoàn thường trực Trung Quốc tại LHQ ngày 12-12-2019. Phía Trung Quốc khi đó đã phản đối bản đệ trình xin công nhận thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Malaysia.

Trong thư, bà Craft cho rằng phía Trung Quốc đã trình bày những yêu sách quá mức, phi pháp, không phù hợp với luật quốc tế được phản ánh trong Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) 1982.

Bên cạnh đó, bà Craft cũng cho rằng những yêu sách ấy "mang mục đích can thiệp phi pháp vào quyền và tự do của Mỹ và tất cả các nước khác". Vì vậy "Mỹ cho rằng cần phải nhắc lại lập trường phản đối chính thức đối với những áp đặt bất hợp pháp này". Ngoài ra, đại sứ Craft khẳng định Mỹ đặc biệt phản đối cái Trung Quốc gọi là "quyền lịch sử" ở Biển Đông, vốn vượt quá quyền được có trên biển mà Trung Quốc có thể tuyên bố theo luật quốc tế, xét tới UNCLOS 1982.

Phía Mỹ cũng một lần nữa nhắc lại lập trường của Mỹ trong một dạng công hàm ngoại giao (note verbale) liên quan tới phán quyết của một tòa trọng tài thường trực ở The Hague (Hà Lan) năm 2016, trong đó đã bác bỏ yêu sách của Trung Quốc. Cho tới nay, Bắc Kinh vẫn không tuân thủ phán quyết này.

Lá thư của bà Craft vừa qua được viết ở ngôi thứ nhất, gửi LHQ, và vì vậy được xếp vào dạng "demarche", một dạng công hàm nêu quan điểm chính thức của Mỹ đối với các vấn đề quan tâm.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 3-6, TS James Kraska - giáo sư tại Trung tâm luật quốc tế Stockton (Đại học Hải chiến Mỹ) - đánh giá rằng có sự khác biệt đáng chú ý về ngôn từ trong công hàm của Mỹ.

"Thay đổi lớn nhất trong ngôn ngữ mà tôi có thể thấy, là việc chính quyền Mỹ đã mô tả yêu sách của Trung Quốc bằng cụm từ "yêu sách phi pháp", thay vì "yêu sách quá mức. Chữ "quá mức" ấy được đẩy mạnh dưới trào cựu tổng thống George W. Bush và Barack Obama. Hiện nay (sự thay đổi này) chứng tỏ quan điểm mạnh mẽ hơn" - chuyên gia Kraska chỉ ra.

Tính thời điểm

Lá thư của phía Mỹ vừa qua có thể xem là động thái công khai bày tỏ quan điểm lên LHQ đáng chú ý nhất của chính quyền Tổng thống Donald Trump về Biển Đông, kể từ sau công hàm năm 2016 nêu trên. Động thái này cũng được đưa ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung đang căng thẳng trên nhiều phương diện. Vấn đề là vì sao Mỹ chọn hành động vào lúc này?

Đầu tiên, học giả Carl Thayer - giáo sư danh dự ĐH New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc - lưu ý rằng phải mất 6 tháng từ ngày 12-12-2019 (thời điểm Malaysia gửi công hàm), Mỹ mới ra một văn bản phản đối đáp lại công hàm của Trung Quốc. Vì vậy xét tính thời điểm, hành động này có thể mang ảnh hưởng từ căng thẳng leo thang đặc biệt của Mỹ và Trung Quốc xung quanh đại dịch COVID-19.

Trong giai đoạn COVID-19, Mỹ và Trung Quốc đã có màn khẩu chiến liên quan tới nguồn gốc dịch bệnh, cũng như các màn căng thẳng, thậm chí chạm trán "thiếu an toàn" ở Biển Đông. Theo GS Thayer, thời gian qua tàu Hải quân Mỹ đã thực hiện nhiều chuyến đi trong khuôn khổ chiến dịch hoạt động bảo đảm tự do hàng hải (FONOPs), vì vậy gửi công hàm cũng là một cách Mỹ củng cố tính pháp lý, bảo vệ lý do cho các chuyến FONOPs của mình.

Điểm thứ hai, quan trọng hơn, ông Thayer phân tích rằng câu chuyện COVID-19 cũng càng đẩy mạnh tâm lý chống Trung Quốc trong chính quyền ông Trump, Quốc hội Mỹ cũng như dư luận Mỹ. Vì vậy Mỹ quyết định hành động vào lúc này.

Như vậy, Mỹ có vẻ đã bày tỏ lập trường trong cái gọi là "cuộc chiến công hàm", vốn dĩ cũng chứng kiến Indonesia, Việt Nam và Philippines phản đối các yêu sách của Trung Quốc. Kịch bản về một mặt trận pháp lý ở Biển Đông giữa một bên ủng hộ luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS 1982, và một bên ngó lơ phán quyết căn cứ theo UNCLOS 1982, đã dần rõ ràng hơn.

Khích lệ tôn trọng phán quyết Tòa trọng tài

Có thể nói lần đầu tiên Mỹ gửi một văn bản như vậy để phản đối các yêu sách của Trung Quốc thể hiện trong công hàm ngày 12-12-2019.

Văn bản này nối tiếp các văn bản của Philippines, Việt Nam và Indonesia thể hiện quan điểm trước báo cáo thềm lục địa mở rộng của Malaysia ngày 12-12-2019. Tất cả các văn bản liên quan của các quốc gia này đều phản đối các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông.

Điều này hàm ý Mỹ ủng hộ các quan điểm của các quốc gia ASEAN trên, và kiên quyết chống lại các yêu sách biển trái với luật biển quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Trong các văn bản liên quan của Malaysia, Philippines, Việt Nam, Indonesia và Mỹ mới đây đều thống nhất ở hai điểm chính. Thứ nhất, phản đối các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông trái với luật biển quốc tế, trong đó có UNCLOS. Thứ hai, tỏ ý tôn trọng và viện dẫn phán quyết 2016 của Tòa trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc.

Điều này rất quan trọng bởi vì Trung Quốc luôn tỏ ý coi thường phán quyết này mặc dù luôn miệng nói tuân thủ luật pháp quốc tế và UNCLOS. Tuyên bố của Mỹ sẽ khích lệ nhiều quốc gia ASEAN trong việc viện dẫn và tôn trọng phán quyết của Tòa trọng tài.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần chờ xem ngoài việc tuyên bố, Mỹ cần có các hành động cụ thể để giúp đưa phán quyết 2016 vào thực tế ra sao.

Hoàng Việt (chuyên gia nghiên cứu Biển Đông, Đại học Luật TP.HCM) - Duy Linh ghi

Mỹ gửi công hàm về Biển Đông lên Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc nói Mỹ gửi công hàm về Biển Đông lên Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc nói 'vô căn cứ'

TTO - Bắc Kinh phản pháo rằng Mỹ không phải là một bên ở Biển Đông và chưa là thành viên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982. Trong khi đó, dù là thành viên UNCLOS 1982, Trung Quốc liên tục vi phạm công ước này.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên